Đức Thánh Cha Phanxicô rời đi sau buổi tỏ lòng tôn kính tại đài tưởng niệm dành riêng cho các thủy thủ và người di cư bị mất tích trên biển, tại Vương cung thánh đường Đức Bà de la Garde ở Marseille, Pháp, vào thứ Bảy. Ảnh: Andreas So-laro/AFP/Getty Image


Theo trang mạng https://www.irishtimes.com, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Marseille vào thứ Sáu, đưa ra một thông điệp về sự khoan dung đối với vấn đề di cư, giữa lúc có tranh cãi gay gắt về cách tiếp cận của châu Âu đối với những người xin tị nạn.

Chuyến thăm kéo dài hai ngày tập trung vào các chuyến vượt Địa Trung Hải diễn ra vào thời điểm đang có cuộc tranh luận sôi nổi ở châu Âu về cách chia sẻ trách nhiệm đối với những người đến bằng thuyền từ Bắc Phi.

Nói chuyện với các phóng viên trên máy bay tới Marseille, Đức Thánh Cha đã được hỏi về những chiếc thuyền cập bến hòn đảo Lampedusa nhỏ bé của Ý, nơi hàng ngàn người đã đến vào tuần trước, đông hơn cư dân trong một thời gian ngắn.

“Tàn ác, thiếu nhân tính. Một sự thiếu nhân tính khủng khiếp”, ngài nói thế.

Những điều kiện khó khăn khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa và những rủi ro mà họ gặp phải khi làm như vậy là chủ đề chính trong thập niên Đức Phanxicô làm người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo.

Phát biểu tại Vatican Chúa nhật tuần trước, ngài nói rằng việc di cư “là một thách thức không hề dễ dàng... nhưng điều đó phải cùng nhau đối diện”. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết của “tình huynh đệ, đặt phẩm giá con người và những con người thực sự, đặc biệt là những người cần giúp đỡ nhất, lên hàng đầu”.

Quan điểm của Đức Giáo Hoàng về vấn đề di cư trái ngược với một số quốc gia ở Châu Âu đang nhấn mạnh đến hàng rào biên giới, việc hồi hương và khả năng phong tỏa hải quân để ngăn chặn làn sóng người tị nạn mới tràn vào.

AFP đưa tin, tại sân bay Marseille, Đức Giáo Hoàng đã được xe đẩy tới gặp Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne, người đang đợi trên đường sân bay để chào đón ngài. Sau đó, ngài đứng dậy khỏi xe lăn để chào mừng sự chào đón của ban nhạc quân đội.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bên cạnh Đức Tổng Giám Mục Marseille và Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline (trái), có bài phát biểu khi ngài tham gia buổi cầu nguyện Đức Mẹ với các giáo sĩ và tín hữu giáo phận tại Vương cung thánh đường Notre-Dame de la Garde ở Marse


Chuông vang lên từ vương cung thánh đường Notre Dame de la Garde ở Mar-seille khi Đức Giáo Hoàng đến đó để chủ sự buổi cầu nguyện, trước khi ngài tổ chức buổi cầu nguyện liên tôn tại một tượng đài gần đó dành riêng cho những người đã chết trên biển.

Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc ước tính hơn 28,000 người đã thiệt mạng khi cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu kể từ năm 2014.

Đức Phanxicô chủ trì phiên họp bế mạc cuộc họp của các giám mục Công Giáo Địa Trung Hải, nhưng chuyến viếng thăm của ngài tới Marseille nhằm mục đích gửi một thông điệp vượt xa các tín hữu Công Giáo tới Châu Âu, Bắc Phi và xa hơn nữa.

Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng tới thành phố lớn thứ hai của Pháp sau 500 năm. Dự kiến hơn 100,000 người sẽ đến đón vị giáo hoàng 86 tuổi trên chiếc giáo hoàng xa của ngài vào thứ Bảy.

Tổng thống Pháp, Emman-uel Macron, sẽ gặp Giáo Hoàng để nói chuyện riêng vào thứ Bảy trước khi tham dự một thánh lễ với gần 60,000 người.

Sau khi 8,500 người đổ bộ lên Lampedusa trong ba ngày, Liên hiệp Châu Âu (EU) hứa sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho Rome. Tuy nhiên, Pháp, trong bối cảnh đang tranh cãi về dự thảo luật nhập cư dự kiến thông qua vào mùa thu này, cho biết họ sẽ không chấp nhận bất cứ ai từ hòn đảo này.

François Thomas, người đứng đầu SOS Mediterra-née có trụ sở tại Marseille, nơi điều hành một chiếc thuyền cứu hộ người di cư, cho biết: “Chúng tôi đang mong đợi những lời nói rất mạnh mẽ” từ Giáo Hoàng. “Chính nhân tính của chúng ta đang chìm tầu nếu Châu Âu không làm gì cả.”

Trong khi đó, một số người thuộc phe cực hữu của Pháp nhắm vào thông điệp chào mừng của Đức Thánh Cha về vấn đề nhập cư. Marion Maréchal, cháu gái của Ma-rine Le Pen và là ứng cử viên cho cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào năm tới của đảng Reconquête do chuyên gia truyền hình cực hữu Éric Zemmour lãnh đạo, cho biết vào tuần trước: “Tôi không đồng ý với Đức Giáo Hoàng Phan-xicô. Ông ấy có lăng kính của một vị giáo hoàng Nam Mỹ, người không thực sự biết loại hình nhập cư mà chúng ta biết và rõ ràng là người không nhận thức đầy đủ những gì chúng ta đang giải quyết.”