Ý nghĩa ngày Chúa Nhật

Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày mừng Đức Ki-tô phục sinh, ngày cử hành mầu nhiêm Thánh Thể, ngày nghỉ việc, ngày nếm cảm trước tiền vị của Thiên Đàng. Vì vậy, bài này có hai phần : một phần nghiên cứu và một phần thực hành. Phần nghiên cứu đề cập đến nguồn gốc Ngày Chúa Nhật trong Kinh Thánh và mầu nhiệm Ngày Chúa Nhật trong các tác phẩm của các Giáo Phụ. Phần thứ hai là phần thực hành bàn về việc chuẩn bị ngày Chúa Nhật cũng như cách thế cử hành và sống ngày đó. Nhưng trước khi vào bài, tưởng cũng nên nhắc lại giáo huấn của Công Đồng Va-ti-ca- nô II về Ngày Của Chúa trong Hiến Chế Phung Vụ số 102 và 106, vì hai số này là căn bản cho những suy diễn trong toàn bài.

Số 102 đưa ra định nghĩa về Ngày Chúa Nhật và trình bày Năm Phụng Vụ như môt cuộc mừng kính mầu nhiệm cứu chuộc với những lời lẽ như sau : “Mẹ chúng ta là Hội Thánh thấy mình có bổn phận phải mừng kính mầu nhiệm cứu chuộc của Bạn Trăm Năm, bằng một cuộc tưởng nhớ thiêng thánh với những ngày cố định trong suốt cả năm. Mỗi tuần vào ngày gọi là Ngày Của Chúa, Hội Thánh tưỏng nhớ cuộc phục sinh của Người. Cuộc phục sinh này cũng là chính cuộc phục sinh mà Hội Thánh cử hành long trọng mỗi năm một lần để tưởng nhớ cuộc thọ hình của Chúa trong Đại Lễ Vượt Qua.

Số 106 diễn tả chi tiết hơn các dạng khác nhau của ngày Chúa Nhật với cốt ý là ngày các tín hữu họp nhau để mừng mầu nhiệm Chúa Ki-tô phục sinh mà ngọn nguồn có từ thời Tân Ước. Số này nói như sau : “Hội Thánh kính mừng mầu nhiệm phục sinh dựa vào truyền thống của các Tông Đồ có ngay từ chính ngày Đức Ki-tô phục sinh, ngày thứ tám được gọi cách chí lý là Ngày Của Chúa “. Bản văn này tuy vắn gọn, nhưng cũng cho thấy một cách chính xác bản tính và danh xưng của ngày Chúa Nhật : bản tính là ngày mừng kính mầu nhiệm phục sinh và danh xưng là ngày Chúa Nhật. Phần kế tiếp của bản văn nói về luật buộc phải thánh hoá ngày Chúa Nhật và trình bày nền tảng của luật này, căn cứ vào hiệu quả ân sủng ngày đó mang lại cho những người biết thánh hoá ngày ấy. Đoạn này nói : “Quả vậy, ngày hôm đó, các tín hữu phải hội họp nhau để nghe Lời Chúa và tham dự Thánh Lễ mà nhớ lại cuộc thương khó và phục sinh của Đức Ki-tô và tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động nhờ Đức Ki-tô đã từ cõi chết sống lại” (1 Pr 1,3). Hai câu cuối cùng của số 106 cho thấy kết quả về phương diện mục vụ và phụng vụ phát xuất từ bản tính của ngày Chúa nhật là ngày mừng kính hàng tuần trình bày mầu nhiệm phục sinh. Hai câu đó viết rằng : “Ngày Chúa Nhật là ngày lễ quan trọng bậc nhất, nên phải trình bày và ghi sâu vào tâm trí giáo dân cho họ sốt sắng tuân hành, ngõ hầu ngày ấy trở thành ngày vui vẻ và ngày nghỉ việc. Những ngày lễ khác, trừ khi là những lễ tối ư quan trọng, không được lấn át ngày Chúa Nhật, vì Chúa Nhật là nền tảng cốt lõi của tất cả Năm Phụng Vụ”. Xem đấy, tuy không coi nhẹ việc nghỉ ngày Chúa Nhật, nhưng Công Đồng cũng chỉ dành cho việc nghỉ ngày Chúa Nhật một giá trị tương đối, nghĩa là vì Chúa Nhật là lễ trọng vào bậc nhất nên Chúa Nhật là một ngày vui trước rồi mới là một ngày nghỉ sau.

Bản văn Công Dồng này đã thu tóm được ý nghĩa và mục đích của ngày Chúa Nhật. Đó.là kết quả của bao năm tìm tòi và thử nghiệm trong lãnh vực phụng vụ và mục vụ. Bây giờ xin đi vào chi tiết để tìm hiểu ngọn nguồn của ngày Chúa Nhật trong Kinh Thánh và trong các tác phẩm của các Giáo Phụ.

Ngày Chúa nhật trong Kinh Thánh

1. Nguồn gốc


Theo tài liệu Công Đồng trích dẫn trên đây, Hội Thánh kính mừng mầu nhiệm Phục Sinh vào chính ngày Đức Giê-su sống lại. Về nguồn gốc lập ra ngày Chúa Nhật thì các sử gia chấp nhận một cách dễ dàng, chỉ có mối tương quan giữa ngày Chúa Nhật và ngày sa-bát là gây tranh cãi mà thôi.

Ngày thứ nhất trong tuần trở thành ngày của Chúa

Lịch sử ngày Chúa Nhật bắt đầu bằng cuộc sống lại của Đức Ki-tô vào ngày thứ ba sau khi Người chịu chết và ngày thứ nhất trong tuần lễ Do Thái. Chính Người đã ghi dấu đặc biệt vào ngày thứ nhất sau ngày sa-bát, bằng cách chọn ngày đó để ra khỏi mồ. Các tác giả sách Tin Mừng đã tường thuật biến cố này thật là khúc chiết. Nhưng đây không phải là tường thuật một sự kiện lịch sử, vì trong những bài tường thuật đó đã thấy lộ ra những yếu tố đạo lý về việc kính mừng ngày Chúa Nhật.

Ngày Phục Sinh

Sáng ngày thứ nhât trong tuần, Đức Ki-tô đã sống lại và hiện ra với các người thân. Sau khi đã hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la và mấy phụ nữ khác rồi ông Phê-rô, chính ngày hôm đó, Người lại hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau. Các ông này nhận ra Chúa, khi Người bẻ bánh chia cho các ông. Sau đó Người hiện ra với các Tông Đồ đang hội nhau ở nhà Tiệc Ly. Người ăn với các ông và nói : “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha.”(Ga 20, 21-23)

Tất cả những sự việc trên diễn tả một cách dầy đủ ngày Chúa Ki-tô phục sinh. Đây là biến cố chính yếu của lịch sử cứu độ. Biến cố này ghi dấu đến muôn đời ngày thứ nhất trong tuần. Mầu nhiệm mà ngày nay chúng ta cử hành trong các ngày Chúa Nhật đã có từ ngày Chúa phục sinh.

Tám ngày sau

Nhưng nếu chỉ có Chúa Nhật thứ nhất này thì chưa có gì khiến người ta cử hành ngày ấy mỗi tuần một lần như một ngày lễ. Phải có một ngày khác nữa, đó là sau khi hoàn thành mầu nhiệm cứu chuộc vào một ngày lịch sử, Chúa Ki-tô đã phân biệt ngày này với sáu ngày khác. Người đã tách biệt, thánh hoá và làm cho ngày đó thành ngày riêng của Người. Tám ngày sau, Người lại hiện ra với các môn đệ, ngày Chúa Nhật của chúng ta hiện nay đã bắt đầu từ ngày ấy, ngày kỷ niệm tám ngày sau khi Chúa Giê-su sống lại, ngày Chúa Nhật của tông dồ Tô-ma. Ngay từ tuần Bát Nhật Phục Sinh, ngày thứ nhất trong tuần đã được ấn định là ngày Chúa hiện ra với các môn đệ. Không thấy nói Người hiện ra với các môn đệ vào một ngày nào khác. Các cuộc gặp gỡ giữa Người với các môn đệ đều diễn ra vào ngày Chúa Nhật. Đó là nguồn gốc các buổi gặp gỡ đầu tiên giữa các tín hữu. Thánh Gio-an tường thuật giai đoạn này như sau :

“Tám ngày sau, Đức Giê-su lại có mặt trong nhà đó, lần này có cả ông Tô-ma nữa. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em” rồi Người bảo ông Tô-ma : “Dặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma thưa với Người : “Lạy Chúa ! Lạy Thiên Chúa của con”. Đức Giê-su bảo : “Vì thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những người không thấy mà tin !” (Ga 20, 26-29)

Xưa nay đọc đoạn Tin Mừng vắn tắt này, thường người ta chỉ chú trọng đến cuộc hiện ra của Chúa Giê-su và sự cứng lòng tin của ông Tô-ma nhiều hơn là những gì khác. Điều này không sai. Nhưng ở đây còn hai yếu tố khác sẵn có để làm nền tảng cho giáo lý về ngày Chúa Nhật, đó là các đấu đanh và sự cần thiết phải có lòng tin. Khi tỏ các dấu đanh cho ông Tô-ma là Người muốn đặt thánh giá vào trung tâm cuộc cử hành phụng vụ và đòi ông Tô-ma phải tin, là Người muốn rằng khi cử hành phụng vụ, người cử hành phải tin và qui tụ các tín hữu lại với nhau.

Ngày thứ nhất, ngày lễ hàng tuần

Ngoài các sách Tin Mùng, sách Công Vụ Tông Đồ cũng cho thấy vị trí của ngày thứ nhất đối với các tín hữu thuộc thế hê đầu. Theo chương XX thì ngày Chúa Nhật đã có từ thời thánh Phao-lô, khi ngài đi khắp nơi để lập các giáo đoàn : “Ngày thứ nhât trong tuần, chúng tôi họp nhau làm lễ bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em và vì hôm sau ông ra đi nên ông đã kéo dài cuộc nói truyện mãi tới nửa đêm”. (Cv 20, 7)

Thánh Phao-lô cũng xin tín hữu Cô-rinh-tô quyên cúng vào ngày thứ nhất. Ngày Chúa Nhật đã được đặt làm ngày cố định để họp nhau. Đó là ngày Đấng Phục Sinh ngồi đồng bàn với các môn đệ. Chỉ cần các Ki-tô hữu họp nhau lại ngày hôm đó là Chúa Ki-tô hiện diện một cách đặc biệt.

Trong các giáo đoàn do thánh Phao-lô thành lập, ngày Chúa Nhật vẫn giữ kiểu Do Thái là ngày hôm sau ngày sa-bát hay ngày thứ nhất trong tuần; chỉ trong sách Khải Huyền mới thấy tên riêng là Ngày Của Chúa : “Tôi đã xuất thần vào Ngày Của Chúa và nghe đàng sau tôi một tiếng lớn như tiếng kèn”. (Kh 1,10) Ngày Chúa nhật đã được cử hành ngay từ thời đó như một ngày lễ hàng tuần để tôn kính Chúa Giê-su Ki-tô. Có lẽ khi dùng cụm từ Ngày Của Chúa, người ta muốn dùng kiểu nói đó để tôn vinh Đức Ki-tô là Chúa, nghĩa là Chủ Tể càn khôn, Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết. Trong sách Khải Huyền thường thấy phảng phất biểu tượng Phục Sinh. Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an cũng thấy nói đến Ngày Của Chúa.

Ngày Phục Sinh, ngày thứ nhất trong tuần đã khai mở một chương trình cứu độ mới, một nền phụng vụ mới vượt trên các ngày lễ Do Thái, một cách thờ phượng mới trong tinh thần và chân lý. Tất cả Tin Mừng theo thánh Gio-an đều xây dựng trên mầu nhiệm Phục Sinh. Đó là nhận xét của nhiều nhà chú giải Thánh Kinh và sử học gần đây như Y.B. Trémel, M.E. Boismard, D. Mollat và A. Jaubert. Những nhận xét này củng cố thêm xác tín đã có từ lâu về nguồn gốc ngày Chúa Nhật phát xuất từ thời các Tông Đồ.

Ngày Chúa Nhật đã thay thế ngày sa-bát thế nào?

Nét độc đáo của ngày Chúa Nhật


Một sự kiện rất đáng chú ý là ngày Chúa Nhật đã được Hội Thánh lập ra. Đôi khi có người lầm tưởng rằng đó là ngày sa-bát chuyển qua, nhưng không phải. Giữa ngày sa-bát và ngày Chúa Nhật, tuy có một mối liên hệ lịch sử, vì ngày Chúa phục sinh diễn ra vào ngày hôm sau ngày sa.-bát, nhưng về nội dung thì ngày Chúa Nhật có một nội dung tôn giáo độc lập và đặc biệt. Vì thế, nền tảng của ngày Chúa Nhật không phải là ngày sa-bát Do Thái. Có hai lý do minh chúng điều này, đó là :

Ngay từ đầu và trong thời gian Hội Thánh hiện hữu trong khung cảnh Do Thái Giáo, ngày Chúa Nhật được đặt thêm vào ngày sa-bát. Các Tông Đồ vẫn giữ ngày sa-bát, cộng đoàn các môn đệ vẫn tiếp tục cử hành việc thờ phượng trong khung cảnh Do Thái Giáo và thiết lập thêm cách thế thờ phượng riêng. Tiếp đó là ngay từ đầu, lúc đang còn cùng chung với ngày sa-bát cho tới khi tách riêng ra cho những người không phải từ Do Thái giáo vào đạo, ngày Chúa Nhật không có dáng dấp gì với ngày sa-bát cả. Ngày sa-bát nhấn mạnh đặc biệt đến sự nghỉ việc và coi đó là yếu tố quan trọng bậc nhất, còn ngày Chúa Nhật cốt yếu là việc thờ phượng chung, đòi phải dành ra một số giờ rảnh rỗi cần thiết để lo việc thờ phượng Chúa.

Ngoài ra, lại còn một vấn đề nữa khiến cho ngày Chúa Nhật khác với ngày sa-bát, đó là ngày sa-bát chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài, còn ngày Chúa Nhật chú trọng đến ý nghĩa nội tại, dựa vào thái độ của Chúa Giê-su, các Tông Đồ và đặc biệt trong thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Híp-ri.

Liên hệ giữa ngày sa-bát và Chúa Nhật

Tuy Chúa Nhật không thay thế ngày sa-bát và cũng không phải là ngày sa-bát kéo dài sang, nhưng giữa hai ngày đó vẫn có một vài liên hệ. Đó là liên lạc giữa việc thờ phượng và sự nghỉ việc, nhưng đó chỉ là liên lạc thực tế hơn là chính yếu. Quả thật, trong ngày sa-bát người Do Thái có đến hội đường để nghe sách luật và phải nghỉ việc hoàn toàn cũng như người Công Giáo phải đi lễ và kiêng việc xác. Hiểu như thế thì có liên hệ, còn ngoài ra thì ít liên hệ, lại còn khác nhau nữa vì như đã nói, Chúa Nhật cốt yếu là ngày thờ phượng, còn nghỉ việc chỉ là phụ thuộc và tương đối. Đàng khác, mãi đến thế kỷ VI Hội Thánh mới buộc phải kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và dần dần sau này mới cho việc nghỉ việc ngày Chúa Nhật là một yếu tố gắn liền với Ngày Của Chúa

Ngày Chúa Nhật trong tác phẩm của các Giáo Phụ

Vấn đề này đã được một số tác giả nghiên cứu và trình bày như ĐHY Daniélou trong hai tác phẩm Le Jour du Seigneur và Bible et liturgie; Cha J. Hild trong bài Dimanche et vie pascale; cha B. Haring trong La loi du Christ; cha Jounel trong cuốn L’Église en prière và cha Rouillard trong bài : Les Pères : signification du Dimanche. Dưới đây là mấy điểm chính của các Giáo Phụ về ngày Chúa nhật.

Dối với các tín hữu cũng như các Giáo Phụ trong mấy thế kỷ đầu thì nét độc đáo của ngày Chúa Nhật không phải là ngày nghỉ việc. Mãi đến thời vua Công-tăng-ti-nô thế kỷ IV, việc nghỉ ngày Chúa Nhật mới phổ cập. Ngoài ra, nét độc đáo cũng không phải ngày đó là ngày phải đi lễ cho bằng ngày đó là ngày chứa đựng một mầu nhiêm mà không ngày nào khác có được. Nghỉ hay không nghỉ, có lễ hay không có lễ, ngày Chúa Nhật vẫn là ngày của Chúa, ngày Chúa đã thánh hoá và hiến thánh một cách độc đáo nên đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Khi cứu xét các liên quan giữa ngày Chúa Nhật với Chúa Ki-tô, các giáo phụ thấy có ba yếu tố : Chúa Nhật là ngày tưởng niệm cuộc Phục Sinh; Chúa Nhật là dấu hiệu sự hiện điện của Chúa giữa các môn đệ; Chúa Nhật, ngày thứ tám là hình ảnh thế giới tương lai.

Ngày tưởng niệm cuộc Phục Sinh

Cử hành kính mừng ngày Chúa Nhật đối với cộng đồng Ki-tô hữu trước hết là nhớ rằng Đức Ki-tô đã phục sinh. Sự phục sinh này là căn bản và đối tượng của đức tin, là bảo đảm niềm hy vọng và ơn cứu độ ngay từ bây giờ và ngay cả trong thế giới bên kia. Theo thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a thì Chúa Nhật là nguyên lý làm cho Ki-tô hữu khác với người theo đạo Do-Thái : “Những ai trước kia sống theo trật tự cũ thì bây giò đạt được niềm hy vọng mới, không phải giữ luật sa-bát nữa, nhưng sống theo ngày của Chúa, ngày mà cuộc đời của chúng ta bừng lên nhờ Người và nhờ cái chết của Người”. (Épitre aux Malésiens 9,1)

Khi kính mừng ngày Đức Ki-tô phục sinh là chúng ta nhớ đến cái chết của Người trên thập giá, nhớ đến cuộc phục sinh bất khả phân ly giữa cái chết và sự sống lại của Người. Tác giả Êu-sê-bi-ô thành A-lê-xan-ri-a thế kỷ V viết : “Chúa Nhật là ngày tưởng niệm Đức Ki-tô, một bản ghi nhớ đầy đủ về chương trình cứu độ. Ngoài việc tưởng niệm cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô, Chúa Nhật còn là khởi điểm phát sinh một cuộc tạo thành mới. Thế giới này từ khởi thuỷ đã được dựng nên tốt đẹp và có trật tự hài hoà, nhưng tội lỗi đã làm cho nó ra vẫn đục và nên xáo trộn. Thế giới hư hỏng đó, trong buổi sáng Phục Sinh, được tái tạo nhờ cái chết và cuộc chiến thắng tội lỗi của Đức Ki-tô”.

Cha Rouillard trong bài Les Pères : signification du Dimanche cũng viết : “ Mỗi Chúa Nhật nhắc cho chúng ta cuộc tái tạo này, cuộc tái tạo sau biến cố Phục Sinh. Không những nhắc lại mà còn tiếp tục và đổi mới trải qua thời gian. Bởi đó, Chúa Nhật biện minh cho danh hiệu Chúa Nhật là ngày thứ nhất và cho vị trí được đặt ở đầu tuần lễ. Khi kính mừng Đức Ki-tô phục sinh vào mỗi Chúa Nhật, Ki-tô hữu phải nhớ rằng mình là người phục sinh cũng như Người đã phục sinh. Trong suốt cuộc đời, việc kính mừng ngày Chúa Nhật giúp họ cởi bỏ con người cũ và được dựng nên theo hình ảnh Đức Ki-tô.

Dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Ki-tô

Chúa Nhật không phải là ngày chỉ đưa chúng ta trở về với việc tưởng nhớ dĩ vãng mà thôi nhưng còn tập trung chúng ta lại chung quanh Đức Kitô đang hiện điện một cách vô hình. Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày Chúa hiện diện giữa con cái mình. Đó là ngày của cộng đoàn, ngày thực hiện và biểu dương sự hợp nhất của Hội Thánh. Trong sách Giảng Huấn của các Tông Đồ có lời trách móc sau đây : “Hãy rao truyền và thuyết phục dân phải trung thành với việc hội họp này để đừng ai làm cho thân thể Đức Ki-tô bớt đi một thành phần. Anh em đừng tự khinh mình, đừng để cho Đấng Cứu Chuộc chúng ta phải phải thiếu các thành phần, đừng xâu xé và phân tán thân thể của Người”.

Ngày Chúa Nhật giáo dân qui tụ nhau tại nhà thờ, tập trung quanh bàn thánh, đó là hình ảnh sự hợp nhất của Hội Thánh địa phương và nhờ vậy, bằng các cử chỉ tương thân tương ái, sự hiệp nhất của Hội Thánh phổ cập được biểu lộ. Do đó, thánh Gút-ti-nô viết : “Ngày hôm đó, ai dư giả và muốn thì cho tuỳ ý. Thu được cái gì thì nộp cho vị chủ toạ và vị này đem giúp những kẻ mồ côi, nghèo khổ và đau yếu”.

Khi hội họp nhau như thế, các Ki-tô hữu không nhằm gặp nhau cho bằng gặp nhau chung quanh Đức Ki-tô. Cuộc họp của họ chỉ có đầy đủ ý nghĩa khi có Chúa hiện điện giữa họ. Chúa hiện diện giữa họ trong thánh lễ, vì thánh lễ là dấu hiệu về sự hiện diện của Người. Chính qua thánh lễ mà Chúa gặp lại con cái mình, đưa họ dần dần tiến tới tình trạng phục sinh của Người và xây dựng Hội Thánh. Ngày Chúa Nhật là ngày tốt nhất để cử hành thánh lễ. Các Ki-tô hữu phải tạm bỏ tất cả những công việc khác để tham dự thánh lễ. Về vấn đề này, sách Giảng Huấn của các Tông Đồ dạy ràng : “ Anh em đừng để các công việc phần đời lên trên Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật. Hãy bỏ tất cả và siêng năng đến nhà thờ, vì đó là nơi anh em dâng lời ngợi khen lên Thiên Chúa. Chẳng vậy thì những người không hội nhau vào ngày của Chúa để nghe lời ban sự sống và nuôi dưỡng mình bằng của ăn thánh tồn tại đến muôn đời sẽ lấy gì để bào chữa trước nhan Người?”.

Vì vậy, ngày Chúa Nhật đối với các giáo Phụ cũng là ngày vui. Không vui làm sao được khi mừng Chúa sống lại và chính mình cũng đang tập sống như người đã phục sinh? Niềm vui phát ra từ các bài tường thuật Chúa hiện ra trong các sách Tin Mừng cũng phải là niềm vui của chúng ta trong các ngày Chúa Nhật. Tác giả thư của thánh Ba-na-na tông Đồ vào khoảng năm 135 viết : “Chúng tôi vui vẻ sống ngày thứ tám này, ngày Đức Giê-su phục sinh và sau khi đã hiện ra thì lên trời.” Theo sách Giảng Huấn của các Tông đồ thì ai buồn phiền trong ngày đó là “mắc tội”. Đầu thế kỷ V, ĐGH I-nô-xen-tê cũng viết là mỗi Chúa Nhật đều rực sáng lên niềm vui phục sinh. Vì thế, ngày hôm đó không phải làm các việc hy sinh hãm mình kể cả xưng tội. Người ta đứng mà cầu nguyện. Giáo phụ Te-tu-li-a-nô đã nhắc lại điều này và thánh Phê-rô thành A-lê-xan-ri-a giải thích : “Chúng tôi mừng ngày Chúa Nhật như một ngày vui vì Đấng sống lại ngày hôm đó. Ngày hôm đó, chúng tôi có thói quen không quỳ gối”. Còn thánh Ba-si-li-ô thì nói : “Vì chúng tôi sống lại với Đức Ki-tô và phải tìm kiếm những sự trên trời nên trong ngày Phục Sinh, chúng tôi nhớ lại ơn đã nhận được mà ở trong thế đứng.”

Hình ảnh thế giới tương lai

Ngày xưa Chúa đã sống lại và bây giờ hiện diện trong cộng đoàn đang tụ họp để cử hành lễ, cũng là Đấng sẽ trở lại trong oai hùng rực rỡ đế phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tín điều này làm cho ngày Chúa Nhật mang tính cánh chung. Cũng như tất cả các dấu hiệu bí tích, ngày Chúa Nhật không những quay về dĩ vãng mà còn hướng về tương lai nữa. Mối tương quan giữa Chúa Nhật với tương lai đòi đời mà ngày Chúa Nhật loan báo và chuẩn bị, chiếm một vị trí quan trọng các lời giảng huấn của các Giáo Phụ, Nhiều Giáo Phụ nghĩ rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại trần gian để phán xét kẻ sống và kẻ chết và

“Nếu các Ki-tô hũu có họp nhau lại ngày hôm đó thì cũng là để chờ Chúa đến và nói với Người tha thiết hơn : Xin đến, lạy Chúa Giê-su xin đến, với hy vọng thầm kín là sẽ được Chúa chấp nhân ngay chính ngày hôm đó.”

Ngày Chúa Nhật tượng trưng cho chúng ta vương quốc vô tận, sự nghỉ ngơi đời đời bên Chúa, lời ca tụng muôn đời bên cạnh Con Chiên với muôn ngàn thần thánh trên trời, Vì thế phải nhìn ngày đó như hình ảnh của thế giới tương lai. Dó cũng là điều các Giáo Phụ muốn diễn tả khi suy nghĩ về con số tám. Quả vậy, ngày Chúa Nhật nếu là ngày thứ nhất thì cũng là ngày thứ tám như thánh Giút-ti-nô nói : “Ngày thứ nhất cũng gọi là ngày thứ tám, nếu tinh ngày đó sau các ngày trong tuần lễ. Dù tính như vậy, nhưng vẫn là ngày thứ nhất.”

Đối với thánh nhân, ngày thứ tám lại còn chứa đựng một mầu nhiệm. Ban đầu ngưới ta muốn lấy ngày Chúa Nhật đối lại ngày sa-bát, khi bảo rằng ngày thờ phượng của người Ki-tô hữu cứ lặp lại sau tám ngày chứ không phải bẩy ngày. Con số tám tượng trưng cho sự viên mãn, cho thế giới tương lai, vì trong đó có bao hàm sự năng động của ngày Chúa phục sinh. Thánh Ba-si-li-ô áp dụng áp dụng tư tưởng trên cho ngày Chúa Nhật khi dạy rằng : “Đó là ngày không cùng, không hề có buổi chiều cũng chảng có ngày hôm sau, đó là thế kỷ bất hủ chẳng bao giờ tàn”.

Như vậy, ngày thứ tám, ngày Chúa Nhật là hinh ảnh và điềm tiên báo thế giới tương lai và sự sống đời đời, ngày tưởng niệm Đức Ki-tô sống lại, đó cũng là một bảo dảm cho ngày Người sẽ trở lại, một bảo đảm cho chúng ta được tham dự đầy đủ vào mầu nhiệm phục sinh.

II Phần thực hành

Phần thực hành bàn về việc chuẩn bị ngày Chúa Nhật cũng như cách thế cử hành và sống ngày đó, điều này có tính cá nhân nhiều hơn và tuỳ theo kinh nghiệm, sự sắp xếp của mỗi người hơn là những gì khác. Vì thế, không thể hệ thống hay kiểu thức hoá như một bản mẫu hay một sơ đồ cho mọi người rập khuôn được. Chỉ có một điều phải nói là theo cách nào đi nữa thì vẫn phải chuẩn bị, nếu muốn cho ngày Chúa Nhật hữu ích cho cả linh mục lẫn giáo dân và đạt được hiệu năng về phương diện mục vụ. Thường giáo dân hay kêu linh mục làm lễ quá nhanh hay quá chậm, giảng dài, giảng lung tung người nghe không bắt được ý, đọc các lời nguyện và kinh nguyện Thánh Thể ào ào như máy, không có hồn, không có sức cảm hoá và lay động người nghe. Về việc hát xướng thì linh mục thường để cho ca đoàn tuỳ tiện, muốn hát thế nào thì hát, muốn hát bài nào cũng được bất kể hợp phụng vụ hay không, Về việc giảng thì có những linh mục xem ra như không soạn bài, vì ỷ mình có tài ăn nói lưu loát trước công chúng và làm việc như công chức.

Về phía linh mục thì có vị phải làm quá nhiều lễ và bận nhiều việc trong ngày Chúa Nhật : nào là làm lễ, dạy giáo ly, chầu phép lành, nào là sinh hoạt đủ thứ v.v… khiến cho ngày Chúa Nhật chẳng còn gì là thảnh thơi, nghỉ ngơi hay giải trí cả tinh thần lẫn thể xác. Do đấy ngày Chúa nhật chẳng còn ý nghĩa bao nhiêu như đúng ra nó phải có.

Vậy nói tóm lại, phải tìm hiêu ý nghĩa của ngày Chúa Nhật, cố gắng thực thi và đem ra áp dụng.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.