1. Đức Thánh Cha cảm thấy khó thở vì hậu quả của thuốc mê

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cảm thấy khó thở vì hậu quả của việc gây mê trong ba giờ đồng hồ, chiều ngày 07 tháng Sáu vừa qua, để phẫu thuật ở bụng dưới.

Đức Thánh Cha tiết lộ như trên, trong buổi tiếp kiến các tham dự viên khóa họp thứ 96 của các tổ chức bác ái trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, gọi tắt là ROACO, hôm 22 tháng Sáu mới đây. Đức Thánh Cha không đọc bài diễn văn dọn sẵn, nhưng trao cho mọi người để đọc sau và ngài chỉ nói ít lời chào thăm họ.

Đức Thánh Cha cũng đã nhiều lần cho biết việc tiêm thuốc mê làm cho ngài có những hậu quả khó chịu, đặc biệt sau lần phẫu thuật ruột già hồi tháng Bảy năm 2021 và bị cắt bỏ 33 centimet ruột, và vì thế ngài đã nhiều lần từ chối không chịu phẫu thuật để chữa bệnh đau đầu gối.

Mặt khác, hôm 22 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp Video trấn an những người lo rằng ngài sẽ không thể đến gặp các bạn trẻ thế giới tại Ngày Quốc tế Giới trẻ, vào đầu tháng Tám năm nay ở Lisbon, Bồ Đào Nha vì bệnh tình của ngài. Đức Thánh Cha nói: “Bác sĩ đã nói với tôi rằng tôi có thể đi, và tôi mong đến ngày đó, tôi sẽ gặp các bạn. Vậy, chúng ta hãy tiến bước. Còn 40 ngày nữa, giống như một Mùa chay, cho đến ngày gặp gỡ ở Lisbon!”

Đức Thánh Cha cũng gửi một sứ điệp Video thứ hai để khích lệ và cám ơn những người từ lâu đang cộng tác vào việc chuẩn bị và tiến hành Ngày Quốc tế Giới trẻ. Ngài nói: Tôi biết các bạn đang dành giờ này sang giờ khác để làm cho Ngày Quốc tế Giới trẻ có thể tiến hành. Khó khăn nhất sẽ đến sau đó, khi mà trong Ngày Quốc tế Giới trẻ, các bạn phải duy trì các cơ cấu về trật tự, sức khỏe, lương thực, vệ sinh, và bao nhiêu thứ cần thiết khác. Các bạn không xuất hiện như những nhân vật chính của Ngày Quốc tế Giới trẻ, nhưng chính các bạn là những người làm cho ngày này có thể diễn ra được. Vì thế, tôi nhiệt liệt cám ơn các bạn”.

2. Công nhận các nhân đức anh hùng của chị Lucia

Hôm 22 tháng Sáu vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Tuyên thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của chị Lucia dos Santos, người lớn nhất trong số ba mục đồng đã được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, năm 1917.

Với sắc lệnh này, từ nay chị Lucia được gọi là “Đấng Đáng kính” và cần có một phép lạ được công nhận để có thể được phong chân phước.

Chị Lucia dos Santos sinh ngày 28 tháng Ba năm 1907, cùng với hai em họ Francesco và Giacinta Marto, đã được Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên ngày 13 tháng Năm năm 1917, tại Cova da Iria, Fatima, Bồ Đào Nha. Hai người em họ này qua đời vì dịch sốt Tây Ban Nha và được Đức Thánh Cha Phanxicxe hơin phong hiển thánh hồi năm 2017.

Chị Lucia là người duy nhất còn sống sót và cẩn giữ sứ điệp của Đức Mẹ. Do sự thúc đẩy của Đức Cha José Alves Correia da Silvia, chị đã ghi lại trong bốn văn kiện, từ năm 1935 đến 1941. Một tài liệu khác, được viết ra năm 1944, có chứa đựng “bí mật thứ ba” và được gửi về Roma và được mở ra lần đầu tiên năm 1960, nhưng không được thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI công bố.

Thánh Gioan Phaolô II, người có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Fatima, đã công bố bí mật này hồi năm thánh 2000.

Chị Lucia về sau đã vào Dòng kín Cát Minh ở Coimbra và qua đời tại đây, ngày 13 tháng Hai năm 2005, thọ 98 tuổi. Ngày 13 tháng Năm năm 1967, chị đã đến Fatima để gặp Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, và cũng vậy, vào ngày 13 tháng Năm năm 1982 để gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi các ngài đến viếng thăm Fatima.

Sau khi chị Lucia qua đời, cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã đến Fatima năm 2010, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến đây năm 2017. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại đây vào ngày 05 tháng Tám năm nay, trong dịp đến Bồ Đào Nha, nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon Bồ Đào Nha.

Cùng ngày 22 tháng Sáu vừa qua, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của 20 vị tôi tớ Chúa, bị sát hại tại thành Sevilla năm 1936, trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha. Trong số các vị, có cha Manuel González-Serna Rodríguez, sinh năm 1880 và làm cha sở tại làng Constantina gần đó, năm 1911. Cha bị dân quân cộng hòa bắt trong đêm 19 tháng Bảy năm 1936 và hành quyết tại nhà mặc áo của thánh đường, bốn ngày sau đó. Các vị còn lại gồm chín linh mục, và mười chủng sinh, giáo dân nam nữ, là những người bị dân quân cộng hòa bắt và sát hại vào khoảng đầu cuộc nội chiến.

Ngoài các sắc lệnh trên đây, có năm sắc lệnh khác nhìn nhận các nhân đức anh hùng của năm vị tôi tớ Chúa người Brazil, Ý, Cuba.

3. Thượng Phụ Kirill là một trong số ít người lên tiếng ủng hộ Putin trong cuộc binh biến do trùm Wagner Yevgeny Prigozhin khởi xướng

Các quan sát viên cho rằng cuộc binh biến do trùm Wagner Yevgeny Prigozhin khởi xướng là một phép thử đối với nhà độc tài Vladimir Putin. Trong khi quy mô của quân Wagner là rất nhỏ so với quân chính quy Nga, khả năng giành chiến thắng rất khó xảy ra, nhưng quân chính quy Nga đã không chống cự, và chỉ có một ít người lên tiếng ủng hộ Putin.

Thượng Phụ Kirill là một trong số rất ít người này.

Vào ngày 24 tháng 6 năm 2023, Đức Thượng phụ Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã phát biểu như sau trước đồng bào của mình.

Anh chị em thân mến!

Đối đầu quân sự là một thử thách mà chúng ta, hơn bất kỳ lúc nào khác, được kêu gọi cẩn thận giữ gìn sự thống nhất quốc gia, cầu nguyện với Chúa và hỗ trợ hết mình cho những người lính và lẫn nhau.

Ngày nay, khi anh em chúng ta chiến đấu và hy sinh ngoài mặt trận, quên mình làm tròn bổn phận, khi đối phương đang tìm mọi cách chống phá nước Nga, thì mọi âm mưu gieo rắc bất hòa trong nước đều là tội ác lớn nhất không có lời biện minh.

Nâng cao lời cầu nguyện cho một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện tại, với tư cách là Giáo chủ của Giáo Hội Chính thống Nga, tôi kêu gọi những người đã cầm vũ khí trong tay và sẵn sàng chỉ đạo họ chống lại anh em của họ, hãy suy nghĩ lại. Trước hiểm họa chung, phải giữ vững ý chí thống nhất, vượt qua ân oán, tham vọng cá nhân. Dù vấn đề có thể đôi khi khó khăn.

Tôi ủng hộ những nỗ lực của Nguyên thủ quốc gia Nga nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn ở đất nước chúng ta.

Bản thân tôi cầu nguyện và kêu gọi tất cả hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân hãy long trọng cầu nguyện xin Chúa gìn giữ hòa bình và hiệp nhất, đang bị nguy hiểm bởi những lời kêu gọi hỗn loạn.

Xin Chúa bảo vệ nước Nga, người dân và quân đội của nước này.

+ KIRILL, Thượng phụ Mạc Tư Khoa và Toàn Nga


Source:patriarchia.ru