Đàn hát trong các lễ nghi phụng vụ

1. Hát lúc nào

1,1 Khi cử hành thánh lễ


Lễ có giáo dân tham dự, nhất là những ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, Lễ Kính, Phụng Vụ khuyến khích nên hết sức coi trọng hình thức hát lễ, dù lễ được cử hành nhiều lần trong ngày {HT TN số 27). Như thế, rõ ràng là phải cố gắng cử hành mọi thánh lễ có kèm theo ca hát, dù phải phân biệt lễ trọng, lễ hát và lễ đọc. Vậy phải hát những gì trong thánh lễ? Huấn thị De musica in sacra liturgia số 29, 30, 31 phân biệt ba cấp bậc tham gia lễ hát, đó là :

Bậc nhất gồm lời chào của chủ tế và lời đáp của giáo dân, lời nguyện, các câu tung hô Tin Mừng, lời nguyện tiến lễ, kinh Tiền Tụng cùng những câu đối đáp với kinh Thánh, Thánh, Thánh, lời tụng ca kết thúc kinh tạ ơn, kinh Lạy Cha với câu nhắn nhủ, lời chúc bình an, lời nguyện hiệp lễ, những công thức kết lễ.

Bậc hai gồm kinh Xin Chúa Thương Xót, kinh Vinh Danh, kinh Tin Kính và Lạy Chiên Thiên Chúa, lời nguyện giáo dân.

Bậc ba gồm những bài hát lúc Nhập lễ và Rước lễ, bài Đáp Ca sau bài đọc, Ha-lê-lui-a, bài hát Tiến Lễ.

Các bậc tham gia được qui định như sau : bậc nhất có thể dùng riêng một mình, bậc hai và bậc ba được dùng tất cả hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, giáo dân sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần ca hát một cách đầy đủ (HT TN số 28). Ngoài ra, Huấn Thị còn có những chỉ dẫn rõ ràng và cụ thể về việc hát các bài trong phần Thường Lễ như sau : đối với phần Thường Lễ, cộng đoàn tín hữu nên tham gia một cách tích cực và đồng bộ chứ không nên “khoán” tất cả cho ca đoàn. Lúc đó, những bài trong phần này có thể chia cho ca đoàn và giáo dân hát tiếp theo nhau từng câu hoặc từng phần trong toàn thể bài hát (HT TN số 33). Đặc biệt, nếu là những bài ca tạ ơn, có thể giao cho ca đoàn (HT TN số 33).

1, 2 Hát khi cử hành Bí tích và Á Bí Tích

Bí tích và á bí tích có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống Ki-tô hữu, vì thế nên hết sức cử hành kèm theo ca hát. Tính cách lễ lạt của các lễ Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, Hôn Phối, Cung Hiến Thánh Đường hay Bàn Thờ, lễ An Táng v.v… sẽ giúp cho công việc mục vụ thêm lợi ích.

Huấn Thị Thánh Nhạc số 44 khuyên nên soạn những cung điệu thích hợp để dùng khi cử hành những bí tích này, cũng như những lễ nghi đặc biệt khác trong Năm Phụng Vụ, miễn là phù hợp với các chỉ định của Giáo Quyền và lưu ý đến khả năng của mỗi cộng đoàn. Ngay cả trong những buổi tĩnh tâm, giờ thánh, suy tôn Lời Chúa, Thánh Nhạc cũng rất hữu ích để nuôi dưỡng lòng đạo đức của các tín hữu. Đặc biệt vào những lúc này nên dùng các bài ca tôn giáo bình dân, đàn đại quản cầm và các nhạc khí khác đã được phép để phụ hoạ.

1,3 Hát Các Giờ Kinh Phụng Vụ


Hát Các Giờ Kinh Phụng Vụ là hình thức thích hợp nhất đối với bản tính của kinh này. Huấn thị Thánh Nhạc khuyên các linh mục, giáo sĩ, tu sĩ hát kinh Phụng Vụ, ít là vào những giờ chính, như Kinh Sáng và Kinh Chiều hay vào Chúa Nhật và những ngày lễ (HT TN số 36), đặc biệt nên hát những phần tự bản chất đòi phải hát như Xướng Đáp, Thánh Thi, Thánh Ca. Huấn thị cũng khuyên những người có trách nhiệm thúc đẩy các tín hữu đọc chung một vài giờ kinh phụng vụ vào những ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, đặc biệt Kinh Sáng và Kinh Chiều.

2. Ngôn ngữ ca hát

2,1. Hát tiếng la-tinh


Phải ưu tiên dùng bình ca trong những lễ nghi phụng vụ có ca hát bằng tiếng la-tinh (HT TN số 49a). Ngay cả những nơi dùng tiếng bản quốc trong khi cử hành thánh lễ, thỉnh thoảng các cha sở cũng có thể cho hát bằng tiếng la-tinh một vài bài trong phần thường lễ, đặc biệt trong lễ hát (HCPV số 54).

Việc hát các bài thánh ca la-tinh trong các lễ nghi phụng vụ cử hành bằng tiếng bản quốc không có gì ngăn trở cả, bởi vì theo Huấn Thị, trong cùng một buổi cử hành phụng vụ vẫn có thể hát một vài bài bằng ngôn ngữ khác (ibid. số 56).

2,2. Tiếng bản quốc


Trong HCPV số 36, Công Đồng đã mở ra một kỷ nguyên mới khi cho phép các Giáo Hội Địa Phương dùng tiếng bản quốc trong các lễ nghi phụng vụ, dồng thời cho phép sử dụng những cung điệu soạn cho những bản văn bằng tiếng bản quốc.

Tuy nhiên, phải tuân hành các quy luật của Thánh Nhạc và phải được thẩm quyền địa phương chấp thuận. Ngoài ra, lại phải tham khảo các cung điệu cổ truyền của Phụng Vụ La-Tinh, phải nghiên cứu, khảo sát các hình thể thánh ca la-tinh để rút ra những gì còn phù hợp với nhu cầu mới của Phụng Vụ.

3. Các hình thể thánh ca trong Phụng Vụ


Như trên đã nói, cho dù Giáo Hội cho phép dùng những cung điệu mới soạn cho các bản văn bằng tiếng bản quốc trong các lễ nghi phụng vụ, nhưng vẫn phải tham khảo các hình thể thánh ca la-tinh khi sáng tác những cung điệu mới, bởi vì các hình thức này đã đạt tới mức độ hoàn chỉnh và hoà hợp một cách tuyệt vời với các động tác phụng vụ. Đặc biệt, thánh lễ được tiến hành như một vở kịch với các vai chủ tế, phó tế, giáo dân, người đọc sách, ca xướng viên, ca đoàn, lúc đọc, lúc hát, lúc ngâm vịnh, lúc độc tấu, lúc hợp xướng, lúc đối đáp với các hình thể hoàn chỉnh.

4. Sử dụng nhạc khí



Phụng vụ la tinh vẫn coi trọng đại quản cầm. Ngoài ra nói chung, Giáo Hội cho phép dùng các loại nhạc khí khác trong phụng vụ, kể cả các nhạc khí đặc biệt của các dân tộc, miễn là chúng thích hợp để có thể dùng vào việc thánh hay hợp với vẻ trang trọng của nhà thờ và thực sự giúp các tín hữu tăng thêm lòng đạo đức sốt sắng.

Các nhạc khí được dùng để đệm theo tiếng hát, nhưng không được lấn át tiếng hát. Có thể độc tấu nhạc khí hay dàn nhạc trước khi linh mục tiến vào nhà thờ hay ra bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ. Nhưng không được tấu nhạc trong Mùa Vọng, Mùa Chay, Tam Nhật Vượt Qua và giờ kinh lễ cầu hồn.

Kết luận

Trên đây là những luật lệ chỉ định và hướng dẫn việc đàn hát trong các lễ nghi phụng vụ ở nhà thờ, để làm cho công việc thờ phượng vừa trang nghiêm sốt sắng, vừa có những vẻ đẹp của nghệ thuật ca hát khả dĩ lôi cuốn lòng người. Người “đi lễ” cũng như người “hành lễ” đều đã bỏ công sức và thời giờ ra để làm công việc này. Ước mong công sức và thời giờ đó được mọi người tận dụng để vừa mưu ích cho mình, vừa giúp người khác hoàn chỉnh việc thờ phượng, hầu thánh hoá bản thân và tôn vinh Thiên Chúa bằng lời kinh và tiếng đàn ca.

Lm. An-rê Đõ Xuân Quế o.p.