1. Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine nhận định “cuộc chiến này khó giải quyết đến mức chỉ có phép lạ mới giúp được chúng ta”

“Tôi rất vui khi sự kết nối này diễn ra trong một nhà thờ vì tôi tin chắc rằng cuộc chiến này rất khó giải quyết và chỉ có phép lạ mới có thể giúp chúng ta”. Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, là Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, cho biết như trên khi chào mừng 150 tình nguyện viên của đoàn lữ hành hòa bình StopTheWarNow đã đến Mykolaiv cho nhiệm vụ thứ năm của họ.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh đã kết nối trực tuyến từ Kyiv đến Nhà thờ Công Giáo La tinh Thánh Giuse ở Mykolaiv, nơi các tình nguyện viên cử hành thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá. Đức Sứ thần nói: “Việc các bạn là một nhóm lớn như vậy đã là một dấu hiệu tuyệt vời của sự gần gũi”.

“Cầu nguyện không chỉ là lời nói. Thiên Chúa không cần lời nói nhưng cần trái tim của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục cũng nói với những người theo chủ nghĩa hòa bình của Ý về việc “tìm kiếm hòa bình, không phải bằng vũ khí mà bằng những cách khác”. Ngài nói rằng chủ trương đó đầy khó khăn. Ngài giải thích rằng “Nếu chúng ta làm như thế, tình hình hiện nay sẽ rất nghiêm trọng. Với chủ trương đó, chúng ta sẽ không phản ứng trước các mối đe dọa vũ khí trong những năm qua, điều đó có nghĩa là chúng ta không phản ứng trước chủ nghĩa độc tài, trước sự phá hoại hoạt động của Liên Hiệp Quốc và phá hủy tất cả các công cụ của luật pháp quốc tế”.

Sứ thần nói rằng ngài “tiếp xúc với nhiều thành viên gia đình của các tù nhân và tôi biết rằng nhiều người không có đủ nước để uống. Tất cả những điều này là dấu hiệu của sự đau khổ lớn lao. Đau khổ không chỉ xảy ra với những người đã chết và mất mạng mà còn với những người vẫn là tù nhân, không chỉ những người lính mà còn nhiều thường dân. Đó là sự đau khổ vô cùng.”

“Với sự hiện diện của anh chị em, hãy cố gắng đánh động lương tâm. Và điều này rất quan trọng bởi vì chúng ta thấy rằng khi cuộc chiến ở Ukraine được kể ở nơi khác, nó được mô tả như một trận túc cầu. Giống như một cuộc chiến xa xôi, xa cách những trái tim. Vì lý do này, anh chị em, những người đã đến đây, cho thấy tầm quan trọng của việc được ở bên cạnh, từ bi, suy tư, cầu nguyện và tìm kiếm giải pháp cho tương la. Ước muốn của tôi là sự hiện diện của anh chị em sẽ đánh động lương tâm và trở thành tiếng kêu lên với Chúa: Xin Chúa thương xót chúng con”.

Khi được hỏi về chuyến viếng thăm Ukraine của Đức Giáo Hoàng, Sứ thần trả lời: “Đó phải là quyết định của Đức Thánh Cha. Năm ngoái, đã có một thời điểm diễn ra cuộc thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau về việc tìm kiếm khả năng trao trả thường dân và binh lính đang mắc kẹt ở Mariupol sang một nước thứ ba. Trong khi chuẩn bị dự án đó, chúng tôi đã hỏi Đức Thánh Cha liệu ngài có thể hiện diện ở Mariupol với tư cách là người bảo lãnh về mặt đạo đức hay không và Đức Thánh Cha đã đồng ý. Ngay trong tháng Năm, chúng tôi đã nhận được lời đồng ý từ Đức Thánh Cha. Nhưng ngay sau đo, dự án ấy không hoạt động”.

“Chúng tôi rất mong muốn Đức Thánh Cha đến. Nhưng quyết định là ở ngài. Vũ khí của chúng ta là lời cầu nguyện không chỉ bằng lời nói mà bằng cả trái tim”.

Cho đến nay, vướng mắc lớn nhất là chủ trương cho rằng Đức Thánh Cha sẽ chỉ đến Kyiv nếu có thể đến Mạc Tư Khoa. Điều đó hiện nay là không thể được. Hôm 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Putin. Ông ta giờ đây là một tên tội phạm bị quốc tế tầm nã. Tập Cận Bình, người bị cáo buộc đã giết hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, và giam giữ hàng triệu người khác, có thể thăm Putin, Đức Thánh Cha thì không.
Source:SIR

2. Ba Lan tuần hành bảo vệ Đức Gioan Phaolô II khỏi cáo buộc che đậy lạm dụng

Hàng ngàn người Ba Lan tham gia tuần hành hôm Chúa Nhật để bảo vệ Đức cố Giáo Hoàng, Thánh Gioan Phaolô II, sau khi một bộ phim tài liệu truyền hình cáo buộc rằng ngài che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ em liên quan đến các giáo sĩ ở quê hương Ba Lan trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng.

Các cuộc tuần hành diễn ra ở Warsaw và các thành phố khác nhân kỷ niệm 18 năm ngày mất của Đức Gioan Phaolô. Cuộc tuần hành lớn nhất, được tổ chức tại Warsaw, với khẩu hiệu: “Ngài đã thức tỉnh chúng con, chúng con sẽ bảo vệ ngài”.

Những người tham gia đã cầu nguyện trước khi diễu hành phía sau thánh tích của Đức Gioan Phaolô ở thủ đô, dẫn đầu là chiếc xe giáo hoàng mà Đức Gioan Phaolô đã sử dụng trong các chuyến viếng thăm Ba Lan. Một số người tuần hành mang theo ảnh của Đức Gioan Phaolô II. Vì ngày kỷ niệm rơi vào Chúa Nhật Lễ Lá, nên họ cũng mang theo những các cành lá được dùng trong ngày lễ lá.

Bộ phim tài liệu điều tra được phát sóng vào tháng trước bởi TVN, một đài truyền hình độc lập thường chỉ trích chính phủ bảo thủ của Ba Lan. Nó trùng hợp với việc xuất bản cuốn sách có tên “Maxima Culpa” của một nhà báo người Hà Lan, Ekke Overbeek, cáo buộc rằng Đức Gioan Phaolô II đã không giải quyết đến nơi đến chốn các trường hợp giáo sĩ lạm dụng trước khi trở thành giáo hoàng.

Nhiều người Công Giáo Ba Lan coi đó là một cuộc tấn công vào di sản của một người được tôn kính ở Ba Lan như một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử quốc gia và cũng được người Công Giáo trên toàn thế giới tôn kính như một vị thánh nhờ vào việc phong thánh nhanh chóng của Vatican sau khi ngài qua đời năm 2005.

Vấn đề đã mang tính chính trị ở Ba Lan, đặc biệt kể từ khi nước này chuẩn bị có một cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu.

Chính phủ đã gọi bộ phim tài liệu là một cuộc tấn công vào bản sắc và lý tưởng của quốc gia bởi phe đối lập chính trị tự do. Đó là quan điểm gây được tiếng vang ở một quốc gia mà đa số vẫn coi Đức Gioan Phaolô II là một người có thẩm quyền về mặt đạo đức, và đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền đã nhận được sự ủng hộ rõ ràng khi các nhà lãnh đạo của đảng này vận động tranh cử.

Theo đài truyền hình thương mại Polsat News, một số quan chức hàng đầu đã tham gia tuần hành, bao gồm cả bộ trưởng quốc phòng và người đứng đầu tòa án hiến pháp.

Các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy đảng này là đảng được yêu thích nhất trong cả nước, với số lượng đông đảo như khi Luật pháp và Công lý lần đầu tiên giành được quyền điều hành chính phủ cách đây 8 năm.

Tại Warsaw, một số người tuần hành mang cờ quốc gia Ba Lan và cờ của Công đoàn Đoàn kết, phong trào công đoàn và tự do được Đức Gioan Phaolô thành lập sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 1978 và đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Âu một thập kỷ sau đó.

Một cặp vợ chồng tham gia cuộc tuần hành, Eleonora và Stanislaw Sochal, cho biết họ rất tức giận với TVN vì đã sản xuất một bộ phim tài liệu mà họ coi là phỉ báng Đức cố Giáo Hoàng.

Họ nhớ chủ nghĩa cộng sản là thời kỳ đen tối khi quốc gia bị Liên Xô kiểm soát và mô tả Đức Gioan Phaolô II là người đã truyền cảm hứng cho cuộc kháng chiến dẫn đến việc đất nước giành lại chủ quyền và tự do.

“TVN vu khống chính quyền của chúng ta. Nó phỉ báng Đức Gioan Phaolô và nó phỉ báng tất cả các giá trị của chúng ta,” bà Eleonora Sochal, 76 tuổi, nói.

Giữa cuộc tranh luận đầy xúc động về di sản của Đức Gioan Phaolô, một bức tượng của cố giáo hoàng đã bị phá hoại trong đêm ở trung tâm thành phố Lodz. Ai đó đã sơn tượng đài bằng sơn đỏ và vàng và dòng chữ “Maxima Culpa”.

Bộ trưởng Ngoại giao Zbigniew Rau, người đã đến thăm tác phẩm điêu khắc vào sáng Chúa Nhật, đã gọi hành động phá hoại này là một “hành động đê hèn” và là một yếu tố được tổ chức của chiến tranh hỗn hợp.

Rau nói: “Đó là về chia rẽ xã hội, tấn công những đường nét cơ bản nhất trong bản sắc của chúng ta.”

Ông không đề xuất thủ phạm có thể là ai, nhưng khi chính quyền Ba Lan nói về chiến tranh hỗn hợp, họ thường đề cập đến những nỗ lực bị cáo buộc của Nga nhằm gieo rắc bất hòa và mất lòng tin ở Ba Lan.

Các nhà chức trách Ba Lan cũng đánh dấu lễ kỷ niệm bằng cách cung cấp cho hành khách trên một số tuyến đường sắt nhà nước những chiếc bánh ngọt nhân kem miễn phí mà ngày nay nổi tiếng vì Đức Gioan Phaolô II rất thích những chiếc bánh này.


Source:AP

3. Thứ Năm Tuần Thánh: Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ rửa chân tại trại giam vị thành niên

Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, với nghi thức “rửa chân”, tại Trung tâm giam giữ các tội hình sự dành cho Trẻ vị thành niên Casal del Marmo, ngoại ô thủ đô Ý, nơi ngài đã chủ sự buổi cử hành tương tự vào năm 2013.

Thông báo đã được Vatican đưa ra hôm nay, vài ngày sau khi Đức Phanxicô xuất viện. Ngài đã phải nhập viện hôm thứ Tư tuần trước tại Bệnh viện Gemelli, ở Rome, vì bệnh viêm phế quản cấp tính.

Kể từ đầu triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã chọn cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, khai mạc Tam Nhật Thánh Phục Sinh, ở những nơi mang tính biểu tượng, liên quan đến đau khổ của con người, chẳng hạn như nhà tù, trung tâm tị nạn hoặc cơ sở y tế.

Thánh lễ Tiệc Ly ngày 6 tháng 4 sẽ diễn ra một cách riêng tư tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên đã đón tiếp Đức Giáo Hoàng vào năm 2013, hai tuần sau cuộc bầu cử giáo hoàng.

Lần đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ngạc nhiên khi rửa chân cho 10 thanh niên và hai phụ nữ trẻ thuộc các quốc tịch khác nhau và các niềm tin tôn giáo khác nhau.

Trước đại dịch, Đức Phanxicô luôn cử hành Thứ Năm Tuần Thánh bên ngoài Vatican: qua năm lần cử hành thánh lễ Tiệc Ly trong tù – 2019, 2018, 2017, 2015 và 2013, ngài đã rửa chân cho những người thuộc nhiều quốc tịch và niềm tin tôn giáo khác nhau. Ngài cũng đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly tại một trung tâm tiếp nhận người tị nạn, năm 2016; và tại một trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật và người già, vào năm 2014.

Covid-19 buộc giáo hoàng cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào năm 2020, vinh danh các linh mục đã qua đời vì dịch bệnh; vào năm 2021, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ Tiệc ly với Hồng Y Angelo Becciu, cộng tác viên cũ của ngài, người vào năm 2020 đã từ chức khỏi Bộ Phong thánh và từ bỏ các quyền gắn liền với chức vụ Hồng Y.

Ngay trong năm 2022, Đức Phanxicô đã tiếp tục truyền thống và đến nhà tù Civitavecchia, ngoại ô Rôma.


Source:agencia.ecclesia.pt