1. Hội đồng Giám mục Pháp ủng hộ án phong chân phước cho cha De Lubac

Hôm 31 tháng Ba vừa qua, trong ngày chót của khóa họp mùa xuân tại Lộ Đức, Hội đồng Giám mục Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ việc xin Tòa Thánh cho mở án điều tra xin phong chân phước cho Đức Hồng Y Henri de Lubac, dòng Tên người Pháp.

Đức Hồng Y De Lubac sinh năm 1896 và qua đời năm 1991, thọ 95 tuổi, được coi là một trong những nhà thần học ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Các tác phẩm của ngài đã giữ một vai trò chủ yếu trong việc phát triển đạo lý của Công đồng chung Vatican II. Cha được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII mời làm chuyên gia của Công đồng. Cha góp phần vào việc soạn thảo một vài Văn kiện quan trọng của Công đồng như Hiến chế Dei Verbum, Lời Chúa, về Mạc khải, Lumen Gentium, Ánh sáng muôn dân, về Giáo Hội, Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng, về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vốn là người ngưỡng mộ các tác phẩm của cha De Lubac đã muốn phong cha làm Hồng Y, nhưng cha từ khước, vì coi điều kiện mà Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII buộc tất cả các Hồng Y đều phải có chức giám mục, là “một lạm dụng chức vụ tông đồ”.

Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề nghị cha De Lubac hồi năm 1983, ngài chuẩn chước cho cha khỏi phải chịu chức giám mục và cha chấp nhận. Theo giáo luật hiện này, để mở án phong chân phước cho một vị tôi tớ Chúa thường cần có ý kiến ủng hộ của Hội đồng Giám mục tại quốc gia liên hệ.

2. Lãnh đạo Giáo hội có quan hệ với Mạc Tư Khoa bị quản thúc tại gia sau cuộc điều tra

Một nhà lãnh đạo Giáo Hội từ tu viện Kyiv-Pechersk Lavra đã bị tòa án Ukraine ra lệnh quản thúc tại gia 24 giờ và đeo vòng tay điện tử vào hôm thứ Bảy, theo một tuyên bố từ Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC.

UOC cho biết tòa án đã từ chối chấp nhận yêu cầu của quan chức — là Tổng Giám Mục khu vực Pavlo, Petro Lebid — được tham dự các buổi lễ trong tu viện.

Ông sẽ bị quản thúc tại gia trong 60 ngày, hãng thông tấn quốc gia Ukraine Ukrinform đưa tin.

Một số thông tin cơ bản: Tổng Giám Mục Petro Lebid là tu viện trưởng của tu viện 980 tuổi ở Kyiv và là một nhà lãnh đạo đáng chú ý trong UOC, một nhánh của Chính thống ở Ukraine có truyền thống trung thành với nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống Nga và liên kết với các tổ chức ủng hộ Mạc Tư Khoa.

Nhà lãnh đạo nhà thờ đang bị điều tra vì tội “kích động hận thù tôn giáo” và “biện minh cũng như phủ nhận hành động xâm lược vũ trang của Nga đối với Ukraine”, Cơ quan An ninh Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

UOC cho biết Petro Lebid đã tham dự phiên tòa hôm thứ Hai nhưng cảm thấy không khỏe và phải đến bệnh viện.

3. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích không tán thành việc các Giám Mục Đức để giáo dân giảng trong thánh lễ và thường xuyên rửa tội

Theo Luke Copen của tạp chí mạng The Pillar, Bộ trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican đã phản đối kế hoạch cho giáo dân thường xuyên rửa tội và giảng thuyết trong các Thánh lễ được “Tiến trình Công nghị” gây tranh cãi của Đức tán thành.

Trang mạng tin tức chính thức của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đưa tin: ngày 30 tháng Ba, Đức Hồng Y Arthur Roche đã đưa ra những phản đối của ngài trong một lá thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing.

Katholisch.de nói rằng họ đã xem bức thư, bức thư chưa được Vatican hay hội đồng giám mục Đức công bố vào thời điểm viết bài này.

Tiến trình Công nghị — một sáng kiến kéo dài ba năm tập hợp các giám mục Đức và một số giáo dân chọn lọc để thảo luận về những thay đổi đối với giáo huấn và thực hành của Giáo hội — chính thức kết thúc vào ngày 11 tháng 3 sau khi phê chuẩn một tài liệu có tựa đề là “Việc giáo dân rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và bí tích”.

Bản văn kêu gọi hội đồng giám mục Đức khai triển các quy định “về tư cách và ủy quyền cho các giáo dân nam nữ chủ trì việc cử hành bí tích rửa tội”.

Nó cũng yêu cầu các giám mục Đức “vạch ra một quy tắc cụ thể và xin phép Tòa thánh về việc này, theo đó bài giảng lễ cũng có thể được đảm nhận trong các cử hành Thánh Thể vào các Chúa nhật và các ngày lễ bởi các tín hữu có trình độ thần học và tâm linh được giám mục ủy quyền.”

Theo katholisch.de, trong bức thư của mình, Đức Hồng Y Roche đã đề cập đến giáo luật, trong đó nói rằng các giám mục, linh mục hoặc phó tế là “thừa tác viên bình thường” của phép rửa tội, và các ngoại lệ chỉ có thể được thực hiện khi họ “vắng mặt hoặc bị cản trở,” hoặc “trong trường hợp cần thiết.”

Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích được cho là đã nói rằng các trường hợp ngoại lệ được áp dụng khi không thể tìm thấy một thừa tác viên bình thường trong vòng một tháng.

Ngài nói rằng những điều kiện như vậy “dường như không hiện hữu ở bất cứ giáo phận nào trong khu vực của hội đồng giám mục Đức, dựa trên dữ kiện từ niên giám của giáo hoàng về hàng giáo sĩ có sẵn”.

Ngài nói thêm rằng “Dù sao, vẫn có đủ thừa tác viên thụ phong để đối phó với số lượng người rửa tội hàng năm tại các giáo phận Đức, một số lượng đang giảm sút”.

Về việc rao giảng của giáo dân, Đức Hồng Y cũng tham chiếu giáo luật, trong đó nói rằng “giáo dân có thể được phép giảng trong nhà thờ hoặc nhà nguyện, nếu cần thiết trong một số trường hợp nào đó hoặc có vẻ thuận lợi trong những trường hợp đặc thù,” nhưng việc giảng lễ (homily) “là dành riêng cho linh mục hoặc phó tế.”

Đức Hồng Y Roche viết, “Đây không phải là việc loại trừ giáo dân, dĩ nhiên, cũng không phải là phủ nhận quyền và nghĩa vụ của mọi người đã được rửa tội, nam hay nữ, trong việc loan báo Tin Mừng, nhưng đúng hơn là một sự xác nhận tính chuyên biệt của hình thức công bố này, đó là việc giảng lễ.”

Ngài gợi ý rằng “những hiểu lầm về hình ảnh và căn tính của linh mục” có thể “nảy sinh trong ý thức của cộng đồng Kitô hữu” nếu giáo dân giảng trong Thánh lễ.

Ngài nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là có sự bất bình đẳng giữa những người Công Giáo đã được rửa tội, nhưng đúng hơn là “có các biện phân do Thần Khí thực hiện, vốn tạo ra các đặc sủng khác nhau nhưng bổ sung cho nhau”.

“Lời và bí tích là những thực tại không thể tách rời, và bao lâu chúng còn là những biểu thức chính thức của việc thực thi sacra potestas [quyền lực thánh thiêng], chúng không tách rời nhau và cũng không thể tách rời nhau.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô khai mở vào năm 2021 các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cho phụ nữ.

“Sự cởi mở này mang đến cho giáo dân cơ hội tham gia vào thừa tác phụng vụ có ý nghĩa trong việc thi hành thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ,” ngài viết như thế, bày tỏ sự quan tâm đến việc “khả thể này đã được đón nhận ra sao trong các giáo phận ở Đức.”

Cả các bài giảng lễ và việc giáo dân rửa tội đã là một thông lệ được thiết lập ở một số giáo phận của Đức. Katholisch.de lưu ý rằng một tài liệu năm 1999 đã đặt ra các điều kiện cho việc thuyết giảng của giáo dân trong các Thánh lễ ở Giáo phận Rottenburg-Stuttgart. Tháng 10 năm ngoái, Giám mục hiện tại của giáo phận Gebhard Fürst đã ban hành sắc lệnh cho phép các nhà thần học giáo dân chủ trì các lễ rửa tội.

Giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen đã chính thức ủy quyền cho giáo dân thực hiện phép rửa tội vào tháng 3 năm 2022.

Lá thư của Đức Hồng Y Roche là lá thư mới nhất trong một chuỗi dài những can thiệp của Vatican liên quan đến Tiến trình Công nghị.

Nó diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cho biết rằng Vatican phản đối một nghị quyết của Tiến trình Công nghị ủng hộ việc ban phép lành cho các cuộc kết hợp đồng tính trong các nhà thờ.

Ngài nói với các phóng viên bên lề một sự kiện ở Rôma vào ngày 13 tháng 3 rằng “Tòa Thánh đã phát biểu rất rõ ràng bằng văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin.” Ngài có ý nói đến tuyên bố năm 2021 của Vatican rằng “Giáo hội không có, và không thể có, quyền chúc lành cho sự kết hợp của những người đồng tính”.

Theo báo cáo, Đức Hồng Y Roche đã kết thúc bức thư của ngài gửi Giám mục Bätzing bằng cách nhấn mạnh rằng Vatican vẫn sẵn sàng đối thoại.

Người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Đức cho katholisch.de hay: “Chúng tôi hiểu ra rằng lá thư của thánh bộ mô tả tình hình hiện tại về các vấn đề được thảo luận. Cuối cùng, có một lời mời đối thoại thêm, mà chúng tôi vui vẻ chấp nhận. Thật tốt khi chúng ta giữ liên lạc với Rôma theo cách này.”

Một phát ngôn viên của Ủy ban Giáo dân Trung ương Công Giáo Đức (ZdK) đầy quyền lực nói với trang mạng rằng bức thư của Vatican là một dấu hiệu đáng hoan nghênh về sự quan tâm của Rôma đối với những hậu quả của Tiến trình Công nghị ở Đức.

Britta Baas nói: “Các cuộc đàm phán ở Rôma đã quá hạn và là mối quan tâm chân thành của xã hội dân sự Công Giáo ở đất nước này”.

Cô nói thêm: “Chỉ trong vài năm nữa, sẽ không ai có thể nghiêm túc phản đối các bài giảng và lễ rửa tội của giáo dân nếu Giáo hội vẫn muốn có nghĩa đối với người dân địa phương. Chúng ta vốn thiếu các linh mục một cách rõ rệt.”