1. Kẻ chủ mưu thiêu sống một cặp vợ chồng người Công Giáo trong lò gạch tại Pakistan phải hầu tòa

Ủy ban công lý và hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Pakistan đã hoan nghênh việc đưa ra xét xử những người có liên quan đến việc thiêu sống một cặp vợ chồng người Công Giáo trong một lò gạch. Công lý đã chậm trễ đến gần 7 năm trời, nhưng Ủy ban hy vọng một cách dè dặt rằng cuối cùng có lẽ cũng sẽ thắng thế.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm Chúa Nhật 2 tháng 11, 2014 trong khi dọn dẹp nhà cửa chị Shama Bibi, 31 tuổi, tìm thấy những giấy tờ cũ của người cha chồng. Chị đem đốt những giấy tờ này thì một người làm chung là Muhammad Irfan la làng lên là chị đã đốt một bản sao của kinh Qu'ran. Một đám đông khoảng 300 người Hồi Giáo kéo đến vây quanh chị và chồng là anh Shahzad Bibi, 35 tuổi. Chúng bắt họ đưa đến một lò làm gạch. Tại đây chúng đánh đập hai vợ chồng què chân rồi quăng vào lò lửa nung gạch.

Chị Shama Bibi đang có thai và là mẹ của 4 người con nhỏ.

Tội ác khủng khiếp này tạo ra sự công phẫn nơi cộng đồng các Kitô hữu Pakistan, nhưng cũng tạo ra một sự phấn khích cao độ nơi những người Hồi Giáo mà trong tim đen của họ việc giết hại những Kitô hữu như thế không phải là một tội ác nhưng trái lại là một hành động đáng tuyên dương “vì chính nghĩa của đạo Hồi”.

Shahbaz Sharif, Thống đốc bang Punjab và là anh trai của Thủ tướng Chính phủ Pakistan Nawaz Sharif-- đã cho mở một cuộc điều tra về trường hợp tử vong này và mặt khác ra lệnh cho cảnh sát bảo vệ chặt chẽ các khu phố Kitô giáo trước nguy cơ bạo loạn lan rộng.

Ngày 4 tháng 11 năm 2014, lực lượng chống khủng bố Pakistan bắt giữ 4 nghi can trong đó có Yousaf Gujjar, người chủ của lò gạch.

Hôm 23 tháng 11 năm 2014, Tòa án Tối cao Pakistan đã yêu cầu chính quyền nước này mở một cuộc điều tra về vụ giết người tàn bạo này. Tòa cũng đòi nhà cầm quyền phải điều tra về trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thi hành một án lệnh của tòa đưa ra vào tháng Sáu cùng năm nhằm bảo vệ các cộng đồng thiểu số.

Cho đến cuối năm 2014, tổng cộng 106 người đã bị câu lưu. Trong phiên sơ thẩm vào tháng Giêng năm 2015, chánh thanh tra cảnh sát tỉnh Kasur, người thực hiện điều tra, chỉ đích danh Yousaf Gujjar là kẻ chủ mưu. Các nhân chứng cho biết Yousaf Gujjar thiếu tiền công của hai vợ chồng nạn nhân nên đã nhân dịp này kích động đám đông cuồng nộ giết chết các nạn nhân. Viên chánh thanh tra cảnh sát nói với tòa án về Yousaf Gujjar như sau: “Nếu không có sự xúi giục của cá nhân này, tai nạn sẽ không bao giờ xảy ra”.

Nhiều người lầm tưởng công lý sẽ được thực hiện. Nhưng không phải như thế. Tổ chức “Legal Evangelical Assistance and Development” gọi tắt là LEAD chuyên trợ giúp pháp lý cho các Kitô hữu bị bách hại tại Pakistan cho biết mọi sự đã dần dần bị đảo ngược. Chỉ huy cảnh sát huyện Kot Radha Kishan là Asi Mohammad Ali đột nhiên phủ nhận tất cả những cáo buộc của ông ta đối với Yousaf Gujjar.

Yousaf Gujjar, do đó, được tòa truyền tha cho về nhà hôm thứ Hai 18 tháng Tư, 2016. Trong khi đó, thân nhân của anh chị Shahzad Masih và Sharma tiếp tục gánh chịu những áp lực rất lớn từ những nhóm Hồi Giáo quá khích phải bãi nại nếu không họ sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Các luật sư LEAD vẫn không bỏ cuộc và trong một diễn biến mới nhất. Chính quyền mới tại Pakistan đã khởi tố vụ án.

2. Trong một bài giảng hiếu chiến, không xứng đáng với tư cách một nhà lãnh đạo tinh thần, Thượng phụ Kirill định nghĩa Donbass là tiền đồn của Nga và của thế giới Nga

“Ngày nay Donbass là một tiền đồn của Nga, điều quan trọng là những người trẻ tuổi sống ở đó hiểu rằng có một cuộc chiến nghiêm trọng đang tấn công vào di sản lịch sử của đất nước ta”, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và toàn nước Nga cho biết trong một bài giảng hôm thứ Ba 28 tháng Hai tại Nhà thờ Chúa Cứu thế, ở Mạc Tư Khoa, theo hãng tin RIA Novosti.

“Donbass ngày nay là một tiền đồn của thế giới Nga, một tiền đồn của Nga... Thật phi thường khi Nga đứng lên bảo vệ lợi ích của Donbass và không cho phép thực hiện các kế hoạch mà đối thủ của chúng ta đã hoạch định... Donbass là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của nước Nga. Điều quan trọng là các bạn, những người trẻ tuổi, là người mang thế giới quan này, sự hiểu biết về bản thân này. Tôi rất muốn giới trẻ của Donbass, những đứa trẻ của Donbass hiểu rằng cuộc đấu tranh, rằng những gì đang xảy ra bây giờ là điều cần thiết với chúng ta. Bởi vì nó được kết nối với việc bảo vệ di sản lịch sử, bảo vệ một phần bất khả phân ly của nhà nước Nga.”

Kirill nhấn mạnh rằng Donbass hiện đã thống nhất với Nga và điều này “đặt nền móng cho sự tự tin hướng tới tương lai”. Ông nói: “Nga không bỏ rơi người dân của mình, Nga có thể bảo vệ và giúp đỡ họ.”

“Để tự bảo vệ mình, các bạn phải tin chắc vào hành động của mình là đúng đắn, và chúng ta hoàn toàn chắc chắn về sự đúng đắn của mục tiêu của chúng ta… Thế giới Nga có rất nhiều đối thủ và luôn luôn có. Điều này có một vài nguyên nhân. Thứ nhất, vì Nga mạnh. Thứ hai. những kẻ đòi thống trị người khác sẽ luôn hiểu rằng chừng nào nước Nga còn tồn tại, họ không thể bắt nạt người khác. Sẽ luôn có một sức mạnh trong con người Nga nói rằng “hãy dừng lại, đừng xúc phạm kẻ yếu”.

Những lời của Thượng Phụ Kirill không có chút sự thật nào trong đó, vì rõ ràng Nga đang ra sức bắt nạt một nước yếu thế hơn mình là Ukraine.

Bài giảng của Thượng Phụ Kirill đơn thuần lặp lại các quan điểm đã được Putin đưa ra trong một bài diễn văn hiếu chiến của Putin hôm 21 tháng Hai vừa qua. Khác biệt duy nhất là Thượng Phụ Kirill đưa thêm “Thiên Chúa” vào trong những lập luận sắt máu này.
Source:Sismografo

3. Ngoại trưởng Tòa Thánh: Hòa bình công chính là Nga rút khỏi Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Tạp chí America ở Mỹ, hôm 26 tháng Hai vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh, Paul Gallagher nói rằng một nền hòa bình công chính trong tình trạng hiện nay, là Nga rút quân khỏi Ukraine và chấm dứt các hành động thù nghịch.

Đức Tổng Giám Mục cũng nói rằng một nền hòa bình như thế sẽ đòi hỏi một mức độ nào đó trong cuộc thương thuyết để đi tới một hiệp định hoặc ít là một cuộc đình chiến. Ngài cũng rõ nói rằng Tòa Thánh ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Tòa Thánh nhắc đến diễn văn mới nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông nói rằng chiến tranh hiện nay liên quan đến sự sống còn của Nga. Theo Đức Tổng Giám Mục Gallagher, Tổng thống Nga hiểu sai về địa chính trị trong những năm gần đây. Trước cuộc tấn công, Nga không bị đe dọa. “Có lẽ có sự chống đối các chính sách và chiến lược của Nga, nhưng tôi không nghĩ có ai ở Tây Phương quyết liệt tiêu diệt Nga theo cách thức đó”.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhìn nhận rằng nay người Nga đang thi hành cuộc xâm lăng kinh khủng này, tình trạng hoàn toàn khác hẳn vì những hoạt động của Nga cần phải bị chống lại. Ngoài ra, theo Ngoại trưởng Tòa Thánh, ông Putin đã lầm lẫn về Ukraine: “Tôi không nghĩ ông ấy không hề nghĩ là cuộc chiến này còn kéo dài sau 12 tháng. Dầu sao, cho dù ông ta có thêm những thành tựu quân sự, tôi không tin là ông có thể khuất phục được quốc dân Ukraine”.

Trả lời câu hỏi về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc ủng hộ Ukraine bao lâu còn cần thiết, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhận xét rằng điều đó không có nghĩa là một sự leo thang. Đó chỉ là một cam kết giúp đỡ về mặt chính trị và vật chất. Hội nghị về an ninh mới đây tại Munich bên Đức cũng là một cơ hội để bày tỏ thái độ như vậy. Các vị lãnh đạo chính trị đều tỏ ra hiệp nhất trong việc lên án cuộc xâm lăng của Nga và cam kết ủng hộ Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher cũng tham dự hội nghị ấy, và ngài cũng nhận thấy có một sự lo âu của các nước về cái giá phải trả cho tình liên đới như thế. Họ là những nhà chính trị và biết rằng dư luận quần chúng tại nhiều nước cũng đang đặt vấn đề về chính sách liên đới như thế.

4. Phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nga: Chưa có giải pháp nào cho chiến tranh tại Ukraine

Linh mục Kirill Gorbunov, Tổng đại diện Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Mạc Tư Khoa, thủ đô Nga, nhận định rằng “phần lớn dân chúng đang chịu đau khổ và một năm sau chiến tranh với Ukraine, chưa có thấy có giải pháp nào. Dường như chỉ có giải pháp đề ra để làm cho cuộc xung đột càng tệ hơn”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo ACI, bằng tiếng Tây Ban Nha, cha Gorbunov cho biết những người đến gặp cha để xin hướng dẫn tinh thần, họ bày tỏ sự lo sợ một tương lai bất định, thất vọng và tức giận đối với những người bị coi là đã gây nên tình trạng hiện nay; đôi khi cũng có những người tức giận đối với Thiên Chúa và Giáo hội”.

Thêm vào đó có những đau khổ vì “xung đột giữa các đồng nghiệp, bạn hữu, và thân nhân họ hàng vì những quan điểm chính trị khác nhau”. Cha Gorbunov cũng cho biết có rất nhiều gia đình hỗn hợp Nga và Ukraine, cũng vậy trong Giáo Hội Công Giáo, nhiều người thấy chính mình ở hai phía đối nghịch nhau. Tình trạng này tạo nên rất nhiều đau khổ. Cha cũng nói rằng có những thế hệ người Nga lớn lên khi Liên Xô bị tan rã trong thập niên 1990, và thường cảm thấy mình hoàn toàn bất lực trước nhà nước và không tin tưởng nơi một hoạt động xã hội nào có thể góp phần vào một giải pháp hòa bình”.

Trong bối cảnh trên đây, cha Gorbunov nhấn mạnh rằng các giám mục đã mời gọi các tín hữu “cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình. Chúng ta tiếp tục thêm ý nguyện cầu cho bạo lực chấm dứt và hòa bình được tái lập. Có một số nhóm cầu nguyện tổ chức các buổi cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình”.

Linh mục Phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Nga bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ngài nhấn mạnh rằng cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể giải quyết bằng đối thoại chứ không phải bằng sức mạnh quân sự, và điều này mang lại hy vọng lớn.

Cha cũng giải thích rằng các tín hữu Công Giáo chỉ là một cộng đoàn rất bé nhỏ tại Nga, chưa được 1% dân số. Điều này cũng giới hạn khả năng của Giáo hội đáp lại thảm trạng chiến tranh. Tuy nhiên, “Các giáo xứ Công Giáo, đặc biệt ở miền nam Nga, đang cố gắng tìm cách giúp đỡ những người tìm đến Giáo hội để xin giúp đỡ”.