LỄ TRO: TÀN TRO, TẠM THỜI, TIN TƯỞNG

Có bà đi lên xức tro, lại cứ quen như lên rước lễ, tự động há miệng ra, may mà cha không quen tay đưa nắm tro vào mồm thì chết sặc mất! Xức tro trên đầu có phải để cho người già đỡ bị rụng tóc, trẻ con lại ít khóc hay ăn chóng lớn? Nếu không phải vậy, thì đâu là ý nghĩa của Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay thánh?

1. Tàn Tro. Kinh Thánh nhiều lần dùng hình ảnh tro để diễn tả lòng sám hối trở về cùng Chúa. Chúa yêu thương muốn gần con người. Nhưng tội lỗi lại luôn kéo đẩy con người rời xa Chúa. Tội lỗi thiêu rụi tình người với Chúa chỉ còn như nắm tro tàn. Nên sám hối là từ tro tàn, khơi lại ngọn lửa yêu thương với Chúa.

2. Tạm Thời. Lời đọc khi xức tro diễn tả phận người mong manh: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro.” Ta không sống mãi, trần gian chỉ là cõi tạm. Hãy hỏi lòng mình: ngày lìa đời tôi đem đi được gì? Mọi thứ chức quyền, danh vọng, tiền bạc, nhan sắc đều lìa xa, người cho ta vàng mã! Chỉ có công phúc nghĩa tình mới cùng ta đi vào cõi thiên thu. Thế nên, tro nhắc nhở mỗi người phân định cái gì chỉ là tạm thời, cái gì mới là vĩnh cửu.

3. Tin Tưởng. Ý thức thân phận tội lỗi và mong manh, việc xức tro dẫn con người tới Tin Tưởng như lời đọc: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đích điểm của Mùa Chay là Tin: tin vào Chúa yêu thương đến độ hy sinh mạng sống cứu con người; tin vào Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại; tin và sống Tin Mừng yêu thương của Chúa. Để tin và sống Tin Mừng thì trước tiên phải đọc, phải học, phải nghe Tin Mừng hằng ngày, bởi vì “vô tri bất mộ”. Không thể tin yêu Chúa nếu không biết Tin Mừng của Ngài.

Lễ Tro hãy lo sám hối từ bỏ tội lỗi, thay đổi đời sống, trở về để tin yêu Chúa và tha nhân. Amen.