1. Nhà thờ Công Giáo Thành phố Scott bị hư hại trong vụ trộm bất thành

Sở cảnh sát thành phố Scott cho biết Nhà thờ Công Giáo Thánh Giuse đã bị hư hại trong một vụ trộm bất thành. Nhà thờ tọa lạc tại 1002 Main Street.

Sở cảnh sát cho biết sự việc xảy ra trong khoảng thời gian từ 7 giờ tối đêm Giáng Sinh đến 8 giờ sáng ngày Giáng Sinh.

Cảnh sát cho biết bọn trộm ra về tay trắng nhưng có lẽ bực mình nên đã gây ra một số thiệt hại.

Nếu bạn có bất kỳ thông tin nào liên quan đến tội phạm, hãy liên hệ với Sở cảnh sát thành phố Scott qua số 620-872-2133.


Source:KSN Tv

2. Câu chuyện đằng sau đôi giày đỏ của Giáo hoàng Benedict XVI

Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI thoái vị vào năm 2013, ngài đã từ chức giám mục Rôma - và rời khỏi đôi giày da màu đỏ nổi tiếng của mình.

Trong thời gian trị vì của ngài, đôi giày đỏ của Đức Bênêđíctô đã trở thành một thương hiệu, truyền cảm hứng cho ABC News gọi ngài là “fashionista”, một người ưa chuộng thời trang. Tại một thời điểm khác, đôi giày của ngài đã gây ra tranh cãi sau khi có tin đồn thất thiệt cho rằng chúng được chế tác bởi nhà thời trang cao cấp nhất của Ý Prada.

Sự lựa chọn giày của Đức Bênêđíctô nổi bật bởi vì người tiền nhiệm và người kế vị của ngài - Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Phanxicô – mang những đôi giầy mầu đen. Tuy nhiên, việc các Đức Giáo Hoàng đi giầy màu đỏ là điều thường thấy trong nhiều thế kỷ.

Trong những bức ảnh về thi hài của Đức Bênêđictô XVI do Vatican công bố hôm nay, ngài mặc lễ phục màu đỏ và vàng và đi giày giáo sĩ màu đen thông thường.

Khác xa với những tuyên bố liên quan đến thời trang, trong đức tin Công Giáo, màu đỏ tượng trưng cho sự tử vì đạo và Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Nói cách khác, chúng có nghĩa là Đức Giáo Hoàng đang theo bước chân của Chúa Kitô.

Hai người thợ giày người Ý được cho là đã tạo ra những đôi giày cho Đức Bênêđictô trong triều đại giáo hoàng của ngài là Adriano Stefanelli và Antonio Arellano.

Theo hãng tin ANSA của Ý Stefanelli, một thợ thủ công người Ý, đã tạo ra những đôi giày cho một danh sách dài các nhà lãnh đạo đáng chú ý, bao gồm Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Barack Obama và George W. Bush.

Ông lần đầu giao giày cho Vatican khi chứng kiến Đức Gioan Phaolô II bị đau vào năm 2003. Anh ấy tự hỏi mình có thể làm gì, về mặt cá nhân, để giúp đỡ. Anh quyết định làm giầy cho ngài.

Truyền thống đó được tiếp tục với Đức Bênêđictô XVI.

Ông nói với trên tờ Quan Sát Viên Rôma: “Sự hài lòng lớn nhất là khi nhìn vào các bức ảnh và hình ảnh của Đức Bênêđíctô XVI, thấy rằng chiếc giày được sử dụng và mang rất tốt, rất thoải mái.

Một thợ thủ công khác, Arellano, đã sửa giày cho Đức Bênêđictô khi ngài còn là Hồng Y. Xuất thân từ Trujillo, Peru, Arellano chuyển đến Rôma vào năm 1990 để mở một cửa hàng sửa giày cạnh Vatican.

Khi người bạn của ông là Hồng Y trở thành giáo hoàng, ông đã rất phấn khởi.

“Mọi người đang chạy qua các đường phố, và tôi thấy Đức Hồng Y Ratzinger xuất hiện trên truyền hình,” trước đó ông đã nói với CNA. “Tôi đã rất ngạc nhiên vì ngài là khách hàng của tôi và tôi đã rất hạnh phúc.”

Arellano cho biết ông nhớ cỡ giày của Đức Bênêđíctô, số 42 và quyết định tặng vị tân giáo hoàng một đôi giày màu đỏ trong buổi tiếp kiến chung tại Vatican.

“Khi chúng tôi đến đó để chào đón ngài, Đức Giáo Hoàng đã nhận ra tôi, mỉm cười và nói: 'Đây là người thợ đóng giày của tôi.' Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời, bởi vì ngài khiến bạn cảm thấy mình quan trọng,” Arellano nhớ lại. “Ngài đã ban phước lành cho tôi và gia đình tôi và chúng ta nói lời tạm biệt.”

Món quà đó khiến Vatican yêu cầu một đôi giày khác để Đức Giáo Hoàng mang trong lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II.

“Thật là tuyệt vời, bởi vì lúc đó tôi thực sự cảm thấy mình là người thợ đóng giày của Đức Thánh Cha,” anh nói và thêm rằng “tặng quà cho Đức Thánh Cha là một chuyện; việc họ gọi bạn để đặc biệt làm một số đôi giày cho ngài lại là một chuyện khác.”

Khi về hưu, vị giáo hoàng danh dự đã bỏ đôi giày màu đỏ của mình để đi đôi giày đen bằng da được thiết kế bởi một người thợ giày Công Giáo người Mễ Tây Cơ, tên là Armando Martin Dueñas.


Source:Catholic News Agency

3. Cha Lombardi xem xét lịch sử sẽ nhớ đến Đức Bênêđíctô như thế nào

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “Father Lombardi considers how history will remember Benedict”, nghĩa là “Cha Lombardi xem xét lịch sử sẽ nhớ đến Đức Bênêđíctô như thế nào”.

Vị linh mục từng là phát ngôn viên của Vatican trong hầu hết triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI đã suy tư về những cống hiến và di sản của ngài.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi có một cái nhìn sâu sắc độc đáo về Đức Bênêđictô XVI, với tư cách là một con người và một vị giáo hoàng. Cha Lombardi là phát ngôn viên của Vatican trong gần như toàn bộ triều đại giáo hoàng của Bênêđictô.

Cha Lombardi được bổ nhiệm vào tháng 7 năm 2006 để kế nhiệm Tiến Sĩ Joaquín Navarro-Valls, một giáo dân đã giữ chức vụ này trong 22 năm. Sau đó, Cha Lombardi giữ chức giám đốc văn phòng báo chí của Vatican cho đến khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của ngài vào năm 2016. Thành ra, trong 10 năm đó, ngài đã thực hiện vai trò này trong suốt giai đoạn lịch sử của sự thoái vị, mật nghị giáo hoàng và những khởi đầu độc đáo của một thời kỳ đặc biệt trong Giáo hội với một Giáo hoàng và một Giáo hoàng danh dự.

Aleteia hỏi Cha Lombardi để cùng chúng tôi suy tư về di sản của Đức Bênêđictô XVI.

Xin cha cho chúng con biết ấn tượng của cha về khoảnh khắc khi Đức Bênêđictô XVI, ở tuổi 85, bước lên chiếc trực thăng màu trắng và rời bỏ ngai giáo hoàng mãi mãi.

Đó là một khoảnh khắc rất xúc động và cũng là một khoảnh khắc lịch sử bởi vì chưa bao giờ trong thời đại của chúng ta lại xảy ra sự thoái vị của một giáo hoàng còn sống. Đây là những hình ảnh lịch sử nhưng vẫn còn rất sống động. Tuy nhiên, đối với tôi, thời điểm quan trọng là việc Đức Bênêđictô tuyên bố thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013. Tôi nhớ lời tuyên bố của ngài, mà ngài đã thực hiện trực tiếp, gây ngạc nhiên cho các Hồng Y hiện diện.

Đức Bênêđictô tuyên bố thoái vị với lập luận rằng “sức lực của ngài, do tuổi cao,” không còn “thích hợp để thi hành thừa tác vụ của thánh Phêrô”. Cha nhớ đến tuyên bố ấy như thế nào?

Tôi trải nghiệm điều đó một cách vô cùng thanh thản, bởi vì một mặt tôi không coi đó là một điều thực sự và hoàn toàn bất ngờ. Những người theo sát Đức Bênêđíctô XVI đều nhận ra rằng ngài luôn thi hành công việc phục vụ của mình một cách đầy đủ và hoàn toàn phù hợp với nhu cầu, nhưng với sự mệt mỏi về thể chất ngày càng tăng, đặc biệt là do các vấn đề liên quan đến việc đi lại hoặc các lễ kỷ niệm trọng đại tại Đền thờ Thánh Phêrô, và do đó ngài đã suy tư về tình trạng sức khỏe để có thể tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đức Giáo Hoàng đã phát biểu trước Công nghị Hồng Y về việc thoái vị. Cha nghĩ sao về điều đó?

Về khả năng thoái vị; đối với tôi, thật vô cùng sáng tỏ về cách mà Đức Giáo Hoàng đã nói về điều đó một cách rõ ràng trong cuốn sách phỏng vấn Ánh sáng của Thế gian, khi được Peter Seewald đặt câu hỏi. Khi sức khỏe và sức lực của ngài vẫn hoàn toàn bình thường, ngài đã nói: “Nếu một giáo hoàng nhận thấy rõ ràng rằng ngài không còn khả năng về thể chất, tâm lý và tinh thần để đảm đương các nhiệm vụ của mình, thì ngài có quyền và trong một số trường hợp, cũng là nghĩa vụ phải thoái vị”.

Cha có nghĩ đó là một sự lựa chọn hợp lý không?

Theo tôi, đó là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý được đưa ra trước mặt Chúa trong lời cầu nguyện và với trách nhiệm trước Giáo hội. Không kích động, không phải vì lý do sợ hãi hay yếu kém về tinh thần, mà vì lý do đánh giá sức mạnh của ngài liên quan đến nhiệm vụ sắp tới. Đây thường là lý luận “hợp lý”, được thực hiện trong bầu không khí của niềm tin, điều mà tôi hoàn toàn đồng ý.

Cha có cảm giác cá nhân gì về điều này?

Tôi luôn bị ấn tượng bởi thực tế là triều đại giáo hoàng liên tục được đi kèm với những suy tư về tinh thần và văn hóa của Đức Bênêđictô XVI, người đã có thể hoàn thánh tuyển tập ba cuốn sách tuyệt vời của ngài về Chúa Giêsu. Thật đáng ngưỡng mộ và phi thường khi một vị giáo hoàng với tất cả những công việc đa đoan của mình lại có khả năng và ý chí viết một tác phẩm về Chúa Giêsu, một điều thường liên quan đến ơn gọi thần học và tâm linh của ngài, nhưng cũng liên quan đến dấn thân của ngài với tư cách là giáo hoàng để trở thành nhân chứng và thầy dậy hỗ trợ đức tin của chúng ta.

Đức Hồng Y J. Ratzinger đã trải qua triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, kể cả trong thời gian bệnh tật của vị Giáo Hoàng Ba Lan. Cha có nghĩ rằng chúng ta cũng có thể liên kết việc thoái vị của ngài với một hiệu ứng “tấm gương” liên quan đến những năm cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của Đức Wojtyla không?

Đức Ratzinger đã trải qua toàn bộ triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, và cũng với một cường độ đặc biệt trong suốt thời kỳ ngài bị bệnh. Vì vậy, ngài sẽ có những cân nhắc của riêng mình. Rõ ràng là mỗi vị giáo hoàng đều khác biệt, đều là chính mình, đều có kinh nghiệm riêng, và trong mối tương quan với Thiên Chúa, sống ơn gọi phục vụ Giáo hội theo cách riêng của mình. Đức Ratzinger đã suy tư về sự kiện là ngài có thể trải qua một thời gian ốm yếu kéo dài, trong thời gian đó việc cai quản Giáo hội sẽ bị ảnh hưởng.

Đức Celestinô Đệ Ngũ đã thoái vị chỉ sau vài tháng, vào ngày 13 tháng 12 năm 1294, trong thời kỳ rất khó khăn đối với Giáo hội. Cha nghĩ sao về bối cảnh khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị?

Trong lời tuyên bố thoái vị, Đức Bênêđíctô cũng giải thích rằng bối cảnh ngày nay, bối cảnh trong đó sự phục vụ của giáo hoàng được thực hiện trong cái mà chúng ta có thể gọi là một thế giới toàn cầu hóa, là một bối cảnh trong đó các sự kiện lịch sử xảy ra nhanh chóng, và do đó cần có sự can thiệp và quyết định liên tục. Cai quản Giáo Hội trong một bối cảnh như thế đòi hỏi năng lượng phi thường và sức mạnh thể chất và tâm lý.

Những khoảng khắc khó khăn nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô là gì, thưa cha?

Những thời khắc khó khăn mà tôi đặc biệt quan tâm liên quan đến vấn đề giải quyết tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, vốn diễn ra trong phần lớn triều đại giáo hoàng và nhờ đó mà Đức Bênêđíctô có công rất lớn đối với lịch sử Giáo hội, bởi vì ngài đã đương đầu với nó một cách không chút do dự và một tầm nhìn rộng lớn, cả từ quan điểm pháp lý và mục vụ. Đức Bênêđíctô đã chỉ đường: Chúng ta hãy nhớ đến bức thư của ngài gửi cho người Công Giáo Ái Nhĩ Lan vào ngày 19-3-2010, việc nhìn nhận các tội lạm dụng và các lỗi lầm của các giám mục; trên hết, ngài hiểu mức độ nghiêm trọng trong sự đau khổ của các nạn nhân và hành động với những can thiệp về mặt giáo luật rất hiệu quả.

Đức Bênêđictô XVI đã trải qua cuộc khủng hoảng lạm dụng này ngay khi ngài còn là Hồng Y, phải không thưa cha?

Cuộc khủng hoảng lạm dụng đã bắt đầu bộc lộ vào cuối triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, nhưng không có bằng chứng và sự rõ ràng; rồi sau đó nó tự bộc lộ một cách gia tăng và dần dần. Đức Bênêđictô hầu như đối mặt với một vụ nổ, và ngài đã làm điều đó một cách khôn ngoan, trung thực, can đảm và cũng cụ thể bằng cách gặp gỡ các nạn nhân. Ngài đã đặt nền móng cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng này. Đức Phanxicô tiếp tục bằng cách thực hiện các bước tiến về mặt pháp lý, soạn thảo các tài liệu quan trọng như Vos estis lux mundi gần đây vào năm 2019. Về vấn đề này, Đức Bênêđíctô đã tập hợp các giám mục trên thế giới tại Vatican, đồng thời viết hai bức thư cho dân Chúa.

Trong chuyến tông du Hoa Kỳ, vào ngày 17-04-2008, đó có phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng.

Đức Bênêđíctô luôn tổ chức các cuộc gặp gỡ với các nạn nhân một cách hết sức kín đáo, với tư cách là một người có tính cách rất sâu sắc, chu đáo và dự phần, nhưng cũng là người dè dặt. Đức Phanxicô mạnh mẽ hơn trong các biểu hiện cảm xúc và giao tiếp, nhưng Đức Bênêđictô là người đầu tiên gặp các nạn nhân và cũng làm như vậy một cách có hệ thống trong các chuyến tông du của mình.

Đức Bênêđictô trục xuất hơn 400 linh mục khỏi Giáo hội vì lạm dụng, phải không thưa cha?

Trong thời gian làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài đã bắt đầu hiểu được tầm nghiêm trọng của những vấn đề này. Khi trở thành giáo hoàng, ngài đã có sẵn kinh nghiệm và kiến thức cơ bản về các vấn đề hiện tại giúp ngài có thể giải quyết chúng theo quan điểm thủ tục và kỷ luật. Ngài đã bắt đầu theo những đường hướng này ngay cả trong những năm cuối cùng của triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II.

Trong trường hợp lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền lực và lương tâm do Marcial Maciel, người sáng lập dòng Đạo Binh Chúa Kitô, gây ra, Đức Bênêđictô XVI đã ra lệnh thực hiện một cuộc thanh tra tông tòa và đổi mới tinh thần và cơ cấu của dòng mày.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã can thiệp vào vấn đề các tu sĩ một cách rất thận trọng, kiên quyết và khôn ngoan, đồng thời cũng cố gắng bảo tồn những gì tốt đẹp có thể có trong cuộc sống và sự việcng hiến của rất nhiều người đã đáp ứng ơn gọi tu trì với ý định tốt.

Tại Hoa Kỳ và một số quốc gia Âu Châu, một số nhóm Công Giáo cực kỳ bảo thủ có nguồn lực và động cơ ý thức hệ đã sử dụng Đức Bênêđictô XVI, chỉ ra rằng ngài là vị giáo hoàng chân chính duy nhất. Cha nghĩ sao về điều này?

Đức Bênêđictô đã thoái vị. Ngài biết mình đang làm gì, và Ngài làm điều đó để Giáo hội có một giáo hoàng mới ở đỉnh cao quyền lực và sức mạnh của mình. Theo một nghĩa nào đó, Đức Bênêđíctô muốn Đức Thánh Cha Phanxicô tồn tại và mở đường cho ngài. Đức Bênêđíctô không bao giờ nghĩ đến việc can thiệp vào triều đại giáo hoàng của người kế vị mình. Các lý luận cho rằng Đức Bênêđíctô chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô là những lập trường vô nghĩa và vô căn cứ.

Cha nghĩ lịch sử sẽ nhớ đến Đức Joseph Ratzinger như thế nào?

Tôi nghĩ lịch sử sẽ nhớ đến ông như một giáo hoàng thần học. Một đầy tớ của Giáo hội, người không tìm cách trở thành nhân vật chính một cách cá nhân trong các sáng kiến lịch sử hoặc phi thường so với người tiền nhiệm của mình, người đã thực sự thực hiện vô số hành động, kết thúc bằng một Năm Thánh lịch sử. Đức Bênêđíctô đã không thực hiện các hành động đặc biệt đáng chú ý trong triều đại giáo hoàng của mình. Ngài sẽ được nhớ đến như một vị giáo hoàng có huấn quyền và tính liên tục trong nội dung giáo huấn của Giáo hội so với vị tiền nhiệm là Đức Gioan Phaolô II.

Cha có nghĩ là Đức Bênêđíctô có nguy cơ bị nhớ đến chỉ vì sự thoái vị của ngài không?

Một thực tế không thể tránh khỏi là ông sẽ được nhớ đến vì sự thoái vị của mình, nhưng ngài đã thể hiện sự khiêm tốn sâu sắc. Sau ngài, con đường thoái vị của một giáo hoàng đang rộng mở; nó dễ dàng hơn cho những người đến sau. Nó đã ở đó trước đây, nhưng không ai sử dụng nó. Theo tôi, chủ yếu đây là một triều đại giáo hoàng có thẩm quyền, sâu sắc từ quan điểm về mối quan hệ giữa đức tin và văn hóa trong thế giới ngày nay, trở thành một tấm gương về sự phục vụ Chúa và Giáo hội một cách khiêm nhường và vị tha, chứ không quá ràng buộc với bản thân.
Source:Aleteia