1. Những lời cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI. Chương trình Thánh lễ an táng

Vatican đã thông báo hôm thứ Bảy rằng Thánh lễ an táng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI sẽ diễn ra vào lúc 9:30 sáng Thứ Năm, ngày 5 tháng 1 năm 2023, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài sẽ được an táng trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì lễ tang, và các nghi thức sẽ đơn sơ phù hợp với mong muốn của Đức Bênêđictô là “được thực hiện dưới dấu chỉ của sự đơn giản”.

Việc Đức Bênêđictô qua đời ở tuổi 95 đã được loan báo tại Rôma vào ngày 31 tháng 12. Thi hài của ngài hiện vẫn để trong Tu Viện Mẹ Giáo Hội, và sẽ được quàn tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ sáng Thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng, để các tín hữu kính viếng.

Trong một tuyên bố bằng văn bản vào sáng ngày 31 tháng 12, Bruni nói: “Tôi vô cùng đau buồn thông báo với các bạn rằng Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9h34 tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican.”

Bruni sau đó nói với các nhà báo rằng Đức Bênêđictô XVI đã lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân vào ngày 28 tháng 12, với sự hiện diện của những người phụ nữ tận hiến đã giúp điều hành gia đình ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Đức Bênêđictô XVI vào cuối buổi sáng ngày 28 tháng 12, sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài, trong đó ngài xin cầu nguyện cho vị giáo hoàng danh dự “đang bị bệnh nặng”.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài trong nhiều năm, đã tháp tùng Đức Giáo Hoàng Danh dự trong những giờ phút cuối cùng, cho biết như sau

“Đức Giáo Hoàng Danh dự đã nói với tôi và với tất cả những người đã đồng hành cùng với ngài trong những giờ cuối cùng của ngài là: Xin hãy cầu nguyện cho tôi! - Tôi muốn chuyển lời yêu cầu này của Đức Giáo Hoàng Danh dự đến tất cả những người mà cái chết của ngài gây xúc động.

Đối với tôi, cái chết của ngài có nghĩa là một mất mát to lớn và cá nhân. Tôi vô cùng biết ơn và đồng thời cũng rất buồn.”

Đức Bênêđictô XVI qua đời được củng cố bằng các Bí Tích Thánh và tràn đầy hy vọng về Nước Thiên Chúa.

Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo xin cúi đầu kính trọng và đau buồn sâu sắc trước một vị Giáo hoàng vĩ đại và là vị Thầy vĩ đại của Giáo hội.

Ngay khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, các quan sát viên đã nhận định rằng vị Tân Giáo Hoàng này có một phẩm chất không chỉ nổi bật trong số các vị Hồng Y mà còn là hiếm hoi trong nhân loại: một trí tuệ thông minh xuất chúng. Thế giới truyền thông đề cập đến trí thông minh sắc bén của ngài “a razor intellect”, trong khi giới khoa bảng tại Cambridge như Piers Paul Read đề cập đến trí thông minh “đáng kinh ngạc của ngài -an amazing intellect”.

Ngài có khả năng đánh giá một khối lượng thông tin lớn lao về thời đại, văn hóa và thế giới chúng ta đang sống và rồi đưa ra đánh giá này trong một thứ ngôn ngữ mà từ quan điểm thuần lý không làm sao thách thức lại được. Ngài nói với một giọng nói đầy quyền lực. Không phải thứ quyền lực chính trị thủ đắc từ cương vị của mình để bắt người ta phải vâng phục, nhưng là quyền lực trí tuệ: một đặc sủng hiếm hoi có sức đánh động người nghe với cùng một lực dù cho họ có cảm tình hay không với quan điểm của người nói.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 không chỉ được nhớ đến như một trí tuệ thông minh xuất chúng. Ngài sẽ được nhớ đến như một Thầy dậy xuất sắc của Giáo Hội không chỉ qua các giáo huấn của ngài mà qua chính cuộc đời của ngài. Ngài yêu mến Giáo Hội và khiêm nhường tột cùng khi quyết định thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013 khi nhận thức rõ rằng ngài không còn đủ sức lực tinh thần và thể lý để gánh vác trọng trách mục tử toàn thể Hội Thánh.

Trong những ngày qua, thế giới Công Giáo và ngoài Công Giáo đã tràn ngập những lời cầu nguyện dành cho ngài. Vì thế, Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo, do chính Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI thành lập, có một cuốn sổ chia buồn kỹ thuật số hiện đã có trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này tại đây https://www.benedictusxvi.com/pope-benedict-xvi?q=%2Fpope-benedict-xvi&cHash=6a44eafd4a2bbf37a76064021087dbfa. Những người muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với cuộc sống và công việc của ngài hoặc nỗi đau của họ có thể làm như vậy. Trang chia buồn mời những người đưa tang cùng cầu nguyện với những lời cầu nguyện cổ điển từ phụng vụ Công Giáo cho người quá cố.

Đồng thời với lời chia buồn bằng văn bản, một ngọn nến “ảo” được thắp lên để tưởng nhớ vị giáo hoàng quá cố.

2. Chúc thư thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tòa Thánh vừa công bố chúc thư của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Chúc thư thiêng liêng của tôi

Tôi cảm ơn cha mẹ tôi, những người đã cho tôi cuộc sống trong những thời điểm khó khăn và chuẩn bị cho tôi một ngôi nhà tuyệt vời với tình yêu thương của các ngài, một điều đã tỏa sáng suốt những ngày đời tôi như một ánh sáng rực rỡ cho đến ngày hôm nay. Đức tin sáng suốt của cha tôi đã dạy anh chị em chúng tôi tin tưởng và đứng vững như kim chỉ nam giữa mọi hiểu biết khoa học của tôi; lòng mộ đạo chân thành và lòng tốt bao la của mẹ tôi vẫn là một di sản mà tôi không thể cảm ơn bà cho đủ. Chị gái tôi đã phục vụ tôi một cách vị tha và đầy quan tâm ân cần trong nhiều thập niên; anh trai tôi đã luôn mở đường cho tôi bằng sự sáng suốt trong các phán đoán của anh ấy, với quyết tâm mạnh mẽ và sự hân hoan của trái tim anh ấy; không có sự luôn luôn tiến lên và đồng hành này, tôi đã không thể tìm ra con đường đúng đắn.

Tôi cảm ơn Thiên Chúa từ tận đáy lòng vì có rất nhiều bạn bè, nam cũng như nữ, những người mà Người luôn đặt ở bên cạnh tôi; những người đồng nghiệp ở mọi giai đoạn trên con đường của tôi; những giáo viên và học sinh mà Người đã ban cho tôi. Tôi xin phó thác, một cách biết ơn, tất cả họ cho lòng nhân hậu của Người. Và tôi muốn cảm ơn Chúa vì ngôi nhà xinh đẹp của tôi ở chân đồi Bavaria thuộc dãy Alps, nơi tôi có thể nhìn thấy vẻ huy hoàng của chính Đấng Tạo Hóa tỏa sáng hết lần này đến lần khác. Tôi cảm ơn người dân quê hương tôi đã cho tôi nhiều lần trải nghiệm vẻ đẹp của đức tin. Tôi cầu nguyện cho đất nước của chúng tôi sẽ mãi mãi là một đất nước của niềm tin và tôi yêu cầu anh chị em, những người đồng hương thân mến, đừng để niềm tin của anh chị em bị lung lạc. Cuối cùng, tôi tạ ơn Chúa vì tất cả vẻ đẹp mà tôi có thể cảm nghiệm được trong các giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình dương thế, nhưng đặc biệt là ở Rôma và Ý, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.

Từ tận đáy lòng, tôi cầu xin sự tha thứ của tất cả những ai tôi từng sai phạm cách nào đó.

Điều tôi đã nói trước đây với đồng bào của mình, giờ đây tôi muốn nói với tất cả những ai được ủy thác cho sự phục vụ của tôi trong Giáo hội: Hãy vững vàng trong đức tin! Đừng để mình bị bối rối! Thông thường, dường như khoa học - một mặt là khoa học tự nhiên; mặt khác, là nghiên cứu lịch sử (đặc biệt là chú giải Kinh thánh) - có những hiểu biết không thể bác bỏ nhưng trái ngược với đức tin Công Giáo. Từ xa xưa, tôi đã chứng kiến những thay đổi trong khoa học tự nhiên và đã thấy những điều hiển nhiên chắc chắn chống lại đức tin đã biến mất như thế nào, chứng tỏ chúng không phải là khoa học mà chỉ là những diễn giải triết học biểu kiến cho khoa học – mặt khác chính trong đối thoại với các khoa học tự nhiên, mà đức tin đã học được cách hiểu các giới hạn trong phạm vi các khẳng định của mình và tính đặc thù của nó. 60 năm nay, tôi đã đồng hành trên con đường thần học, đặc biệt là nghiên cứu Kinh thánh, và đã chứng kiến những luận điểm dường như không thể lay chuyển được nhưng đã sụp đổ cùng với sự thay đổi của các thế hệ, hóa ra chỉ là những giả thuyết: thế hệ tự do (Harnack, Jülicher, v.v.), thế hệ chủ nghĩa hiện sinh (Bultmann, v.v.), thế hệ chủ nghĩa Mác. Tôi đã thấy hết lần này đến lần khác, từ những mớ giả thuyết rối rắm đó, tính hợp lý của niềm tin đã xuất hiện và đang xuất hiện trở lại như thế nào. Chúa Giêsu Kitô thực sự là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống - và Giáo Hội, bất kể những khuyết điểm của mình, thực sự là Thân Thể của Người.

Cuối cùng, tôi khiêm tốn xin mọi người: cầu nguyện cho tôi, để Chúa đón nhận tôi vào nơi vĩnh cửu, bất chấp mọi tội lỗi và khuyết điểm của tôi. Đối với tất cả những người được giao phó cho tôi, lời cầu nguyện chân thành của tôi vang lên ngày này qua ngày khác.

+ Bênêđíctô thứ 16

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước sự qua đi của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI

Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI đã qua đời vào ngày 31 tháng 12. Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội, Hoa Kỳ, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

“Sự ra đi của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, vang lên những nốt nhạc có vẻ trái ngược với những nốt đau buồn trộn lẫn những nốt lòng biết ơn trong trái tim tôi.

“Giáo hội tạ ơn vì sứ vụ quý báu của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Là một nhà thần học xuất sắc, người đã cống hiến tài năng của mình như một động lực tại Công đồng Vatican II, ngài tiếp tục trong suốt cuộc đời lâu dài của mình để trở thành một thầy dậy đức tin hiệu quả. Là một linh mục, giáo sư đại học và nhà thần học, tổng giám mục và Hồng Y, tiếng nói của ngài trong việc đào sâu một sự hiểu biết đích thực đã dẫn tất cả chúng ta đến tình yêu chân lý và mầu nhiệm Thiên Chúa sâu xa hơn. Chúng ta sẽ mất nhiều năm để nghiên cứu sâu hơn về kho tàng kiến thức phong phú mà ngài đã để lại cho chúng ta.

“Cá nhân tôi nhớ nhiều cuộc gặp với ngài khi tôi phục vụ trong Phủ Quốc vụ khanh, và tôi sẽ không bao giờ quên lời chào của ngài dành cho tôi trong Buổi tiếp kiến chung đầu tiên mà tôi tham dự vài tuần sau khi ngài ấy đắc cử vào sứ vụ kế vị Thánh Phêrô. “Ci conosciamo” - chúng ta biết nhau - là những lời chào đón nồng nhiệt của ngài khi ngài nắm lấy tay tôi.

“Tất cả chúng ta đều nhớ ngài đã gây chấn động thế giới như thế nào vào năm 2013 khi tuyên bố thói vị trách nhiệm Giám mục Rôma, và khi làm như vậy, ngài tiếp tục giảng dạy về lòng can đảm, khiêm nhường và tình yêu đối với Giáo hội. Ngài nhận ra những yêu cầu to lớn đối đè nặng lên ngài với tư cách là mục tử toàn thể Hội Thánh gồm một tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới, và những hạn chế về thể chất của Ngài đối với một nhiệm vụ to lớn như vậy. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, rút lui để sống một cuộc đời thầm lặng cầu nguyện và học hỏi, ngài vẫn tiếp tục dạy chúng ta cách trở thành môn đệ chân chính của Chúa Kitô, trong khi vẫn đóng góp vào di sản của Người.

“Các thế hệ sẽ tiếp tục được làm phong phú thêm bởi những cuốn sách, những bài diễn thuyết và bài giảng của ngài. Tất cả đều bộc lộ chiều sâu của việc học hỏi và suy ngẫm, là điều cần thiết cả trong thời đại chúng ta và trong tương lai.

“Trong khi chúng ta đau buồn vì ngài không còn ở đây với chúng ta nữa, tôi cùng với người Công Giáo ở khắp mọi nơi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc lên Chúa vì hồng ân Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và sứ vụ của ngài. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban cho Ngài sự an nghỉ vĩnh hằng.”

4. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày hòa bình thế giới

Nhân ngày Ngày Hòa bình thế giới lần thứ 56, cử hành vào ngày 01 tháng Giêng năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi thăng tiến tình huynh đệ nhân loại như một phương dược chống lại những hậu quả của đại dịch Covid-19 và thảm trạng chiến tranh.

Ngày Hòa bình thế giới năm nay có đề tài là: “Không ai có thể tự cứu thoát một mình. Tái khởi hành từ Covid-19 để cùng nhau vạch ra những con đường hòa bình”.

Trong Sứ điệp công bố ngày 16 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh Cha nhắc đến những hậu quả đau thương và dư âm của đại dịch Covid-19 và nay “sau ba năm, đây là lúc dành thời gian để tự hỏi, học hỏi, tăng trưởng và để cho mình được biến đổi, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn... Ngày hôm nay, chúng ta được kêu gọi tự hỏi: chúng ta đã học được gì từ tình trạng đại dịch? Đâu là những con đường mới chúng ta phải đi theo để từ bỏ những xiềng xích do các tập quán cũ của chúng ta tạo nên, để được chuẩn bị tốt đẹp hơn, để dám thực hiện những điều mới mẻ?” (n.3)

Đức Thánh Cha cũng nói đến thách đố mới đang được đề ra cho nhân loại là chiến tranh tại Ukraine và tất cả các cuộc xung đột khác rải rác trên thế giới, tượng trưng sự thất bại cho toàn thể nhân loại chứ không phải chỉ liên hệ đến những phe trực tiếp can dự. Tuy người ta đã tìm được vắc-xin chống Covid-19, nhưng vẫn chưa tìm được những giải pháp thích đáng cho chiến tranh”. (n.4)

Trước tình trạng trên đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tinh thần chung và viết rằng: “Chúng ta không còn có thể chỉ nghĩ đến không gian những lợi lộc cá nhân hoặc quốc gia, nhưng phải suy nghĩ dưới ánh sáng công ích, với một ý thức cộng đồng, một tập thể chúng ta cởi mở đối với tình huynh đệ đại đồng”.

“Chúng ta được kêu gọi đương đầu với những thách đố của thế giới chúng ta với tinh thần trách nhiệm và cảm thương. Chúng ta phải duyệt lại vấn đề bảo đảm sức khỏe công cộng cho mọi người; thăng tiến những hoạt động hòa bình để chấm dứt các xung đột và chiến tranh đang tiếp tục gây chết chóc và nghèo đói; chăm sóc một cách có phối hợp căn nhà chung của chúng ta và thực thi những biện pháp rõ ràng và hiệu quả, để đương đầu với sự thay đổi khí hậu; để bài trừ virus là sự chênh lệch và bảo đảm lương thực, công ăn việc làm xứng đáng cho mọi người, nâng đỡ những người không được đồng lương tối thiểu và đang ở trong tình trạng rất khó khăn. Sự kiện có những dân tộc đang chịu đói là điều làm thương tổn chúng ta. Chúng ta cần phát triển, với những chính sách thích hợp, việc tiếp đón và hội nhập, đặc biệt đối với những người di cư và những người sống như bị gạt bỏ trong các xã hội chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta xả thân trong những tình trạng như thế, với ước muốn vị tha, được tình thương vô biên và lòng thương xót của Thiên Chúa soi sáng, thì chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới mới và góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa là Nước tình thương, công chính và hòa bình”.