1. Kosovo cấm Thượng phụ Serbia không được nhập cảnh nước này trước Giáng Sinh Chính thống

Hôm Chúa Nhật 25 tháng 12, các nhà chức trách ở Kosovo đã quyết định cấm Đức Thượng phụ Porfirije người Serbia không được vào nước này trước Lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo.

Giáo Hội Chính thống giáo Serbia tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng theo lịch Giuliô, với các cử hành kéo dài trong ba ngày.

Theo một tuyên bố từ Giáo Hội Chính thống Serbia, chính quyền ở Pristina đã cấm Đức Thượng phụ Porfirije vào Tòa Thượng phụ của Tu viện Pec và quyết định này đã được đón nhận trong sự buồn bã.

Tòa Thượng Phụ nói thêm rằng Đức Thượng Phụ sẽ không từ bỏ việc phục vụ và quyết định này có nghĩa là “sự phân biệt đối xử” đối với người Serb sống trong khu vực.

Porfirije kêu gọi chính quyền đảo ngược quyết định phân biệt đối xử và chấm dứt việc chà đạp nhân quyền.

“Đức Thượng Phụ Pofirije hy vọng rằng quyết định cực kỳ phân biệt đối xử này sẽ bị bãi bỏ và kêu gọi chính quyền ở Pristina chấm dứt việc chà đạp nhân quyền và tự do tôn giáo của những người Serb Chính thống sống trong tỉnh, trên vùng đất của tổ tiên họ, nơi người Serbia đã sống liên tục trong ít nhất 1.500 năm'“, tuyên bố cho biết.

Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo

Kosovo, nơi dân số chủ yếu là người Albania, đã ly khai khỏi Serbia năm 1999 và tuyên bố độc lập vào năm 2008. Nhưng Serbia không công nhận động thái này và coi lãnh thổ này vẫn là một tỉnh cũ của mình

Căng thẳng giữa Kosovo và Serbia leo thang kể từ vụ bắt giữ cựu cảnh sát Serbia Dejan Pantic.

Phản ứng trước việc Pantic bị giam giữ, người Serb ở Kosovo đã đứng gác tại các chướng ngại vật mà họ dựng lên ở cửa khẩu biên giới Jarinje và Bernjak kể từ ngày 10 tháng 12.

Liên minh Âu Châu, NATO và Mỹ đã kêu gọi giảm leo thang và dỡ bỏ các chướng ngại vật ở phía bắc Kosovo, trong khi Serbia yêu cầu triển khai quân đội và cảnh sát dựa trên nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Có khoảng 65,000 người Công Giáo ở Kosovo, trong tổng số khoảng hai triệu người. Hầu hết cư dân Kosovo là người Albani, như Mẹ Teresa. Gần 95 phần trăm dân số theo Hồi giáo.

Toà Thánh chưa công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền.

Tòa Thánh và Serbia đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 3 năm 1919. Tòa thánh có Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Belgrade và đáp lại Serbia có một đại sứ quán cạnh Tòa thánh ở Rôma.

Quyết định từ chối công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền là một phần trong thỏa thuận với Nga và Giáo Hội Chính thống Nga.
Source:AA

2. Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic nhận xét rằng Belarus có thể tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine mới

Belarus có thể một lần nữa trở thành trung tâm đàm phán và đóng góp cho hòa bình ở Ukraine, Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Belarus, Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình STV của Belarus vào ngày 25 tháng 12.

“Năm nay chúng ta kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Belarus. Chúng ta đang phát triển mối quan hệ tốt đẹp. Vatican tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này thông qua nhiều dự án khác nhau. Belarus luôn tiếp nhận các yêu cầu của chúng tôi. Với tư cách là đại diện của Vatican, có thể nói cho đến nay tôi luôn tìm thấy một trái tim rộng mở, giúp đỡ, hỗ trợ và hiểu biết lẫn nhau trong mọi lĩnh vực”, Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic nói.

Khi được hỏi về các dự án chung của Belarus và Vatican, Sứ thần Tòa Thánh cho biết rằng năm tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 25 năm lễ đăng quang Linh ảnh Đức Mẹ Budslau, đây cũng sẽ là dịp để gặp gỡ và thăm viếng. Nhiều sự kiện văn hóa cũng sẽ được tổ chức.

Cuộc trò chuyện chuyển sang các thỏa thuận Minsk khi Belarus tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine. Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic tin rằng Belarus có thể tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình mới. Vatican cũng sẵn sàng đóng góp vào việc thiết lập hòa bình ở Ukraine, Sứ thần Tòa thánh nhấn mạnh. “Tôi chắc chắn rằng Minsk có thể trở thành trung tâm của các cuộc đàm phán một lần nữa. Tôi cho rằng những điều như vậy đáng được thảo luận ở cấp cao. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Belarus, Vatican và tất cả những ai có thiện chí nên cởi mở,” Đức Cha Ante Jozic kết luận.
Source:Belta

3. Đức Tổng Giám Mục Canterbury và Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng bài phát biểu Giáng Sinh để kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Trong thông điệp Giáng Sinh đầu tiên của mình kể từ sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II, Đức Tổng Giám Mục Welby đã ca ngợi tấm gương của cố Nữ Hoàng, người mà theo ngài “đã sống một cuộc đời phục vụ và đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của những người mà bà phục vụ”.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục cũng đã nói về những người đang phải chịu đựng “sự lo lắng và khó khăn vô cùng” trong cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt và đề cập đến “những cuộc đấu tranh tuyệt vọng của các bệnh viện”.

Ngài cũng vinh danh những người thực hiện những cuộc hành trình đầy nguy hiểm trên những chiếc thuyền nhỏ và nói rằng bất chấp chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới cũng như áp lực tài chính đối với người dân, vẫn có “hy vọng không thể cưỡng lại” nơi sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Đức Đức Tổng Giám Mục mục, người đã đến thăm một ngân hàng thực phẩm do Anh Giáo điều hành ở Canterbury trong những ngày gần đây, cũng đề cập đến việc Thiên Chúa tiếp cận với tất cả mọi người.

“Trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa tìm đến mỗi người chúng ta ở đây; với những người mà gia đình không có tài nguyên, vào các phòng giam tối tăm của nhà tù, vào những cuộc đấu tranh tuyệt vọng của các bệnh viện, với những người trên những chiếc thuyền nhỏ, với những người tuyệt vọng, và thậm chí với những kẻ bị kết án và kẻ gian ác, và nói: 'Hãy đưa Ta đi vào trái tim và cuộc sống của con, hãy để Ta giải thoát con khỏi bóng tối bao quanh và lấp đầy con, vì Ta cũng đã ở đó”.

Đề cập đến sự đau khổ của hàng triệu người đối mặt với nạn đói trong bối cảnh giao tranh ở Nam Sudan và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, Đức Cha Welby kêu gọi các nhà lãnh đạo liên quan đến hai nước chấm dứt bạo lực và “mang lại hy vọng cho hàng triệu người”.

“Ngay cả khi thế giới quên đi sự bất công, không quan tâm đến chiến tranh, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện qua Chúa Giêsu trên thế giới… Qua hài nhi này, Thiên Chúa cho thấy Thiên Chúa không từ bỏ chúng ta”

Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Giáng Sinh của mình cho biết thế giới đang phải chịu “nạn đói hòa bình”.

Khi ban phép lành Giáng Sinh lần thứ 10 “Urbi et Orbi” cho Rôma và toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng kêu gọi mọi người hãy nhìn khuôn mặt của những anh chị em Ukraine đang trải qua lễ Giáng Sinh năm nay trong bóng tối và giá lạnh, xa nhà vì sự tàn phá của 10 tháng chiến tranh. Xin Chúa soi dẫn chúng ta đưa ra những cử chỉ liên đới cụ thể để trợ giúp tất cả những người đang đau khổ, và xin Người soi sáng tâm trí của những người có quyền lực dập tắt tiếng sấm của vũ khí và chấm dứt ngay cuộc chiến vô nghĩa này! Đáng buồn thay, chúng ta thích nghe theo những lời khuyên khác, thống trị bởi tư duy phàm tục. Tuy nhiên, ai là người đang lắng nghe tiếng nói của Hài Nhi đây?

Thời đại của chúng ta đang trải qua một nạn đói hòa bình nghiêm trọng cũng ở các khu vực khác và các hí trường khác của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba này. Chúng ta hãy nghĩ đến Syria, vẫn còn vết sẹo bởi một cuộc xung đột đã lùi vào hậu cảnh nhưng vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến Thánh Địa, nơi mà trong những tháng gần đây, bạo lực và đối đầu đã gia tăng, gây ra chết chóc và thương tật. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ở đó, trên mảnh đất đã chứng kiến sự ra đời của Ngài, cuộc đối thoại và những nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa người Palestine và người Israel có thể được nối lại. Xin Chúa Giêsu Hài Đồng nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu sống ở Trung Đông, để mỗi quốc gia đó có thể cảm nghiệm được vẻ đẹp của sự chung sống huynh đệ giữa các cá nhân thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Cầu xin Chúa Hài Đồng đặc biệt giúp đỡ Libăng, để cuối cùng nước này có thể phục hồi với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và với sức mạnh phát sinh từ tình huynh đệ và liên đới. Chớ gì ánh sáng Chúa Kitô chiếu soi vùng Sahel, nơi mà sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc và các truyền thống bị phá vỡ bởi xung đột và các hành động bạo lực. Cầu mong ánh sáng đó dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Yemen và hòa giải ở Miến Điện và Iran và một dấu chấm hết cho mọi đổ máu. Cầu mong ánh sáng Chúa Kitô truyền cảm hứng cho các nhà chức trách chính trị và tất cả những người có thiện chí ở Mỹ Châu cố gắng làm dịu những căng thẳng chính trị và xã hội mà nhiều quốc gia đang trải qua; Tôi đặc biệt nghĩ đến người dân Haiti, những người đã phải chịu đau khổ trong một thời gian dài.
Source:The Guardian