1. Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh Ante Jozic nói: Quan hệ Belarus-Vatican tiếp tục phát triển bất chấp khó khăn

Bất chấp mọi khó khăn, quan hệ giữa Belarus và Vatican vẫn tiếp tục phát triển, Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic, Sứ thần Tòa thánh tại Belarus, đã nói với giới truyền thông trước lễ cải táng thánh tích của tu sĩ Fabian Maliszewski ở Stolbtsy vào ngày 9 tháng 12.

“Cuộc gặp hôm nay với Thống đốc tỉnh Minsk Aleksandr Turchin và sự kiện diễn ra trong nhà thờ là rất quan trọng. Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic cho biết hài cốt của Fabian Maliszewski đã được tìm thấy, mặc dù đó không phải là một công việc dễ dàng, và hiện đã được trả lại cho nhà thờ.

Ngài lưu ý rằng một số vấn đề quan trọng đã được thảo luận tại cuộc gặp với Aleksandr Turchin. Đặc biệt, họ nói về sự phát triển của giáo phận Công Giáo. Sứ thần Tòa thánh đã nói về mối quan hệ tốt đẹp với cả chính quyền địa phương của Tỉnh Minsk và với nhà nước Belarus.

“Năm nay chúng ta đánh dấu 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Belarus. Bất chấp mọi khó khăn, quan hệ của chúng ta đang phát triển và sẽ tiếp tục phát triển. Về phần mình, Vatican sẽ cố gắng hết sức không chỉ vì sự phát triển của giáo hội chúng ta mà còn vì toàn xã hội,” Đức Cha Ante Jozic nói.

Buổi lễ cải táng thánh tích của Fabian Maliszewski đã diễn ra tại Nhà thờ Thánh Casimir ở Stolbtsy. Tham dự buổi lễ có Aleksandr Turchin và Sứ thần Tòa Thánh. Một thánh lễ được tổ chức tại nhà thờ Công Giáo Stolbtsy, sau đó hài cốt của Fabian Maliszewski được đặt trong quan tài và chuyển đến một ngách trước lối ra vào của nhà thờ.

2. Lương hàng năm của Đức Thánh Cha Phanxicô là bao nhiêu?

Với tư cách là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới, người ta sẽ cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nhận được một mức lương hậu hĩnh để bù đắp cho nhiều nhiệm vụ của ngài. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn ngược lại.

Vào năm 2001, có tin đồn rằng Thánh Gioan Phaolô II đã kiếm được một mức lương kha khá, nhưng tờ New York Times đưa tin, “Phát ngôn nhân của Vatican, Joaquín Navarro-Valls, đã chấm dứt suy đoán về mức lương của Đức Giáo Hoàng, nói rằng, Đức Giáo Hoàng không và chưa bao giờ nhận được một mức lương nào cả”

Lời khấn khó nghèo

Điều này thậm chí còn đúng hơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, người, với tư cách là thành viên của Dòng Tên, đã tuyên khấn khó nghèo khi lần đầu tiên gia nhập cộng đoàn tu trì của mình.

Tuy nhiên, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô không nhận được bất kỳ khoản tiền nào dưới hình thức tiền lương hàng tháng, thì ngài được Vatican chi trả mọi chi phí đi lại và sắp xếp cuộc sống. Ngài không bao giờ phải lo lắng về thức ăn hay chỗ ở, nhưng ngài không có bất kỳ khoản thu nhập nào để chi tiêu cho các đơn đặt hàng trên Amazon.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha có quyền truy cập vào một quỹ bác ái lớn mà ngài có thể tự do phân phối cho những người gặp khó khăn theo ý muốn của mình. Ví dụ, theo Crux, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao 500,000 đô la từ quỹ “Đồng Tiền Thánh Phêrô” để hỗ trợ gần 75,000 người ở Mễ Tây Cơ. Đây chỉ là một trong nhiều khoản quyên góp mà ngài thường xuyên thực hiện, thường là sau các thảm họa thiên nhiên hoặc cho các khu vực đặc biệt cần thiết do chiến tranh, hạn hán hoặc các thiên tai khác.

Đức Giáo Hoàng được tường trình sống theo gương của Chúa Giêsu, người cũng không có lương và phụ thuộc vào lòng hảo tâm của người khác để cung cấp cho nhu cầu của Ngài trong suốt ba năm thi hành chức vụ, như được đề cập trong Kinh thánh.


Source:Aleteia

3. Đa số dư luận hoàn cầu không ủng hộ phần lớn các mục tiêu của Tiến Trình Công Nghị Đức

Theo tạp chí The Pillar ngày 7 tháng 12, 2022, một cuộc nghiên cứu do Hội đồng Giám mục Đức đồng tài trợ đã cho thấy sự khác biệt lớn về quan điểm của những người Công Giáo trên toàn thế giới đối với các mục tiêu của Tiến Trình Công Nghị Đức.

Thực vậy, hôm thứ Tư vừa qua, Hội đồng Giám mục Đức đã công bố kết quả ban đầu của một nghiên cứu nhằm đo lường sự hỗ trợ hoàn cầu đối với các mục tiêu của “Tiến Trình Công Nghị” vốn gây tranh cãi của đất nước.

Cuộc nghiên cứu, do Hội đồng Giám mục đồng tài trợ, nhằm đánh giá thái độ của người Công Giáo trên khắp thế giới đối với bốn chủ đề chính trong sáng kiến của Đức: quyền lực, chức tư tế, phụ nữ trong Giáo hội và tình dục.

599 người tham gia từ 67 quốc gia, được khảo sát trực tuyến vào tháng 4, là những người hiện tại hoặc trước đây đã từng nhận học bổng ở Đức, nhưng các nhà nghiên cứu kết luận rằng điều này “không có nghĩa là họ tự động tiếp nhận quan điểm của Đức, biểu lộ qua sự khác biệt đáng kể… trong các câu trả lời, đặc biệt là theo khu vực”.

Gần hai phần ba số người được hỏi — hơn 90% trong số họ là người Công Giáo — đồng ý mạnh mẽ với tuyên bố cho rằng “sự tham gia chung của giáo dân và giáo sĩ trong sứ mệnh của Giáo hội quả hữu ích đối với việc công bố sứ điệp”.

Nhưng chỉ có 44% ủng hộ mạnh mẽ việc bãi bỏ luật bắt buộc linh mục độc thân và 42% kiên quyết ủng hộ việc nhận phụ nữ vào chức phó tế và linh mục. Chưa đến 38% đồng ý mạnh mẽ rằng “Giáo Hội Công Giáo nên đánh giá lại quan điểm của mình về đồng tính luyến ái”.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận sự khác biệt rõ rệt về quan điểm giữa những người được hỏi ở Phi Châu và Mỹ Châu Latinh, trong đó người Phi Châu có nhiều xác suất đồng ý rằng “tình dục chỉ có thể có chỗ đứng trong hôn nhân Công Giáo” và không đồng ý với lời kêu gọi đánh giá lại đồng tính luyến ái.

Kết quả của cuộc nghiên cứu được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm đối với những người ủng hộ Tiến Trình Công Nghị, một dự án được khởi động vào năm 2019 nhằm tập hợp các giám mục Đức và một số giáo dân để thảo luận về các chủ đề nóng bỏng như nữ phó tế, linh mục đã kết hôn và đồng tính luyến ái.

Các viên chức Vatican đã chỉ trích mạnh mẽ sáng kiến này trong chuyến viếng thăm ad limina vào tháng 11 của các giám mục Đức tới Rôma. Họ đã kêu gọi một lệnh cấm, nhưng đa số các giám mục Đức bác bỏ đề nghị này.

Với việc Vatican bày tỏ sự dè dặt sâu xa, các nhà tổ chức Tiến Trình Công Nghị đã bắt đầu nhấn mạnh rằng những mối quan tâm của họ được chia sẻ rộng rãi ở bên ngoài nước Đức và nên được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng hội đồng năm tới về tính đồng nghị ở Rome.

Phát biểu trước các Hồng Y của Vatican vào ngày 18 tháng 11, Chủ tịch hội đồng giám mục, Đức Cha Georg Bätzing, nhấn mạnh rằng “các vấn đề chúng ta đang giải quyết trong bốn diễn đàn và tại các phiên nhóm đồng nghị cũng đang được thảo luận ở các thành phần khác trong Giáo hội”.

Irme Stetter-Karp, đồng chủ tịch của Tiến Trình Công Nghị cùng với Giám mục Bätzing, cho biết vào ngày 19 tháng 11 rằng lời kêu gọi tạm hoãn “cho tôi thấy điều quan trọng là chúng ta phải rõ ràng đưa chương trình nghị sự của mình đến thượng hội đồng hoàn cầu”.

Tiến Trình Công Nghị đã công bố một tạp chí dài 68 trang bằng tiếng Anh vào tháng 8, nhằm mục đích xây dựng sự ủng hộ cho sáng kiến ở bên ngoài nước Đức.

Viết trong phần giới thiệu, Giám mục Bätzing và Stetter-Karp nói rằng tạp chí nhằm mục đích cho thấy rằng các chủ đề của đường lối đồng nghị đang được “giải quyết – có lẽ theo những cách khác nhau, nhưng không kém phần rõ ràng – ở nhiều nơi khác nhau trong toàn thể Giáo hội Hoàn vũ”.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 2 tháng 12, một trong những kiến trúc sư của Tiến Trình Công Nghị nói rằng sáng kiến này đã “mở ra” các vấn đề như giáo sĩ đã kết hôn, nữ linh mục và đồng tính luyến ái, và chúng hiện đang được “thảo luận trên phạm vi quốc tế, không chỉ ở Đức”.

Thomas Sternberg, cựu chủ tịch Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK) nhiều quyền lực, gợi ý rằng Tiến Trình Công Nghị đang gây ảnh hưởng hoàn cầu bởi vì nó không phải là một Thượng Hội Đồng về mặt Giáo luật và do đó “ngay cả những luận bác phê phán tiền chế ở Rome cũng không đi đến đâu cả”.

Ông nói thêm rằng các nhà tổ chức đã sử dụng các chiến thuật rút ra từ thế giới chính trị, chẳng hạn như sử dụng “các diễn trình và sự phát triển để biến các chủ đề thành đáng được thảo luận ngay từ đầu” nhằm tạo áp lực thay đổi trong Giáo hội.

Cuộc nghiên cứu về thái độ hoàn cầu đối với Tiến Trình Công Nghị, được thực hiện bởi Cơ quan Trao đổi Học thuật Công Giáo (KAAD) và Viện Giáo hội và Truyền giáo Hoàn cầu (IWM), là một phần của dự án mang tên “Tiến Trình Công Nghị - Quan điểm của Giáo hội Thế giới”.

Nghiên cứu được chia thành hai phần: “giai đoạn định lượng” trước nhất, tiếp theo là “giai đoạn định phẩm”. Giờ đây, các nhà nghiên cứu sẽ hướng dẫn các nhóm tập chú theo khu vực để hiểu rõ hơn về các ý kiến khác nhau.

Suy nghĩ về kết quả của giai đoạn định lượng, họ nói: “Tóm lại, có thể nói rằng những người tham gia có xu hướng tích cực củng cố vai trò và ảnh hưởng của giáo dân trong Giáo hội nhằm đạt được sự phân bổ quyền lực tốt hơn, điều này có thể cũng giúp trong việc công bố thông điệp. Cả hai khía cạnh đều nhận được sự chấp thuận rõ ràng, cho thấy các giá trị cao nhất trong cuộc khảo sát và sự đồng thuận rõ ràng trong mẫu thăm dò”.

“Ngược lại, có những ý kiến mâu thuẫn về giá trị của đời sống độc thân và cách sống của các linh mục ngày nay. Tuy nhiên, những người tham gia cũng không đồng ý rõ ràng với việc để họ quyết định lối sống của họ trong tương lai”.

“Ngoài ra, vai trò của phụ nữ trong các giáo xứ đã được đánh giá rõ ràng; tuy nhiên những người được hỏi bày tỏ ý kiến lưỡng diện về ảnh hưởng của phụ nữ trong giáo xứ và cộng đồng của họ. Ý tưởng cho phép họ được nhận vào các chức vụ được tấn phong có vẻ vẫn còn gây tranh cãi”. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Cuối cùng, hầu hết những người được hỏi đều đồng ý rằng Giáo hội nên quan tâm sâu xa đến vấn đề tình dục, tuy nhiên, ý kiến của họ về giáo huấn hiện tại của Giáo hội về tình dục, hôn nhân và đồng tính luyến ái còn nhiều tính lưỡng diện hơn”.

“Các phân tích về sai biệt giữa các nhóm theo biến số bối cảnh cho thấy rằng vùng xuất xứ rất khác nhau trong mọi trường hợp. Ngược lại, các biến số khác như giới tính, lối sống hoặc giáo phái chỉ quan trọng ở một số khía cạnh chuyên biệt”.