1. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trong chuyến viếng thăm lịch sử đến Malta

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, nhà lãnh đạo tinh thần của khoảng 300 triệu Kitô hữu Chính thống trên toàn thế giới hôm thứ Hai đã chủ trì thánh lễ tại nhà thờ Valletta dành riêng kính thánh Nicholas, vào chiều trước ngày lễ của vị thánh.

Chuyến viếng thăm Malta của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô là một chuyến đi lịch sử - ngài là Thượng phụ Chính Thống Giáo đầu tiên đến thăm Malta và cũng sẽ được Đại học Malta trao bằng Tiến sĩ danh dự.

Trong chuyến đi đến đây, kéo dài đến hôm thứ Tư vừa qua, ngài đã gặp gỡ những người tị nạn và cộng đồng Kitô giáo Chính thống khá lớn ở Malta.

Ngài hạ cánh vào Chúa Nhật tại Sân bay Quốc tế Malta, nơi Ngài được Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna và Đức Giám Mục Phụ Tá Joseph Galea-Curmi chào đón.

Vào sáng thứ Hai, Đức Thượng phụ và đoàn tùy tùng của ngài đã được Đức Tổng Giám Mục Scicluna và một số giám mục Malta tiếp đón tại tòa Tổng Giám mục ở Mdina.

Trong chuyến thăm này, Đức Thượng phụ và Đức Tổng Giám Mục đã thảo luận về một số chủ đề mà cả hai bên cùng quan tâm, bao gồm các mối quan hệ Đại kết hỗ tương, việc chăm sóc mục vụ cho các thành viên của các Giáo hội Chính thống ở Malta, việc sử dụng các Nhà thờ Công Giáo cho các Phụng vụ Thánh của Chính thống, hiện tượng di cư và quan tâm đến môi trường và thúc đẩy hòa bình ở Địa Trung Hải và hơn thế nữa.

Vị Thượng phụ 82 tuổi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục thành Constantinople vào năm 1991. Ngài đã làm việc với các vị Giáo Hoàng về việc cải thiện mối quan hệ giữa Công Giáo và Chính thống giáo, và đã lên tiếng về các vấn đề di cư.
Source:timesofmalta.com

2. Hội Hiệp sĩ Colombo chuẩn bị sáng kiến mới giúp Ukraine

Hội Hiệp sĩ Colombo đang chuẩn bị một sáng kiến mới giúp dân chúng tại Ukraine và những người Ukraine tị nạn tại Ba Lan, nhân dịp lễ Giáng Sinh sắp tới, với 100.000 thùng quà cho các gia đình.

Hội Hiệp sĩ này là một Hội nam giới Công Giáo, do chân phước linh mục Michael McGivney ở Mỹ thành lập cách đây hơn 130 năm và có hơn hai triệu hội viên thuộc 15.000 chi hội ở các nước, trong đó chi hội ở Ba Lan có 17.050 người. Việc chuẩn bị các thùng quà này sẽ do chi hội Ba Lan thực hiện.

Khi chiến tranh tại Ukraine bùng nổ, trong vòng 36 tiếng đồng hồ, một Quỹ Liên đới với Ukraine đã được Hội Hiệp sĩ Colombo khởi động và đã chuẩn bị Trung tâm Lòng Thương Xót gần biên giới Ba Lan và Ukraine, cũng như các nơi khác trong nội địa Ba Lan để thực thi các công tác cứu trợ. Hiện nay, có 6 Trung Tâm bác ái đã được Hội thiết lập tại các giáo xứ tại nước này, với mục đích giúp đỡ người tị nạn Ukraine hội nhập vào xã hội Ba Lan qua các lớp học ngôn ngữ, chương trình hè cho các trẻ em, và giúp tìm công ăn việc làm.

Trong những ngày này, thủ lãnh Hội Hiệp sĩ, ông Patrick Kelly, đang viếng thăm Ba Lan, gặp gỡ giáo quyền và cũng đã viếng thăm Tổng thống Ba Lan.

Hội cũng trợ giúp người Ukraine trong việc tháo gỡ các mìn chống người do quân Nga gài đặt. Công tác này rất quan trọng để khuyến khích các nông dân Ukraine trở lại quê hương có thể canh tác trong an ninh. Hội cũng đã tổ chức các đoàn xe chở hơn 1.700 tấn thực phẩm và các vật dụng khác tới Ukraine và trao tặng đợt đầu 100.000 thùng quà cho các gia đình ở Ukraine.

3. Những cái bắt tay trao bình an trở lại với Giáo hội Ý

Việc khôi phục tiếp xúc vật lý trong Thánh lễ đã diễn ra khi Ý nới lỏng một số biện pháp phòng ngừa thời kỳ đại dịch.

Giáo Hội Công Giáo ở Ý đã thông báo rằng các giáo dân một lần nữa được phép bắt tay khi chào bình an trong Thánh lễ. Việc thực hành bị cấm trong đại dịch. Việc khôi phục bắt tay diễn ra khi Ý nới lỏng một số biện pháp phòng ngừa đại dịch, bao gồm cả việc đeo khẩu trang ở một số không gian công cộng.

Reuters báo cáo rằng Hội đồng Giám mục Ý, gọi tắt là CEI, đã ban hành hướng dẫn về vấn đề này vào thứ Sáu, ngày 2 tháng 12, và tuyên bố này đã được các hãng tin Ý phổ biến vào cuối tuần qua. Các giám mục đã viết:

Đưa cái bắt tay trở lại trong nghi thức chúc bình an đánh dấu sự trở lại bình thường đối với các giáo xứ Công Giáo.

Thật đặc biệt phấn khởi khi chứng kiến sự trở lại của dấu hiệu bắt tay hòa bình đối với Giáo hội Ý, vì Ý là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch thế giới. Reuters đưa tin vào đầu tháng 10 rằng chính quyền Ý đã nới lỏng các hạn chế. Ý đã dỡ bỏ lệnh yêu cầu tất cả hành khách đi tàu hỏa, xe buýt và phà phải đeo khẩu trang.

Cái bắt tay trong khi chúc bình an là một biểu hiện truyền thống của Công Giáo về sự tha thứ cho người lân cận, điều này diễn ra trước khi rước lễ. Cử chỉ này bắt nguồn từ Tin Mừng, đặc biệt là Phúc Âm theo Thánh Matthêu 5:23-24, nơi Chúa Giêsu chỉ dẫn:

“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”

Các cộng đồng Kitô giáo sơ khai đã ghi nhớ hướng đi này và kết hợp dấu hiệu bình an vào Thánh lễ. Mặc dù nó đã được đưa vào các cử hành Thánh Thể từ những ngày đầu thực hành Kitô giáo, nhưng nó đã có nhiều hình thức khác nhau trong những năm qua. Phil Kosloski của Aleteia viết:

Cái mà chúng ta gọi là “dấu hiệu bình an”, Giáo Hội sơ khai gọi là “nụ hôn bình an.” Đó là một phong tục trong văn hóa Địa Trung Hải vào thời điểm đó và vẫn còn cho đến ngày nay để chào đón gia đình và bạn bè bằng một nụ hôn.

Cử chỉ này được tìm thấy trong suốt lịch sử phụng vụ của Giáo hội và từ thời Thánh Grêgôriô Cả, cử chỉ này được coi là điều kiện tiên quyết để Rước lễ.

Nụ hôn bình an thường chỉ được trao cho những người đứng cạnh nhau và sau đó người ta phát triển rằng nụ hôn bình an đi từ cung thánh xuống và được trao cho mọi người, tượng trưng cho sự bình an đến từ Chúa Kitô. Điều này thậm chí còn được củng cố hơn nữa khi vị linh mục hôn bàn thờ trước rồi chuyển nụ hôn đó cho những người giúp lễ của mình.
Source:Aleteia