1. Chiếc máy bay trực thăng thứ ba của Nga bị bắn rơi ở Ukraine chỉ trong một ngày

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 25 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết tối thứ Hai 24 tháng 10, các lực lượng phòng thủ Ukraine ở khu vực Kherson đã bắn hạ thêm một chiếc trực thăng tấn công Ka-52 của Nga. Đó là chiếc thứ ba kể từ đầu ngày.

“Vào ngày 24 tháng 10, vào khoảng 21 giờ 30 phút, tại quận Beryslav của vùng Kherson, một đơn vị của Lữ đoàn Hỏa tiễn Phòng không Kherson của Bộ Tư lệnh Không quân miền Nam đã bắn rơi chiếc trực thăng Ka-52 thứ ba của Nga trong một ngày”, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói.

Như đã đưa tin trước đó, ngày 24/10, lực lượng Ukraine ở vùng Kherson đã bắn hạ 2 trực thăng tấn công Ka-52 của Nga chỉ trong vòng nửa giờ.

Trực thăng Ka-52 Alligator là phiên bản hai chỗ ngồi và cao cấp hơn nguyên bản Ka-50 Hokum. Trong những năm 1980, nó được thiết kế để tiến hành trinh sát chiến trường, chỉ định mục tiêu, hỗ trợ và điều phối các hoạt động trực thăng tấn công của nhóm. Một trong những điểm đặc biệt của Ka-52 là nó được trang bị hai ghế có thể phóng ra khi máy bay trúng phải hỏa tiễn của đối phương. Khi phi công kích hoạt chúng, hai cánh quạt trên đầu sẽ bị thổi bay, trước khi phi công phóng ra ngoài, như thế anh ta không bị cánh quạt chém chết. Ka-50 Hokum, tiền thân của Ka-52 là chiếc trực thăng tấn công đầu tiên được trang bị ghế phóng như thế. Không giống như trên trực thăng tấn công thông thường, các phi công không ngồi phía sau nhau, trên Ka-52 họ ngồi cạnh nhau.

Ka-52 Alligator được phát triển từ chiếc Ka-50 Hokum một chỗ ngồi. Do hai phi công ngồi cạnh nhau nên thân máy bay đã được nới rộng ra. Việc sản xuất đã bắt đầu vào ngày 29 tháng 10 năm 2008, và động cơ của nó được sản xuất chủ yếu tại Ukraine. Đến khi xảy ra cuộc xâm lược của Nga vào năm 2014, Ukraine chính thức ngừng cung cấp các loại động cơ trực thăng cho Nga. Nói chính thức, là vì bọn con cháu người Nga sinh sống tại Ukraine và hoạt động trong ngành động cơ trực thăng vẫn lén lút cung cấp các loại động cơ cho Nga, kể cả sau ngày 24 tháng 2 khi Putin mở cuộc xâm lược Ukraine.

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 25 tháng 10, phát ngôn nhân cho biết Bộ Tư lệnh Không quân không loại trừ khả năng chiếc trực thăng này có động cơ do một nhà sản xuất Ukraine sản xuất.

Hôm Chúa Nhật 23 tháng 10, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã bắt giữ Chủ tịch Công ty cổ phần Motor Sich Vyacheslav Bohuslayev và trưởng bộ phận kinh tế đối ngoại của công ty với tội danh cộng tác, hỗ trợ và tiếp tay cho nhà nước xâm lược.

Theo bản ghi âm các cuộc gọi nghe lén của Bohuslayev với các đối tác Nga, công ty dường như đã bán cho Nga các động cơ cho máy bay trực thăng quân sự bất chấp hành động gây hấn liên tục của Nga đối với Ukraine. Các phương tiện truyền thông ở Kyiv cho biết vụ giao dịch cuối cùng mới xảy ra vào tháng 9 vừa qua. Nếu bị kết tội, hai tên này ở tù lâu lắm mới ra.

2. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho rằng Nga không dám cho nổ con đập thủy điện Kakhova gần Kherson

Nga cùng lắm chỉ làm chậm bước tiến của quân đội Ukraine ở phía nam trong khoảng hai tuần là cùng nếu cho nổ đập thủy điện Kakhova gần Kherson.

Bình luận của Thiếu tướng Kyrylo Budanov được đưa ra trong bối cảnh ngày càng lo ngại rằng Nga đang có kế hoạch cho nổ đập thủy điện lớn tại Nova Kakhovka, thượng nguồn Kherson, nơi chứa 18 triệu mét khối nước.

Một động thái như vậy sẽ làm tràn ngập lãnh thổ do Nga chiếm đóng và tước đi kênh dẫn nước quan trọng của Mạc Tư Khoa dẫn đến bán đảo Crimea, Budanov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Ukrainska Pravda.

Hôm thứ Sáu, tình báo quốc phòng Ukraine cảnh báo rằng con đập đã bị đặt mìn và hai xe tải chở đầy chất nổ đã được đặt trên các bức tường cao 30m của nó.

Nhưng Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết con đập chỉ mới bị gài mìn một phần và việc phá hủy hoàn toàn sẽ cần nhiều tấn chất nổ.

Ông nói, các lực lượng Nga sẽ nhận được “một trận ngập lụt toàn bộ” ở tả ngạn Kherson do Nga chiếm đóng.

“Về mặt lý thuyết, họ sẽ mất khả năng cung cấp nước cho Kênh đào Bắc Crimea, cho Crimea. Tất nhiên, họ sẽ làm phức tạp quá trình phản công của chúng tôi trong một khoảng thời gian nhất định. Và điều này, không phải là một khoảng thời gian quá dài, khoảng hai tuần hoặc hơn một chút thôi”.

Ông nói thêm rằng việc nổ tung con đập cũng sẽ “phá hủy khả năng tồn tại của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vì cơ sở này có mối liên hệ chặt chẽ với đập thủy điện”.

3. NATO mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc của Nga về bom bẩn

Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace về tuyên bố không có bằng chứng của Nga rằng Ukraine có kế hoạch sử dụng “bom bẩn”.

Ông nói, liên minh bác bỏ các tuyên bố của Mạc Tư Khoa, đồng thời cảnh báo rằng Nga “không được sử dụng nó như một cái cớ để leo thang” trong cuộc chiến của họ ở Ukraine.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell đã hoan nghênh quyết định của Ukraine yêu cầu một phái đoàn chuyên gia từ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đến kiểm tra các cơ sở của họ trước những tuyên bố của Nga rằng họ đang phát triển một “quả bom bẩn”.

Borell cho biết ông đã nói chuyện với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba về các tuyên bố của Nga, mà ông tin chắc là sai.

4. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi Israel tham gia cuộc chiến chống Nga và lặp lại lời kêu gọi đối với các hệ thống phòng không của Israel.

Zelenskiy cho biết trong một bài phát biểu video tại một hội nghị của tờ báo Haaretz, Israel:

Không phải đã đến lúc quốc gia của các bạn phải chọn người các bạn muốn liên minh sao? Các bạn muốn liên minh với thế giới dân chủ, vốn đang sát cánh chiến đấu chống lại mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn tại của nó? Hay các bạn lại muốn liên minh với những người nhắm mắt làm ngơ trước sự khủng bố của Nga, ngay cả khi cái giá phải trả của khủng bố tiếp tục là sự phá hủy hoàn toàn an ninh toàn cầu.

Israel đã từ chối bán vũ khí phòng không cho Kyiv, cảnh giác về mối quan hệ căng thẳng với Mạc Tư Khoa bất chấp các báo cáo rằng Iran đang hỗ trợ phi công Nga lái máy bay không người lái do Iran sản xuất để ném bom các mục tiêu dân sự ở Ukraine.

Mạc Tư Khoa đã phủ nhận việc sử dụng máy bay không người lái của Iran nhằm vào các thành phố của Ukraine, nhưng các quan chức Tehran đã xác nhận điều đó và cho biết họ cũng sẽ cung cấp hỏa tiễn đạn đạo để giúp bổ sung cho kho vũ khí đang cạn kiệt của Nga.

Israel đã lên án cuộc xâm lược của Nga nhưng hạn chế sự hỗ trợ của nước này trong việc cung cấp các thiết bị phòng thủ và viện trợ nhân đạo. Gần đây nhất, Israel đề nghị giúp người Ukraine phát triển các cảnh báo tấn công bằng đường không cho dân thường.

Phát biểu hôm nay, Zelenskiy nói rằng điều đó là chưa đủ và yêu cầu các nhà lãnh đạo Israel xem xét lại việc gởi các hệ thống phòng không.

Ông cảnh báo Israel rằng Tehran cung cấp máy bay không người lái và hỏa tiễn đạn đạo cho Nga để nhận được các trợ giúp trong chiến lược tăng cường vũ khí hạt nhân của mình.

5. Cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ cử thanh sát viên tới 2 địa điểm ở Ukraine sau khi Kyiv yêu cầu

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết họ sẽ cử các thanh sát viên tới thăm hai địa điểm hạt nhân ở Ukraine sau khi nhận được yêu cầu làm như vậy từ các nhà chức trách ở Kyiv.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết họ đã “biết về các tuyên bố của Liên bang Nga vào hôm Chúa Nhật về các hoạt động bị cáo buộc tại hai địa điểm hạt nhân ở Ukraine,” theo một thông cáo trên trang web của cơ quan này hôm thứ Hai.

Cơ quan không cho biết vị trí của hai địa điểm.

Quyết định này được đưa ra sau những cáo buộc của các quan chức Nga trong những ngày gần đây rằng Kyiv đã lên kế hoạch sử dụng cái gọi là “bom bẩn” trong một chiến dịch cờ giả.

Loại vũ khí này được thiết kế để kết hợp một chất nổ thông thường, chẳng hạn như thuốc nổ, với chất phóng xạ, chẳng hạn như uranium, để phân tán chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn.

Mạc Tư Khoa tuyên bố mà không có bằng chứng rằng có các tổ chức khoa học ở Ukraine sở hữu công nghệ cần thiết để tạo ra vũ khí này và cáo buộc Kyiv đang lên kế hoạch sử dụng nó.

Các cáo buộc này đã bị bác bỏ mạnh mẽ bởi Mỹ, Ukraine và Vương quốc Anh, những người lần lượt cáo buộc Nga đang cố gắng thực hiện chiến dịch cờ giả để lấy cớ tấn công mạnh mẽ Ukraine.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đã nhận được văn bản yêu cầu của Ukraine cử các đội thực hiện các hoạt động xác minh tại hai địa điểm trên.

Grossi nhấn mạnh rằng cả hai địa điểm đều nằm trong các biện pháp bảo vệ của IAEA.

“IAEA đã kiểm tra một trong những địa điểm này một tháng trước và tất cả các phát hiện của chúng tôi đều phù hợp với các tuyên bố về biện pháp bảo vệ của Ukraine. Không có hoạt động hoặc vật liệu hạt nhân chưa được công bố nào được tìm thấy ở đó “, người đứng đầu IAEA cho biết.

6. Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga hô hào tận diệt người Ukraine đã bị đuổi việc

Trong một thông báo đưa ra hôm thứ Hai 24 tháng 10, cơ quan truyền thông nhà nước Nga RT cho biết Anton Krasovsky đã bị đuổi việc sau khi trình bày trước thế giới những luận điệu quá sức dã man. RT nhận định rằng những luận điệu mang ý thức hệ của Anton Krasovsky không tiêu biểu cho nhận thức chung của người Nga và có nguy cơ khiến thế giới hiểu nhầm Nga là một dân tộc dã man.

Tưởng cũng nên nhắc lại trong một diễn biến gây xúc động trên thế giới, trong một chương trình hội thoại của Nga, Anton Krasovsky, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga và khách mời của ông ta là nhà văn Sergei Lukayanenko đã hô hào nhấn nước cho chết đuối trẻ em, hãm hiếp phụ nữ và thiêu sống người Ukraine.

Cuộc trò chuyện khiến giáo sư nghiên cứu quốc phòng Michael Clarke đang được mời thỉnh giảng tại Kings College London nói rằng đó là một ví dụ về “sự suy thoái đạo đức hoàn toàn” ở nước Nga của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong cuộc trao đổi, Lukyanenko đã đề cập đến những câu chuyện về những gói thuốc kích dâm Viagra được các bà cụ người Ukraine trao cho những người lính Nga. Theo Giáo sư Michael Clarke, đó là một ví dụ về “chứng cuồng loạn” và “những tưởng tượng bệnh hoạn” của người Nga.

Sau khi được Lukyanenko mời chào Krasovsky nói rằng: “Những bà cụ đó sẽ đưa tiền tiết kiệm dùng cho việc mai táng để lính Nga mua thuốc hãm hiếp mình.” Người ta khó tưởng tượng được những nhân vật văn hóa của Nga lại có thể tung ra những luận điệu khốn nạn như vậy.

Trong khi đó, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 cho thấy một số binh sĩ Nga đã có hành vi bạo lực đối với người Ukraine, bao gồm cả các trường hợp hãm hiếp và tra tấn.

Báo cáo cho biết: “Có những ví dụ về trường hợp người thân bị buộc phải chứng kiến tội ác. Trong các trường hợp chúng tôi đã điều tra, độ tuổi của nạn nhân phải gánh chịu bạo lực tình dục và giới tính là từ 4 đến 82 tuổi”.

Những nhận xét công kích, bao gồm cả những lời chế nhạo chủng tộc đối với người Ukraine, tiếp tục sau khi Lukyanenko cho biết trước đây ông ta đã đến đất nước này vào những năm 1980, nơi trẻ em ở đó đã nói với ông rằng họ đang bị Nga chiếm đóng.

Krasovsky trả lời: “Bất cứ ai nói rằng Moskals đã xâm lược họ, bạn nên ném họ xuống sông với dòng chảy mạnh.”

Giáo sư Clarke nói với Newsweek rằng ông tin rằng các bình luận sẽ “gần như hoàn toàn có tác dụng tiêu cực đối với chiến dịch chung của Nga.”

Các bình luận nêu trên có lẽ sẽ được những người Nga có chung niềm tin phân biệt chủng tộc và diệt chủng tán thành. Nhưng Clarke nói rằng hầu hết người Nga sẽ thấy các bình luận này là đáng ghê tởm.

“Hầu hết người Nga chắc chắn không man rợ như vậy và dường như ngày càng hoang mang với cách mà đất nước hiện đang theo đuổi cuộc chiến chống lại không chỉ đối với giới lãnh đạo Ukraine mà còn với những nhà lãnh đạo các quốc gia Slavic khác,” Clarke nói

Ông tiếp tục: “Đó không phải là nước Nga thực sự. Nhưng đó là nước Nga chính thức trong thời điểm hiện tại”.

7. Tướng Mỹ nhận định Hoa Kỳ nên công khai sỉ nhục Iran vì dính líu vào cuộc xâm lược của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Should 'Publicly Shame' Iran for Russia Meddling: Former Army Major”, nghĩa là “Cựu Tướng Mỹ nhận định Hoa Kỳ nên công khai sỉ nhục Iran vì dính líu vào cuộc xâm lược của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Mỹ nên trừng phạt Iran vì đã cung cấp và tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào các mục tiêu dân sự Ukraine, một chuyên gia quân sự và cựu Thiếu tướng quân đội Mỹ nói với Newsweek.

Ukraine lần đầu tiên báo cáo về một cuộc tấn công bằng vũ khí Shahed-136 do Iran cung cấp vào ngày 13 tháng 9 và hôm thứ Hai những máy bay không người lái này đã tàn phá ở các khu vực Kyiv, Dnipro và Sumy.

Trong khi đó, Reuters, dẫn lời các quan chức và nhà ngoại giao Iran, đã đưa tin Iran đã hứa cung cấp cho Nga nhiều máy bay không người lái bên cạnh các hỏa tiễn đất đối đất,.

Liên Hiệp Âu Châu và chính phủ Anh tuyên bố sẽ trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp Iran vì cung cấp máy bay không người lái, là điều mà các đồng minh phương Tây cho rằng vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc cấm Iran chuyển giao một số công nghệ quân sự.

Tuy nhiên, John Spencer, một Thiếu tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và chủ trì nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Diễn đàn Chính sách Madison, cho biết Mỹ cũng nên tung ra những áp lực ngoại giao, quân sự và kinh tế để ngăn chặn việc cung cấp máy bay không người lái cho Iran.

Ông nói với Newsweek: “Mỹ, cũng như Anh, nên áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Nga.”

Ông nói: “Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc nên công khai làm nhục Iran vì đã hỗ trợ cho tội ác chiến tranh và tội ác diệt chủng của Nga ở Ukraine. Mỹ và NATO nên ngay lập tức cung cấp cho Ukraine vũ khí và thiết bị cần thiết để tiêu diệt máy bay không người lái và hỏa tiễn của Iran”.

Theo quan điểm của ông, điều này nên bao gồm radar, hệ thống phòng không và hỏa lực tầm xa hơn như ATACM, hay Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, có thể tiếp cận các địa điểm phóng máy bay không người lái và địa điểm huấn luyện ở Crimea và các khu vực bị chiếm đóng khác. Ông cũng kêu gọi ban hành luật chỉ định Nga là nhà nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố.

Mỹ cho biết họ nhất trí với các đồng minh phương Tây rằng việc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Khi được liên hệ để đưa ra bình luận, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã giới thiệu cho Newsweek bình luận của Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Sáu rằng Mỹ đã “hành động chống lại việc cung cấp máy bay không người lái của Iran cho bất kỳ ai sử dụng chúng một cách hung hăng và nguy hiểm”.

Blinken cũng cho biết “chúng tôi đã xử phạt các thực thể mà chúng tôi có thể tìm thấy có liên quan đến việc này.” Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Iran để đưa ra bình luận.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, nói trong một cuộc họp hôm thứ Năm rằng các nhân viên Iran đã có mặt tại Crimea để giúp lực lượng Nga sử dụng máy bay không người lái và bác bỏ tuyên bố của Tehran rằng họ không phải là nhà cung cấp.

Iran cũng được cho là đã cung cấp cho Nga những chiếc Shahed 129 và Shahed 191, cũng như máy bay không người lái Mohajer-6, mặc dù Tehran đã phủ nhận cung cấp bất kỳ máy bay không người lái nào. Mohajer-6 và Shahed-129 lớn hơn Shahed-136 và có thể được sử dụng cho mục đích trinh sát và thu thập thông tin tình báo cũng như mang hỏa tiễn dẫn đường.

Austin Warnick, một nhà phân tích của công ty tình báo rủi ro Flashpoint gần đây nói với Newsweek: “Có một số loại máy bay không người lái hiện đang thuộc sở hữu của Nga có khả năng kép, vừa trinh sát vừa tấn công”.

Các chuyên gia cho rằng, các máy bay không người lái mang lại ít giá trị chiến lược quân sự cho Nga vì nước này gặp thất bại trước cuộc phản công thành công của Ukraine. Tướng Ryder nói rằng các máy bay không người lái là “vũ khí tâm lý được sử dụng để tạo ra nỗi sợ hãi” mặc dù điều này không có nghĩa là nó có thể ngăn được các lực lượng Nga mất lãnh thổ.

Marina Miron, một thành viên nghiên cứu từ Phòng Nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học King's College London nói với Newsweek rằng “máy bay không người lái là một nhân tố tăng lực đối với Nga,” đang có tác động “đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin và tâm lý.”