Hạt Cải Niềm Tin Giữa “Đấu Trường Cuộc Sống”

(Chúa Nhật 27 TN C 2022)

Khi đối diện với những khủng hoảng và bi kịch của cuộc đời, mỗi người đều có cách chọn lựa riêng, đều có một thái độ sống, một cách ứng xử đặc biệt:

- Hoặc là buông xuôi, đánh liều hay thất vọng tìm cái chết như “Người đẹp Thúy Kiều của Nguyễn Du”:

“Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Mà xem con tạo xoay vần đến đâu !”…

Thôi thì một thác cho rồi,

Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông… (Kim Vân Kiều)

- Có kẻ oán hận, mắng chữi cả “Ông Trời”:

Ái ăn đâu, Ái ở đâu?

Để thương để nhớ cả âu sầu.

Trời già độc địa làm chi bấy,

Nỡ bắt con tôi bảy tuổi đầu !

Đừng quên, trong Tin Mừng, chúng ta cũng đọc thấy có người cay cú, bực dọc, thách thức phạm thượng như tên trộm tử tội bị đóng đinh bên Chúa Giêsu ngày xưa trên đồi Canvê: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” (Lc 23,39).

Lời Chúa hôm nay, qua môi miệng của sứ ngôn Khabacúc trong Bài đọc I đã cho ta cái kinh nghiệm đau thương nầy của Dân Chúa trong thời Cựu ước: “Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.” (Kb 1, 2-3)…

Và Chúa đã trả lời: “Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín” (Kb 2,4).

Từ câu trả lời của Thiên Chúa cho ngôn sứ Khabacúc về sự “trung tín của người công chính” trong thời Cựu ước, Lời Chúa lại làm sáng tỏ thêm qua “câu trả lời của chính Chúa Giêsu dành cho các Tông đồ qua tường thuật của Thánh sử Luca: Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con…” (Lc 17,6).

Vâng, trung tín hay đức tin chính là chọn lựa, là thái độ đúng đắn nhất mà sứ điệp phụng vụ hôm nay đề nghị cho mỗi người Kitô hữu chúng ta; nhất là khi chúng ta đứng trước những nghịch cảnh, rơi vào những tình huống mà mọi phương thế giới hạn của phận người đều bế tắc, bó tay !

Dĩ nhiên, không thiếu những lựa chọn, những cách giải quyết đầy khôn ngoan, can đảm và vận dụng sự kiên vững của ý chí. Thế nhưng, niềm tin đúng nghĩa, đích thực lại không là kết quả của ý chí mà chính là “đặc sủng của Thiên Chúa”. Vâng, đức tin chính là nhân đức đối thần, là ân ban của Thiên Chúa. Đây chính là điểm nhấn giáo lý mà mà Thánh Phaolô nhắc cho đồ đệ Timôthê nơi Bài đọc II: đức tin bắt nguồn từ “ơn Thiên Chúa”, ơn của các bí tích (Rửa tội-Thêm sức- Truyền chức…): “con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ.” (2 Tm 1,6-8).

Vâng, chúng ta, những người Kitô hữu, những người sống trong “chế độ Tân ước”, những người thuộc về Đức Kitô, cho nên “Từ nguồn sung mãn của Người,

tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1, 16). Và một trong những “ơn cao cả” đó chính là “Đức Tin”.

Nói đến đức tin, có lẽ nhiều người không quên tiếng kêu “con tin, con tin…” của chàng sĩ quan Rôma nơi đấu trường Coloseum thời bạo chúa Nêrô…

Trong cuốn tiểu thuyết “QUO VADIS” của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkievich, có một cảnh rất ấn tượng mà có lẽ nếu ai đã đọc qua chắc sẽ không bao giờ quên: Chàng sĩ quan Rôma, Vinixius, một Kitô hữu Tân tòng, khi thấy người yêu Lygia bị trói chặt trên đầu con bò rừng vừa được thả ra trên đấu trường Coloseum, đã ôm đầu kêu lên: “Con Tin ! Con Tin ! Lạy Chúa Kitô, xin hãy làm phép lạ….”… Và khi được người cậu là Petronius lấy tấm áo choàng toga phủ lên đầu để chàng khỏi chứng kiến cảnh đau lòng xé ruột sắp xảy ra, chàng cũng chỉ còn biết lặp đi lặp lại như hóa dại: “Con tin ! Con tin ! Con vẫn tin !...”… Và “phép lạ” đã xảy ra thật, khi chàng vệ sĩ Ursus của Lygia đã bẻ gãy đầu con bò tót trong một cuộc đọ sức vô tiền khoáng hậu nơi đấu trường đẩm máu nầy…

Ở giữa “đấu trường cuộc sống”, không phải lúc nào cũng dễ dàng thể hiện niềm tin. Chúng ta có thể mượn cách “ví von” của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn về “tự do tôn giáo” để diễn tả niềm tin của một số người trong chúng ta: Ở trong nhà thờ, trong các cuộc đại lễ, lòng tin có thể “to bằng cái bàn”; nhưng khi phải đối diện với những “lao tâm khổ tứ” của cuộc sống bon chen giữa chợ đời, thì lòng tin nhỏ lại “bằng cái tô”; nhất là khi nếm mùi thất bại, đau khổ, mất mát, khi bị đe dọa đến miếng cơm manh áo, đến hạnh phúc gia đình, đến mạng sống…thì có khi “đức tin bằng hạt cải” cũng chẳng còn !

Hai ngàn năm trước, khi Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, thì có nhiều người Do Thái tin theo Người. Nhưng khi Chúa bắt, bị xử án, như một tội phạm “thân tàn ma dại”, thì hầu hết đều “trở cờ”: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá”; thậm chí các môn sinh đã từng đồng cam cọng khổ ngày nào “cũng bỏ Thầy mà trốn đi hết” !

Quả thật, đức tin của một số người trong chúng ta thường được xây dựng và hành xử trên tiêu chí “dấu lạ” hay “được ăn no”: “Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền” (Mt 27,42); “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26).

Đức Kitô sẽ chẳng bao giờ “xuống khỏi cây thập giá” để làm thỏa mãn cho cái niềm tin hỗn hào và khinh mạng đó; cũng vậy, Ngài chẳng bao giờ làm dấu lạ “bánh hóa nhiều” cho những kẻ “tìm kiếm Người chỉ vì được ăn no” chứ không hề biết ngỡ ngàng tin tưởng trước dấu chỉ thâm sâu và vĩ đại của “bánh hằng Sống từ trời xuống” (Ga 6,27-30).

Vì thế cho nên có thể nói được rằng: lời cầu nguyện của các Tông đồ xưa chưa bao giờ lỗi thời “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”; và những lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho đồ đệ Timôthê cũng chưa bao giờ hết giá trị: “hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha”.

Chúa không đòi chúng ta tin nhiều lắm đâu; chỉ cần “bằng hạt cải thôi”. Phải chăng vì không có chút “đức tin bằng hạt cải” mà dân Nadarét đã không nhận được phép lạ nào (Mc 6,5-6); trong khi đó, một người đàn bà ngoại đạo vô danh tiểu tốt, chỉ nhờ “đức tin bằng hạt cải” khi “sờ vào gấu áo của Chúa” đã được chữa lành (Mt 9, 20-22).

Chúng ta đang bước vào tháng Mân Côi, tháng để chiêm ngưỡng và noi dấu Đức Mẹ Mân Côi, người mà bà chị họ Isave đã khen tặng chỉ một điều duy nhất: TIN: “Em thật có phúc, vì đã tin…” (Lc 1, 45).

Như thế, từ hôm nay, nếu phải thêm lời cầu xin nào trong lời cầu nguyện mỗi ngày của chúng ta, xin hãy thêm lời nầy: “Lạy Chúa xin ban cho chúng con đức tin bằng hạt cải” ! Amen.

Trương Đình Hiền