Ngày mai sẽ là ngày họp mật nghị Hồng Y đoàn, nhân dịp Đức Phanxicô thiết lập thêm 20 tân Hồng Y, tạp chí the Pillar có hai bài viết về thành phần Hồng Y đoàn và bộ mặt cử tri bầu tân Giáo Hoàng khi Đức Phanxicô hoặc qua đời hoặc hưu trí như vị tiền nhiệm Bênêđíctô XVI.



Về thành phần Hồng Y đoàn, ký giả Brendan Hodge của the Pillar cho hay: Vào thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ bổ sung 20 thành viên mới vào Hồng Y đoàn, trong đó có 16 vị cuối cùng thực sự đủ điều kiện để giúp bầu vị kế nhiệm Đức Phanxicô.

Hodge cho hay ông dựa vào dữ kiện của catholic-hierarchy.org, để thu thập các chi tiết liên quan đến thành phần Hồng Y đoàn kể từ lúc Công đồng Vatican I kết thúc, vào năm 1870.

Khi Đức Phanxicô chính thức phong tân Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, sẽ có 226 thành viên của Hồng Y đoàn - nếu không có vị nào qua đời từ bây giờ đến lúc đó - với 132 vị đủ điều kiện để bầu giáo hoàng. Các vị sẽ đến từ mọi châu lục, trừ Antartica, với tỷ lệ lớn nhất đến từ châu Âu.

Cho đến Thế chiến thứ hai, người Ý chiếm đa số trong Hồng Y đoàn. Hồng Y đoàn nhỏ hơn vào thời điểm đó: thành phần của nó đã được định ở 70 thành viên vào thế kỷ 16; giới hạn đó vẫn được duy trì cho đến khi Đức Gioan XXIII tăng số Hồng Y vào năm 1958.

Hồng Y đoàn đã tăng gấp đôi trong những năm 1960 và 1970. Trong những thập niên đó, nó bắt đầu bao gồm nhiều thành viên không phải là người châu Âu.

Năm 1971, Đức Phaolô VI đã ấn định độ tuổi bỏ phiếu tối đa là 80, lần đầu tiên tách các Hồng Y cử tri khỏi các Hồng Y khác.

Sau đó vào năm 1975, Đức Phaolô VI đã ấn định con số tối đa mới là 120 Hồng Y trong độ tuổi bầu cử.

Mặc dù các vị giáo hoàng kể từ thời điểm đó đã thực hiện các cuộc bổ nhiệm làm tăng nhanh số Hồng Y cử tri lên trên 120 - như Đức Phanxicô sẽ làm vào thứ Bảy - nói chung, các ngài đã tuân thủ giới hạn đó.

Kể từ năm 2000, số lượng Hồng Y cử tri trong bất cứ năm nào đạt trung bình 118 vị.

Trong khi năm 1870 Hồng Y đoàn hoàn toàn là người châu Âu, thì năm 1875, Đức Piô IX đã bổ nhiệm vị Hồng Y đầu tiên của Bắc Mỹ, Đức Tổng Giám Mục John McCloskey của New York.

Năm 1886, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII bổ sung thêm hai vị Hồng Y đến từ Bắc Mỹ: Đức Tổng Giám Mục Elzear-Alexandre Taschereau của Québec và Đức Tổng Giám Mục James Gibbons của Baltimore.

Năm 1905, vị Hồng Y người Mỹ Latinh đầu tiên được bổ nhiệm vào Hồng Y đoàn: Joaquim Arcoverde de Albuquerque Cavalcanti, Tổng giám mục của Sao Sebastiao do Rio de Janeiro.

Hồng Y người châu Á đầu tiên được bổ nhiệm vào năm 1946, khi Đức Giáo Hoàng Piô XII bổ nhiệm Thomas Tien Ken-hsin, Đại diện Tông Tòa của Thanh Đảo, vào Hồng Y đoàn.

Hồng Y người châu Phi đầu tiên được bổ nhiệm thời hiện đại là Giám mục Laurean Rugambwa của Giáo phận Rutabo ở Tanzania, người được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm vào năm 1960.

Ý đã chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong thành phần Hồng Y đoàn. Người Ý chiếm 71% Hồng Y đoàn vào năm 1873, trong khi sau cuộc bầu cử năm nay, các vị người Ý sẽ chỉ nắm giữ 16% số ghế biểu quyết trong Hồng Y đoàn. Tuy nhiên, đối với một quốc gia đơn nhất, Ý vẫn rất khá trong Hồng Y đoàn - nước này vẫn có số lượng Hồng Y tương đương với lục địa châu Á.

Xét về số lượng Hồng Y cho mỗi người Công Giáo, Ý vẫn vượt trội hơn nhiều. Tính đến năm 2022, Ý có dưới 60 triệu người Công Giáo, trong khi châu Á có hơn 150 triệu người. Nhưng những ngày mà người Ý chiếm toàn bộ 2/3 đa số phiếu bầu của Hồng Y đoàn đã qua từ lâu.

Thật vậy, xét về số người Công Giáo trên mỗi Hồng Y ở bình diện châu lục, châu lục được đại diện nhiều nhất là Châu Đại Dương, nơi ba vị Hồng Y - Tổng giám mục Wellington NZ, Giám mục Tonga, và Tổng giám mục Port Moresby, New Guinea - đại diện cho 10 triệu người Công Giáo Châu Đại Dương.

Trên cơ sở số lượng, người Công Giáo Châu Đại Dương được đại diện tốt hơn một chút so với người Công Giáo Ý ở Hồng Y đoàn.

Cứ 2.4 triệu người Công Giáo ở Châu Đại Dương thì có một vị Hồng Y, trong khi cứ 3.0 triệu người Công Giáo ở Ý thì có một vị Hồng Y sinh ra ở Ý.

Xuất thân từ vùng ngoại vi?

Ba vị Hồng Y đến từ Châu Đại Dương đại diện cho chủ đề chính trong các cuộc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: bổ nhiệm các vị Hồng Y từ các giáo phận mà theo truyền thống không được coi là “tòa Hồng Y”.

Năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong Đức Tổng Giám Mục John Dew làm Hồng Y từ thị trấn Wellington, New Zealand, nơi đã có ba Hồng Y trước đó.

Nhưng trước đây chưa bao giờ có một Hồng Y từ Tonga hoặc từ New Guinea.

Trong khi đó, Tổng giáo phận Sydney, Úc, nơi mà từ năm 1946 thường thấy các tổng giám mục của mình phong làm Hồng Y, đã chứng kiến Tổng giám mục Anthony Fisher vẫn không đội mũ đỏ kể từ khi được thánh hiến làm tổng giám mục vào năm 2014 (một năm sau khi Đức Phanxicô lên làm giáo hoàng).

Trong số 16 Hồng Y cử tri được bổ nhiệm năm nay, 11 vị đến từ các giáo phận mà theo truyền thống không được xem là tòa Hồng Y, và 3 vị đến từ các văn phòng của Vatican, chỉ còn lại hai - Tổng Giám mục Marseille và Tổng Giám mục Brasília - là các giám mục của các giáo phận đã có Hồng Y trong quá khứ gần đây.

Bốn mươi tám phần trăm trong số 94 Hồng Y mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm cho đến năm 2022 là giám mục đầu tiên từ giáo phận của họ trở thành Hồng Y. Đây là tỷ lệ tân Hồng Y cao nhất đối với bất cứ vị giáo hoàng nào sau Thế chiến II.

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã bổ nhiệm tỷ lệ Hồng Y cao thứ hai từ các giáo phận không có Hồng Y trước đó, với 41% các bổ nhiệm của ngài là các tòa Hồng Y mới.

Đức Piô XII cũng là vị giáo hoàng đầu tiên mở rộng Hồng Y đoàn ra ngoài Tây Âu. Trong số các giáo phận được ngài bổ nhiệm làm Hồng Y lần đầu tiên có các tổng giáo phận Lima, St. Louis, Sao Paolo, Toronto, Bombay, Los Angeles và Montreal.

Các tòa Hồng Y mới do Đức Thánh Cha Phanxicô tạo ra là những cái tên ít quen thuộc hơn đối với người Mỹ: Cotabato, Les Cayes, Yangon, Tonga, Tlalnepantla, Huancayo, Taomasina và Ekwulobi.

Hodge tự hỏi: Xu hướng của Giáo hội muốn có các Hồng Y được bổ nhiệm “từ các vùng ngoại vi” có ý nghĩa gì đối với tương lai của Giáo hội?

Ông cho rằng, chức năng chính của Hồng Y đoàn là chọn giáo hoàng mới sau khi giáo hoàng cũ qua đời hoặc nghỉ hưu. Việc bổ nhiệm vào Hồng Y đoàn của Đức Phanxicô bảo đảm rằng khi điều đó xảy ra, những vị có nhiệm vụ bầu giáo hoàng mới sẽ xuất thân từ các quốc gia và kinh nghiệm đa dạng hơn bao giờ hết.

Nhiều vị trong số các ngài sẽ không biết rõ về nhau. Không có hội đồng giám mục quốc gia hoặc khu vực nào sẽ có đa số. Ngoài 21% giữ một số chức vụ ở Vatican, thay vì làm giám mục giáo phận, nhiều Hồng Y sẽ không dành nhiều thời gian cho nhau.

Liệu điều đó có ảnh hưởng đến sự xem xét của các ngài, và sự lựa chọn của các ngài cho vị giáo hoàng tiếp theo không? Điều đó chúng ta vẫn còn phải chờ xem.



Viễn ảnh bầu tân Giáo Hoàng

Về viễn ảnh bầu vị Giáo Hoàng tương lai, Hodge cho hay: Nếu một mật nghị bầu giáo hoàng được triệu tập vào tuần tới, thì cuộc họp các Hồng Y sẽ được định hình chủ yếu bởi sự bổ nhiệm của Đức Phanxicô.

Sáu mươi bốn phần trăm Hồng Y cử tri tại mật nghị bầu giáo hoàng giả định vào tháng 8 năm 2022 - 85 trong số 132 cử tri - sẽ là người được Đức Phanxicô bổ nhiệm, chỉ thiếu 2% là đạt đa số tuyệt đối 2/3 cần thiết để bầu một vị giáo hoàng.

Nếu các Hồng Y do Đức Phanxicô bổ nhiệm bỏ phiếu thành một khối, các ngài sẽ chỉ cần ba Hồng Y cử tri khác tham gia cùng với các ngài để chọn một giáo hoàng mới.

Do một quy tắc do Đức Phaolô VI đặt ra - các Hồng Y phải dưới 80 tuổi mới được bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo Hoàng - các Hồng Y mới sẽ già và ra khỏi nhóm bỏ phiếu mỗi năm.

Trong năm tới, hai trong số chín Hồng Y cử tri do Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm sẽ tròn 80 tuổi.

Tám vị do Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm, và một vị do Đức Phanxicô bổ nhiệm cũng thế.

11 vị Hồng Y sẽ bước sang tuổi 80 trong năm tới sẽ đem tổng số Hồng Y cử tri xuống còn 121 vào ngày 28 tháng 8 năm 2023.

Tại thời điểm đó, 84 trong số 121 Hồng Y cử tri sẽ là những vị do Đức Phanxicô bổ nhiệm, chiếm 69% tổng số cử tri của mật nghị viện bầu Giáo Hoàng.

Căn cứ vào hồ sơ lưu trữ trong quá khứ, trước đại dịch, chắc chắn Đức Phanxicô sẽ bổ nhiệm thêm nhiều Hồng Y mới vào mùa hè hoặc mùa thu năm 2023.

Nếu Đức Phanxicô tiếp tục bổ nhiệm các Hồng Y mới với đà mà ngài đã làm trong chín năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, những vị được bổ nhiệm của ngài sẽ chiếm 81% số Hồng Y trong độ tuổi bầu cử vào tháng 8 năm 2025 và 85% trong 5 năm kể từ bây giờ, vào năm 2027.

Đến tháng 8 năm 2027, chỉ có bốn vị Hồng Y do Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm vẫn đủ điều kiện bỏ phiếu: Hồng Y Peter Turkson của Cape Coast, Hồng Y Josip Bozanic của Zagreb, Hồng Y Philippe Barbarin của Lyon, và Hồng Y Peterl Erdo của Esztergom-Budapest.

Hồng Y Erdo là người trẻ nhất trong số bốn vị, và sẽ vẫn còn đủ trẻ để bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo hoàng vào cuối năm 2032.

Số lượng Hồng Y còn sống trên 80 tuổi đã tăng lên đáng kể kể từ năm 1971, khi Đức Phaolô VI thiết lập giới hạn tuổi cho các cử tri.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 65 vị Hồng Y trong độ tuổi bầu cử khi được bổ nhiệm nhưng hiện đã ngoài 80, mặc dù vẫn còn sống.

Trong số 41 Hồng Y cử tri còn sống do Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm, chỉ có 9 vị vẫn còn trong độ tuổi bầu cử, trong khi 32 vị hiện đã trên 80. Và trong khi chỉ 13 trong số các cử tri do Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm đã qua đời, 23 vị hiện đã quá già để tham gia một mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Các nhà bình luận đưa ra nhiều tiêu đề đùa cợt và suy đoán về thành phần của Hồng Y đoàn có thể có ý nghĩa như thế nào đối với mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp theo.

Nhưng các điển hình trong quá khứ cho thấy khó có thể dự đoán nếu chỉ dựa vào các con số.

Tất cả ba mật nghị cuối cùng bầu giáo hoàng đều có đa số do vị giáo hoàng tiền nhiệm bổ nhiệm. Trong trường hợp của cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô XVI, những đa số này rất lớn.

Chín mươi phần trăm Hồng Y trong mật nghị bầu Đức Gioan Phaolô II đã được Đức Phaolô VI bổ nhiệm.

Sau 27 năm làm giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, 97% Hồng Y nhóm họp để bầu Đức Bênêđíctô XVI đã được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm.

Ngay cả sau triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô chưa đầy tám năm, 58% các Hồng Y tụ họp tại mật nghị bầu Đức Phanxicô đã được Đức Bênêđíctô bổ nhiệm.

Dù bất cứ mật nghị bầu Giáo Hoàng nào trong tương lai hầu hết sẽ bao gồm các Hồng Y do Đức Phanxicô bổ nhiệm, thực tế đó sẽ không làm cho nó khác biệt đáng kể so với các mật nghị bầu Giáo Hoàng trước đó.

Thật vậy, ngay cả khi Đức Phanxicô vẫn còn là giáo hoàng thêm năm năm nữa, tỷ lệ các Hồng Y do Đức Phanxicô bổ nhiệm tại mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp theo vẫn sẽ ít hơn tỷ lệ các Hồng Y của Đức Phaolô VI tại mật nghị bầu Giáo Hoàng năm 1978 để bầu Đức Gioan Phaolô II.

Thêm sự kiện nhiều cuộc bổ nhiệm của Đức Phanxicô đã đến tay các Hồng Y “từ các vùng ngoại vi”, hướng đi của mật nghị bầu Giáo Hoàng trong tương lai có thể rất khó đoán.