1. Đức Hồng Y Marx lại dọa từ chức Tổng giám mục Munich

Đức Hồng Y Marx lại tiếp tục dọa từ chức Tổng giám mục Munich bất kể các phân tích của nhiều người cho rằng những lý do ngài đưa ra để từ chức phương hại nghiêm trọng đến thanh danh của Giáo Hội và tối hậu là sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.

Đức Hồng Y Marx năm nay 68 tuổi, đã từng làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức trong 6 năm, từ 2014 đến 2020. Ngài hiện là thành viên Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh.

Ngày 21 tháng 5 vừa qua, Đức Hồng Y đã đệ đơn lên Đức Thánh Cha xin từ chức Tổng giám mục Munich. Trong thư, ngài nhìn nhận “những thất bại về phương diện cá nhân” và những “sai lầm về hành chánh”, và cả sự thất bại của cơ chế và hệ thống liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục tại Đức. Hai tuần sau đó, Đức Thánh Cha đã cho phép Đức Hồng Y Marx công bố lá thư từ chức ấy. Nhưng ngày 10 tháng 6, Đức Thánh Cha gửi thư cho Đức Hồng Y và cho biết không chấp nhận đơn từ chức. Trong thư gửi Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Marx viết: “Trong tinh thần vâng phục, con chấp nhận quyết định của Đức Thánh Cha. Con không ngờ Đức Thánh Cha phản ứng mau lẹ như thế, và cũng không đợi quyết định của Đức Thánh Cha, theo đó con phải tiếp tục nhiệm vụ”.

Hôm 24 tháng 7, trên Web site của Tổng giáo phận Munich có đăng thư của Đức Hồng Y Marx gửi các tín hữu trong giáo phận, trong đó ngài viết: “Nếu xảy ra một tình thế mới hoặc những hoàn cảnh thay đổi, đặt lại vấn đề việc phục vụ của tôi, thì tôi sẽ cứu xét xem có phải lại nói chuyện với Đức Thánh Cha về việc phục vụ của tôi hay không. Tôi không coi việc phục vụ của tôi trong tư cách là giám mục như một chức vụ, thuộc về tôi và tôi phải bảo vệ, nhưng như một sứ mạng đối với người dân trong tổng giáo phận này và như một sự phục vụ sự hiệp nhất của Giáo hội. Nếu tôi không thể chu toàn việc phục vụ này, thì sẽ đến lúc, sau khi bàn hỏi với ban lãnh đạo giáo phận, cũng như với Ủy ban xử lý và cố vấn cho các nạn nhân bị thương tổn, thì tôi lại xin từ nhiệm vì lợi ích của Giáo hội”.
Source:Erzbistum Muenchen

2. Đức Hồng Y Herranz phản bác ý kiến của Đức Hồng Y Marx

Nhân tin Đức Hồng Y Marx tiếp tục dọa từ chức, Thảo Ly xin nhắc lại ý kiến của một vị Hồng Y.

Đức Hồng Y Julian Herranz, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo luật, bác bỏ lập luận của Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng giám mục giáo phận Munich, trong đơn từ chức đệ lên Đức Thánh Cha, cho rằng Giáo hội đang ở “ngõ kẹt, đang ở đường cùng” về nạn lạm dụng giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Trong thư, công bố hôm 5 tháng 6 vừa qua, Đức Hồng Y Marx, 68 tuổi, nhìn nhận “những thất bại về phương diện cá nhân” và những “sai lầm về hành chánh”, và cả sự thất bại của cơ chế và hệ thống liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục tại Đức.

Phản bác lại lập trường trên đây, Đức Hồng Y Herranz, 91 tuổi, người Tây Ban Nha, thuộc Giám hạt tòng nhân Opus Dei, khẳng định rằng một giáo sĩ lạm dụng tính dục một trẻ em, và một giám mục hay một bề trên dòng che đậy những lạm dụng ấy, thì đích thân có lỗi về luân lý, nhưng Giáo Hội Công Giáo, như một định chế, không có lỗi về điều này. Những sai lầm, tội lỗi và đôi khi cả những tội ác của các phần tử Giáo hội, kể cả các thành phần thuộc hàng giáo phẩm, không thể cho phép nghi ngờ sự đáng tin cậy của Giáo hội và giá trị cứu độ cũng như giáo huấn của Hội thánh”.

Đức Hồng Y Herranz cũng viết rằng: “Vấn đề ở đây không phải là bảo vệ hình ảnh tự yêu quyền lực và uy tín trần tục của một Giáo hội tự bảo vệ mà quên lòng khiêm tốn, nhưng là tái khẳng định đặc tính thần linh của Giáo hội, sự thánh thiêng của các bí tích mà Giáo hội cống hiến nhưng như giá trị và uy tín ngàn đời của sứ điệp Kitô cứu độ. Vì thế, lẫn lộn trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm cơ chế đối với những tội ác lạm dụng tính dục sẽ có nguy cơ làm thương tổn dư luận quần chúng, và có lẽ làm hại cả lương tâm của các tín hữu, cũng như uy tín của Hội thánh và sứ điệp Tin mừng”.

Đức Hồng Y Herranz khẳng định rằng khi một giám mục xử lý sai trái về những lời tố cáo lạm dụng hoặc lầm lỗi nào đó, thi gây xấu hổ cho tín hữu và đôi khi tạo nên những trách nhiệm kinh tế cho toàn thể như một thực tại Giáo hội, nhưng điều đó không thể đi tới chỗ phủ nhận hoặc nghi ngờ về sự hợp pháp và sự tốt lành luân lý của các mục tiêu cơ chế của giáo phận”.
Source:Crux

3. Tấm lòng thương mến đàn chiên của một linh mục có vợ và ba con tại Hungari

Chương trình News In Depth của đài truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN vừa giới thiệu một linh mục được đánh giá rất cao tại Hung Gia Lợi hay còn gọi là Hungari. Ngài có tài thuyết giảng bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình, và có biệt tài chăm nom cho cả đời sống vật chất của đàn chiên.

Khi Cha Árpád Kanyó lần đầu tiên đến giáo xứ hiện tại của mình, ở làng Hodász, ngài không biết ngôn ngữ hay văn hóa của người dân ở đó. Nhưng ngài nhanh chóng tìm hiểu - và làm hết khả năng cho cộng đồng mới mà ngài được bổ nhiệm.

80 năm trước, Cha Miklos Soja thành lập nhà thờ Công Giáo nghi lễ Đông phương đầu tiên ở Hung Gia Lợi dành cho người Romani, hay còn gọi là người Gypsy. Ngài muốn tạo ra một nơi mà người Romani có thể cầu nguyện trong phụng vụ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Hôm nay, Cha Kanyó là Cha sở của ngôi thánh đường ấy.

Cha Kanyó đến với ngôi thánh đường này vào năm 2014, cùng vợ và ba cô con gái nhỏ, vì trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, những người đàn ông đã kết hôn có thể được truyền chức linh mục.

Cha Kanyó, là người Hung Gia Lợi, cho biết “Khi tôi đến Hodász này, tôi phải cử hành phụng vụ bằng ngôn ngữ Roma. Trước khi làm lễ, tôi quay sang cộng đoàn và nói, ‘Tôi xin lỗi, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi cử hành thánh lễ không phải bằng tiếng Hung Gia Lợi. Nếu tôi nói điều gì đó vô lý hoặc kỳ cục, xin hãy tha thứ cho tôi’.”

“Khi phụng vụ kết thúc, một trong những tín hữu đến gặp tôi và nói, 'Thưa Cha, trong số tất cả các linh mục, phụng vụ của cha là tốt nhất’”

Cha Kanyó hy vọng có thể cung cấp một ví dụ điển hình về cuộc sống của Kitô Hữu và gia đình. Nhưng Cha Kanyó và gia đình cũng đang học hỏi từ người Romani. Vợ của Cha Kanyó, bà Mária, cho biết bà yêu văn hóa và truyền thống của giáo dân.

“Khi tôi nhìn thấy họ nhảy lần đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút. Và khi chúng tôi chuyển đến đây, tôi nghe họ hát trong thánh lễ bằng tiếng Roma, điều đó khiến tôi rơm rớm nước mắt.” Mária cũng ngưỡng mộ trang phục truyền thống của họ.

“Đối với tôi, khiêu vũ và những cuộc trò chuyện với họ rất quan trọng và tôi luôn thân thiện và sẵn sàng tiếp đón họ,” Mária nhấn mạnh.

Ngôi làng đang chịu nhiều tình cảnh bi đát. Họ thất nghiệp vì thiếu trình độ giáo dục đại học. Nhiều người buộc phải chuyển đi xa để có thể làm những công việc không có chuyên môn.

“Đó là lý do tại sao nhiệm vụ lớn lao của chúng tôi là giữ vững cộng đồng Gypsy.”

Ngài cố gắng theo bước chân của Cha Miklos Soja, không chỉ giúp anh chị em giáo dân về mặt tinh thần, ngài còn tổ chức các hợp tác xã giúp họ có thu nhập.
Source:Catholic News Agency

4. Đức Bênêđíctô XVI than thở về sự thiếu đức tin trong các định chế Giáo hội ở Đức

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu đức tin trong các định chế Giáo hội ở Đức.

Theo CNA Deutsch, vị giáo hoàng nghỉ hưu đã đưa ra những lời bình luận trên trong cuộc trò chuyện bằng văn bản trên tạp chí Herder Korrespondenz của Đức vào tháng 8, đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày ngài được thụ phong linh mục.

“Trong các định chế của Giáo Hội như bệnh viện, trường học, Caritas, nhiều người nắm giữ các vị trí quyết định lại không chia sẻ sứ mệnh nội tại của Giáo Hội và vì vậy trong nhiều trường hợp họ ngăn cản chứng tá của các định chế này”, ngài nói.

Đức Giáo Hoàng danh dự đã có một cuộc trao đổi với Tobias Winstel, 94 tuổi, về khái niệm “Amtskirche”, một thuật ngữ Đức có thể được dịch là “ thể chế Giáo Hội” và được sử dụng để đề cập đến số lượng lớn các định chế Giáo Hội được tài trợ từ tiền thuế dân và các tổ chức Giáo Hội khác ở Đức.

Ngài viết: “Thuật ngữ ‘Amtskirche’ được đặt ra để thể hiện sự tương phản giữa những gì được yêu cầu chính thức và những gì được tin tưởng cá nhân. Từ ‘Amtskirche’ ám chỉ sự mâu thuẫn nội tại giữa những gì đức tin thực sự đòi hỏi và biểu thị, và sự phi nhân hóa của nó”.

Ngài gợi ý rằng nhiều văn bản do Giáo hội Đức ban hành được tạo ra bởi những người mà đức tin chủ yếu chỉ là một vấn đề thể chế.

Ngài nhận xét chua chát rằng:

“Theo nghĩa này, tôi phải thừa nhận rằng đối với một phần lớn các văn bản của Giáo hội thể chế ở Đức, từ ‘Amtskirche’ thực sự được áp dụng.”

Ngài nói tiếp rằng: “ Chừng nào trong các văn bản thể chế của Giáo hội chỉ có chức vụ, chứ không nói đến trái tim và thánh linh, thì cuộc di cư khỏi thế giới đức tin sẽ còn tiếp tục”.

Đức Bênêđíctô, người từng là tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin Vatican trước khi được bầu làm giáo hoàng, nhấn mạnh rằng: “Đó là lý do tại sao đối với tôi lúc đó, cũng như bây giờ, điều quan trọng là đưa người đó ra khỏi vỏ bọc của chức vụ và mong đợi một chứng tá cá nhân về đức tin thực sự từ những phát ngôn viên của Giáo hội”.

Trong cuộc trò chuyện, Đức Bênêđíctô cũng thảo luận về một vấn đề mà ngài đã nhấn mạnh vào năm 2011, trong chuyến đi cuối cùng của ngài đến Đức trước khi thoái vị vào năm 2013.

Trong một bài diễn văn ở Freiburg, một thị trấn đại học ở Tây Nam nước Đức, ngài đã ngầm chỉ trích các khía cạnh của Giáo hội Đức, đề cập đến xu hướng dành “sức nặng cho tổ chức và thể chế hóa” hơn là “ơn gọi cởi mở đối với Thiên Chúa” của Giáo hội.

Trong bài phát biểu, Đức Bênêđíctô đã kêu gọi một “Giáo hội tách rời khỏi thế gian” khi sử dụng cụm từ tiếng Đức “entweltlichte Kirche”.

Đức Giáo Hoàng danh dự nói với Herder Korrespondenz rằng giờ đây ngài cảm thấy rằng thuật ngữ này không phù hợp.

“Từ ‘Entweltlichung’, nghĩa là ‘tách khỏi thế gian’ chỉ đưa ra được phần tiêu cực của chuyển động mà tôi quan tâm. Sự tích cực không được thể hiện đầy đủ bởi thuật ngữ ấy.”

Ngài nói, đúng hơn là bước ra khỏi những ràng buộc của một thời điểm cụ thể “để đến với sự tự do của đức tin”.

Trong cuộc trao đổi bằng văn bản, Đức Bênêđíctô cũng cảnh báo người Công Giáo chống lại nguy cơ tìm kiếm một “sự rút lui vào giáo lý thuần túy”.

Đức Bênêđíctô, người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican từ năm 1982 đến 2005, nói rằng việc cố gắng thực hiện một sự rút lui như vậy là “hoàn toàn không thực tế”.

“Giáo thuyết nào tồn tại như một chất bảo quản nhằm tách biệt khỏi thế giới hàng ngày của đức tin và nhu cầu của đức tin sẽ dẫn đến chính sự từ bỏ đức tin”.

Trong cuộc trò chuyện, Đức Bênêđíctô cũng được hỏi liệu ngài có phải là một mục tử tốt khi phục vụ tại nhà thờ Máu Châu Báu ở quận Bogenhausen của Munich sau khi được thụ phong vào ngày 29 tháng 6 năm 1951 hay không.

“Cho dù tôi có phải là một linh mục và cha sở tốt hay không, tôi không dám đánh giá,” ngài trả lời và nói thêm rằng ngài đã cố gắng “đáp ứng các yêu cầu của chức vụ và sứ vụ của mình”.
Source:Catholic News Agency