CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B
THIÊN CHÚA CẢM BIẾT ĐAU KHỔ

Nhiều năm trước, người ta xuất bản một quyển sách gồm năm mươi lời cầu nguyện của nhiều người. Đó là quyển "Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ".

Một trong năm mươi lời cầu nguyện gây nhiều chú ý trong tôi, là lời cầu nguyện của bà Veronica, một lời cầu nguyện bộc lộ lòng yêu mến Chúa hết sức lớn lao, cho thấy một tâm hồn đầy nghị lực và quả cảm.

Bà Veronica, một phụ nữ Pháp sống tại Cameroun. Thời thiếu nữ, bà từng là cô gái nổi tiếng về sắc đẹp. Tính đến năm 1979, bà được 58 tuổi, nhưng phải chung sống và làm bạn với bệnh cùi nhiều chục năm, trong đó có hai mươi năm bị đui mù. Căn bệnh cùi đã tàn phá gần như tất cả cơ thể bà.

Chúng ta cùng đọc lại lời cầu nguyện thống thiết mà bà dâng lên Chúa:

"Lạy Chúa, Chúa đến đòi con tất cả,
Và con đã tận hiến cho Chúa toàn thân.

Hôm xưa con mê đọc sách, nhưng giờ này con đã mù loà.
Con thích chạy nhảy trong khu rừng hoang vắng,
Nhưng hiện nay hai chân con đã thành bất toại!
Con thích đi hái những bông hoa dại dưới nắng trời xuân,
Nhưng ngày nay hai bàn tay ấy không còn nữa!

Là phụ nữ, con ưa nhìn mái tóc mây mượt mà óng ả,
Nhìn những ngón tay mềm mại xinh đẹp,
Nhìn tấm thân liễu đào kiều diễm.
Nhưng giờ này trên đầu con không còn một sợi tóc,
Những ngón tay mịn mà của tuổi giai nhân ngày xưa,
Hôm nay chỉ là những thanh gỗ nhỏ khô cứng!

Lạy Chúa, xin nhìn đến thân con hồi nào mỹ lệ,
Hôm nay đã tàn tệ, nhưng con không dám trách than:
Con tạ ơn Chúa, và ngàn đời con sẽ hát lời ca ngợi.
Và giả như con có chết đêm nay đi nữa,
Con tin chắc đời mình đã được sung mãn dồi dào.
Là vì sống bằng tình yêu, con được quá những gì lòng con ước nguyện.

Lạy Cha chí nhân,
Với đứa con Veronica, Cha đã quá nhân từ hiền hậu.

Quỳ hôm nay, con cầu cho những ai phong cùi trong thể xác,
Nhưng nhất là những ai "phong cùi" trong tâm linh nội diện:
Vì họ có thể đổ xô, gục ngã, tàn phế, tiêu tan:
Chính những lớp người này con càng thành tâm yêu mến,
Và trong âm thầm con nguyện hiến đời mình cho họ,
Bởi vì họ với con là anh chị em một nhà!

Lạy Chúa của lòng con yêu mến thiết tha,
Con dâng lên Chúa tấm thân phong cùi thể xác này,
Để cho họ không còn phải nếm phiền muộn, đắng cay,
Không còn phải lạnh lẽo và khổ đau chua xót,
Vì chứng phong cùi ghê gớm xâu xé tâm linh họ!

Lạy Cha chí nhân,
Con vẫn là đứa con gái bé bỏng thân tình,
Xin cầm tay dẫn con đi, như người mẹ dẫn đứa con thơ dại;
Xin xiết chặt con vào trái tim Cha đang rộng mở,
Như người Cha ấp ủ đứa con nhỏ bé hồi nào!
Xin cho con chìm sâu trong đáy huyệt lòng Cha,
Ở mãi trong đó với những người con yêu thương trìu mến,
Vì ở đó là hạnh phúc thiên đàng trường sinh vĩnh cửu!".

Một lời cầu nguyện đầy tin tưởng, đầy tình yêu, đầy lạc quan, mạnh đến nỗi không một bất hạnh nào có thể làm lung lay.

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, điều khiến tôi quan tâm và suy nghĩ nhiều là thái độ Chúa Giêsu dành cho dân chúng: "Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều". Từ đó, tôi nhớ lại lời nguyện của Bà Veronica.

Thói thường, thấy ai tất tưởi, nghèo khổ, người ta nghĩ ngay đến việc cho tiền, cho ăn. Bản thân người được xem là nghèo cũng nghĩ như thế... Kẻ cho thì cho để lòng mình vơi bớt nỗi xót xa. Người nhận thì tự cho mình có quyền nhận... Tương quan người cho, kẻ nhận chỉ có bấy nhiêu.

Chúa Giêsu thì không, nhìn đám đông thiếu thốn nhiều thứ, Chúa gần gũi, yêu thương, sớt chia, cảm thấu. Để họ được ủi an, Chúa "dạy họ nhiều điều".

Chúa không bằng lòng trao một món hàng cho xong, rồi bỏ đi. Tình yêu của Chúa là san sớt, đỡ nâng, thấu hiểu. Chúa dạy nhiều điều để họ hiểu nhiều điều phía sau cái tất tưởi, khổ nghèo, bơ vơ của họ. Bởi người ta có thiếu thốn là thiếu thốn nhiều thứ, chứ đâu chỉ vài miếng cơm, miếng bánh.

Ta cần học thái độ và cách cư xử của Chúa để thấy cách tỏ tường hơn, xác quyết hơn, những thứ cần cho cuộc đời mỗi người đâu chỉ là tiền của, cơm bánh, nhưng còn là ý nghĩa được rút ra từ cuộc sống, từ tất cả những trải nghiệm sống.

Đại đa số người, trong cơn bỉ cực, sẽ quay quắt, dằn xé, khổ đau, than thở, thậm chí dứt bỏ đức tin, trách móc Thiên Chúa, giận dữ với Thiên Chúa, xem Chúa là Đấng vô tâm, thiếu lòng thương...

Mấy ai khi đối diện với tận cùng của khổ đau, tận cùng của những thách thức tưởng như nghiền nát bản thân, lại có thể nhận ra tình yêu của Chúa và dành cho Chúa một tình yêu đậm đặc như bà Veronica phong cùi!

Giữa đại dịch đầy đe dọa và khốn cùng của người Việt và của thế giới, nhiều người cũng nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa. Hoặc cho rằng, nếu có Chúa, phải chăng Chúa làm ngơ trước sự khốn cùng của con người?

Đành rằng đau khổ là một mầu nhiệm. Lịch sử nhân loại qua từng thời kỳ, không thiếu những khối óc nỗ lực tìm giải đáp cho mầu nhiệm lớn lao này. Và cũng chẳng có câu trả lời nào khả dĩ.

Chúng ta cũng chưa bao giờ chứng kiến Thiên Chúa dẹp bỏ đau khổ. Chúa Giêsu, khi thấy đám đông bơ vơ, cũng không tìm cách giúp họ thoát cảnh bơ vơ. Đàng khác, Chúa còn dạy: "Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an" (Mt 5,4). Hay: "Hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Thầy" (Mt 16, 24).

Dù không nỗ lực dẹp bỏ đau khổ, hơn cả lời dạy về đau khổ, Chúa Giêsu tự nguyện hiến mình bước vào cuộc đời này, chấp nhận sống phận người với đầy đủ những thử thách, nghèo túng, giới hạn của phận người.

Cuối hành trình sự sống trần thế, Chúa chấp nhận đỉnh cao của mọi đau khổ trong đời, đó là chết trong bi thương tột cùng để chia sẻ phận người, chia sẻ cả đến sự chết của mỗi một người trần thế.

Bởi vậy, trong khi không thể hiểu hết mọi mầu nhiệm đang diễn ra cho mình, cho thế giới, ta đừng vội trách Chúa, đừng viện lý do đau khổ mà sớm chối từ đức tin, nghi ngờ sự hiện diện của Chúa.

Dù sao đau khổ vẫn là bài học quý để ta trưởng thành về mọi phương diện, nhất là đời sống cầu nguyện, lòng tín thách cho Thiên Chúa đời mình, thế giới quanh mình. Đó cũng là cách ta kết hợp cùng thánh giá Chúa Kitô nhằm dâng hiến chính thập giá đời ta để đền tội bản thân và đền thay cho nhân loại.

Đừng mong xóa đau khổ, bởi đó là mong mỏi không hiện thực. Hãy bắt chước bà Veronica mà học cho biết yêu mến Chúa từ trong nỗi đau của phận người. Một khi đã yêu mến Chúa rồi, chắc chắn niềm vui, hạnh phúc sẽ thăng hoa từ chính nỗi khổ đau của đời ta.

Đàng khác, hãy nhìn lên Chúa Giêsu thánh giá mà thấm thía ý nghĩa, mục tiêu và bài học quý giá của đau khổ. Thánh giá là tất cả hạnh phúc của ta, những con người từng trải qua và lớn lên sau bao nhiêu chông chênh, bất hạnh. Bởi chúng ta có một Thiên Chúa không hề đứng ngoài, không hề vô tâm, nhưng cảm biết và cảm biết thấu đáo phận người bất tất của mỗi chúng ta.

Hãy xin Chúa Giêsu dạy nhiều điều như đã từng dạy đám đông xưa. Hãy xin Chúa dạy ta nhận ra ý nghĩa và bài học đức tin lớn lao, cần thiết để ta biết yêu mến và tận dụng từng hoàn cảnh xảy ra cho mình, cho thế giới quanh mình.

Giữa lúc nhân loại và cả dân Việt đang khổ sở vì nỗi lo cái chết, và nhiều mất mát khác do dịch tễ tấn công, mỗi Kitô hữu, thay vì than thở, sợ sệt, hãy nhanh chóng cầu nguyện, dâng hiến Chúa tất cả nỗi chông chênh và đau khổ. Xin Chúa soi sáng để ta nhận ra tình yêu thương của Chúa giữa sóng gió mịt mù.

Điều cần trong lúc này là chúng ta hãy đọc lại những trang Kinh Thánh, nhất là những trang Tin Mừng nói về sự đau khổ và ý nghĩa của đau khổ, để đủ sức mạnh vượt thắng mọi lo âu đang diễn ra.

Hãy cùng cầu nguyện với bà Veronica để như bà, tin và yêu mến Chúa.