Các nhận xét của chúng tôi chỉ chú trọng tới hai hình thức quyến luyến thông thường nhất, đó là tình quyến luyến giữa hai thiếu niên hoặc hai người trưởng thành khác phái, và tình quyến luyến giữa mẹ và con. Chúng tôi biết còn nhiều tình quyến luyến khác nữa như giữa những người đồng tính luyến ái, giữa anh chị em, giữa cha và con. Nhưng trước khi khảo sát cái vấn đề rất phức tạp của các tình quyến luyến nồng nàn trong quá khứ nói chung, ta cần phải triệt để phân biệt được sự quyến luyến giữa hai người trưởng thành, thường là khác phái, và sự quyến luyến giữa mẹ và con.



Tình Quyến Luyến Say Đắm Nơi Người Trưởng Thành

Về vấn đề thứ nhất, câu hỏi là làm sao phân biệt được điều người ta vẫn gọi là si tình (falling in love) với hai điều kiện nhân bản khác. Điều kiện thứ nhất là cái thèm khát thôi thúc khiến ta muốn giao hợp tính dục với một cá nhân đặc thù nào đó, một đam mê muốn chiếm được một cách tính dục thân thể người mình thèm muốn. Trong thí dụ đặc thù này, dục năng (libido) ta vì một lý do nào đó đã hoàn toàn chú mục vào một thân xác cụ thể, chứ không rơi vào trạng thái bị khích động tính dục chung chung muốn được thỏa mãn bằng việc ăn nằm với bất cứ ai. Điều kiện thứ hai liên quan đến những ràng buộc đã ổn định và đã được thử nghiệm cẩn thận giữa hai con người đã biết nhau lâu và đã tín thác vào phán đoán của nhau và đã tin tưởng vào lòng trung thành và tình âu yếm của nhau. Điều kiện thứ hai này có thể đi kèm hoặc không đi kèm với ràng buộc nóng bỏng về tính dục, có thể khởi đầu hoặc không khởi đầu bằng việc si tình, một giai đoạn đam mê tâm lý đầy cuồng nhiệt và phi lý, nhưng không lâu bền.

Các nhà sử học và nhân chủng học nói chung đều nhất trí rằng tình yêu lãng mạn (romantic love), tức sự lôi cuốn thường ngắn ngủi nhưng hết sức nóng bỏng và cuốn hút toàn bộ con người ta vào một người khác, là sản phẩm của văn hóa, và do đó, chỉ quen thuộc đối với một số xã hội ở một số thời đại, và có khi chỉ thông thường đối với một số nhóm xã hội nào đó bên trong các xã hội kia mà thôi (thường là giai cấp ưu tú, có thì giờ nhàn rỗi để chải chuốt thứ tình cảm ấy). Tuy thế, họ không biết chắc liệu cái thứ yêu đương lãng mạn ấy có phải chỉ là cái lớp phủ tâm lý( psychological overlay) do văn hoá dẫn khởi và được thăng hoa lên trên cái thôi thúc sinh học muốn làm tình hay không, hoặc liệu nó có thoát thai từ cái rễ sinh hóa (biochemical roots) vốn hành động một cách độc lập đối với dục năng hay không. Liệu trên thực tế có ai đã “si tình” mà chưa bao giờ đọc về nó hoặc nghe người ta nói về nó không? Thi ca đã sáng chế ra tình yêu hay tình yêu sáng chế ra thi ca?

Tình Yêu Lãng Mạn

Ta có thể nói chắc một vài điều về lịch sử của hiện tượng trên. Điều thứ nhất là các trường hợp yêu đương lãng mạn thời nào và nơi nào cũng có, và từng là đối tượng cho nhiều vần thơ bất hủ, từ Diễm Ca đến Shakespeare. Nhưng mặt khác, về việc xã hội có chấp nhận và có cảm nghiệm thực sự về nó hay không thì không phải xã hội nào cũng có, như các nhà nhân chủng học đã khám phá ra. Điều thứ hai, trước thời đại in ấn, chứng cớ lịch sử về tình yêu lãng mạn phần lớn chỉ có trong giới thượng lưu, tuy điều này không có nghĩa là các giai cấp thất học không biết đến nó. Nếu kể như một sản phẩm văn hóa (cultural artifact) được xã hội chấp nhận, thì nó mới chỉ bắt đầu tại Âu Châu, trong các triều đình quí tộc của miền Nam nước Pháp, vào thế kỷ mười hai, được một nhóm thi sĩ biến thành thời thượng, nhóm mà người ta quen gọi là troubadours (người hát rong). Văn hóa thời ấy ấn định rằng tình yêu lãng mạn này phải là chuyện giữa một người đàn ông chưa vợ và một người đàn bà đã có chồng, và chuyện ấy phải hoặc không hoàn hợp về phương diện tính dục hoặc phải là ngoại tình.

Cái lý tưởng văn hóa này chắn chắn đã được truyền bá rộng rãi vào thời trung cổ, như chuyện tình giữa Aucassin và Nicolette đã chứng tỏ, nhưng cần ghi nhận rằng không một cuộc tình kiểu mẫu nào thuộc loại này đã kết thúc một cách sung sướng hết.

Đến các thế kỷ 16 và 17, lần đầu tiên ta thấy các chứng cớ trở nên khá phổ biến, nhờ việc quảng bá sự học và sách vở in ấn. Giờ đây, ta thấy có những bài thơ tình, như các vần thơ của Shakespearee, các lá thư tình, và các tự truyện của những người đàn bà chỉ biết quan tâm đến sinh hoạt yêu đương mà thôi. Hiển nhiên các triều đình Âu Châu trở thành những vườn ươm cho những mưu tính và những dan díu cuồng nhiệt, khi thì lãng mạn khi thì dâm dật. Các sách vở in ấn bắt đầu phổ biến dâm thư đến quảng đại quần chúng, giữ vai trò kích thích dục năng, trong khi các kịch bản của Shakespeareee nhằm chứng minh rằng tình yêu lãng mạn là một ý niệm quen thuộc đối với xã hội nói chung, cái xã hội vốn làm nên khán giả của ông.

Tuy nhiên, cái tình yêu lãng mạn ấy có được chấp nhận hay không lại là vấn đề khác. Ta quả không biết các khán giả của Shaksepear đã phản ứng ra sao đối với Romeo và Juliet. Họ có hoàn toàn đồng nhất với đôi tình nhân trẻ ấy như chúng ta, hay như Shakespeare rõ ràng muốn hay không? Hay là khi rời khỏi rạp hát, họ lại tiếp tục hành xử như cha mẹ của Montague và Capulet trong việc cố gắng ngăn cản không để cho những thiếu niên vô trách nhiệm này đem cái đam mê phù du và phi lý kia làm trở ngại công việc làm chính trị và mua bán quan tước của họ? Tuy nhiên chắc một điều là mọi sách vở khuyên răn, mọi khảo luận y khoa, mọi bài giảng và dẫn giải giáo lý trong thế kỷ 16 và 17 đều cương quyết bác khước cả đam mê lãng mạn lẫn mê đắm nhục dục, không nhận chúng là căn bản thích đáng cho hôn nhân (1). Trong thế kỷ 16, người ta quan niệm hôn nhân nên để cha mẹ sắp xếp, dựa vào những người xứng hợp về xã hội và kinh tế để có thể gia tăng uy thế và tầm quan trọng cho dòng họ mình. Người ta tin rằng liên hệ tính dục tự nó sẽ tạo nên sự hoà hợp cần thiết giữa hai con người xa lạ ngõ hầu duy trì được sự bền vững cho đơn vị gia đình mới. Xem ra đó không phải là một giả định vô lý, vì những tìm tòi mới đây tại Nhật cho hay không có khác biệt về tỷ lệ ly dị giữa những cặp hôn nhân do cha mẹ sắp xếp và những cặp hôn nhân do chọn lựa của cá nhân dựa vào tình yêu lãng mạn. Những cuộc hôn nhân do sắp xếp và do yêu đương lãng mạn đều có thể sống vững hoặc xụp đổ như nhau (2).

Như thế, việc quần chúng ca ngợi những cuộc hôn nhân vì tình chỉ tương đối mới xẩy ra gần đây trong các xã hội Phương Tây, khởi đi từ phong trào lãng mạn cuối thế kỷ 18, và chỉ được mọi người chấp nhận trong thế kỷ 20. Trong thế kỷ 18, quan điểm chính thống dần dần rời bỏ ý niệm bắt ý chí cá nhân phục tùng lợi ích tập thể cũng như những xem sét kinh tế hoặc chính trị để nhích lại gần những xem sét dựa trên tình âu yếm bản vị đã được cảm nhận là tốt đẹp. Cuộc hôn nhân được thế kỷ 18 coi là lý tưởng phải là một cuộc hôn nhân trong đó người ta đã từng tán tỉnh hẹn hò nhau cách cuồng nhiệt từ ba đến sáu tháng, và hai kẻ hẹn hò ấy phải xuất thân từ những gia đình tương đối giống nhau về vị thế xã hội và kinh tế, và do đó, cuộc hò hẹn kia chỉ có thể xẩy ra nếu cha mẹ đôi bên cùng ưng thuận. Những tiếng sét ái tình làm người ta điên đảo, tuy là một hiện tượng tâm lý khá thông thường, nhưng thường bị coi như một hình thức điên khùng nhẹ nhàng, trong đó phán đoán và khôn ngoan bị gạt qua một bên, những điểm thiếu sót khó tránh của người yêu trở thành vô hình và những mộng mơ hoàn toàn không thực tế về một hạnh phúc không bao giờ nguôi chiếm hữu toàn bộ tâm trí của những kẻ yêu nhau. May mắn một điều, phần lớn những cơn điên khùng như vậy chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, sau đó các nạn nhân mau chóng trở lại bình thường. Đối với thế kỷ 18, đối tượng chính của xã hội – tức giáo hội, luật pháp, chính phủ, và cha mẹ – là ngăn cản đừng để các nạn nhân kia bước cái bước không thể nào lui được là thành hôn với nhau. Chính vì thế, phần lớn các nước Âu Châu đã coi những cuộc hôn nhân giữa những người dưới 21 tuổi và cả lớn hơn thế là không hợp pháp và không thành hiệu trừ khi được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tại Anh, điều đó đã trở thành luật năm 1753. Những cuộc chạy trốn để kết hôn với nhau vì quá yêu nhau vẫn xẩy ra, nhưng người ta gây cho chúng thật nhiều khó khăn đến độ tại phần lớn các xứ Âu Châu chuyện đó gần như không thể xẩy ra được.

Cho nên chỉ đến thời phong trào lãng mạn và việc ra đời của tiểu thuyết, nhất là loại tiểu thuyết ướt át (pulp novel), vào thế kỷ 19, xã hội nói chung mới chấp nhận ý niệm mới coi việc thanh niên nam nữ yêu nhau say đắm là chuyện bình thường và thực sự đáng khen, và coi những ai ở cuối tuổi thiếu niên và đầu tuổi trưởng thành mà vẫn chưa có được cái xúc cảm mạnh mẽ ấy là bất bình thường. Một khi ý niệm ấy đã được mọi người nhìn nhận, thì việc cha mẹ định đoạt hôn nhân cho con cái bị coi là không thể khoan nhượng được và là điều vô luân.

Tình Lãng Mạn Hay Tình Dục Năng

Ngày nay, trong xã hội ta, vai trò của các quyến luyến say đắm giữa người trưởng thành đã bị mờ nhạt đi bởi một phát triển mới, đó là sự bão hòa của toàn bộ nền văn hóa – nhờ các phương tiện truyền thông – đối với tính dục, được coi như xung lực nhân bản chủ yếu và có giá hơn hết mọi sự, một lý thuyết vốn dựa vào học lý của Freud. Không một xã hội nào trong qúa khứ mà chúng tôi được biết đã dành cho tính dục một vai trò nổi bật đến như thế trong nền văn hóa nói chung, và việc thỏa mãn tính dục được nâng lên hàng trọng yếu trong danh sách các khát vọng của con người đến như vậy – trong cố gắng vô ích giải thoát nền văn minh hiện đại khỏi những bất mãn của nó. Nếu ngày nay, Thomas Jefferson được yêu cầu viết lại Tuyên Ngôn Độc Lập, hẳn ông sẽ phải thêm sự thoả mãn tính dục toàn diện vào “Quyền Sống, quyền Tự Do và mưu cầu Hạnh phúc” như một trong các quyền lợi căn bản tự nhiên của mỗi thành viên xã hội. Những hạn chế cổ truyền đối với tự do tính dục – như các cấm kị tôn giáo và xã hội, và việc sợ phải mang bầu cũng như các bệnh hoa liễu nói chung – ngày nay hầu như đã bị tháo gỡ hoàn toàn. Ngày nay ít khi ta có thể tin được là trong thế kỷ 17, tại hầu hết các nước Âu châu, nghĩa là trong các xã hội tuổi kết hôn được hoãn đến cuối tuổi 20, người ta đã giữ được sự trinh bạch rất tốt đến độ tỷ lệ con hoang ở mức rất thấp, chỉ là 2 hoặc 3 phần trăm, mặc dù không có thuốc ngừa thai. Ngày nay, tình trạng như thế chỉ còn thấy tại Nam Ái Nhĩ Lan – theo một giả thiết, có thể vì dân vùng này tiêu thụ loại bia Guiness Stout nhiều qúa nên lượng dục năng (libido) của họ luôn luôn ở mức thấp. Trong những điều kiện như thế, chúng tôi nghĩ ngày nay hầu như không thể nào phân biệt được tình quyến luyến say đắm theo nghĩa tâm lý học – tức nghĩa yêu đương – với tình quyến luyến say đắm theo nghĩa thể lý- tức nghĩa thèm khát tính dục. Nhưng sự thành công rực rỡ ngày nay của loại tiểu thuyết ướt át chỉ quan tâm đến tình yêu lãng mạn hơn là yêu đương thể xác cho ta thấy rằng ít nhất phụ nữ vẫn còn thèm khát việc cảm nhận được những mối tình si. Đàn ông thì phần đông không cho là họ có cùng một tâm trạng như vậy, đến độ hiện đang có một phân cách lớn theo giới tính về vấn đề này, chính sự phân cách này biện minh cho việc chúng tôi phân biệt ra một bên là tình yêu một bên là thèm khát sinh lý.

Tóm lại, sử gia nhìn thấy rõ một khuynh hướng có tính lịch sử trong việc quảng bá ý niệm văn hóa về tình yêu lãng mạn tại Phương Tây, khởi từ các triều đình trong thế kỷ 12, và lan rộng ra bên ngoài bắt đầu từ thế kỷ 16 trở đi. Việc truyền bá ấy được đẩy mạnh một cách đáng kể nhờ sự xuất hiện của tiểu thuyết lãng mạn, và sau đó nhờ công trình xóa bỏ nạn mù chữ hầu như toàn diện vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, ngày nay, cái tình yêu lãng mạn kia quấn quít chằng chịt với tính dục đến độ người ta hầu như không còn phân biệt được chúng nữa. Có điều cả hai thứ ấy đều rõ rệt khác với sự quan tâm săn đón (caring), là cái tình âu yếm đã được thử thách nhiều và đã được ổn định hẳn dựa trên một cam kết và tình thân mật lâu dài.

Tình Yêu Say Đắm Và Hôn Nhân

Cũng có thể nói ít lời về mối tương quan đang thay đổi giữa tình yêu say đắm và hôn nhân. Đối với các giai cấp có sở hữu, nghĩa là 2/3 các giai cấp kinh tế cao, trước thế kỷ 17, hôn nhân do cha mẹ sắp xếp, và động lực là lợi ích kinh tế và chính trị của dòng tộc, chứ không phải thoả mãn xúc cảm của cá nhân. Khi ý niệm cá nhân chủ nghĩa lớn mạnh trong thế kỷ 17 và 18, người ta mới dần dà chấp nhận rằng đối tượng đầu hết là “hôn phối thánh”, một tình trạng hạnh phúc được đơn hôn thánh hoá tạo nên. Cái hôn phối thánh ấy chỉ có thể thực hiện được nếu người ta chịu để cho chính đôi trẻ tự lựa chọn lấy nhau, miễn là đôi bên cha mẹ cùng đồng ý rằng sự phân cách về xã hội và kinh tế không quá lớn rộng, và trước cuộc hôn nhân phải có một thời gian dài quen biết nhau. Khoảng thế kỷ 18 và 19, chủ nghĩa cá nhân đã lấn lướt các lợi ích tập thể của dòng họ đến độ đôi trẻ được ít nhiều tự do hơn trong các quyết định của mình, ngoại trừ các giai cấp quí tộc và hoàng gia. Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân đã có ưu tiên tuyệt đối tại hầu hết các xã hội Tây Phương, đến độ đôi trẻ được hoàn toàn tự do làm theo ý muốn của mình, muốn ngủ với ai thì ngủ, tác phong như thế, và những hậu qủa gậy ông đập lưng ông của nó mỗi ngày một trở nên rõ rệt hơn; còn việc tình thế này sẽ kéo dài bao lâu thì người ta chỉ biết đoán mò mà thôi.

Ở đây, chúng tôi tưởng nên nói rõ rằng gia đình ngày nay, chúng tôi xin bỏ ra ngoài các gia đình da đen nghèo tại Mỹ, ngược với điều người ta thường nghĩ, hiện không tan rã vì cái tỷ lệ ly dị cao đến 50%. Ta cần nhớ rằng thời gian kéo dài trung bình của hôn nhân ngày nay hầu như vẫn giống hệt như cách đây 100 năm. Một cách ngắn gọn, ly dị hiện nay chỉ tác dụng như một cái gì có chức năng thay thế cái chết mà thôi: cả hai đều là phương tiện để kết liễu yểu một cuộc hôn nhân. Có điều các hiệu quả tâm lý đối với người còn lại có thể rất khác xa, mặc dầu trong hầu hết các trường hợp, các hậu quả thảm khốc về kinh tế đối với người đàn bà thì vẫn là một. Cũng cần nhấn mạnh rằng các cuộc hôn nhân tan vỡ, con ghẻ, và các gia hộ chỉ có cha hoặc mẹ đều là những chuyện thông thường như nhau giữa quá khứ và hiện tại, sự khác nhau chỉ là cơ chế tạo nên các hoàn cảnh ấy mà thôi.

Vấn đề lịch sử khó khăn nhất chính là vấn đề có liên quan đến vai trò của tình yêu lãng mạn nơi người nghèo không có sở hữu, nghĩa là nơi 1/3 còn lại của dân số. Vì họ không có tài sản, nên việc yêu đương cũng như kết hôn của họ làm người thân họ chẳng mấy quan tâm, nhờ thế họ ít nhiều được tự do hơn để chọn lựa người phối ngẫu của mình. Vào khoảng thế kỷ 18, và có thể cả trước đó nữa, các ghi chép của triều đình cho thấy nhóm này thường kết hôn với nhau vì tình yêu, pha trộn với một mớ hỗn độn những động lực khác gồm luôn cả nhục dục và những đòi hỏi kinh tế muốn có người trợ lực mạnh khỏe để chăm lo nông trại hoặc cửa tiệm. Người ta thường chờ mong những người này đối xử với nhau cách “âu yếm”, nhưng chuyện đó rất ít khi xẩy ra. Trong nhiều cuộc hôn nhân ở nông thôn, xem ra có khi người chồng quí mấy con bò hơn cả vợ mình. Tình quyến luyến say đắm chắc chắn có xẩy ra nơi người nghèo, nhưng chúng có được coi là ưu tiên trên các lợi ích vật chất thường hay không thì không ai biết chắc được (3).

Ta chỉ biết rằng thời gian tán tỉnh hẹn hò giữa người nghèo thường kéo dài sáu tháng hoặc hơn, và thường gồm những đêm tròn ở riêng với nhau trong bóng đêm tại một căn phòng có giường, và phần lớn được cha mẹ hoặc người chủ biết đến và đồng ý. Chỉ hoạ hiếm, và phải vào cuối thời gian hẹn hò ấy, sau khi đã đính hôn với nhau, mới có chuyện ân ái đúng nghĩa với nhau trong những đêm như vậy, nhưng chắc chắn một điều là những chuyện trò thân mật cũng như những bàn bạc tiến đến hôn nhân như thế luôn luôn có kèm theo việc ôm ấp và hôn hít, và có thể cả điều ngày nay ta hoa mỹ gọi là “vuốt ve mạnh bạo” (heavy petting). Cái thói quen “cặp đôi” (bundling), một từ ngữ được dùng ngày xưa, xẩy ra trong một xã hội được chúng ta ngày nay coi như cực kỳ thẹn thùng, và thực sự ngây thơ về phương diện tính dục. Khi đàn ông đàn bà vào giường ân ái với nhau, họ vẫn thường giữ trên mình một mảnh áo quần, một cái áo khoác hay một chiếc sơ-mi, để che đậy sự trần truồng của mình. Mặt khác, chính hành động ân ái cũng hầu như luôn luôn được thực hiện theo thế “nhà truyền giáo” (missionary position) mà thôi. Những chứng cớ được trình lên triều đình trong các vụ án xin ly dị trước thời cận đại cho thấy rất ít khi có những chuyện tục tĩu muôn hình muôn vẻ như các thủ bản sinh lý bán đầy trong các tiệm sách ngày nay thường phổ biến.

Điều chắc chắn là cả sau cái diễn trình tán tỉnh thân mật với nhau bằng thể xác và ngôn từ đó, các yếu tố kinh tế vẫn rất quan trọng trong quyết định cuối cùng của đôi bên có tiến tới hôn nhân hay là không. Như thế, đam mê và các lợi ích kinh tế cuối cùng đã đan kết với nhau một cách khó gỡ, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng nơi người nghèo, các quan tâm vật chất chỉ quan trọng vào cuối giai đoạn hẹn hò tán tỉnh chứ không ở giai đoạn đầu như trường hợp người giầu.

Nếu một nông dân vào đầu thời cận đại nói với bạn rằng “Chúng tôi yêu người đàn bà ấy vì 10 mẫu đất của nàng” thì thực ra anh ta muốn nói gì? Anh ta có thèm khát thân thể người đàn bà không? Anh ta có đánh giá cao sức khỏe tốt của nàng, tài quán xuyến và hiểu biết của nàng cũng như các đức tính tốt khác cần thiết đối với một nội trợ tốt, một người có thu nhập cao, và một bà mẹ tốt cho các đứa con của anh ta không? Anh ta có bất cần những chuyện ấy mà chỉ say mê nàng hay không? Hay anh ta chỉ qúi mến nàng vì 10 mẫu đất của nàng mà thôi? Dù có chẻ sợi tóc ra làm tư, cũng khó mà nắm được câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi ấy; nhưng dù sao, nếu ngày nay ta đặt người nông phu ấy vào ghế nằm để tra hỏi phân tâm học, thì rất có thể sẽ khám phá ra là anh ta chỉ cảm thấy anh ta thích người đàn bà vì 10 mẫu đất của nàng mà thôi.

Cuối cùng, ta biết rằng vào thế kỷ 18, ít nhất cũng đến phân nửa cô dâu bên Anh và bên Mỹ có bầu trong ngày cưới. Nhưng điều ấy chỉ nói cho ta về các phong thói tính dục của thời ấy hơn là về những quyến luyến say đắm: người ta thường làm tình với nhau ngay khi đính hôn, sau đó mới làm đám cuới ở nhà thờ, và việc này phần lớn là do việc có bầu bắt buộc. Ta cũng biết rằng nếu một cố gái nghèo làm đầy tớ mà bị ông chủ tặng cho cái bầu, một chuyện rất thường xẩy ra, thì người con gái ấy chẳng gặp khó khăn nào trong việc kiếm ra một thanh niên nghèo chịu cưới cô làm vợ, miễn là anh ta nhận được ít bảng Anh làm vốn. Như thế thì rõ ràng trong cả ba người ấy chẳng ai có một chút quyến luyến say đắm nào với ai hết.



Tình Quyến Luyến Mẹ Con

Loại quyến luyến nồng nàn thứ hai là loại được triển khai giữa cha mẹ, nhất là mẹ, và đứa con. Một lần nữa, trong tư cách sử gia, ta lại phải đối diện với vấn đề nan giải giữa bản nhiên và dưỡng dục (Nature versus nurture), hay các vai tuồng liên hệ của sinh học và của văn hóa. Sự sống còn của bất cứ loài giống nào cũng đòi buộc con mái phải đảm nhận phần lớn việc chăm sóc đứa con trong một thời gian lâu, để đảm bảo sự sống sót của nó. Điều này đặc biệt cần thiết đối với giống người vì đứa con của họ sinh ra rất yếu ớt so với các loài thượng đẳng khác: vì nó có bộ não qúa lớn, nên nó hoàn toàn bất lực trong một thời gian rất dài. Hơn nữa, các thử nghiệm trên các loài thượng đẳng đã từng chứng tỏ rằng chính sự tiếp xúc gần gũi về thân xác trong những tuần lễ đầu đời đã tạo nên sự gắn bó mạnh mẽ giữa mẹ và con. Tình quyến luyến nồng nàn giữa mẹ và con do đó vừa là một tất yếu về phương diện sinh học để sống còn, vừa là một thực tại xúc cảm.

Truyền Thống Văn Hóa Và Đòi Hỏi Kinh Tế

Nhưng mặt khác, tác phong được ghi chép của con người cũng cho thấy điều này là các truyền thống văn hóa và các đòi hỏi kinh tế đôi khi đã vượt lên trên cái xung lực sinh học trên đây. Trong suốt 90% lịch sử nhân loại, con người từng là loài đi săn và hái lượm, cho nên người đàn bà không thể nào vừa mang hai đứa con vừa làm cái nhiệm vụ hái lượm kia được. Ngoại trừ trường hợp tự ý nghỉ ăn nằm với nhau thì không kể, một việc khó có thể xẩy ra, thường người ta phải cần đến một hình thức sát nhi nào đó, chỉ vì điều kiện kinh tế bó buộc mà thôi.

Trong những thời đại sau đó, một vài yếu tố khác cũng góp phần vào vấn đề trên. Ít nhất từ thời cổ điển đến thế kỷ 18, tại miền tây bắc Âu Châu, người ta thường bó chặt (swaddle) các trẻ sơ sinh ngay lúc mới sinh, nghĩa là lấy vải bó chặt các em lại đừ đầu cho đến chân, chỉ gỡ ra để các em tiêu tiểu mà thôi. Việc này đương nhiên làm giảm sự tiếp xúc về thân xác, và do đó cái hiệu quả gắn bó giữa mẹ và con. Thứ hai, những người đàn bà có khả năng đều gửi con cho những vú em từ lúc mới sinh cho đến lúc khoảng hai tuổi. Lý do chính của việc này đương nhiên là việc họ tin rằng sự khích dục có thể làm hỏng nguồn sữa mẹ. Ít có ông chồng nào chịu ngưng việc ân ái với vợ suốt trong thời gian dài như thế; cho nên bắt buộc phải cậy nhờ đến vú em. Nhưng điều ấy có nghĩa là chỉ trừ một số nhỏ nhoi có khả năng nuôi vú em ngay trong nhà ra, còn tất cả các trẻ em khác đều phải rời khỏi nhà ngay từ lúc mới sinh để sống dưới sự chăm sóc bú mớm của một vú em trong làng cách nhà khá xa. Trong những điều kiện như vậy, tình âu yếm giữa cha mẹ và đứa con không thể bắt đầu phát triển cho đến khi đứa con trở lại gia đình vào lúc 18 tháng cho đến 2 tuổi, đến lúc ấy có lẽ đứa trẻ đã có nhiều gắn bó nồng nàn với vú em hơn là với chính mẹ em, như trường hợp Juliet của Shakespeare đã chứng tỏ.

Dù sao đi nữa, đứa trẻ chỉ trở về với mẹ nếu nó không chết trong lúc ở với vú em. Có rất nhiều chứng cớ cho thấy tử xuất giữa các trẻ em được vú em săn sóc cao hơn tử xuất các trẻ em được mẹ bú mớm rất nhiều, và người thời đó biết rõ chuyện ấy. Khó có thể tránh mà không hoài nghi rằng một trong những thúc đẩy khiến người ta cứ tiếp tục gửi con cho vú em, đặc biệt vì thói quen này rất phổ biến tại Pháp trong thế kỷ 19, là vì nó là một phương pháp gián tiếp để sát nhi. Niềm hoài nghi trên càng mạnh hơn do con số lớn lao các trẻ em trong thế kỷ 18 và 19 bị bỏ rơi và gửi vào viện tế bần hoặc viện mồ côi, trong số ấy chỉ một số nhỏ sống sót. Dù có ý như thế nào đi chăng nữa, trên thực tế những viện mồ côi tại Luân Đôn và Ba Lê đã hành xử như những phương tiện được xã hội chấp nhận để hạn chế số con của gia đình sau khi chúng đã được sinh ra. Ít có phụ nữ nào, ngọai trừ những người đẻ con hoang, đi giết con mình, chỉ vì hậu quả quá lớn mà thôi. Nhưng nằm đè lên và vô tình làm ngạt thở con vì nằm ngủ cùng một giường, gửi con cho vú nuôi, bỏ con cho cơ quan công cộng, và bỏ con cho viện mồ côi cũng có cùng một hiệu quả như giết con mình vậy. Những đứa con không được ước muốn của các gia đình nghèo cũng như không nghèo lắm bị loại trừ cách này hay cách khác cũng nằm trong các phương thức được xã hội chấp nhận (4).

Các tập tục thông thường trong thế kỷ 18 và cả thế kỷ 19 này, đặc biệt phổ thông tại Pháp, khiến ta đặt câu hỏi về mức độ mẹ thực sự thương con trong các xã hội ấy. Đây là câu hỏi không dễ trả lời, và các nhà sử học đã chia rẽ sâu sắc về vấn đề ấy. Một số sử gia cho rằng có chứng cớ cho thấy nhiều bà mẹ rất tận tụy đối với con và khi con chết yểu thì vô cùng thương tiếc. Nhiều sử gia khác lại đưa ra những con số thống kê khá ảm đạm về tử xuất của trẻ em: khoảng 25% chết trước tuổi lên hai, một tỷ lệ đã được chủ ý gia tăng do sự kiện vú em, bỏ rơi, và thiếu chăm sóc, những việc làm từng được miêu tả như là “kế hoạch hóa gia đình sau khi sanh”. Một người đàn bà vùng Bavaria giữa thế kỷ 19 đã tóm lược các nguyên nhân và hậu quả mủi lòng của cái thứ kế hoạch hóa gia đình ấy như sau: Các cha mẹ bao giờ cũng hân hoan vì đứa con đầu và đứa con thứ hai, nhất là nếu trong số ấy họ có được một đứa con trai. Nhưng những đứa sau đó thì không được chào đón hân hoan lắm. Dù sao đi nữa, rất ít những đứa trẻ thuộc loại ấy sống sót được lắm. Chúng tôi đoán già lắm chỉ là bốn trong số một tá là cùng. Những đứa trẻ khác mau chóng được trở về trời. Khi những trẻ nhỏ qua đời, thường là bạn sẽ không thương nhớ bao nhiêu. Vì chúng đã trở thành những thiên thần nhỏ trên thiên đàng (5).

Đánh Đập Con

Một câu hỏi khác là trẻ em được đối xử tốt ra sao nếu chúng sống sót. Chúng tôi từng cho rằng các xã hội thuộc thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17 rất lạnh lùng và tàn nhẫn, tương đối khá dửng dưng đối với trẻ em, và thường áp dụng những lối đánh đập tàn bạo ngay từ lúc ấu thơ như phương pháp răn dạy đáng tin cậy hơn cả. Chủ nghĩa Calvin, một chủ nghĩa qúa tiêu cực nhấn mạnh đến tội tổ tông, đã khích lệ cha mẹ và thầy cô nên quất roi trẻ em, ngõ hầu vắt hết mọi thứ hỏa ngục ra khỏi các em. Chúng tôi từng đưa ra luận chứng rằng phải đến thế kỷ thứ 18, người ta mới có được cái nhìn lạc quan hơn về các trẻ sơ sinh, coi chúng như những tờ giấy trắng tinh trên đó xấu tốt đều có thể được viết lên do diễn trình xã hội hóa của văn hóa. Quan điểm cực đoan của Rousseau, coi đứa trẻ nhân chi sơ tính bản thiện, được nhiều người đọc, dù chưa được quảng đại quần chúng chấp nhận, chỉ vì chẳng có nhiều chứng cớ bao nhiêu – lý do hiển nhiên là quan điểm ấy ngược hẳn lại kinh nghiệm trực tiếp của chính các cha mẹ.

Để tóm lược, trước nhất có chứng cớ đầy đủ chứng minh có thói quen phổ thông sát nhi trong các xã hội chưa biết đến việc ngừa thai, một thói quen được ngụy trang dưới những hình thức được xã hội chấp nhận và nhờ thế còn kéo dài đến thế kỷ 19. Thứ hai, trẻ em, ngay cả con nhà giầu, trong thế kỷ 16 và 17, và sau đó trong thế kỷ 19, thường bị đối xử cách tàn nhẫn, với mục đích loại trừ tội tổ tông; thế kỷ 18 và thế kỷ 20 là hai thời kỳ rất họa hiếm trong đó ta thấy giáo dục có tính cách thả lỏng hơn cả. Đối với người nghèo, họ luôn luôn coi trẻ em như những tài nguyên có giá trị kinh tế cao và cư xử với chúng theo chiều hướng ấy. Chức năng chủ yếu của chúng là giúp đỡ trong nhà, trong xưởng thợ, ngoài đồng, là gia tăng thu nhập cho gia đình, và nâng đỡ cha mẹ lúc tuổi già. Vấn đề liệu ngoài những chú tâm về kinh tế như thế, còn có chỗ nào dành cho tình quyến luyến nồng nàn hay không, cả đối với người mẹ nữa, là vấn đề vẵn còn để ngỏ.

Tình quyến luyến say đắm giữa những người trẻ có thể và thực sự đã xẩy ra trong bất cứ xã hội nào như phó sản của sức lôi cuốn tính dục có tính sinh học, nhưng việc xã hội có chấp nhận xúc cảm đó hay không thì biến thiên rất nhiều tùy theo thời gian, giai cấp và không gian, chủ yếu được các qui thức văn hóa và các sắp xếp về tài sản qui định. Hơn nữa, dù tình quyến luyến mặn nồng giữa mẹ và con có yếu tố sinh học mạnh mẽ, nó cũng thường bị lấp phủ bởi đòi hỏi kinh tế, bởi quan điểm tôn giáo về bản chất trẻ em, và bởi những tập tục có tính văn hóa được xã hội chấp nhận như tập tục vú em. Ngày nay, vị thế đặc biệt của chúng ta là ở chỗ xã hội, qua những biện pháp an sinh và các biện pháp khác, đã lãnh trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già cho con cái; việc ngừa thai hiện được coi là bình thường và khá hữu hiệu; nổi bật trong nền văn hóa của ta hiện nay là các ý niệm lãng mạn coi tình yêu say đắm như lý do duy nhất có thể được xã hội chấp nhận để kết hôn; và việc thoả mãn tính dục được nhìn nhận như là xung lực nhân bản chủ yếu và là một quyền tự nhiên đối với cả hai giới tính. Đàng sau những điều trên, ta thấy thấp thoáng một thứ cá nhân chủ nghĩa điên cuồng, một tìm kiếm khôn nguôi cái lý tưởng tính dục và xúc cảm trong các mối liên hệ của con người, và một đòi hỏi phải được thoả mãn bản thân ngay tức khắc, một điều chắc chắn sẽ đưa con người đến chỗ tự mình làm mình thất bại và cuối cùng sẽ dẫn đến tự hủy.

Phần lớn điều trên được coi là mới và độc đáo đối với nền văn hóa của ta. Cho nên, không thể nào từ các giá trị và các tác phong hiện nay mà suy diễn ra các giá trị và các tác phong quá khứ được. Những con người khác trong lịch sử, kể cả các tổ phụ hay tổ mẫu ta cũng thế, quả là những con người khác vậy.

Viết theo Lawrence Stone, Tuyển Tập Passionate Attachments: Thinking About Love, do Williard Gaylin & Ethel Person, New York, Free Press, 1988.

Ghi Chú

(1) Darnton, R. The Great Cat Massacre and Other Episodes in French Cultural History (New York: Basic Books, 1984),4.
(2) Xem thêm Lawrence Stone, The Family, Sex and Marriage in England 1500-1800 (New York: Harper & Row, 1977)
(3) Journal of Family History, 8, 1983, tr.100
(4) Flandrin, J.-l. Les Amours Paysannes (XVI-XiX Siècles) (Paris: Gallimard, 1975)
(5) Các trước tác về những vấn đề này hiện nay có nhiều. Xin xem: De Mause, L. The History of Childhood (New York: Psychohistory Press, 1974); Delasselle, C. “Les enfants abnadonnés à Paris au XVIII siècle,” trong Annales E.C.S., 30, Jan-Feb. 1975. Flandrin, J.-L. “L’attitude devant le petit enfant... dans la Civilisation Occidentale” trong Annales de Démographie Historique, 1973. Sussman, G.D. Selling Mother’s Milk: the Wet-nursing Business in France 1715-1914 (Champaign: Univ. of Illinois Press, 1982)
(6) Medick, H. & D.W. Sabeam chủ biên, Interest and Emotion (New York: Cambridge University Press, 1984, tr.91)