Lịch sử nhân loại cũng như lịch sử của bất cứ đời người nào cũng có thể được kể lại bằng những cam kết. Lịch sử văn minh có khuynh hướng được viết theo những khám phá, những phát minh, những cuộc chiến, những sáng tạo nghệ thuật, những đạo luật, những hình thức cai trị, những phong tục, việc cày cấy đất đai, và việc chiến thắng biển cả của con người. Tuy nhiên, giữa lòng cái lịch sử ấy đôi khi lại là những trình thuật kín đáo về những hứa hẹn, những đoan hứa, những thề thốt, những hiệp ước, những niềm xác tín và những dự phóng lâu dài. Giữa lòng lịch sử của mỗi cá nhân cũng thế, ta cũng thấy câu chuyện về các cam kết của họ – dù là khôn hay dại, giữ hay không giữ, vụn vặt hay tích tụ thành một cái toàn diện.



Các Hình Thức Cam Kết

Tuy nhiên, chỉ thoáng nhìn cũng cho ta thấy khá nhiều hình thức, đôi khi chằng chịt với nhau, trong các cam kết của ta. Dĩ nhiên, có những cam kết đối với người khác – có cái minh nhiên có cái tiềm ẩn. Nhưng cũng có những loại cam kết khác. Như điều ta có thể gọi là những cam kết “trí thức” – đối với một số chân lý đặc thù nào đó, và đôi khi đối với “chân lý” nói chung (một cam kết sẽ theo đuổi sự thật bất cứ nơi nào có sự thật). Có những cam kết đối với các giá trị – giá trị của một định chế, hoặc lẽ sống của một gia đình, hay những giá trị tự cho là “trừu tượng” như công lý, cái đẹp, hòa bình. Có những cam kết đối với kế hoạch hành động, bất kể đó là một dự án nhất định hay những kế hoạch suốt đời như “sống theo Tin Mừng”, hoặc những kế hoạch trả thù, những cuộc cách mạng bất bạo động, hoặc “sẽ là bà mẹ tốt”.

Vóc dáng các cam kết trong đời ta còn rộng lớn hơn và nhiều sắc thái hơn thế và cũng mờ mờ ảo ảo hơn nhiều nếu ta muốn thu chúng vào một cái nhìn bao quát. Thí dụ, có những cam kết không được nhận ra, một thứ cam kết dùng làm bối cảnh quan yếu cho mọi điều ta làm. Ta không minh nhiên ý thức được nó (hoặc được chúng vì có rất nhiều những cam kết như thế). Ta không bao giờ đem được nó tới cõi ý thức để ta có thể suy tư về nó. Loại cam kết này dùng để tạo nên một phần cái chân trời mà dựa vào đó ta giải thích mọi sự. Đó có thể là thứ cam kết mà các tâm lý gia quen miêu tả là “sự tín thác căn bản” (basic trust), hoặc là thứ các triết gia đặt tên là “tiền đề” (presupposition). Đó có thể là thứ bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra nếu và khi nó được trình ra dưới sự chú mục của ta – tỷ như đương nhiên chấp nhận rằng luật cần được tôn trọng, hoặc coi trọng, không cần thắc mắc, các tiến bộ trong việc giáo dục nhân bản, hoặc giả thiết rằng mọi vật đều “có nghĩa” dù ta có hiểu chúng hay không. Những loại cam kết này, vốn có trước bất cứ sự nhìn nhận minh nhiên nào của ý thức ta, có thể gọi là những cam kết “tiền suy tư”.

Nhưng nếu “cam kết” có mặt trong mọi hình thức trên, thì điều gì thực sự là ý nghĩa chung nhất khiến nó không rơi vào chỗ rỗng tuếch? Một vài dấu hiệu đã thấy thấp thoáng qua những trình bầy trên đây. Trong ngôn ngữ của ta, cam kết dường như bao hàm ý niệm sẵn sàng làm một cái gì đối với hoặc về bất cứ điều gì ta đã cam kết sẽ làm (ít nhất để bảo vệ nó hoặc để khẳng nhận nó khi nó bị đe doạ). Giả thiết, chẳng hạn, tôi hỏi tôi cam kết đối với những sự thật nào. Tôi liền khám phá ra có nhiều sự thật được tôi tôn trọng, khẳng nhận và tin chắc, nhưng tôi không có “cam kết” với chúng. Điều này có nghĩa là gì? Có thể nói được rằng, nhờ một cái nhìn sâu sắc nào đó của chính tôi hoặc một xác tín nào đó về tình trạng sự vật hoặc chiều hướng phải theo, tôi thấy “tôi chưa thể dính kết đời tôi vào nó”. Điều ấy có thể có nghĩa tôi chưa hoàn toàn chắc chắn về nó. Hoặc cũng có nghĩa rằng dù tôi đã chắc chắn về nó, nhưng chỉ vì nó chẳng đủ quan trọng khiến tôi phải làm một cái gì đó đối với nó. Nó chẳng đủ quan trọng khiến tôi phải từ bỏ bất cứ điều gì đó vì nó (huống hồ là hy sinh mạng sống tôi vì nó); nó cũng chẳng quan trọng khiến tôi phải phí sức mà bênh vực nó bằng lý luận.

Như thế, xem ra việc sẵn sàng làm một cái gì đó phải được bổ túc bằng cảm thức ta bị trói buộc vào bất cứ người nào hoặc bất cứ điều gì ta cam kết. Chính cái bản thân ta (hoặc ít hoặc nhiều) bị dính cứng vào cái đối tượng kia, đến độ ta không chỉ trân qúi hoặc ước ao nó, mà còn “đồng nhất” với nó theo một nghĩa nào đó nữa. Sự liêm chính (integrity) của ta, trong một số hoàn cảnh, đòi ta phải làm một cái gì đó. Đối tượng cam kết của ta có quyền đòi hỏi nơi ta, không phải thứ đòi hỏi cưỡng chế, nhưng là thứ đòi hỏi ngỏ với chính tự do của ta. Ngay cả khi ta không cảm thấy tự do chút nào đối với cái cam kết của mình, trái lại cảm thấy như bị bó buộc ‘bất kể bản thân ta” hoặc cuỡng lại chính các ý thích của ta, ta vẫn thấy một cảm thức trong đó sáng kiến của ta có dự phần vào khi ta hành động vì cam kết của mình.

Cam Kết Tiên Khởi

Ta có thể tiếp tục khảo sát nhiều hình thức cam kết khác và khám phá ra các yếu tố chung cho tất cả các hình thức cam kết ấy. Ta cần tìm hiểu hơn mối tương quan giữa sự chọn lựa tự do đối với cam kết và tầm quan trọng của những cam kết tiền suy tư đối với những cam kết mà ta chọn lựa một cách có ý thức. Tuy nhiên giờ đây có thể là lúc hữu ích để dùng cái ngọn đèn ẩn dụ (lantern metaphor) của tôi mà đi vào những vùng sâu thẳm nhất của một hình thức cam kết duy nhất mà thôi. Để làm điều đó, ta cần nhận dạng ra một loại “trường hợp tiên khởi”, một hình thức cam kết có tính trung tâm – một hình thức cam kết mà các hình thức khác phải rút tỉa ý nghĩa từ đó. Cam kết đối với những con người, khi minh nhiên và được phát biểu ra, quả đã mang lại cho ta cái “trường hợp tiên khởi” nói trên.

“Lời Hứa Phải Giữ...”

Khi nói đến các cam kết minh nhiên, được phát biểu ra, và có tính liên bản ngã, tôi có ý nói đến các lời hứa hẹn, các khế ước, các giao ước và các lời khấn thề... Những cam kết này cho ta một trường hợp đầu hết để hiểu mọi hình thức cam kết khác vì các yếu tố của cam kết thấy rất rõ trong chúng. Ta nhận ra việc bó buộc phải hành động cách nào đó bên trong các cam kết này thường hơn là bên trong các cam kết khác. Hơn nữa, ở đây ta thường phải đối diện với thế lưỡng nan hơn hết và việc không thể tránh mà không đưa ra những kết luận xé lòng. Chính trong những cam kết này mà các vấn đề như yêu thương, thời gian và thay đổi, những trách nhiệm trái ngược nhau, xem ra gay gắt hơn hết. Chính sự minh nhiên của các lời hứa hẹn, của các giao ước và khế ước đã làm nổi bật kinh nghiệm cam kết và giúp ta cơ hội hiểu nó hơn.

Dĩ nhiên có những cam kết liên bản ngã nhưng không được minh nhiên phát biểu ra (ít nhất lúc tạo ra chúng). Thí dụ một số vai trò ta phải đảm nhiệm hay một số liên hệ ta tham dự vào tự chúng đem lại những cam kết, và những cam kết này trở thành cam kết của ta dù nguyên thủy ta không chọn chúng. Ta sinh ra đời đã đóng vai tuồng là con gái hay con trai, là anh hay chị. Một số tình bạn xuất hiện cách tự phát và xem ra chẳng cần hứa hẹn chi hết. Các vai trò khác được ta đảm nhiệm qua chọn lựa minh nhiên và thường qua một phát biểu bên ngoài – các vai trò trong gia đình như làm chồng làm vợ, đôi khi làm mẹ làm cha, và các vai trò nghề nghiệp như y sĩ và thầy cô giáo. Tuy vậy, ngay những vai trò không phải ta đã chọn trước nhất cũng có thể hiểu được một phần lớn qua việc hiểu những vai trò ta đã chọn một cách minh nhiên; vì vai trò nào đến một lúc nào đó cũng đòi phải được tự do và minh nhiên “phê chuẩn” hay “chấp nhận”.

Việc Tạo Ra Các Hứa Hẹn

Việc đầu tiên phải làm khi tìm hiểu về các cam kết minh nhiên và được phát biểu ra là hỏi xem “Điều gì xẩy ra khi ta cam kết như thế? ” Hương Lan thực sự đã làm gì khi cưới Đỗ Huân? Chuyện gì thực sự sẽ xẩy ra lúc Khánh Linh tuyên hứa sẽ sống đời sống độc thân và giản đơn trong cộng đoàn những người hiến thân cho Chúa? Chuyện gì thực sự có hiệu quả khi Duyên ký một khế ước làm ăn? Điều gì xẩy ra khi Thành đọc lời thề Hippocrate lúc chàng bắt đầu hành nghề bác sĩ? Chuyện gì xẩy ra khi các nguyên thủ quốc gia đặt bút ký thỏa hiệp quốc tế liên quan đến luật biển? Điều gì xẩy ra khi Tâm và Thủy thề hưá yêu nhau suốt đời? Bích và Thịnh đã làm gì khi họ để tên họ vào một hợp đồng thuê căn nhà họ đang thuê một năm? Bất cứ ai trong chúng ta đã làm gì khi cam kết, khi hứa hẹn, khi đi vào hoặc chuẩn nhận một giao ước?

Ta có thể hỏi câu hỏi ấy trong những trường hợp như nạp tiền xin tại ngoại hầu tra hoặc trao đổi nhẫn cưới. Điều gì đã xẩy ra trong các trường hợp như thế? Trong cả hai trường hợp, tôi đang “đưa ra lời cam đoan” (giving my word) sẽ làm một cái gì đó trong tương lai. Nhưng “đưa ra lời cam đoan” nghĩa là gì? Chắc chắn đó không phải như những chuyện khác tôi có thể làm liên quan đến các hành động trong tương lai của mình. Thí dụ như không phải là lời tiên đoán chẳng hạn. Vì nếu là lời tiên đoán, tôi đâu có chịu trách nhiệm về điều thực sự sẽ xẩy ra trong tương lai cho cái mà tôi đã tiên đoán (ngoại trừ trường hợp tiên đoán thời tiết, dù không chịu trách nhiệm theo nghĩa là kiểm soát được thời tiết, nhưng có thể bị coi là vô trách nhiệm nếu tỏ ra thiếu khả năng chuyên môn). “Đưa ra lời cam đoan” cũng không có nghĩa là “hạ quyết tâm”; vì với việc hạ quết tâm, tôi có thể thấy mình có trách nhiệm phải làm điều mình đã quyết tâm, nhưng trách nhiệm ấy chỉ là đối với riêng mình tôi mà thôi (để chứng tỏ là mình nhất quán trong việc thi hành các quyết định của chính mình), chứ đâu có ăn nhằm gì tới người khác.

Khi tôi nạp tiền tại ngoại hầu tra, tôi cam đoan là tôi sẽ trở lui để chịu xử án. Tôi công bố với ai đó rằng tôi sẽ làm chuyện đó trong tương lai, và tôi buộc mình phải làm điều ấy bằng cách nạp một số tiền làm thế chấp cho lời nói của tôi. Khi hai người trao nhẫn cưới cho nhau trong hôn lễ, họ cam đoan với nhau ý định họ sẽ hành xử và hiện hữu với nhau như thế nào trong tương lai, và họ trao cho nhau chiếc nhẫn để làm bằng chứng rằng họ đã nói như thế và bắt buộc họ sẽ làm như vậy.

Đưa ra lời cam đoan như thế là “đặt” một phần bản thân tôi, hoặc một cái gì đó thuộc về tôi, vào tay người khác “giữ”. Là cho người khác cái quyền đòi hỏi đối với tôi, đòi tôi phải thi hành cái hành động mà tôi đã cam kết sẽ thi hành(1). Khi tôi “đưa ra lời cam đoan”, không phải là tôi chỉ đưa cái lời ấy ra khỏi tôi. Nó không được đưa ra như một quà tặng (hoặc như một thứ tiền nạp phạt), nhưng như một của làm tin (pledge). Nó vẫn thuộc về tôi, nhưng hiện bị người khác nắm giữ, người mà tôi đã trao gửi. Nó đòi sự tín trung, trứơc sau như một của tôi, không phải chỉ vì tôi đã nói điều ấy với tôi mà thôi, mà là vì hiện nay cái người khác đã nhận nó đang lên tiếng đòi hỏi. Tiền của tôi vẫn là tiền của tôi khi tôi đưa ra để xin tại ngoại hầu tra. Chính vì thế mà tôi buộc phải trở lại để ra tòa, kẻo số tiền ấy không còn là của tôi nữa. Chiếc nhẫn cưới đâu có “cho đi đứt luôn” đâu. Theo một cách nào đó, nó thuộc cả hai vợ chồng, vì nó biểu hiệu rằng lời nói kia là “sự thực” trong miệng người nói, được sinh ra (begotten), được nói lên, đầu hết từ chính trái tim. Vì thuộc người nói, lời nói kia nay được người nghe nó và giữ nó lên tiếng đòi hỏi. “Điều của anh đã thành của em” nhưng đồng thời vẫn là của anh. Nó vẫn là của anh, hay nó vẫn là chính anh, mặc dầu anh đã ủy thác nó cho một người khác. Chính vì thế anh bị nó trói buộc, anh bị trói buộc vào nó, và vào người khác kia.

Cam Kết Với Ai Là Ngụ Cư Trong Họ

Như thế, điều xẩy ra khi tôi cam kết là chính việc tôi bước vào một hình thức liên hệ mới. Theo nguyên ngữ Latinh, cái gốc của cam kết (commitment) là chữ mittere – có nghĩa là gửi. Tôi gửi lời tôi đến một người khác. Những cách dùng thông thường trong từ điển về chữ commitment bao gồm “đặt vị trí” ở một nơi nào đó (như trong cách nói chạm tới đất (to commit to the earth), tống vào nhà tù (to commit to prison) hoặc ghi vào trí nhớ (to commit to memory); và “ủy cho ai”, “ủy thác” “trao cho ai săn sóc” (như khi nói ủy thác mọi lắng lo cho Chúa). Khi tôi cam kết với một người khác là tôi ngụ cư trong họ bằng lời nói của mình.

Cái mà ta gửi đi thường là lời nói, chứ không phải tiền bạc, tuế nhuyễn cũng như những biểu hiệu đặc biệt để “thay thế” cho ta. Tuy thế, vì chỉ có lời nói, nên ta luôn nghĩ cách “nhập thể”, “cụ thể hóa”, làm chính lời nói ấy trở thành rờ mó được. Như thể ta cần nhìn thấy thực tế điều sẽ xẩy ra. Thí dụ, ta ký tên chẳng hạn. Lời nói của ta trong khế ước được đóng ấn bằng việc ta tự đặt ta – dưới hình thức cái tên của ta, được viết bằng chính tay ta- vào văn bản. Trong hình thức ký giao ước bằng máu xưa của người Syria, người ta yêu cầu người ký giao ước phải tự tay lấy máu viết tên mình vào bản giao ước, bản giao ước này sau đó được gói vào da và đeo vào tay người ký giao ước với mình (2). Các nghi thức ký giao ước bằng máu khác còn đi xa hơn bằng cách hòa lẫn máu của hai người vào với nhau. Vì máu là biểu hiệu của sự sống, và chính sự sống của một người được ủy ký cho người kia trong các nghi thức cam kết thánh thiêng.

Khi lời nói xem ra không đủ sức chuyên chở toàn diện ý nghĩa của cam kết, đôi khi người ta phải nại tới tụng niệm (chants), như thể nếu cứ lặp đi lặp lại, lời nói sẽ cứng cáp hơn, thấy rõ hơn. Trong các bộ lạc miền Berber, có một nghi thức đính hôn cổ trong đó hai người đính hôn thay nhau hát bài hát sau đây trong bốn tiếng đồng hồ:

Anh đã xin em, anh đã xin em, anh đã xin Chúa và xin em. Anh đã cho em, anh đã cho em, anh đã cho em, liệu em có nhận điều kiện của anh. Em đã chấp nhận, em đã chấp nhận, em đã chấp nhận và đã bằng lòng... (3).

Như thế, cam kết bao hàm một liên hệ mới trong hiện tại – một liên hệ đang trói bộc và đang bị trói buộc, đang đòi hỏi và đang bị đòi hỏi. Nhưng cam kết ấy chỉ về tương lai. Toàn bộ lý lẽ biện minh cho liên hệ hiện nay như cái gì “đang trói buộc” là để ảnh hưởng đến tương lai, là để bắt ta phải thực hiện cái hành động ta hiện có ý định làm và hứa hẹn. Vì ta không thể hoàn toàn loại trừ được tự do tính của ta trong tương lai (hãy nghĩ đến anh chàng mê cờ bạc cứ phải lựa chọn đi lựa chọn lại giữa việc giữ lời hứa hay không), nên qua cam kết, ta ráng trói buộc tự do của chính ta, dù không hoàn toàn tiêu hủy được nó. Làm thế nào cam kết thực hiện được điều đó?

Khi nhường cho người khác cái quyền đòi hỏi đối với các hành động tự do của tôi trong tương lai, tôi đã trao cho người ấy quyền được hạn chế sự tự do trong tương lai ấy của tôi. Sự hạn chế hệ ở sự kiện này là tôi liều mình sẽ để mất điều tôi đã đưa ra như của làm tin nếu tôi không trung thành với lời hứa của mình. Tôi liều mình để mất tài sản thế chấp, hoặc tiền tại ngoại hầu tra tôi đã nạp, hoặc quyền tự do đi lại nếu tôi vào tù vì đã vi phạm các thỏa thuận hợp pháp. Tôi liều mình để mất thanh danh, hoặc sự tín nhiệm của người khác hoặc lòng tự trọng chính mình, nếu tôi không chịu giữ ngay một lời hứa hẹn tầm thường, vô nghĩa lý. Tôi liều mình để mất tình yêu của người khác, hoặc nhà cửa, sự nâng đỡ nhiệt tình của gia đình, cảm thức trung thực và liêm khiết, hoặc cảm thức liên tục trong một nền văn hóa hay tôn giáo, nếu tôi phản bội hoặc phá hủy một cam kết sâu sắc từng giữ vai trò trung tâm đối với đời tôi. Tôi liều phá hoại hạnh phúc của người tôi yêu, nếu lòng thủy chung của tôi bị một cam kết với người thứ ba khác giật mất. Đôi khi ta biết rất rõ điều ta liều mình sẽ mất, cái gì trói buộc ta vào các cam kết của ta; đôi khi ta chỉ biết được nó là cái gì và đã ra sao khi lòng thủy chung của ta bị chất vấn nghiêm trọng. Rõ một điều là các cam kết của ta không giống nhau, đến độ có những cam kết ta chỉ liều mất chút ít, nhưng có những cam kết ta liều mất mọi sự. Tuy thế, trên hết, vì ta coi trọng lời nói của mình, nên lúc nào ta cũng liều mất một phần bản thân khi ta phản bội lời nói ấy (4).

Nếu ta ngừng ở đây, chấp nhận đó như là ý nghĩa đầy đủ của cam kết, ta hẳn sẽ chịu trách nhiệm về mọi nguy cơ đối với việc cam kết. Vì một đàng, ta có thể chỉ thấy những khía cạnh huy hoàng của cam kết – gom tương lai mình vào một mối tình lớn, hoặc thuộc về người khác cách chan hòa say đắm; và đo đó có thể vội vã bước vào cam kết chỉ để mà cam kết. Làm như thế, mối cam kết lớn duy nhất của ta có thể kết cục chỉ là cường điệu hoa sói, nhưng rỗng tuếch và nguy hại. Đàng khác, ý nghĩ phải trao cho người khác quyền được đòi hỏi trên ta, dù lớn dù nhỏ, cũng có thể làm ta hoảng sợ, sợ rằng cái cam kết ta đang làm đây có thể sẽ thu nhỏ các khả năng của ta lại, khiến ta không còn “lối thoát”, làm ta chết ngạt với một cuộc sống bị bao vây như nêm cối với những trách nhiệm và bổn phận.

Những yếu tố chính của một cam kết liên bản ngã là chính cái ý định liên quan đến hành động trong tương lai và nhận lãnh bổn phận đối với người khác liên quan đến hành động kia. Nhưng để tìm ra vị trí hợp lý của nó trong đời sống ta, và có thể phân định xem cái cam kết kia bắt buộc ra sao và bắt buộc khi nào trong những hoàn cảnh cá biệt, ta cần nghĩ đến các mục đích nó có thể thực hiện được cách hợp lý và những giới hạn mà chắc chắn nó sẽ gặp phải.

Một Phương Thuốc và Tiền Đánh Cá

Mục đích đệ nhất đẳng của các cam kết minh nhiên và được nói ra giữa những con người với nhau là đem lại đôi chút chắc chắn cho những hoài mong vào các hành động của những con người có tự do, nhưng với một ý chí luôn bị lung lay. Nó đưa lại một ít cơ sở để ta có thể tin tưởng lẫn nhau. Như Hannah Arendt nhận xét, “Trong khả năng biết đưa ra và cố giữ các lời hứa, người ta tìm được phương thuốc chữa cái bệnh bất khả tiên đoán, cũng như cái bệnh không chắc chắn chút nào đối với tương lai” (5).

Cam kết, như đang xuất hiện trong cộng đồng nhân loại, hàm nghĩa một hiện trạng sự vật trong đó có sự hoài nghi về các hành động tương lai của ta. Nó hàm nghĩa rất có thể có thất bại trong việc thực thi các hành động hiện đang được hoạch định, dù hết sức nóng bỏng và cương quyết bao nhiêu đi nữa. “Nếu không bị bó buộc phải thực thi các lời đã hứa, ta sẽ không khi nào duy trì được các căn tính của ta; ta bó buộc phải phiêu du cách vô vọng và không định hướng trong bóng đêm tấm lòng đơn côi của mỗi cá nhân, bị giằng xé bởi đủ thứ mâu thuẫn...” (6). Tấm lòng ấy đâu có bị biệt loại theo bản năng và hành động theo hướng đã định như loài vật vì thiếu tự do; tấm lòng ấy không đi theo chiều đi bất lay chuyển vì ta có tự do Thiên Chúa phú ban.

Vì ý chí ta thực sự dễ bị lung lay, nên ta cần một phương cách để bảo đảm với người khác rằng ta nhất định nhất tâm (với lời ta nói). Vì ta biết rõ những thất thường của mình, nên ta cần một phương cách để tăng cường quyết tâm của chính ta trong việc thể hiện các ý định của ta hiện nay trong một tương lai chẳng có chi là chắc chắn. Trao cho người khác quyền được đòi hỏi các hành động tương lai của ta sẽ đem lại cho ta một rào cản chống lại những đợt đổi thay thất thường trong trái tim ta, chống lại những trệch đường trệch lối, những yếu đuối và nước đôi của ta. Nhờ cam kết, ta tự đem đến cho mình những trói buộc (và người khác những quyền hành) bắt ta phải làm điều thực sự ta muốn làm trong tương lai, mà lẽ ra ta không có khả năng làm. Là phương thuốc chữa bệnh thất thường và không chắc chắn, cam kết cũng là tiền đánh cá (wager) trên sự thật của điều ta nhìn ra hiện nay và của niềm hy vọng vào tình yêu hiện nay của ta.

Bao lâu việc đưa ra hứa hẹn đem bảo đảm đến cho người khác và đem sức mạnh đến cho chính ta, nó sẽ làm dễ dàng nhiều khía cạnh quan trọng của đời người. Nó là phương tiện để các mối liên hệ bản thân dựa vào (dưới hình thức này hay hình thức khác) và đời sống chính trị (không phải chế độ chuyên chế và độc tài bạo lực) đòi hỏi. Nó nâng đỡ chính khả năng thông đạt của con người, vì nó chính là yếu tố mặc nhiên đảm bảo cho việc nói thật. Như Erik Erikson đã nhấn mạnh, “Một lời nói ra là một hiệp ước. Có một khía cạnh cam kết bất phản hồi trong bất cứ lời phát biểu nào được người khác ghi nhớ...” (7). Chính các cam kết liên bản ngã (trong một khế ước xã hội dù loại này hay loại khác) đã từng là khí cụ tạo nên các cơ cấu đã được hoạch định một cách tiêu cực để bảo vệ lẫn nhau – người này chống người nọ hay nhóm này chống các đe dọa của nhóm kia; hoặc được hoạch định cách tích cực để giúp nhau có lợi – lợi về kinh tế hay văn hóa, qua việc chia sẻ lao động hay vật tư, chia sẻ kiến thức hay thưởng lãm nghệ thuật. Tôi không cần phải lặp lại rằng chính các cam kết đã (đôi khi) dẫn khởi và (đôi khi) nâng đỡ tình đồng chí và tình yêu. Cũng chính cam kết đã có mặt giữa lòng lịch sử của nhiều tôn giáo, hoặc dưới hình thức những mặc cả bán khai với các thần minh đầy hãi sợ và dấu mặt hoặc dưới hình thức những giao ước được ngỏ giữa các bản vị:Thiên Chúa đưa ra cam kết, đảm bảo với dân bằng một ý chí thần linh không bao giờ lay chuyển, kêu gọi con người nhất tâm bước theo trong tự do và yêu thương.

Các Giới Hạn Trong Việc Trói Buộc

Nếu có bao giờ ta phải ấn định xem ta bị các cam kết trói buộc ra sao và khi nào, thì ta phải có cách nào đó xác định ra các giới hạn của chúng. Thí dụ như Hương Lan chẳng hạn, chỉ trừ nàng nhất định rằng không có cách chi, không có hoàn cảnh nào có thể biện minh được việc nàng ly dị Đỗ Huân, thì nàng cần phải hiểu rõ nàng bị trói buộc đối với chàng và đối với cuộc hôn nhân với chàng đến mức nào. Nếu mọi cam kết của ta đều trói buộc ta cách tuyệt đối, thì ta nên thúc thủ ngồi chờ chúng tràn ngập ta với các đòi hỏi trái ngược nhau của chúng, chẳng còn cách chi giải quyết hết, hoặc, oái oăm thay, có thể yên ổn sống trung thành với chúng.

Hiển nhiên, đối với ta, không phải mọi cam kết của ta đều có tầm quan trọng như nhau hoặc các đòi hỏi của chúng đều hiểu được như nhau. Ta quả có đặt ra những giới hạn cho các trói buộc mà ta cam kết. Thí dụ hầu như mọi cam kết của ta đều tạm thời theo một nghĩa nào đó; hầu như tất cả đều cục bộ, có điều kiện, tương đối. Thực tế là như vậy. Thực vậy, ta có quyền hỏi xem có bao giờ (ít nhất là ở một lúc nhất định nào đó) có một cam kết được coi là tuyệt đối mà không mâu thuẫn hay không.

Đôi khi có những giới hạn ngay bên trong các cam kết mà ta không biết đến. Nghĩa là có thể có việc ta lầm tưởng rằng ta hoàn toàn cam kết đối với sự vật hoặc người nào đó, mà thực ra thì không phải như vậy; hoặc chiều sâu của các cam kết của ta thực ra không sâu như ta tưởng. Ta từng gặp những hoàn cảnh trong đó, như tông đồ Phêrô, ta ngạc nhiên thấy mình dễ dàng phản bội điều ta tưởng như là cam kết dứt khoát của mình. Ngược lại, đôi khi ta ngạc nhiên, như Giuđa chẳng hạn, thấy mình cam kết với một ai đó và bị trói buộc vào họ quá điều ta có thể hiểu; vì điều ta giả thiết là hời hợt hoặc ở bên lề cuộc sống mình thực sự lại hết sức sâu sắc và không thể nào quên được. Ở cả hai trường hợp đó, ta đều có thể phải khóc nức nở khi khám phá ra sự thật, với lòng hối tiếc hoặc biết ơn vì sự thật ấy.

Có lẽ chả có thuốc nào chữa được những sai sót trong sự hiểu biết về chính mình ngoại trừ thời gian và kinh nghiệm. Tuy nhiên, ta có thể suy tư nhiều hơn về những giới hạn ta có ý định (một cách chính đáng và cần thiết) đặt để trong các cam kết của mình. Hiểu các giới hạn không phải lúc nào cũng làm giảm đi một cam kết nhưng đúng hơn giúp ta chú tâm vào nó, giúp nó dự phần vào cái năng lực và mối hy vọng toàn diện của một đời cam kết.

Thật là quá sớm nếu ta muốn tìm hiểu mọi cách thế trong đó những trói buộc cam kết của ta liên hệ với nhau. Nhưng về phương diện này, ta có thể thấy một vài cách thế tổng quát, và đồng thời hiểu được những giới hạn có thể có trong các cam kết. Những hạn từ khá hữu dụng là các hạn từ như “có điều kiện” và “vô điều kiện”, “cục bộ” và “toàn diện”, “tương đối” và “tuyệt đối”. Các cặp hạn từ này không hoàn toàn loại trừ lẫn nhau, trái lại chúng có thể hòa lẫn vào nhau. Dù sao, chúng cũng giúp ta hiểu rõ ta có thể ủy thác cho người khác bao nhiêu quyền đòi hỏi.

Nếu một cam kết nào đó có điều kiện, chúng chỉ trói buộc dưới một số điều kiện nào đó mà thôi. Đôi khi ta đưa ra các cam kết trong đó ta có thể qui định rõ ràng các điều kiện qua đó chúng bị trói buộc. Thí dụ, tôi hứa làm điều gì đó chỉ khi nào anh cũng hứa như vậy; hay chỉ khi nào qui tắc xây dựng được tôn trọng; hay chỉ đến khi một nhân viên khác được thuyên chuyển đến đây; hay chỉ trừ khi hợp đồng bảo hiểm của tôi chịu trả hết các chi phí. Một cam kết vô điều kiện đương nhiên là một cam kết trong đó tôi cam kết với ai đó “bất kể “ điều kiện nào hết. Như thế, tôi có thể cam kết “đi bất cứ nơi đâu em đi và dừng lại bất cứ nơi nào em dừng lại”, tôi không thể trưng ra bất cứ điều kiện gì để biện minh cho việc thay dạ đổi lòng hoặc cảm thức bị bắt buộc của mình. Ta có thể thấy rằng mặc dù bản tính của cam kết là khước từ các điều kiện có mục đích biện minh cho cho việc thay đổi cam kết, ấy thế nhưng phần lớn các cam kết của ta ít nhất cũng lệ thuộc điều kiện này là việc chúng có thể được thực thi (chứ không chắc chắn 100%).

Một cam kết có thể là cục bộ hoặc toàn diện tùy theo điều được ủy cho người khác đòi hỏi. Cục bộ có thể do thời gian: cho đến tuần tới hoặc cho đến lúc thời tiết thay đổi, hay khi tôi tới tuổi về hưu. Cục bộ cũng có thể vì là một “phần” của một cái gì lớn hơn – như lời khấn khó nghèo là một phần trong cam kết toàn diện muốn phục vụ anh em. Cục bộ cũng có thể vì tôi chỉ ủy cái quyền đòi hỏi trên tài sản tôi chứ không trên chính con người của tôi.

Ta nghĩ đến cam kết như là toàn diện khi nó bao hàm trọn vẹn bản thân người cam kết. Đây chính là những cam kết tạo nên những chọn lựa căn bản của đời người. Chúng có thể là những cam kết ta làm để yêu thương người khác. Tuy nhiên, khi ta ráng miêu tả những cam kết loại này, ta liền gặp khó khăn trong việc phát biểu các cảm nghiệm phức tạp của mình. Thí dụ, làm sao diễn tả được sự cam kết yêu một người khác phát sinh từ toàn bộ con người ta, nghĩa là một cam kết được ta khẳng nhận toàn diện bằng chính cuộc đời mình, mà lại không hàm nghĩa là ta phải hoàn toàn sẵn sàng có đó (total availability) đối với họ chỉ vì nghĩa yêu đương? Ta ngần ngại không muốn gọi một cam kết như thế là cục bộ, và sự ngần ngại này tự nó đã nói lên sự thật thật phong phú.

Ý niệm tương đối và tuyệt đối có thể rất có ích để hiểu bản chất và các giới hạn trong các cam kết của ta. Nhưng cả chúng nữa cũng có những khả thể khác nhau mà không phải lúc nào cũng hiểu rõ được. Như thế, một cam kết tương đối là một cam kết có tương quan với một cam kết khác. Nó tùy thuộc cam kết kia để có ý nghĩa riêng, ít nhất đến một mức nào đó. Nó có thể được rút ra từ (derivative), là phương tiện của, hoặc tham dự vào, một cam kết khác. Nhưng ngay những hạn từ này, vốn dùng để miêu tả những cách thế tương quan giữa các cam kết với nhau, cũng chứa đựng những khả thể khá phức tạp.

Thí dụ, có sự khác biệt rất lớn giữa những cam kết hoàn toàn có tính phương tiện (chỉ dùng như những phương tiện đạt các mục tiêu khác, tức các cam kết lớn hơn) và các cam kết yêu một ai đó được coi như chính mục đích, dù đó chỉ là một mục đích (chứ không phải phương tiện) mà thực tại sâu thẳm nhất chỉ có khi đặt mình trong tương quan với Chúa. Thí dụ, Đỗ Huân có thể chỉ cam kết với vợ con vì họ cần thiết đối với anh để anh duy trì một vị thế kinh doanh nào đó đối với các người hùn hạp. Hay anh có thể cam kết với họ vì anh thấy anh là một người chồng và một người cha đáng tin cậy, có trách nhiệm, và chàng biết vợ con chàng cần đến sự nâng đỡ về tài chánh và về bản thân của chính chàng. Hay chàng cam kết với họ vì chàng yêu họ vì chính con người của họ; nhưng vì chàng tin rằng họ “sống, cử động và hiện hữu” trong tương quan với Chúa, nên cam kết của chàng đối với họ là một phần nội tại trong cam kết của chàng đối với Chúa.

Cách dễ nhất để hiểu một cam kết “tuyệt đối” là ví nó với một cam kết “vô điều kiện”. Tuy nhiên theo nghĩa này, một số cam kết tương đối cũng có thể gọi là tuyệt đối (nếu điều tương quan với nó là đối tượng của một cam kết vô điều kiện, và nếu mối tương quan ấy là mối tương quan nội tại và tất yếu). Có lẽ ta cũng có thể ví các cam kết tuyệt đối với các cam kết “toàn diện”; nhưng ở đây ta cũng gặp cùng một thứ không chắc chắn như trường hợp các cam kết cục bộ và toàn diện vậy. Để cho chính xác hơn, thiết tưởng ta chỉ nên coi chúng như những cam kết vừa vô điều kiện vừa toàn diện. Có lẽ đó là loại cam kết mà Gabriel Marcel đã mô tả như là cam kết mà “toàn bộ bản ngã tôi đã bước vào, hay ít nhất cũng là cái gì đó chân thực trong tôi mà nếu ruồng rẫy nó là ruồng rẫy cả con người tôi – và là điều có thể được ngỏ với toàn bộ Hữu Thể và được thể hiện trước mặt cái toàn bộ ấy” (8). Dù cách miêu tả của Marcel có làm ta ngạc nhiên, nhưng ta vẫn nắm được cái trọng điểm của những gì ông mô tả.

Những phân biệt mà chúng ta đã trình bày từ trước đến nay xem ra đã quá chẻ sợi tóc ra làm tư rồi trong khi ta chỉ cần phải sống thực các cam kết của mình một cách trung thành mà thôi hoặc nhận ra khi nào các cam kết ấy không còn trói buộc ta nữa. Tuy nhiên, lòng thủy chung và sự bội bạc không phải là những vấn đề đơn giản và người ta đã chứng tỏ rằng đời sống ta phức tạp hơn là điều ta mong muốn. Không phải bất cứ cam kết nào của ta đối với người khác cũng ủy quyền một cách vô giới hạn để họ có quyền đòi hỏi nơi ta một cách vô giới hạn. Cũng không phải cam kết nào của ta cũng có giới hạn như những lời hứa mơ hồ “nay mai sẽ ghé thăm” của ta đối với một cố tri. Qua những phân biệt trên đây, có thể ta sẽ ngạc nhiên tìm ra những khoảng sáng đơn giản trong khu rừng phức tạp.

Kỳ tới: Cam kết và Yêu thương