CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 14:22-33)
UY QUYỀN


Đoàn dân vui sướng ra về,
Ơn lành chan đổ, phủ phê cõi lòng.
Môn đồ từ giã theo dòng,
Xuống thuyền ra bến, cầu mong yên bình.
Giê-su cầu nguyện một mình,
Tâm tình cảm mến, hết tình yêu thương.
Chập chờn lo lắng vấn vương,
Thuyền khơi gối sóng, tựa nương nơi nào.
Biển đời báo tố thét gào,
Ra công chèo chống, biết bao cực hình.
Chúa thương bước tới thình lình,
Đi trên mặt nước, dủ tình cứu nguy.
Tông đồ sợ hãi nghĩ suy,
Tưởng rằng ma quái, tư duy nhiều điều.
Thầy đây! Đừng sợ sóng triều,
Phê-rô mong muốn, đánh liều bước theo.
Nặng chìm lo sợ kêu reo,
Xin Thầy cứu giúp, kéo theo đừng rời.
Uy quyền phán bảo một lời,
Gió yên biển lặng, cao vời quyền năng.

Trong khi các ông đang đối diện với sóng to và gió lớn, Chúa Giêsu đã đi trên mặt nước đến với các tông đồ. Các ông không nhận ra Chúa. Các ông quá sợ hãi và hoang mang. Các tông đồ đã không ngước nhìn lên mà chỉ loay hoay chèo chống với sóng biển. Các ông cậy dựa vào sức mình đối diện với thiên nhiên, nên đâm ra hoảng sợ và lo lắng.

Có biết bao nỗi sợ hãi vây hãm cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Chúng ta sợ bệnh hoạn, sợ mất mát, sợ đau đớn, sợ thất bại, sợ lỡ hẹn, sợ bóng tối và sợ chết. Chúng ta sợ vì chúng ta không làm chủ được chính mình, hơn nữa chúng ta không thể lường được những gì sẽ xảy ra quanh chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta hãy nhận biết quyền năng của Thiên Chúa, Ngài quan phòng mọi sự và không gì xảy ra ngoài ý muốn của Chúa. Hãy biết phó thác mọi sự trong tay Chúa.

Bài phúc âm kể truyện các tông đồ thấy Chúa đi trên mặt nước, họ tưởng là ma, thế là sợ hãi. Chúa liền bảo: “Thầy đây - đừng sợ.” Lời Chúa thật dịu dàng và thân thương. Có Thầy đây, còn phải sợ hãi gì nữa. Thầy có quyền trên tất cả mà. Hãy cậy trông vào quyền năng của Chúa. Hãy chạy đến với Chúa bất cứ khi nào và hãy la lên, “Lạy thầy, xin cứu con.” Chúa sẽ giơ tay ra cứu chữa chúng ta như Chúa đã cứu Phêrô lên thuyền.

Hãy cầu nguyện và luôn tin tưởng vào Chúa.Truyện kể: Có một em học sinh chăm học luôn trả lời các câu hỏi một cách dễ dàng. Cậu bé hỏi lý do làm sao cô có thể nhớ và trả lời như thế. Cô bé trả lời: Trước khi học, tôi đã cầu nguyện. Cậu ta ngạc nhiên và thấy ý kiến hay. Cậu ta nói: Tôi sẽ cầu nguyện và đêm đó cậu đã cầu nguyện. Sáng hôm sau, khi đến lớp, cậu chẳng nhớ chi cả. Đành tìm cô bé để trách cứ vì đã lừa cậu ta. Cô ta nói rằng bạn đã không học được bài học khó này. Dĩ nhiên là không, vì tôi đã cầu nguyện thì tôi đâu cần phải học nữa. Cô ta nói đó chính là vấn đề. Tôi đã nói với bạn rằng trước khi học, tôi cầu nguyện. Chứ không cầu nguyện thay cho việc học.

Bất cứ khi nào nhận ra tiếng Chúa mời gọi, chúng ta hãy mạnh dạn hướng nhìn thẳng vào Ngài và bước tới cùng Ngài. Chúa sẽ giơ tay đón nhận chúng ta. Cung cách ứng xử của Chúa đối với Phêrô thật nhẹ nhàng và yêu thương. Hãy tin tưởng phó thác cuộc đời của chúng ta trong vòng tay yêu thương của Chúa. Chúa cũng sẽ đón nhận chúng ta nếu chúng ta biết cậy dựa vào Chúa. Lạy Chúa, xin cứu chúng con.

TUẦN 19 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 17: 22-27


Chúa Giêsu và môn đệ đang ở Galilêa, Chúa nói với các ông: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại. Chúa Giêsu đã chính thức loan báo về sự chết và sống lại của Ngài cho các môn đệ. Các môn đệ đã tỏ thái độ buồn phiền.

Chúa Giêsu biết sự căng thẳng của các nhà lãnh đạo tôn giáo, họ đã dứt khoát chọn lựa đi con đường khác. Họ chối bỏ Đấng mà cha ông của họ đã bao năm mong chờ. Họ nghĩ rằng tiêu diệt Chúa Giêsu là có lợi cho dân cho nước. Họ không muốn biết Chúa Giêsu là ai, họ chỉ biết rằng ông Giêsu xúi dân làm loạn cuộc sống an bình tự tại của họ. Các nhà lãnh đạo đi đến kết luận ông Giêsu phải chết.

Chúa Giêsu biết thế nhưng Ngài không trốn chạy. Ngài chuẩn bị đương đầu với sự dữ và chấp nhận chén đắng Chúa Cha trao cho. Chúa Giêsu đã tâm sự cùng các môn đệ của mình và Chúa luôn nhắc nhở rằng: Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại. Đó là tất cả niềm hy vọng của chúng ta. Chúa chịu chết nhưng sẽ sống lại. Chúa phải đi qua sự đau khổ tới tận cùng cho tới chết. Giống như con bướm nhộng phải vượt qua lỗ nhỏ của tổ kén để được ra đời tung cánh bay trên không trung.

Lạy Chúa, Chúa đã loan báo về sự chết và sống lại của Chúa. Xin cho chúng con cùng thông dự vào sự đau khổ của Chúa.

THỨ BA
Mt. 18:1-5. 10: 12-14


Các môn đệ đến bên Chúa Giêsu và hỏi: Ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời? Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ và nói: Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Chúa Giêsu làm chưng hửng nhiều tông đồ. Các ngài tưởng đâu những người làm lớn ở trần gian và những kẻ có công to sẽ là kẻ lớn trong Nước Trời.

Phải trở nên trẻ nhỏ, trẻ nhỏ thì đơn sơ, tin tưởng, hồn nhiên, thanh sạch và phó thác cậy trông. Đây là những đức tính cần thiết trong đời sống đạo. Chúa vẫn yêu thích những tâm hồn khiêm cung, những người đơn sơ chân thành và những kẻ bé mọn nghèo hèn. Chúa yêu họ và Chúa mặc khải Nước Trời cho họ. Họ chọn là những thành viên của Nước Trời dưới thế và họ cũng sẽ được hưởng Nước Trời mai sau.

Trở nên trẻ nhỏ trong khi chúng ta cứ lớn dần cứ già đi. Không ai ở mãi tình trạng nhỏ bé như trẻ nhỏ trong thân xác. Chúng ta phải lớn lên, phải trưởng thành và già nua. Nhưng làm sao chúng ta có thể giữ được tâm hồn đơn sơ, phó thác và chân thành như trẻ nhỏ được. Đời sống của chúng ta bị nhuốm mầu trần thế và sự dữ đã len lỏi chiếm đoạt tâm hồn và làm mất đi nơi chúng ta sự đơn sơ và thơ ngây trong trắng.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, chúng con chỉ là thụ tạo bé bỏng. Chúng con phó thác trọn cuộc đời của chúng con trong tay Chúa. Xin Chúa gìn giữ tâm hồn chúng con luôn chân thành.

THỨ TƯ
Mt. 18: 15-20


Chúa Giêsu nói với các tông đồ về sự sửa dậy lỗi của anh chị em. Con người ai cũng có lúc sa ngã lỗi lầm, chúng ta phải lấy lòng bao dung mà khuyên dạy. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Nếu anh em của con phạm tội, hãy đi sửa dạy nó. Điều trước hết Chúa Giêsu muốn nhắc đến đó là điều bác ái và nâng đỡ nhau.

Chúa dạy chúng ta từng bước để giúp anh chị em sửa dạy là gặp gỡ riêng tư, nếu không thuận, hãy nhờ hai ba nhân chứng để khuyên dạy. Nếu người phạm lỗi không nghe, chúng ta nhờ đến cộng đoàn. Lòng Chúa rất khoan dung, Chúa tạo cơ hội cho con người nhận lỗi và sửa lỗi mình. Nhận lỗi không dễ, vì khi nhận lỗi là khi chúng ta trở lại với chính lòng mình. Lòng con người thì sâu thẳm, chúng ta thường không muốn đi hết nội dung xấu xa của mình. Vừa vì xấu hổ với người, vừa vì thẹn với lòng. Nhưng nếu chúng ta không vượt qua được chính mình, chúng ta sẽ không bao giờ biết hối lỗi.

Hối lỗi là tự đầu hàng với chính mình. Mở lòng của chúng ta ra với tất cả những xấu xa, sai trái, dơ bẩn và yếu đuối để xin Chúa tẩy rửa và lấp đầy bằng tình thương của Chúa. Đi sâu vào mình ngại hơn là đi khám phá vũ trụ bên ngoài.

Chúng ta có thể làm nhiều điều khác nhưng chúng ta rất ngại xưng thú những lỗi lầm của chúng ta. Lậy Chúa, chúng con cúi đầu tạ lỗi. Xin Chúa thương tha thứ tội lỗi cho chúng con.

THỨ NĂM
Mt. 18: 21-19:1


Tha nhiều sẽ yêu mến nhiều. Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: Khi người anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho người ấy mấy lần. Có phải đến bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Hãy tha cho anh em bảy mươi lần bảy. Tha trọn và tha hết.

Chúa dạy chúng ta hãy tha thứ cho anh em vì anh em cũng là con người yếu đuối. Có lẽ trong chúng ta ít ai đạt được mức độ tha thứ như Chúa đã tha. Số lần tha thứ mà Chúa muốn không hẳn là vượt quá khả năng của con người. Chúng ta có gương của các thánh Tử đạo, trong bất cứ giai đoạn nào của Giáo Hội cũng có những gương anh dũng biết tha thứ. Các ngài đã chịu muôn cực hình nhưng các ngài không oán thù, không ganh ghét nhưng các ngài đã tha thứ cho những kẻ hại mình.

Đôi khi trong cuộc sống thường nhật, chúng ta nghĩ rằng làm sao có thể tha thứ nhiều lần như thế được. Tha mà họ không sửa lỗi, tha rồi mà cứ tái phạm và tha, nhưng chứng nào tật ấy thì làm sao? Chỉ còn cách chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu, đã bao lần chúng ta xin Chúa tha tội, đã bao nhiêu lần chúng ta hứa từ bỏ tội lỗi nhưng rồi mấy chục năm qua chúng ta cứ tái phạm. Và lần nào đi xưng tội Chúa cũng tha cả. Đây là lý do chúng ta có thể tha thứ cho anh em. Lạy Chúa, xin Chúa tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha.

THỨ SÁU
Mt. 19: 3-12


Những người biệt phái đến gần Chúa Giêsu để thử người, họ nói: Người ta có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do gì không? Chúa Giêsu trở về nguồn, Ngài nói : Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, kết hợp với nhau nên một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly.

Những người biệt phái muốn dùng luật Môisen để phản bác lại lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu biết rõ nguồn gốc từ đâu và lý do gì Môisen đã thỏa mãn một số những đòi hỏi của dân chúng về việc rẫy vợ. Vợ chồng liên kết với nhau trong khế ước hôn nhân và có tình yêu làm bảo chứng. Vợ chồng cần hun đúc tình yêu mỗi ngày thêm khăng khít và hòa nhập với nhau như cây tre càng cao càng vút nhọn.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong thực tế, chúng ta thấy các gia đình đang phải đối diện với muôn ngàn khó khăn và phức tạp. Có nhiều gia đình đổ vỡ, vợ chồng ly thân, ly dị, có gia đình chỉ có mẹ hoặc chỉ có cha. Gia đình ly dị làm cho gia đình tan nát, con cái mồ côi và sống thiếu tình cha, tình mẹ. Các tệ nạn xã hội đang xảy ra như cơm bữa. Vì lòng ích kỷ và lòng ham muốn của con người không cùng, nên các vấn đề khó khăn vẫn cứ tiếp tục xảy ra.

Chúa dạy chỉ có một vợ, một chồng. Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.

THỨ BẢY
Mt. 19: 13-15


Chúa Giêsu chúc lành cho các trẻ nhỏ, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng. Chúa yêu thương các trẻ nhỏ vì chúng đơn sơ như các thiên thần. Tâm hồn chúng như tấm giấy trắng.

Xã hội ngày xưa trẻ em và phụ nữ đều không được coi trọng. Thí dụ như khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để phân phát, các tông đồ chỉ tính con số đàn ông còn phụ nữ và trẻ em thì không kể. Trong thời đại hiện nay, người ta đề cao trẻ em và phụ nữ nhiều hơn. Các nhà giáo dục cũng đầu tư vào việc dạy dỗ các trẻ em nhiều hơn.

Tâm hồn trẻ em như tờ giấy trắng. Cha mẹ và những người có trách nhiệm giáo dục phải ghi dấu vào tâm hồn non trẻ những điều tốt lành, thì hy vọng các em sẽ trở nên những người tốt. Tuổi trẻ có thể hấp thụ mọi thứ tốt xấu rất nhanh, nếu không được chăm nom dậy dỗ cẩn thận, các trẻ em sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt rất nguy hại.

Có nhiều cha mẹ phó mặc con cái cho những phim ảnh hoặc những trò chơi điện tử bạo động, trả thù, giết chóc và tình dục. Tất cả các hình ảnh đó sẽ sớm ăn sâu nhập vào tâm hồn các em, sẽ rất ảnh hưởng đến tâm lý của các em sau này. Tâm hồn các trẻ em còn thanh khiết, chúng ta hãy có trách nhiệm giáo dục tốt và yêu thương các em.