Chúa Nhật 18 Thường Niên A 2020

Tin mừng Matthêu hôm nay đã cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu khi nhìn thấy một đám đông đã chạnh lòng thương xót họ. Phát xuất từ trái tim “chạnh lòng thương đó”, Chúa Giêsu đã “chữa lành các bệnh nhân” và ra lệnh cho các Tông Đồ “phải lo cho họ ăn”.
Từ trái tim “chạnh lòng thương” tới mối “bận tâm thực hiện”, quả thật con đường của Thiên Chúa đến với loài người bao giờ cũng dẫn tới phép lạ. Từ phép lạ “Manna, chim cút, mạch nước Meriba… trong những ngày “Dân Chúa đói khát lầm than lang thang nơi hoang mạc”, hay như phép lạ mà Tin Mừng Matthêu kể lại hôm nay, phép lạ từ “năm chiếc bánh và hai con cá” đã trở thành bữa tiệc khoản đãi phủ phê mấy ngàn thực khách…, tất cả đều muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa không bao giờ lãnh đạm, thờ ơ trước thân phận đói khổ lầm than của nhân loại, như Lời Ngài phán qua miệng ngôn sứ Isaia “Đến cả đi hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây…” (Bđ 1), hay như tâm tình dạt dào thương mến đã hóa thành lời nơi môi miệng Đức Kitô: “Ta thương xót đám dân nầy…”.
Qua những ngôn từ và hành động thân thương và gần gũi đó, chúng ta một lần nữa xác tín rằng: mối bận tâm thường xuyên và hàng đầu của Thiên Chúa chính là những chuyện của đời thường nhân loại, của kiếp sống mỏng manh con người, của những ước vọng bình thường, của những nhu cầu giản đơn cần thiết. Bởi vì, chính Thiên Chúa đã trải qua kinh nghiệm một “đời thường nhân loại với tất cả những lao tâm khổ tứ, cay đắng ngọt bùi, thương đau khổ lụy. Còn đó Bêlem với máng cỏ hang lừa; còn đó Nadarét với cái đục cái cưa của nghề thợ mộc; còn đó những bước chân mệt nhoài đói khát trên những nẻo đường cát bụi Palestina; còn đó những phút giây ngủ gà ngủ gật trên chiếc thuyền nhân loại bị sóng đánh tả tơi; còn đó chén thù chén tạc khi chấp nhận đồng bàn với những người anh em thu thuế và tội lỗi…
Chúng ta có thể nói được rằng: tràn ngập cả bốn cuốn Tin Mừng là những chuyện kể về những “phép lạ ngang qua cuộc sống đời thường”: mắt thôi mù để có ánh sáng, tai thôi điếc để nghe được âm thanh, phung cùi lành sạch để trở về hội nhập cuộc sống bình thường, rượu ngon thay nước lã để tân lang và tân nương khỏi bẽ mặt, những bệnh nan y được khỏi, kẻ chết sống lại để có được niềm vui và hy vọng…; và hôm nay, với 5 chiếc bánh kiều mạch và 2 con cá nục của một ai đó, Đức Kitô đã biến thành một bữa đại tiệc ắp đầy hân hoan no phỉ cho một đoàn người khố rách áo ôm giữa nơi khô cằn sỏi đá…
Và rồi, còn đó cây thập giá với cái chết tủi nhục trên đồi Can Vê, còn đó quán trọ bên đường Emmaus hay bữa điểm tâm trên bờ hồ Tibêriát với tấm bánh nướng thơm và vài con cá nhỏ…tất cả lại không là mối bận tâm của Thiên Chúa đó sao, tất cả lại không là “dấu lạ” đó sao?
Thế giới hôm nay nào có khác gì. Ngài cứ vẫn còn quan tâm chăm sóc từng ly từng tí qua Thánh Thần, qua Giáo Hội, qua những Tông đồ, qua những con người như các y bác sĩ trong suốt những tháng ngày đại dịch Vũ Hán, qua những linh mục, tu sĩ sẵn sàng đồng hành với các bệnh nhân nhiễm Corona cho tới giây phút cuối cùng của cuộc sống... cho dù có trả giá bằng mạng sống !
Vâng, Thiên Chúa ít khi muốn “độc quyền” thi thố dấu lạ. Ngài luôn cần những bàn tay nhân loại nối tiếp đôi tay quyền năng và yêu thương của Ngài để làm nên những phép lạ mới: như Phêrô, Gioan trong những ngày đầu của Hội Thánh: “Tiền bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh dứng dậy mà đi” (Cv 3, 6); hay như Mẹ Thánh Tê-rê-sa Calcutta, một nữ tu già nua, ốm yếu, nhưng đã đem lại sự sống, niềm vui và hy vọng cho hàng triệu con người khố khổ khắp năm châu…(Như câu chuyện bức tượng Chúa cụt tay…)
Đó chẳng phải là những “tấm bánh và con cá nhỏ được trao cho bàn tay Thiên Chúa để Ngài tiếp tục làm nên những phép lạ đó sao?
Và chúng ta cũng đừng quên rằng: điều cốt yếu Đức Kitô nhắm tới hôm nay, trong phép lạ “hóa bánh ra nhiều nầy”, không là “Bữa tiệc của trần gian”, không dừng lại để thỏa mãn những nhu cầu vật chất và những khát vọng trần tục, mà chính là qua dấu lạ nầy, Ngài nhắm tới “Bàn Tiệc của Nước trời”, là tiên báo hạnh phúc vĩnh cửu, là thiên đàng. Dấu lạ “bánh hóa nhiều hôm nay” chính là tiên báo “Bánh Trường Sinh” Ngài sẽ thực hiện vào Bữa Tiệc Vượt Qua ngày Thứ Năm trước khi ra đi chịu khổ hình thập giá để trở thành “Tiệc Thánh Thể” dấu chỉ của Bàn Tiệc Nước trời mai hậu.
Trong viễn tượng đó, Thánh lễ hôm nay cũng lại là một “phép lạ” như thế đang chợt về ! Để từ đây, những “phép lạ của tình thương” lại nối tiếp trong thế giới, trong cuộc đời. Những “chiếc bánh và con cá” mà Thiên Chúa đang cần nơi mỗi người chúng ta hôm nay chỉ có thể có được bằng chính thái độ và con đường mà Thánh Phaolô trong BĐ 2 hôm nay đề nghị: “Không có gì tách biệt chúng ta khỏi tình yêu mến Chúa Ki-tô”. Vâng, tình yêu chia sẻ, phục vụ vị tha…chính là phép lạ, chính là “bí tích”. Hèn chi, Thánh Gioan đã đề cao việc “Rửa Chân” trong bữa chiều “Tiệc Ly” cũng là dụng ý đó !
Nói cách khác, nếu mỗi người mang nhịp đập “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu và sẵn sàng quảng đại trao vào tay Chúa chút phần nhỏ bé của riêng mình, thì mỗi ngày có trăm vạn phép lạ “bánh hóa nhiều” không phải chỉ để 5000 ngàn người no nê cơm bánh, mà để hàng hàng lớp lớp nhân loại tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống hôm nay và nắm chắc hạnh phúc trong Nước Trời mai hậu. Hãy lên đường với trái tim mang nhịp đập “chạnh lòng thương” và với đôi tay là “những mụn bánh nhỏ” sẻ chia, thế nào “phép lạ cũng hiện lên ở cuối chân trời” !

Trương Đình Hiền.