1. TIẾNG THỞ DÀI MÙA HÈ

Mấy ngày nay tôi cứ thở dài. Ai cũng hiểu, đó là vì Covid lại bùng lên tại Việt Nam, kèm theo bao lo lắng, sợ hãi. Chúng tôi cũng vừa hủy vé máy bay đi và về, gồm ba người đến miền Bắc, của chuyến công tác dịp mừng lễ bổn mạng Mẹ Lên Trời sắp tới. Tiếng thở dài của tôi não nuột vì quà Mùa Chay vẫn còn để ở góc nhà và hôm nay, lại chẳng biết bao giờ mới được đi tiếp, thật bức bối, khó chịu! Song những bức bối đó cũng dịu đi khi biết

Cách nay vài tháng, Việt Nam được coi là “ngôi sao sáng” trong hành trình chống dịch bệnh, song dưới lăng kính đức tin, chúng tôi nghĩ có lẽ Thiên Chúa mủi lòng mà xót thương cho dân tộc này, đã chịu nhiều đau khổ mà vẫn nhiệt thành sống và làm việc theo pháp luật; sống mà quan tâm đến người khác. Và Ngài cũng rung động khi những gói gạo, gói nhu yếu phẩm... trao tay trong cơn khốn khó ấy. Người ta có thể đếm được số gạo cho đi, biết được số tiền chia sẻ nhưng không ai đo được lòng yêu mến nhiệt thành của dân Việt nói chung và của người giáo dân Việt Nam nói riêng. Nhiều chuyện từ Covid mà ra nhưng có lẽ “điểm nhấn” ở thời điểm này chỉ gói gọn trong từ “yêu thương” mà thôi!

2. NIỀM VUI NGẮN

Mới đây, khi đi du lịch hè cùng người thân trong gia đình, tôi thấy người ta vào cổng khu du lịch Hòn Thơm ở Kiên Giang đông như kiến cỏ mà chỉ lác đác một, hai người đeo khẩu trang. Điều gì khiến người ta quên đi nỗi sợ hãi của dịch bệnh do con virus nhỏ bé quái ác đó? Chắc chắn do du lịch là một nhu cầu chung của người dân nói chung, còn quây quần cùng đại gia đình hay họp mặt đi tham quan cùng cộng đoàn giáo xứ thì nói riêng, lại mang ý nghĩa đậm đà hơn!

Trên báo mạng, có một anh công nhân cho rằng, giữa thời Covid, chỉ có những người nghỉ hưu là “ngon nhất”, cứ lãnh tiền rồi sống thoải mái, không lo lắng, vất vả đổ mồ hôi hột. Đó là sự so sánh khập khiễng, chúng tôi cũng trải qua nỗi khó khăn khốn cùng khi đất nước đổi mới và cố gắng không ngừng khi làm việc...; còn bây giờ là nỗi đau của ‘thiên tai, nhân tai”, chứ không phải là do hành trình lịch sử của xã hội.

Hằng ngày theo dõi tin tức, thấy thế giới quá bất an, chúng tôi “nửa đùa nửa thật”, yêu cầu mọi người khi chầu Thánh Thể tạm quên những vị đã qua đời mà tha thiết nguyện cầu cho những người còn sống mau thoát cơn dịch bệnh đáng sợ này!

Khi cơn Đại Hồng Thủy ập đến thời ông Noe, người ta vẫn vui chơi nhảy nhót, cưới vợ lấy chồng...; còn thời bây giờ, khi cơn dịch bệnh đến, người ta có phần sợ hãi lo âu nhưng một số người vẫn thực dụng, tham tiền, tội ác, cướp bóc vẫn diễn ra... Hỏi có mấy ai cầu nguyện, làm điều lành và sám hối, sắp xếp việc gia đình theo thánh ý Chúa như ông Noe ngày đó!?

Thôi thì, sau những cố gắng, chỉ phó thác vào tình yêu Chúa Quan Phòng!

3. ĐỜI THƯỜNG

Trong cuộc sống sinh động ấy, một hiện tượng ai cũng biết đó là người ta bấm điện thoại mọi lúc mọi nơi: đang chờ check in, đang bay, đang ăn sáng, nghỉ trưa... Nếu trước đây người ta gọi những người quá mê bóng đá là môn đồ “túc cầu giáo” thì ngày nay hình như có quá nhiều đồ đệ của “smartphone giáo”. Cả những đứa trẻ cũng “bấm bấm, quẹt quẹt”, thậm chí khi nó khóc và biếng ăn, bố mẹ chỉ cần dúi vào tay chúng một cái điện thoại là “ổn” cả! Cuộc sống muôn màu muôn vẻ gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh đó song cũng thật vô cùng đáng tiếc khi trên mạng có quá nhiều tin bẩn, tin tức về tội ác, tin “xàm xí’ về showbiz, nhất là nhiều người dựng clip nhí nhố, chất lượng kém rồi vật vã xin người khác đăng ký vào kênh của mình, nhiều người muốn “thể hiện” mình nhưng không có kim chỉ nam. Ai có thể đẩy lùi hoặc giảm bớt những hiện tượng này? Đến đây, tôi phải “thú tội lúc hoàng hôn”, dù đã có một điện thoại để dùng và một TV Net, có thể xem phim, du lịch nhiều nơi trên thế giới thế mà tôi vẫn yếu lòng khi mua thêm một điện thoại nữa để “sống liên tục với net”!

Mùa Covid tại Sài Gòn trước đó đã khiến tôi phải bỏ qua hai đám cưới và ba đám ma. Tôi thấy tiếc khi không đưa tiễn người con thiêng liêng của mẹ tôi; người bạn cùng lớp 12 tôi cũng không thể đến viếng và người bạn trong đoàn thể đã qua đời bất ngờ. Tôi tự thẹn và tự hỏi, sao tôi phung phí thời gian vào điện thoại, vào net mà không thăm viếng, hỏi han đến với người khác khi sức khỏe, thời gian còn cho phép?

4. NIỀM VUI SAU MÙA HÈ?

Tiếng thở dài của tôi bỗng ngắt quãng khi nghĩ đến nhịp sống của Giáo Hội Việt Nam. Cũng qua tin tức Công Giáo trên mạng, chúng tôi biết được Giáo Hội Việt Nam đang trống hơn mười vị trí chức vụ Giám mục. Chúng tôi thầm nghĩ, đây là những vị trí đại diện Dân Chúa thực hiện những việc quan trọng và làm Giáo Hội triển nở trong niềm tin Đức kitô phục sinh; một vị trí “tuyệt đối” có thể xây dựng nên những công trình quan trọng về tinh thần cũng như vật chất; có thể làm một cộng đoàn vươn tới tương lai trong hành trình tu đức, hoặc rẽ lối một cộng đoàn đang sinh hoạt qua một hành trình dài dưới cái nhìn chủ quan. Hoặc chi tiết hơn, có thể làm thăng hoa nhiều tài năng trong đời dâng hiến; cũng có thể “thay đổi sắc màu” một tờ báo sau thời gian dài hoạt động, có sự đóng góp công sức của nhiều người; chuyển đổi linh mục hợp lý theo tài năng và hoàn cảnh.... Vì thế, có nhiều thành phần Dân Chúa quan tâm đến những người được đề cử và những kết quả là tin vui từ Tòa Thánh.

Sau một thời gian dài suy nghĩ theo dòng thời sự, chúng tôi thấy Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng, khác hẳn với những tổ chức của “thế gian”. Đó là phục vụ không tranh chấp, yêu thương trong sự thật, vâng phục vì lợi ích chung, dồn mọi năng lực, nhiệt thành, tinh hoa của cá nhân cho sức sống của Giáo Hội. Trong khi thời sự của thế giới thật đáng sợ, đáng khinh miệt vì người ta tranh giành chức vụ với mọi thủ đoạn. Cứ nhìn theo “dòng thời sự” này, người ta thấy rõ sự bỉ ổi khi làm cho người khác phải từ bỏ quyền hành, phải chết; có khi ở nơi nào đó người ta quăng người tài giỏi từ trên cao xuống đất (? ); có khi một người vô danh tiểu tốt cũng...tranh cử tổng thống! Thật vui mừng cho Giáo Hội và thật đáng sợ cho thế gian!

Chúng tôi là những giáo dân, vô tư chờ đợi những thánh lễ tấn phong, là niềm vui chung khi những cá nhân được bổ sung vào các vị trí còn khiếm khuyết. Chỉ mong những con người ưu việt được tuyển chọn ấy, được đầy ân sủng Thánh Thần mà làm cho Hội Thánh Chúa Kitô nẩy sinh hoa trái tốt lành. Bỏ qua những khuyết điểm, những nhỏ nhặt phải có, thật đáng tự hào một Giáo Hội địa phương, là Giáo Hội Việt Nam!

Maria Vũ Loan