1. Đốt tượng Chúa chịu nạn và toan tính thiêu sống các tín hữu Công Giáo đang tham dự thánh lễ

Hôm Chúa Nhật 26 tháng 7, một người đàn ông trên đảo St. Lucia trong vùng biển Caribbê đã mưu toan đốt một cây thánh giá bên ngoài một nhà thờ Công Giáo, trong khi anh chị em giáo dân đang tham dự thánh lễ bên trong nhà thờ.

Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em có thể thấy y liên tục ném một loại bom xăng tự chế vào tượng Chúa chịu nạn trên cây thánh giá được đặt bên Nhà thờ Công Giáo St. Martin De Porres ở làng Pierrot, thuộc thị trấn Vieux-Fort trên đảo St. Lucia - một hòn đảo nhỏ ở phía đông vùng biển Caribbê.

Hung thủ đã cố gắng phóng hỏa bức tượng, nhưng đám cháy do y gây ra bị tắt ngúm sau một thời gian ngắn. Tên này liên tục hét lên “sự phán xét”. Sau đó, hắn ta bước vào nhà thờ với hai quả bom xăng, với toan tính đốt nhà thờ để thiêu sống các tín hữu đang tham dự thánh lễ sáng Chúa Nhật, nhưng anh chị em giáo dân đã quật ngã hung thủ, bắt giữ y trước khi bàn giao cho cảnh sát.

Theo tường thuật của tổng giáo phận Castries, chính nhờ lòng can đảm của phó tế Harris Wilfred mà tai họa đã được ngăn chặn.

Khi tên này hung hăng vào bên trong nhà thờ với hai quả bom xăng, nhiều giáo dân hoảng loạn bỏ chạy ra khỏi nhà thờ trong khi hung thủ đang hét lên những lời đe dọa.

Phó tế Harris Wilfred, đang giúp lễ trên bàn thờ, đã cầm lấy một thánh giá và dũng cảm bước đến trước mặt hung thủ, giơ cao thánh giá và hét lại vào mặt tên hung thủ bảo hắn phải ra khỏi nhà thờ.

Trước sự can đảm của phó tế Wilfred, nhiều thanh niên trong nhà thờ đã lấy lại bình tĩnh vây quanh hung thủ và quật ngã hắn xuống.

Đức Tổng Giám Mục Robert Rivas của Castries than thở về sự kiện này, đặc biệt khi nó diễn ra trong thời đại dịch và mọi người đang phải đối mặt với nhiều bất ổn. Ngài nhấn mạnh sự tôn nghiêm của các nhà thờ và đóng góp của họ cho cộng đồng.

“Tôi rất buồn vì đã có một cuộc tấn công vào nơi thờ phượng thiêng liêng mà con người đến để hiệp thông với nhau và với Thiên Chúa của mình. Họ đến nhà thờ để cầu nguyện cho thiện ích của đất nước, dân tộc của họ và cho cả những người khác. Trong một bối cảnh tốt lành như thế, lại có một sự xâm phạm, một tội ác.”

“Nhà thờ là một trong những nơi mà mọi người tìm kiếm sự an ủi, nơi mọi người đến để được hiệp thông với anh chị em của mình trong đức tin. Nhà thờ là nơi thờ phượng, nơi chúng ta tôn vinh, và ca ngợi vinh quang Thiên Chúa. Nhà thờ phải là một nơi bình an.”

Theo cảnh sát St. Lucia, hung thủ dường như mắc chứng rối loạn tâm lý và đã cố gắng thực hiện những hành động tương tự trong quá khứ.

Đức Tổng Giám Mục cho biết trong vụ tấn công thủ phạm đã hô những khẩu hiệu thường được những người theo giáo phái Rastafari hô hào.

Giáo phái Rastafari vừa là một trào lưu tôn giáo, vừa là một phong trào xã hội được thành lập tại Jamaica vào thập niên 1930, có khuynh hướng bài Kitô Giáo.

Đức Tổng Giám Mục đề nghị gặp các nhà lãnh đạo Rastafari để đối thoại và đề nghị một tinh thần huynh đệ chung sống hòa bình với nhau.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo giáo phái này là Peter Isaac phản bác lại và nói rằng: “Tổng Giám Mục Rivas nói người này là một thành viên giáo phái Rastafari và đòi thảo luận với chúng tôi về vụ này. Đó là một sự xúc phạm mà chúng tôi đòi ngài phải xin lỗi.”

Có khoảng một triệu người theo giáo phái Rastafari trên toàn thế giới, hầu hết cư trú tại vùng biển Caribbê. Trên đảo quốc St. Lucia, nơi có dân số khoảng 200, 000 người, có không đến 4, 000 người theo giáo phái này. Tuyệt đại dân số của St. Lucia theo Công Giáo.


Source:Catholic News Agency

2. Nhà thờ Công Giáo lâu đời nhất trong Quận Union của thành phố Charlotte, North Carolina bị phóng hỏa

Một vụ cố ý phóng hỏa đã xảy ra vào sáng sớm ngày thứ Hai 27 tháng 7, làm tan hoang một trong những nhà thờ Công Giáo lâu đời nhất trong Quận Union, ở thành phố Charlotte, của tiểu bang North Carolina.

Vụ cháy xảy ra ngay trước 5 giờ sáng tại Nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức trên đường Deese trong khu Monroe. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1942.

Không có ai ở bên trong nhà thờ khi đám cháy bùng phát, vì vậy không có thương vong nào liên quan đến tính mạng. Tuy nhiên, các văn phòng và cung thánh bị hư hại hoàn toàn.

Với những thiệt hại nặng như thế, anh chị em giáo dân không thể cử hành Phụng Vụ bên trong tòa nhà. Vào cuối tuần này, họ sẽ phải tìm một địa điểm khác cho đến khi thiệt hại được sửa chữa.

Cha Benjamin Roberts nói:

“Xin mọi người nhớ đến giáo xứ chúng ta, cá nhân tôi, và các nhân viên trong giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức trong những lời cầu nguyện của các bạn. Chúa thực sự gần gũi với chúng ta trong thời gian thử thách cam go này và cảm ơn các bạn đã cầu nguyện cho chúng tôi.”


Source:WSOCTV

3. Vị sáng lập Hiệp sĩ Kha Luân Bố sẽ được phong chân phước vào tháng 10

Cha Michael McGivney, là vị sáng lập tổ chức huynh đệ Công Giáo Hiệp sĩ Kha Luân Bố, sẽ được tuyên Chân Phước vào ngày 31 tháng 10, Bộ Tuyên Thánh đã công bố như trên trong tuần qua.

Tin này đã được thông báo trên trang web và trên Twitter của Bộ Tuyên Thánh ngày 20 tháng 7.

Một phép lạ được ghi nhận nhờ sự can thiệp của Cha McGivney đã được Vatican chấp thuận và được Đức Thánh Cha Phanxicô truyền cho công bố vào ngày 27 tháng 5. Một đứa trẻ được chẩn đoán là mắc bệnh nan y từ trong bụng mẹ đã được chữa lành một cách kỳ diệu sau những lời cầu nguyện xin cha McGivney can thiệp.

Thánh lễ tuyên Chân Phước cho vị linh mục dự kiến sẽ được cử hành tại quê hương Connecticut của ngài.

Cha McGivney đã thành lập đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố ở New Haven, Connecticut, vào năm 1882. Ban đầu, tổ chức này nhằm hỗ trợ các góa phụ và gia đình họ sau cái chết của người chồng. Tổ chức đã phát triển thành một hội đoàn huynh đệ Công Giáo trên toàn thế giới, với hơn 2 triệu thành viên, thực hiện các công việc từ thiện và truyền giáo trên toàn cầu. Các Hiệp sĩ cũng cung cấp các chính sách bảo hiểm nhân thọ cho các thành viên của mình.

Năm 2018, 16, 000 hội đồng Hiệp sĩ trên toàn thế giới đã quyên góp hơn 185 triệu Mỹ Kim cho các công việc bác ái và đã cung cấp hơn 76 triệu giờ thiện nguyện vào năm 2018, trị giá hơn 1.9 tỷ Mỹ Kim theo định giá của Independent Sector. Công việc tình nguyện của họ bao gồm hỗ trợ cho các Thế vận hội đặc biệt, lái xe chuyên chở thực phẩm cho các gia đình nghèo.

Từ năm 2017 đến 2018, các Hiệp sĩ đã quyên góp và giao 2 triệu Mỹ Kim cho thị trấn Karamles bên Iraq. Các Hiệp sĩ đã giúp các tín hữu Kitô sống sót sau cuộc diệt chủng do bọn khủng bố Hồi Giáo IS gây ra tái định cư tại quê hương của họ và xây dựng lại tương lai.

Trong một buổi triều yết dành cho Hiệp sĩ tối cao Carl Anderson vào đầu năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi các thành viên của tổ chức này là các “nhân chứng trung thành cho sự thánh thiêng và phẩm giá của đời sống con người, ở cả cấp địa phương và quốc gia.”

Ngài cũng lưu ý sự cống hiến của các Hiệp sĩ trong việc giúp đỡ “cả về vật chất và tinh thần, những cộng đoàn Kitô hữu ở Trung Đông đang phải chịu những tác động của bạo lực, chiến tranh và nghèo đói.”

Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.

Như thế, Cha McGivney đang ở bước cuối cùng trước khi được tuyên thánh.

Cha McGivney sẽ trở thành người sinh ra tại Mỹ thứ tư được tuyên Chân Phước, sau các Chân Phước Stanley Rovers, James Miller và Solanus Casey.

Trong khi Giáo hội đã công nhận ba người phụ nữ sinh ra ở Hoa Kỳ là những vị thánh – là các Thánh Elizabeth Ann Seton, Thánh Katharine Drexel và Thánh Kateri Tekawitha – đến nay chưa có người nam nào được tuyên thánh ở Mỹ.

Vatican cũng tuyên bố trong tuần này rằng các lễ tuyên Chân Phước cho hai vị khác, là nữ giáo dân Benigna Cardoso và Cha Giuseppe Ambrosoli, sẽ bị hoãn lại do đại dịch coronavirus đang diễn ra. Việc tuyên Chân Phước cho các ngài trước đó đã được lên kế hoạch vào ngày 21 tháng 10 và ngày 22 tháng 11. Lễ tuyên Chân Phước cho chị Cardoso sẽ diễn ra ở Brazil, một trong những điểm nóng của virus hiện nay. Lễ tuyên Chân Phước cho Cha Ambrosoli sẽ diễn ra ở Uganda, nơi ngài đã phục vụ như một linh mục truyền giáo.


Source:Catholic News Agency