Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm A

Bộ phim Pay it forward (Đáp đền tiếp nối) kể lại những cử chỉ đẹp nối tiếp nhau thật cảm động: Ngày đầu năm học, thầy giáo đề nghị làm bài tập thực hành: “Think of an idea to change our world anh put it into action” (Hãy nghĩ ra một điều có thể thay đổi thế giới và thực hành ngay).

Vâng lời thầy, trên đường về, ngang khu vực người vô gia cư, Trevor nhìn chằm chằm một thanh niên bặm trợn, nghiện xì ke, hình như đói và rét lắm…

Tối hôm ấy, chị Arlene, mẹ của Trevor, đi làm về, kinh ngạc phát hiện kẻ lạ ăn uống, tắm rửa và ngủ ngay trong garage. Sau khi hết sức giận và đuổi hắn, chị mới ngỡ ra: Con trai chị cố làm một cử chỉ đẹp hòng thay đổi không chỉ số phận một người mà góp phần xoa dịu thế giới người bất hạnh...

Cử chỉ đẹp của Trevor được tiếp nối bởi mẹ cậu. Được đánh động bởi con trai, chị Arlene đón nhận lại bà mẹ nát rượu của chị mà bấy lâu chị bỏ rơi.

Bà cụ lại gặp anh da đen côn đồ để nói với anh điều hơn thiệt. Tuy chưa đổi đời, anh da đen khắc ghi lời bà cụ. Một hôm, anh bị đồng bọn đâm phải vào viện. Gặp người đàn ông ôm đứa con thoi thóp, anh giơ súng bắn thị uy buộc bác sĩ phải cứu đứa bé ngay, trước khi săn sóc cho anh. Anh đi tù, nhưng niềm vui lần đầu làm việc tốt mãi làm cho anh, luôn nở nụ cười đôn hậu.

Còn người người có đứa con nguy tử được cứu sống, là sĩ quan cao cấp. Một hôm, đang chạy xe, gặp một phóng viên, trong lúc tác nghiệp, bị bọn cướp tông nát xe, ông lẳng lặng nhường chiếc xe bạc triệu cho người phóng viên.

Anh phóng viên kinh ngạc: làm gì trên đời có một tấm lòng tốt cách hết sức mầu nhiệm như thế. Với nghề phóng viên, anh quyết tâm điều tra. Cuối cùng, anh gặp bé Trevor, nguyên nhân khiến mọi người phải thực hiện cử chỉ đẹp.

Trước ống kính truyền hình, Trevor hồn nhiên, đơn sơ, nhưng chững chạc: “Có lẽ đối với một số người đã quá quen với cuộc đời họ, ngay cả khi cuộc đời đó buồn thảm. Họ sợ phải thay đổi. Họ buông xuôi. Và khi họ buông xuôi tất cả, họ có cảm giác thua cuộc. Cháu thấy… mình phải quan tâm đến người khác nhiều hơn, luôn trông chừng họ để bảo vệ họ, vì không phải lúc nào họ cũng thấy những gì họ cần. Luôn luôn có một cơ hội để sửa đổi một điều gì đó, không chỉ là một chiếc xe đạp, nhưng chúng ta có thể sửa đổi cả một con người!”.

Nhưng một lần tan học, trông thấy bạn thân bị một số bạn vây đánh. Trevor lăn xả vào can ngăn. Bất ngờ một nhát dao của những học trò vô đạo đức khiến chú bé ra đi vĩnh viễn trước sự thương tiếc vô cùng của thầy, của mẹ, là những người mà Trevor cố gắng tác hợp để họ gặp nhau trong tình yêu muộn.

Trevor chết mà vẫn sống, không chỉ nhờ thông điệp tình yêu em làm lan rộng qua sóng truyền hình khắp nước Mỹ, mà còn do lòng yêu quý, cử chỉ đẹp em để lại trong lòng mọi người.

Trong ánh nến tưởng nhớ em, người ta nhìn thấy đủ mọi khuôn mặt, đủ mọi thành phần: bạn của em, thầy giáo, mẹ, bà ngoại đã bỏ rượu, anh phóng viên, người sĩ quan đã không mất đứa con, anh chàng da đen du thủ du thực đã được ân xá, người thanh niên bặm trợn đã cai được xì ke…

Ngoài ra còn nhiều người xa lạ khác. Họ mang theo trong tâm bài học khao khát muốn làm một cử chỉ để thay đổi thế giới, thay đổi lòng người…

Hôm nay, khi mời gọi suy niệm dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa tốt, Hội Thánh nhắc ta đừng chỉ nghĩ, trong cuộc đời này, người tốt và người xấu tồn tại bên nhau. Chỉ nghĩ theo một "kênh" như thế, có khi người tốt, tự thấy mình tốt, sinh kiêu căng, tự phụ, tự hào, khinh dể người mà họ cho rằng chưa tốt.

Hội Thánh còn muốn ta nhận ra một "kênh" khác: Nhận biết nơi lòng mình và anh chị em vẫn tồn tại điều tốt, điều xấu. Nếu cỏ lùng và lúa tiếp tục hiện diện bên nhau trong cùng mảnh ruộng, thì lòng người không hề khác.

- Có thể người lương thiện, trong phút chốc, chẳng lương thiện chút nào (tựa như hình ảnh Arlene, mẹ của bé Trevor khi bà quyết đuổi người thanh niên bặm trợn, nghiện xì ke ra khỏi garage nhà mình).
- Cũng có biết bao nhiêu người mà xã hội lên án, lại có lúc sống hết sức cho tình người, tình đồng loại (tựa như kẻ côn đồ bị đâm nhưng buộc bác sĩ phải cấp cứu đứa bé sắp chết trước khi săn sóc vết thương cho anh. Anh đã có thể nở nụ cười đôn hậu, dù phải sống sau song sắt của lao tù).

Bởi "cỏ lùng" và "lúa tốt" không ở đâu xa, nhưng tồn tại trong chính bản thân, nên ta đừng vội lên án hay xét đoán ai. Người xấu có thể là chính ta. Kẻ tốt lại có thể là một tay khét tiếng "đầu trộm, đuôi cướp".

Hãy nhớ đinh ninh: con sóng dù to đến đâu cũng chỉ có thể tồn tại khi nó hòa mình vào những con sóng khác của đại dương, cho dù loại sóng mà nó hòa vào chỉ là một gợn sóng lăn tăn.

Hiện diện trong đời là để sống cùng và cho nhau. Mọi người đều là quà từ cuộc sống. Bản chất của sự sống là hành trình thực hiện những chia sớt, tương trợ. Hãy cho nhau lòng tốt. Hãy đến với nhau bằng cõi lòng của "lúa". Càng cắt đứt "cỏ lùng", càng quý, càng là cơ hội nhân rộng bác ái, yêu thương.