Đề tài “sợ” nổi rõ trong suốt bài Tin Mừng hôm nay. Sách các bài giảng thường khai thác đề tài này khá kỹ : “Sợ gì và không sợ gì”; “sợ ai và cóc sợ ai” v.v…

Tôi sẽ không theo hướng phân tích nỗi sợ, mà chọn 1 câu nhỏ Chúa nói, hai con chim sẻ không phải chỉ đáng 1 hào sao? để khai thác đề tài về Chúa Quan Phòng : đẩy sợ ra ngoài bằng cách tin vào Chúa Quan Phòng.

Chắc các chị dòng Chúa Quan Phòng gần đây (157 Hai Bà Trưng, Saigon) nói về CQP là danh hiệu và cùng đích của Dòng họ, hẳn là hay ho hơn chúng ta. Nhưng nào mời được mấy chị, mà mời được, họ cũng không dám nói trong thánh lễ, vì luật phụng vụ không cho họ giảng. Thôi cứ để tôi nói.

Kính thưa anh chị em,

Nhiều người giáo dân, nhất là miền quê, nghèo đôi chút, chứ không phải cường hào ác bá, có một thái độ rất đặc biệt, đáng khen: gặp chuyện vui hay chuyện buồn, họ cũng đều nói "Đó là ý Chúa"; thành công hay thất bại, họ cũng nói "đó là ý Chúa"; trước mọi khó khăn, nguy hiểm, họ nói "Để Chúa lo.” Phải chăng thái độ đó là quá ngây thơ: đành rằng có Chúa đó, nhưng bản thân mình cũng phải xoay xở chứ! "Hãy tự giúp mình trước, rồi Chúa sẽ giúp thêm" !

Nhưng suy cho cùng, thái độ tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng có những cơ sở rất vững vàng:

- Người phó thác vào Chúa quan phòng tin rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh con người trong mọi tình huống. Tin như thế là rất đúng, vì Thánh Kinh hằng lặp đi lặp lại biết bao lần chân lý ấy: "Ta hằng ở với con", "Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế, ” "Chúa ở cùng anh chị em".

- Người phó thác vào Chúa cũng tin rằng Chúa có kế hoạch của Ngài và không điều gì xảy ra ngoài kế hoạch của Thiên Chúa. Tin như thế cũng rất đúng: "Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi". (bài Tin Mừng hôm nay)

- Người phó thác vào Chúa còn xác tín rằng Thiên Chúa là Cha và mình là con. Một người Cha toàn năng và hết sức yêu thương con như Thiên Chúa thì chắc chắn biết cách an bài cho con cái mình những điều tốt nhất: "Cha chúng con trên trời thừa biết chúng con cần gì"

Tình huống chứng minh Chúa quan phòng

Ta thử xem hai chàng Mehu và Giakin, ta sẽ bắt chước chàng nào.

Mê-hu và Gia-kin, hai người Do Thái, cùng nhau lên đường tới một phương xa. Họ dùng một con lừa để chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Mê-hu là một tín hữu rất đạo đức, có lòng tin vào Chúa quan phòng. Nhưng Gia-kin lại là người rất cứng lòng tin. Vừa lên đường được ít phút, Gia-kin cứng tin đã cảnh cáo Mê-hu:

- Rồi đây anh sẽ thấy anh có còn tin Chúa, tin đến độ nào.

Khi mặt trời gần lặn, hai người đến một ngôi làng nhỏ. Họ gõ cửa hết nhà này sang nhà khác nhưng không ai cho họ trú ngụ qua đêm. Họ đành phải tìm đến một ven rừng. Bấy giờ Gia-kin mới thốt lên:

- Như thế này thì liệu Chúa của anh có tốt không?

Vốn luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng Mê-hu bình tĩnh đáp:

- Ðây là chỗ tốt nhất mà Chúa đã dành cho chúng ta để qua đêm nay.

Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới gốc một cây lớn. Họ cột chú lừa vào một thân cây bên cạnh. Chưa kịp đốt đuốc lên thì họ nghe một tiếng động mạnh từ xa vang tới. Thì ra, chỉ chớp mắt, một con sư tử đã bổ tới cắn xé chú lừa và lôi đi. Hai người vội leo lên cây để tránh nạn.

Vừa tức giận vừa mỉa mai, Gia-kin hỏi bạn:

- Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?

Mê-hu bình thản trả lời:

- Nếu con sư tử không gặp con lừa trước thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Vì Chúa là đấng tốt lành.

Vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu thất thanh. Hai người trèo lên cao hơn. Dưới ánh đuốc họ nhận ra con gà đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng (beo). Gia-kin chưa kịp thốt ra lời cay đắng nào thì Mê-hu đã xác định:

- Tiếng kêu của con gà đã một lần nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cảm tạ Chúa là đấng tốt lành.

Liền lúc ấy một cơn gió mạnh làm tắt phụt ngọn đuốc. Thế là hai người chìm trong tối tăm rùng rợn. Gia-kin bực bội nói:

- Xem chừng Chúa của anh làm việc phụ trội (overtime) trong đêm nay.

Lần này thì Mê-hu chỉ biết lặng thinh.

Sáng hôm sau, hai người vào làng mua thức ăn, mới hay đêm hôm ấy một bọn cướp đã tấn công làng và vơ vét hết tài sản của dân. Lúc ấy Mê-hu mới giải thích cho Gia-kin:

- Giả như đêm qua chúng ta có nơi trú ngụ trong làng hẳn là đã không thoát khỏi tay bọn cướp. Và nếu gió không thổi thắt ngọn đuốc thì hẳn bọn cướp đã thấy chúng ta. Bạn tin chưa? Trong tất cả mọi sự Thiên Chúa là đấng tốt lành.

Bệnh tật cũng minh chứng CQP

Ngay cả khi bản thân mình mang bệnh tật, cũng là một minh chứng Chúa Quan Phòng.

Năm 1953, nhiều nhật báo ở Mỹ đăng tin: ngày 14.1.1953, tại Kansas, bác sĩ loan tin cho LM Julius Bussi đang nằm điều trị tại nhà thương rằng: “Cha sẽ phải chết dần chết mòn vì bệnh ung thư”.

Là một người luôn có tinh thần siêu nhiên, hết lòng tin tưởng vào Chúa quan phòng, Ngài mỉm cười đáp: “Đó là đặc ân, đó là thánh ý Chúa muốn. Nhờ bệnh ung thư, tôi có đủ thời gian để dọn mình chết lành hơn là bị các bệnh hoạn (tai biến, đột quị) tai nạn khác bất ngờ xảy đến, không chuẩn bị kịp”.

Thiên nhiên minh chứng CQP

Một hôm có chàng thanh niên vào rừng đốn củi. Đến trưa nhọc mệt, anh nằm nghỉ dưới gốc cây đa cổ thụ, nhìn lên thấy cành lá rườm rà, song quả đa nhỏ xíu?

“Tôi mà là ông trời, tôi cho nó mang trái lớn như trái bí và lá to như lá chuối; như thế mới cân xứng. Đang khi thân bí yếu ớt mà phải mang trái lớn, cây chuối không cứng rắn mà phải mang lá to như tấm phản. Quả Đức Chúa Trời thiếu khôn ngoan. Hay là không có Đức Chúa Trời, mọi vật do ngẫu nhiên mà có.”

Miên man nghĩ như vậy anh thiếp ngủ lúc nào không hay. Đang giấc ngủ say, một cơn gió lớn thổi mạnh làm rớt xuống giữa sống mũi anh quả đa (trái sung). Anh giật mình thức giấc, vừa suýt soa vừa nghĩ: “May quá, phải trái đa lớn như trái bí thì kể như bữa nay ta tận số rồi.

Thế ra Đức Chúa Trời khôn thật. Ngài xếp đặt cả rồi đấy chứ ! hèn chi người ta nói: trái dừa rớt bao giờ cũng tránh người, sầu riêng rơi thường rụng trong đêm”

Tình huống minh chứng CQP, thiên nhiên minh chứng CQP và cả khi bệnh tật cũng minh chứng CQP. Vậy kết luận, hãy tin CQP ắt sẽ không sợ chi, chẳng sợ ai.

Tóm lại, hãy tin Chúa Quan Phòng (*)

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

_____________________________________________

(*) Ta hãy lắng nghe một lá thư viết hơn 1 thế kỉ rồi, của một người, sau này làm chức vị cực cao trong GH, nhưng lại được cả thế giới yêu mến, và mới được phong thánh :

Đại chủng viện Roma 16.1.1901

Trọng kính thăm ba má, bác Hai, cậu và anh chị.

Khi thư này đến nhà, chắc cả nhà đang sốt sắng dự Tuần Đại phúc mở tại họ đạo, và con mong rằng tất cả đã sốt sắng lo việc phần hồn, xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu.

Con không cầu cho gia đình được giàu sang, chỉ xin cho mọi người trở nên Kitô hữu tốt, sống nghèo khó, bình an phó thác trong tay Chúa quan phòng.

Con lấy làm vinh dự sống trong cảnh nghèo của gia đình mình, không bánh mì, chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến thịt, có chăng là đôi ba dịp trong năm. Lễ Giáng sinh thì được thẻo bánh, mà tự làm. Tuy nhiên dù gần 20 đứa lớn bé đang chờ chực bát cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, má vẫn mời họ ngồi vào bàn chia bữa ăn chúng con cho họ.

Xin ba má tha cho những kẻ đã và đang làm hại gia đình mình. Biết đâu trước mặt Chúa họ tốt hơn mình.

Chúa muốn con làm linh mục không vì giầu sang. Nếu thế thì thật là khốn nạn. Con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo...

Con Angelo

Đó là bức thư thầy Angelo Roncalli (sau là giáo hoàng Gioan XXIII) gửi thăm Ba Má.