1. 67 Giám Mục Brazil lên tiếng: Thương vong vì coronavirus quá kinh hoàng, hệ thống y tế sụp đổ

Tính cho đến sáng Chúa Nhật 10 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 279,467 người, trong số 4,084,372 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tại Ba Tây, hay còn gọi là Barzil, theo các con số chính thức do chính quyền đưa ra, tử vong đã lên đến 10,106 người, trong số 148,931 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố vừa được thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc công bố, 65 Giám Mục và 2 vị Giám Quản Tông Tòa cho biết thương vong vì coronavirus thực sự rất quá kinh hoàng, vượt xa con số được chính quyền báo cáo vì hệ thống y tế đã sụp đổ, nhiều người chết tại nhà vì không còn chỗ trong bệnh viện.

Tuyên bố của các Giám Mục cho biết như sau:

“Chúng tôi, các Giám mục trong vùng Amazon, trước sự lây lan không thể kiểm soát của Covid 19 ở Brazil, đặc biệt là ở Amazon, bày tỏ mối quan ngại sâu xa của chúng tôi và yêu cầu sự quan tâm lớn hơn từ chính phủ liên bang và tiểu bang đối với căn bệnh này, đang lan rộng càng lúc càng khốc liệt trong khu vực này.”

Bản tuyên bố của các Giám Mục có tựa đề: “Tuyên bố của các Giám Mục Brazil trong vùng Amazon về tình hình của các dân tộc và các khu rừng trong thời đại dịch Covid-19” được ký bởi 65 Giám mục và 2 vị Giám Quản Tông Tòa của sáu vùng thuộc Hội đồng Giám mục Brazil, gọi tắt là CNBB, cũng như của Chủ tịch Ủy ban Giám mục đặc biệt về vùng Amazon, là Đức Hồng Y Claudio Hummes.

Các vị Giám Mục nói tiếp rằng:

“Người dân Amazon cần sự quan tâm đặc biệt từ chính quyền để cuộc sống của họ không bị xâm phạm thêm. Tỷ lệ tử vong tại đây là một trong những mức cao nhất trong cả nước, và xã hội đã chứng kiến sự sụp đổ của các hệ thống y tế tại các thành phố lớn như Manaus và Belém. Các số liệu thống kê được cung cấp bởi các phương tiện truyền thông không tương ứng với thực tế. Nhiều người có triệu chứng rõ ràng của bệnh chết tại nhà mà không được chăm sóc y tế và không thể nào đến được bệnh viện”.

Do đó, các Giám mục nhắc lại trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong việc hỗ trợ các khu vực dễ bị tổn thương nhất của dân chúng: người bản địa, người quilombola và các cộng đồng truyền thống khác trong các khu rừng nơi có nguy cơ rất cao vì thiếu các điều kiện y tế.

“Các số liệu thật đáng báo động trong các khu vực có tỷ lệ bệnh viện thấp nhất trong cả nước”.

Ngoài dân số sống trong rừng, những người sống ở vùng ngoại ô đô thị cũng phải đối mặt với đại dịch, và điều kiện sống của họ càng trở nên tồi tệ hơn do thiếu vệ sinh cơ bản, nhà ở đàng hoàng, thực phẩm và việc làm.

“Họ là người di cư, người tị nạn, người bản địa đô thị, công nhân công nghiệp, người giúp việc gia đình, những người sống bằng các công việc phi chính thức và không có bảo hiểm sức khỏe. Nghĩa vụ của Nhà nước là bảo đảm các quyền được quy định trong hiến pháp liên bang bằng cách đưa ra các điều kiện tối thiểu để họ có thể vượt qua thời điểm nghiêm trọng này”.

Tài liệu tố cáo rằng việc khai thác và phá rừng đã gia tăng đáng báo động trong những năm gần đây, được tạo điều kiện bằng việc nới lỏng các cuộc thanh tra do tình hình dịch bệnh, cũng như “bởi các bài phát biểu chính trị vẫn đang diễn ra của chính phủ liên bang nhằm chống lại việc bảo vệ môi trường và các khu vực bản địa, là điều đã được Hiến pháp Liên bang bảo vệ (232 và 232)”.

Các Giám mục cảnh báo rằng: “Với việc Amazon ngày càng bị tàn phá, các đại dịch tiếp theo sắp đến, có thể còn tệ hơn những gì chúng ta đang trải qua”.

Một nguyên nhân khác gây lo ngại là sự gia tăng bạo lực ở nông thôn, tăng 23% so với năm 2018. Năm 2019, theo dữ liệu từ báo cáo “Xung đột trên cánh đồng Brazil 2019” của Ủy ban Mục vụ Đất đai, 84% các vụ giết người trên toàn quốc, và 73% các vụ ám sát đã diễn ra ở Amazon.

Các Giám mục của Amazon Brazil kết luận lưu ý bằng cách thúc giục Giáo hội và toàn xã hội phải có các biện pháp khẩn cấp về các vấn đề như tăng cường các chính sách công cộng, đặc biệt là Hệ thống Y tế; bác bỏ các bài phát biểu nhằm làm mất uy tín các chiến lược khoa học; áp dụng các biện pháp hạn chế đối với sự xâm nhập của người dân vào tất cả các vùng lãnh thổ bản địa, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm coronavirus cho người bản địa; thực hiện các thử nghiệm trên người dân bản địa để áp dụng các biện pháp cách ly cần thiết; cung cấp các thiết bị bảo vệ cá nhân, với số lượng đầy đủ và với các hướng dẫn chính xác để sử dụng; bảo vệ các nhân viên y tế làm việc trên mặt trận y tế; bảo đảm an ninh lương thực cho người dân bản địa và dân cư truyền thống ở Amazon; tăng cường các biện pháp kiểm tra chống phá rừng và khai thác; bảo đảm sự tham gia của xã hội dân sự, các phong trào xã hội và đại diện của các cộng đồng truyền thống trong các không gian cho các cuộc thảo luận chính trị.


Source:Fides

Thánh lễ tại Santa Marta Chúa Nhật 10 tháng 5: Đức Thánh Cha cho Âu châu ngày càng hiệp nhất hơn trong tình huynh đệ

Lúc 7 sáng thứ Năm 10 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Ngày 9 tháng Năm, 1985, Liên Hiệp Âu Châu đã chọn ngày 9 tháng Năm hàng năm là ngày Âu Châu. Trong khi đó, ngày 10 tháng Năm được xem là ngày chấm dứt thế giới chiến tranh lần thứ hai trên lục địa này. Do đó, trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cầu nguyện cách riêng cho Âu Châu để lục địa này có thể phát triển một cách hiệp nhất trong sự đa dạng của nó.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Trong hai ngày qua, đã có hai lễ kỷ niệm: kỷ niệm 70 năm Tuyên bố Robert Schuman, khởi đầu Liên minh Âu châu, và tiếp theo là kỷ niệm kết thúc chiến tranh. Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho Âu châu ngày càng hiệp nhất hơn trong tình huynh đệ, để tất cả các dân tộc có thể phát triển trong sự hiệp nhất mà vẫn giữ được sự đa dạng.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 14: 1-12), trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha.”

Phúc Âm: Ga 14, 1-12

“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta có thể nói đoạn văn này từ Phúc Âm Thánh Gioan cho chúng ta biết con đường tiếp cận với Chúa Cha. Chúa Cha luôn luôn hiện diện trong cuộc đời Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cho chúng ta biết Chúa Cha quan tâm chăm sóc chúng ta và các tạo vật của Ngài. Và khi các môn đệ xin Ngài dạy cách cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Ngài kinh “Lạy Cha”. Chúa Giêsu luôn luôn quy hướng về Chúa Cha và trong bước này Ngài rất mạnh mẽ như thể Ngài đang mở cửa của quyền năng của lời cầu nguyện “Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ngài làm mọi việc.”

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến vai trò cầu thay nguyện giúp của Chúa Giêsu trước mặt Chúa Cha như được mô tả trong bài Tin Mừng (Ga 14: 1-12). Sau đó, Đức Thánh Cha tập trung vào những gì Thánh Phêrô mô tả về vai trò của các Tông đồ (Công vụ 6: 1-7). Điều này áp dụng cho vai trò của Người kế vị các Tông đồ, các Giám mục. Nhiệm vụ đầu tiên của các ngài, là cầu nguyện, sau đó là loan báo Lời Chúa.

Phần đầu tiên trong chương 14 Phúc Âm theo Thánh Gioan mô tả vai trò cầu thay nguyện giúp cho chúng ta của Chúa Giêsu trước mặt Chúa Cha. Nhiều lần Chúa Giêsu đã nói về việc Chúa Cha chăm sóc chúng ta. Chúa Giêsu mô tả Chúa Cha là Đấng chăm sóc chúng ta giống như Ngài chăm sóc những con chim trời và hoa huệ ngoài đồng.

Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng cầu nguyện cũng đòi hỏi sự can đảm và sự táo bạo cần thiết như khi rao giảng Tin Mừng. Ápraham và Môisê đưa ra các tấm gương cho chúng ta. Cả hai đã “đàm phán” với Chúa. Ápraham đã dám trả giá với Chúa khi Chúa nói với ông về những gì sẽ xảy ra với dân trong hai thành Sôđôm và Gômôrơ (x Sáng thế ký 18: 16-33), và Môise cũng đã từng thương lượng với Chúa khi Chúa muốn tiêu diệt dân Ngài và biến Môise thành nhà lãnh đạo của một quốc gia khác (xem Xh 32: 7-14).

Đức Thánh Cha sau đó đã chuyển chú ý sang Bài đọc đầu tiên, trong đó Thánh Phêrô được linh hứng để tạo ra một dịch vụ mới trong Giáo hội sau khi những người cải đạo nói tiếng Hy Lạp phàn nàn rằng các góa phụ của họ bị bỏ rơi. “Các môn đệ đã không có thời gian cho tất cả những điều này và Thánh Phêrô, được Thánh Thần Chúa soi sáng để, có thể nói là, ‘phát minh ra chức phó tế.

Điều này giải quyết được tình hình. Những người có nhu cầu có thể được chăm sóc tốt và, như Thánh Phêrô nói, các môn đệ có thể chuyên chăm cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa.

Phân tích thêm về cuộc sống của cộng đoàn tiên khởi, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của một giám mục là cầu nguyện. Vị Giám Mục phải “là người đầu tiên đến với Chúa Cha, với sự tự tin, táo bạo, mà Chúa Giêsu đã đề cập đến để vận động thay cho dân mình.”

“Nếu có những thứ khác lấy đi không gian để cầu nguyện thì có điều đó gì không đúng”. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng chính Chúa là Đấng làm mọi sự, chúng ta làm rất ít. Chúa làm những việc trong Giáo hội của Ngài. Do đó, “chính lời cầu nguyện là điều làm cho Giáo hội tiến bộ.”

Thực tế này là như vậy bởi vì Chúa Giêsu đứng trước Cha và đã hứa rằng bất cứ điều gì anh em kêu cầu nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm, để danh Cha được tôn vinh.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Giáo Hội tiến lên trong lời cầu nguyện can đảm, bởi vì Giáo Hội biết rằng nếu không có sự tiếp cận này với Chúa Cha, Giáo Hội không thể sống được.”


Source:Vatican News