Vụ án Đức Hồng Y Pell gây chia rẽ dư luận Úc trước, trong và sau khi kết thúc. Trong khi những người còn chút lương tri ở Úc lên tiếng ca ngợi phán quyết nhất trí của Tòa án Tối cao Úc, thì những kẻ “săn lùng phù thủy”, nói theo kiểu Andrew Bolt, một trong các người chủ mục của SkyNews, vẫn không những duy trì quan điểm cũ mà còn nghĩ cách lôi Đức Hồng Y Pell ra tòa dân luật, cụ thể như đài ABC, để một lần nữa đạp người vô tội George Pell xuống bùn đen.



Dĩ nhiên tòa dân luật có khác với tòa hình sự. Tòa dân luật, muốn khởi tố, phải nạp án phí, thuê luật sư và nếu thua phải chi trả lệ phí của bên kia. Khá tốn tiền. Với tòa hình sự, bên nguyên không hẳn là nạn nhân mà là công tố viện, ăn lương chính phủ. Nạn nhân đâu cần chi trả. Bên nguyên dù có thua cũng không phải bỏ tiền túi ra mà trả án phí bên bị, “đã có chính phủ no”, mà tiền chính phủ là tiền dân đóng thuế, chính phủ đâu có ngán.

Nhưng có người bảo rằng: bên nguyên đâu có sợ, đã có sự tài trợ vô giới hạn của các thế lực đen tối đứng đàng sau. Nghĩ cho cùng, quả có thế. Cái thế lực này ghê gớm đến nỗi Andrew Bolt nói rằng: không một ai ở ABC nói khách quan cho Pell. Không chính trị gia nào dám lên tiếng bênh vực một người rõ ràng bị người khác hãm hại. Các cựu chính trị gia nào dám lên tiếng ủng hộ Pell đều nhất loạt bị chỉ trích nặng nề bởi chính những người tự xưng là Công Giáo. Skynews trưng dẫn hai chính trị gia Công Giáo có thể liệt vào hàng Giuđa phản bội: Daniel Andrew, đương kim thủ hiến Victoria, người chỉ trích và bắt cựu thủ tướng Tony Abbott xin lỗi vì đã đến thăm Pell lúc ngồi tù; Kristina Keneally, đương kim thượng nghị sĩ Liên bang, người trước đây từng “hân hạnh” được đứng bên Pell Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008, đã chỉ trích Tổng Giám Mục Commensoli vì dám bênh "kẻ ấu dâm" Pell là vô tội.

Andrew đã lên tiếng sau khi Pell được 7/7 Chánh án Tối cao Úc tuyên bố vô tội. Nhưng không hề có lời xin lỗi. Chỉ một mực “dân túy” lấy lòng cái thế lực quyền uy đứng đàng sau vụ truy tố này. Keneally đến nay vẫn câm như hến. Tác động của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, điều mà chính trị gia này vẫn thường hãnh diện, đã hóa ra mây khói.

Nói cho cùng thì các phương tiện truyền thông vẫn nhiều trách nhiệm nhất trong vụ “săn lùng phù thủy” George Pell. Cho dù nguyên tắc suy đoán vô tội vẫn có trong tâm trí mọi người Úc, từ lúc họ có trí khôn, nhưng nguyên tắc này hầu như không được đại đa số các phương tiện truyền thông Úc lưu ý. Mỗi lần nhắc đến Hồng Y Pell trước ngày 7 tháng 4 vừa qua, họ đều thêm chữ “disgraced” trước tên “Cardinal Pell”. Từ điển tiếng Anh định nghĩa “disgraced” là mất sự tôn trọng, danh dự, hay qúy mến; tồi bại; đáng xấu hổ; chỉ người, hành vi, hay sự vật tạo ra xâu hổ, đáng trách, hay mất danh dự. Sao vội vàng thế? Tại sao lại không chờ đến lúc kết thúc diễn trình tư pháp?

Hai tờ báo Mỹ, hai thái độ bênh chê

Terry Mattingly, ngay ngày 7 tháng 4, đã lưu ý đến hai bài báo của hai tờ báo nổi tiếng của Mỹ: tờ Washington Post và tờ New York Times trong bài báo có tựa đề “Tòa trả tự do cho Đức Hồng Y Pell: Washington Post trình bầy một nghề báo chí căn bản. Còn New York Times thì sao?”.

Tờ Post chạy hàng tít “Cardinal George Pell is released from prison after court quashes sexual abuse conviction” (Đức Hồng Y George Pell được thả khỏi tù sau khi tòa án dẹp bỏ bản án lạm dụng tình dục). Trong đó, người viết nhắc đến tuyên bố của Đức Hồng Y Pell ngay khi được tin thả tự do: ngài không muốn việc thả tự do cho ngài tăng thêm cay đắng trong cộng đồng, và ngài không hề cay đắng gì đối với người tố cáo ngài. Ngài cũng cho rằng vụ án của ngài không liên quan gì đến việc Giáo Hội Công Giáo xử lý các lời tố cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục

Tờ Post sau đó trích dẫn khá nhiều tư liệu từ bản tóm tắt phán quyết của Tòa án Tối cao Úc và cho biết luôn cả các yếu tố trong phiên xử đầu tiên. Nhờ thế, người ta biết rõ cơ sở kháng án của Đức Hồng Y Pell. Theo đó, các luật sự của Đức Hồng Y Pell không tấn công tính đáng tin của “nạn nhân” duy nhất còn sống. Thay vào đó, họ lập luận rằng dù bằng chứng của của “nạn nhân” này có đáng tin đi chăng nữa, thì nó vẫn không đủ để loại trừ sự hoài nghi hợp lý tạo ra bởi các nhân chứng khác; các nhân chứng này nói rằng về phương diện thể lý, các cuộc tấn công ấy không thể xẩy ra vì lễ phục Đức Hồng Y Pell mặc lúc ấy và thời gian sẵn có sau Thánh Lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Chánh tòa Melbourne.

Còn trong bài báo của tờ Times, Mattingly cho hay: Họ bắt đầu bài báo bằng cách viết rằng Đức Hồng Y Pell là nhà lãnh đạo Công Giáo Rôma cao cấp nhất bị thấy có tội lạm dụng tình dục trẻ em. Sau đó, là những nhận định như sau:

“Phán quyết, do Chánh Thẩm Phán Susan Kiefel công bố với một phòng tòa án phần lớn trống người ở Brisbane vì các biện pháp giữ khoảng cách xã hội, giúp chặn đà lây lan của coronavirus, đã gây sững sờ cho người Công Giáo ở Úc và khắp thế giới.

“Đức Hồng Y Pell đã lùi xa tâm thức công chúng trong thời gian ngồi tù, và chỉ trừ một số người ủng hộ trối chết (die-hard), phần lớn người Úc đã tiến đến chỗ chấp nhận tội trạng của ngài như một sự kiện đã được thành lập”.

Chưa hết, bài báo cho hay: “Các vấn đề khởi đầu với việc chỉ có 1 người tố cáo duy nhất. Vì người khiếu nại thứ hai chết trước khi phiên xử bắt đầu, vụ án ‘hoàn toàn tùy thuộc việc chấp nhận việc nói thật và tính đáng dựa vào’ trong chứng từ của một người người duy nhất.

“Dù bồi thẩm đoàn thấy ông ta đáng tin, cùng với đa số chánh án tại tòa phúc thẩm, Tòa án Tối cao đã đứng về phía chánh án bất đồng của tòa phúc thẩm. Chánh án này nói rằng bồi thẩm đoàn hẳn phải có sự hoài nghi hữu lý về tội trạng của Đức Hồng Y Pell dựa trên chứng từ của các nhân chứng khác, những người đã lập luận rằng các biến cố được người tố cáo mô tả không ăn khớp với thói sinh hoạt thường lệ vào Chúa Nhật của Đức Hồng Y...”

Tờ Times còn kể thêm các tố cáo mà trong diễn trình vụ án đã bị công tố dẹp bỏ vì thiếu bằng chứng thỏa đáng. Họ không quên tường trình sự “tan mát cõi lòng” của những người ủng hộ lời tố cáo. Và viễn ảnh sẽ có những lời tố cáo khác chống lại Đức Hồng Y Pell với lời đe dọa: “cuộc hành trình còn lâu mới chấm dứt đối với Đức Hồng Y Pell”!

Mattingly nhận định rằng các trích dẫn trên đây đều có giá trị. Chỉ có điều họ không trích dẫn bất cứ cuộc phỏng vấn nào của những người ủng hộ Đức Hồng Y Pell, dù ai cũng biết đây là một vụ án phức tạp.

Và đó cũng là nhận định của Đức Hồng Y Pell khi được Andrew Bolt hỏi về thái độ của Đài ABC. Ngài tôn trọng các nhận định chống lại ngài, vì đó là tự do ngôn luận. Nhưng một cơ quan được tài trợ bởi tiền đóng thuế của cả người Công Giáo nữa, thì cơ quan ấy phải giữ thái độ khách quan, tôn trọng người đóng thuế bằng cách phản ảnh nhận định của họ. Trái lại ABC chỉ tường trình và bênh vực một phía. Chỉ đến khi thấy mình thua mới “trung thực” tường trình mọi khía cạnh của phán quyết, kể cả các lời tuyên bố của Đức Hồng Y Pell. Bolt bảo khi họ trình bầy sự “trung thực” này là họ tự khen họ. Trách nhiệm của họ vẫn còn nguyên.

Hệ thống tư pháp mù mờ?

Thực ra Mattingly quên một bài báo khác của New York Times cũng phát hành cùng ngày 7 tháng 4, tựa là “Cardinal Pell’s Acquittal Was as Opaque as His Sexual Abuse Trial” (Việc Tha bổng Đức Hồng Y Pell cũng mù mờ như phiên tòa xử ngài).

Tuy vẫn có khuynh hướng chống Giáo Hội Công Giáo như thường lệ khi họ so sánh xu hướng giữ bí mật và phán quyết một cách không cần tiếp xúc với người khác (insular) của hệ thống pháp lý Úc với cách tự giải quyết việc lạm dụng tình dục đầy thiếu sót của Giáo Hội Công Giáo, nhưng bài báo này cho thấy nguyên do tại sao, cho đến giờ này, hai bên ủng hộ và chống báng Đức Hồng Y Pell vẫn cứ tiếp tục quan điểm của mình vì cái màn “mù mờ” của hệ thống pháp lý Úc.

Thực vậy, hai ký giả Damien Cave và Livia Albeck-Ripka cho biết: với phán quyết của Tòa án Tối cao Úc ngày 7 tháng 4, “thế giới không bao giờ có khả năng đánh giá được rằng liệu lý luận của Tòa có vững ổn hay không”.

Thực vậy, Tòa phán rằng bồi thẩm đoàn thiếu sự hoài nghi đầy đủ về những lời tố cáo Đức Hồng Y Pell. Vì, theo Tòa, các bồi thẩm viên đã làm ngơ “các bất cái nhiên cộng hưởng” gây ra bởi các trình thuật mâu thuẫn của người tố cáo Đức Hồng Y và của các nhân chứng khác.

Nhưng theo 2 ký giả trên, không ai ở bên ngoài vụ xử án này có thể kiểm chứng được phán quyết trên. Vì bằng chứng chính, bằng chứng mà các chánh án coi là vụ án “hoàn toàn tùy thuộc vào”, không bao giờ được công bố, dưới bất cứ hình thức nào.

Đó chính là điển hình “sáng chói” nhất cho thấy tính bí mật và thiếu trách nhiệm giải trình từng lên khuôn cho việc truy tố Đức Hồng Y Pell ngay từ đầu. Không một phiên xử hình sự nào trong lịch sử gần đây của Úc đã có khuôn mạo cao và khó theo dõi và tìm hiểu chi tiết bằng.

Vụ án này xưa nay là một khuôn mẫu của những trình hoạt mù mờ, khởi đi từ việc các chánh án, những vị đã bác bỏ các tố cáo liên hệ rất sớm, nhưng tiếp theo đó đã áp đặt lệnh cấm (gag order) các phương tiện truyền thông không được tường trình và bác bỏ việc công bố bằng chứng, ngay cả khi việc kết tội của bồi thẩm đoàn đã bị bác bỏ vì không hợp lý.

Các chuyên viên luật pháp nói rằng vụ này cho thấy rõ các chánh án ở Úc có quyền lực xiết bao trong việc dẹp bỏ sự giám sát của công chúng và bác bỏ các lời kết tội của bồi thẩm đoàn, việc này nêu ra nhiều câu hỏi về việc liệu hệ thống luật pháp có trân trọng thỏa đáng việc tham gia của công dân hay không. Các nhà phê bình lập luận rằng trong mọi giai đoạn, các tòa án Úc biểu lộ khuynh hướng giữ bí mật và đưa ra các phán quyết không cần tiếp xúc với ai; việc này giống cách Giáo Hội Công Giáo đáp ứng việc lạm dụng tình dục đầy thiếu sót và gây tai họa giữa hàng ngũ của mình.

Họ trích dẫn Jason Bosland, Giáo sư luật tại đại học Melbourne. Ông này cho rằng trong một số lãnh vực cai trị ở Úc, điều đó gần như có tính đặc hữu. “Chúng ta có phương thức này ‘các bạn phải tin tưởng chúng tôi thôi’. Đó là vấn đề”.

Theo 2 ký giả, hệ thống luật pháp Úc được xây dựng trên thường luật (common law) của Anh. Hiến pháp không hề minh nhiên bảo vệ quyền tự do ngôn luận, dù Tòa án Tối cao cho biết nó có mặc nhiên bảo vệ trong một số trường hợp. Và lời kết tội của bồi thẩm đoàn có thể bị bác bỏ nếu tòa phúc thẩm xác định rằng quyết định của họ là không hợp lý hay không được nâng đỡ dựa vào bằng chứng.

Hai ký giả này cho rằng sự thành công của các kháng án như thế rất hiếm, nhưng đã thành công đối với Đức Hồng Y Pell. Nếu phán quyết này làm người ta ngạc nhiên, thì phần lớn chỉ vì công chúng ít thấy nó diễn biến ra sao.

Ngay từ đầu vụ án, các chánh án của Úc đã chống lại các nguyên tắc pháp lý coi các phiên tòa hình sự như các biến cố công cộng nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình cho một hệ thống tư pháp vốn hứa hẹn một chế độ pháp trị vô tư.

Ngay từ sớm, một lệnh dẹp bỏ sâu rộng đã hạn chế những gì các nhà báo có thể công bố, cấm cả những chi tiết căn bản nhất, chẳng hạn như số người liên quan đến khiếu nại ban đầu. Các quy tắc nghiêm ngặt áp dụng cho tất cả các vụ án hình sự, nhằm bảo vệ các bồi thẩm đoàn khỏi thông tin có thể làm ảnh hưởng đến quyết định của họ, cũng góp phần làm mất cả tin tức lẫn trách nhiệm giải trình.

Tòa án đã ngăn chặn bất cứ đề cập nào tới các cáo buộc bổ sung chống lại Đức Hồng Y Pell và gây áp lực để các cơ quan báo chí phải xóa bỏ các câu chuyện đã được công bố. “Cardinal: The Rise and Fall of George Pell” (Hồng Y: Sự thăng trầm của George Pell), tức cuốn sách của nhà báo Louise Milligan, đã được lấy khỏi các hiệu sách để tránh nguy cơ bị tố cáo là coi thường tòa án.

Các nhà báo không thể tường trình vụ án như nó đã xảy ra, có nghĩa là phiên tòa ban đầu, kết thúc với một bồi thẩm đoàn không đạt đa số, phần lớn đã biến mất. Ngay cả việc tường trình về lệnh cấm tường trình, vì đó là một tài liệu của tòa án liên quan đến quá trình tố tụng, sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

Đức Hồng Y Pell đã bị kết án vào tháng 12 năm 2018, nhưng bản án đã không được tường trình trong hai tháng. Tòa án đã gỡ bỏ lệnh cấm tường trình chỉ sau khi một phiên tòa thứ hai liên quan đến các cáo buộc bổ sung đã bị hủy bỏ.

Jeremy Gans, giáo sư tại Trường Luật Melbourne, người theo dõi sát sao phiên xử nói rằng “Một vấn đề trong vụ này là công chúng hầu hết không thể xem xử. Hầu hết chúng ta không biết bất cứ chi tiết nào, và không ai trong chúng ta đã thấy lời khai của người khiếu nại”.

Có một lý do để thận trọng. Luật lệ về việc lạm dụng tình dục của Úc đòi phải bảo vệ danh tính của nạn nhân trẻ em - trong trường hợp này, người tố cáo 13 tuổi vào thời điểm của điều bị coi là lạm dụng vào năm 1996. Anh ta xuất đầu lộ diện vào năm 2015.

Nhưng các nhà phê bình đặt câu hỏi liệu quyền được biết của công chúng có được duy trì hay không.

Ông Bosland cho rằng “Cần có một số cách nào đó để cung cấp cho công chúng quyền truy cập các bản ghi chép (transcript) theo cách không tiết lộ danh tính của người ta để mọi người có thể phán đoán liệu có đồng ý hay không. Cách duy nhất mà ngành tư pháp của chính phủ phải chịu trách nhiệm giải trình là thông qua nguyên tắc công lý công khai, và điều này đòi hỏi cho công chúng được cung cấp càng nhiều thông tin bao nhiêu càng hay.

Trong phán quyết hôm thứ ba, Tòa án Tối cao chủ yếu đã quyết định về vụ án hình sự của một trong những nhân vật tôn giáo quyền lực nhất thế giới dựa trên cách một bồi thẩm đoàn đã xử lý một lời khai mà không ai ở bên ngoài các tố tụng có thể đánh giá được.

Lệnh của các chánh án gợi ý rằng các bồi thẩm viên đặt quá nhiều niềm tin vào trình thuật của người tố cáo chính mà không xem xét thoả đáng “các bằng chứng không bị thách thức” của những người làm chứng bổ sung. Phán quyết cho thấy công tố viện đã không thẩm vấn đủ những người nói rằng quang cảnh sau Thánh lễ Chúa Nhật 20 năm trước quá bận rộn không để cho những gì bị cáo buộc có thể xẩy ra - bao gồm cả lời buộc tội rằng Hồng Y ấn dương vật của ngài vào miệng của bị cáo sau khi bắt gặp hai ca viên này uống rượu nho trong phòng áo của các linh mục.

Nhưng không có lời khai của người tố cáo để so sánh, rất khó để đánh giá điều đã khiến bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết kết tội.

Thậm chí, một số nạn nhân và đại diện của họ cho biết hôm thứ Ba rằng họ bắt đầu đặt câu hỏi liệu công lý có yêu cầu phải che khuất hoàn toàn lời khai của người khiếu nại hay không.

Steven Spaner, phối trí viên Úc của Mạng lưới những người sống sót việc giáo sĩ lạm dụng, nói rằng khi phiên tòa diễn ra, cao điểm là việc tha bổng, “nó bắt đầu như đây không phải là một phiên xử công bằng, mà là quyền lực, đây là những người có thể gây ảnh hưởng sử dụng ảnh hưởng của họ”.

Xử cả hệ thống tư pháp Úc?

Chúng tôi cho trích dẫn dài dòng bài báo của tờ New York Times. Ít nhất để cho thấy hệ thống pháp lý ấy cần phải được cải tiến. Không lạ gì, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher nhận định rằng vụ án này không phải chỉ xử Đức Hồng Y Pell mà còn xử luôn cả hệ thống tư pháp Úc.

Tuy nhiên, cũng không thể quy trách hoàn toàn hệ thống tư pháp Úc. Vì nếu đọc kỹ phán quyết bất đồng của chánh án Weinberg thuộc tòa phúc thẩm Victoria, mọi lời khai của kẻ tố cáo và các nhân chứng bổ xung đều đã được trình bầy gọn ghẽ. Cho nên bảo rằng hệ thống tư pháp Úc cố tình mù mờ sợ không đúng bao nhiêu. Có lẽ vì hai ký giả trên chưa dành thì giờ đọc kỹ phán quyết hơn 200 trang của chánh án bất đồng Weiberg!