GIỚI TRẺ MIỀN BẮC HỌC HỎI VỀ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II
HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI TUYÊN NGÔN CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VỀ VIỆC TU CHỈNH NIÊN LỊCH


117. Kính chào cha! Con thấy Lễ Phục Sinh được mừng vào Ngày Chúa Nhật thật sự quan trọng đối với người Công Giáo chúng ta. Niên Lịch vĩnh viễn thì có tầm quan trọng đối với cả nhân loại. Vậy ai đó có được phép di dời Lễ Phục Sinh hoặc thay đổi Niên Lịch không? Công Đồng Vaticanô II đã xác quyết gì về những vấn đề này?

Các bạn thân mến! Công Đồng Vaticanô II quan tâm đặc biệt đến nguyện vọng của nhiều người về việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào Ngày Chúa Nhật nhất định và về việc thiết lập một Niên Lịch vĩnh viễn. Công Đồng đã tuyên bố như sau:

117.1. Công Đồng không phản đối việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định trong Niên Lịch Gregorianô, miễn là có sự đồng ý của những người liên hệ, nhất là các anh em ly khai với Tông Tòa.

117.2. Công Đồng không phản đối những sáng kiến có liên hệ đến việc đưa vào xã hội dân sự một Niên Lịch vĩnh viễn. Tuy nhiên Hội Thánh chỉ không phản đối những hệ thống duy trì và bảo vệ tuần lễ 7 ngày với Ngày Chúa Nhật, vẫn để sự kế tiếp các tuần được nguyên vẹn, không thêm vào một ngày nào khác giữa các tuần. Trừ trường hợp có lý do quan trọng khiến Tông Tòa sẽ ra một phán quyết.

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI (Lumen Gentium)

118. Thưa cha, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội có tầm quan trọng như thế nào ạ?

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội có tầm quan trọng đặc biệt. Ngày nay hầu hết mọi người đều công nhận Hiến Chế này là then chốt của cả Công Đồng Vaticanô II. Bởi lẽ sau thế chiến thứ nhất, vấn đề bản tính Hội Thánh đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận về thần học.

119. Con nghĩ rằng tình hình Hội Thánh lúc ấy có ảnh hưởng không nhỏ khiến Công Đồng đã cho ra đời Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội?

Đúng vậy. Lúc ấy, một tình trạng mới nảy sinh, kéo theo một lối nhìn mới về Hội Thánh, xuất hiện một cách cảm nghiệm mới về những thực tại của Hội Thánh (chưa kể những yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội).

Các phong trào Công Giáo Tiến Hành hay những phong trào tương tự đã làm dấy lên một tinh thần tông đồ mới, làm cho họ tin tưởng mình thuộc về Hội Thánh nhiều hơn. Cũng nhờ đó kéo theo lối suy tư thần học mới về Hội Thánh. Các phong trào hiệp nhất cũng ảnh hưởng không nhỏ khiến Công Đồng đề cập nhiều về vấn đề cởi mở, đối thoại với mọi thành phần, nhiều lĩnh vực kể cả đối thoại với những Kitô hữu không Công Giáo và thế giới thờ ơ lãnh đạm với Thiên Chúa, với ơn cứu rỗi.

120. Xin cha tóm gọn tính chất của lối suy tư thần học mới về Hội Thánh được không ạ?

Được chứ! Lối suy tư thần học mới về Hội Thánh không còn mang nặng tính cách pháp lý như trước đây nữa, mà mang tính xã hội và nhân loại, ý nghĩa xã hội gắn liền với chính nhân vị. Lối suy tư này cũng mang đậm tính hiệp nhất, hiệp thông, đối thoại chân thành và cởi mở với mọi thành phần từ tôn giáo đến xã hội dân sự, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, tính nhập thế, tính canh tân và cải tổ không ngừng để Hội Thánh hòa nhịp với sự phát triển không ngừng của con người để như cánh tay nối dài của Chúa Kitô cứu chuộc thế giới.

121. Thưa cha, chúng con nóng lòng muốn biết Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội bàn về những vấn đề gì ạ?

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội bàn về những vấn đề sau:

- Mầu Nhiệm Giáo Hội.
- Dân Thiên Chúa.
- Tổ chức phẩm trật Giáo Hội và đặc biệt về chức Giám Mục.
- Giáo Dân
- Lời kêu gọi mọi người nên thánh trong Giáo Hội.
- Tu Sĩ.
- Đặc tính cánh chung của Giáo Hội lữ hành và sự hiệp nhất với Giáo Hội trên trời.
- Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội.

MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

122. Thưa cha, cho con hỏi, tại sao Giáo Hội Công Giáo lại là Mầu Nhiệm?

Các bạn nên biết, nói đến mầu nhiệm là nói đến siêu nhiên, nói đến tính bí nhiệm, bí tích. Vậy khi nói về mầu nhiệm Giáo Hội, ta nói về Giáo Hội là một bí tích trong Chúa Kitô. Chúa Kitô chính là ánh sáng chiếu soi muôn dân. Do đó, Giáo Hội cũng phải là ánh sáng phản chiếu Chúa Kitô cho mọi người, đồng thời là bí tích, là dấu chỉ, là khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.

123. Thưa cha, vậy khi ở giữa nhân loại, Giáo Hội cần phải làm gì cụ thể chứ, để tránh mang tính xa cách, khó hiểu, khó gần?

Bạn có câu hỏi hay đấy! Đúng vậy, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Nhiệm vụ của Giáo Hội trở nên khẩn thiết khi phải chứng kiến những hoàn cảnh trong hiện tại. Giáo Hội cũng thấy mình bị ràng buộc bởi xã hội, kỹ thuật, văn hóa,… của nhân loại vì đang sống giữa và ở trong đó. Tất cả cần được hợp nhất trong Chúa Kitô. Bạn hãy nhìn các Đại Sứ Quán của 183 quốc gia bên cạnh Tòa Thánh Vatican và Đức Giáo Hoàng sẽ thấy rõ điều đó! Giáo Hội rất gần gũi, gắn bó, hướng dẫn, đồng hành, vui buồn, sướng khổ cùng nhân loại!

124. Thưa cha, có phải Giáo Hội Công Giáo mang một trọng trách và sứ mạng cao cả từ Thiên Chúa? Vậy xin cha nói rõ về điều này được không ạ?
Được chứ!


- Thứ nhất, sứ mạng cao cả này xuất phát từ thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha. Ngài muốn thế! Sau khi loài người làm đổ vỡ và đánh mất cuộc sống hạnh phúc bên Thiên Chúa bởi tội nguyên tổ, tội Adam và Eva, Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã muốn cứu chuộc con người và muốn đưa con người vào trong sự sống đời đời của Thiên Chúa. Vậy thực thi sứ mạng cứu rỗi con người nhờ ai và qua ai? Qua chính Con Một yêu dấu của Thiên Chúa Cha là Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội được trao phó cho sứ mạng quy tụ tất cả những ai tin và đón nhận Chúa Kitô, đón nhận Thiên Chúa thì được cứu chuộc.
- Vậy tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, sống công chính thánh thiện và thực thi Lời Thiên Chúa thì đều được tập hợp trong Giáo Hội Công Giáo bên Thiên Chúa Cha.
- Thứ hai, Chúa Con, tức Chúa Giêsu Kitô đã được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để thực thi kế hoạch cứu độ. Thiên Chúa Cha muốn cứu chuộc tất cả nhân loại trong Chúa Con. Chúa Kitô đã xuống thế làm người như bao người, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã mạc khải Nước Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha cho mọi người, kêu gọi người ta sám hối, làm nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết chỗi dậy, sẵn sàng đón lấy khổ đau, roi vọt, sỉ nhục, đổ máu, chịu chết nhục nhã trên thập giá và sống lại hiển vinh vì yêu thương và muốn cứu độ tất cả mọi người, nhất là những ai đặt niềm tin tưởng nơi Ngài. Chính Ngài đã thiết lập Giáo Hội Công Giáo qua các tông đồ và những người tin Ngài để cộng tác với Ngài trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội chính là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô hiện diện cách cụ thể giữa trần gian để đem Nước Thiên Chúa đến với mọi người. Hội Thánh xuất phát từ Chúa Kitô, sống nhờ Chúa Kitô và hướng về Chúa Kitô.
- Thứ ba, khi Chúa Kitô đã hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa Cha trao phó, thì Chúa Thánh Thần được sai đến, đặc biệt trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi và tất cả những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Giáo Hội duy nhất. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội luôn mới mẻ, tràn đầy sức sống, tràn đầy ân sủng. Như thế, Giáo Hội Công Giáo phổ quát hiện diện giữa nhân loại như “một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

125. Con nghe nói nhiều về Nước Thiên Chúa. Thưa cha, vậy phải hiểu thế nào cho đúng về Nước Thiên Chúa? Giáo Hội Công Giáo có phải là hiện thân của Nước Thiên Chúa không ạ?

- Một câu hỏi khá hay! Các bạn biết đấy, Giáo Hội Công Giáo do chính Chúa Kitô thiết lập và sai đi loan báo Tin Mừng, loan báo Nước Thiên Chúa cho muôn dân. Chúa Kitô chính là hiện thân của Nước Thiên Chúa, chiếu sáng cho muôn dân qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Ngài. Nước ấy như viên ngọc quý mà ai thấy cũng muốn sở hữu. Tất cả những ai tin và gia nhập Giáo Hội thì đều được thuộc về Nước ấy. Giáo Hội Công Giáo được xem là thân mình nhiệm mầu của Chúa Kitô và mang lấy sứ mạng của Chúa Kitô. Như vậy, Giáo Hội cũng là hiện thân của Nước Thiên Chúa giữa trần gian. Với sự phục sinh vinh hiển và ân huệ trào tràn của Chúa Kitô, Đấng sáng lập, Giáo Hội được trao cho sứ vụ rao giảng Nước Chúa Kitô hay Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc. Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Đang lúc dần dần phát triển, Giáo Hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và hy vọng được kết hợp mật thiết với đầu là Đấng Phục Sinh trong vinh quang.

126. Thưa cha, khi diễn tả về Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thường dùng những hình ảnh nào ạ?

Chúng ta thường dùng những hình ảnh sau đây để diến tả về Giáo Hội Công Giáo:
- Hình ảnh “chuồng chiên” (theo văn hóa Trung Đông. Nước Israel nằm trong vùng Trung Đông). Bạn nào về Phan Rang, Phan Rí, vùng đất khô cằn, sẽ thấy có những con chiên mà người dân nuôi! Chiên ở đây là con vật rất hiền lành. Chúa Kitô là Chúa chiên hiền lành. Chúa Kitô được ví như là cửa ra vào duy nhất và cần thiết của chuồng chiên (Giáo Hội Công Giáo).
- Hình ảnh “đàn chiên”: Giáo Hội như đàn chiên mà chính Chúa Kitô là chủ chăn vô cùng nhân lành, đầy tình yêu thương. Chính Ngài đã phải hiến mạng sống mình cho đàn chiên để đàn chiên được sống và sống dồi dào.
- Hình ảnh “thửa ruộng” hay “cánh đồng” hoặc “vườn nho”. Nơi đó Thiên Chúa trồng tỉa, vun xới, chăm bón làm cho cây lúa hay cây nho xanh tốt sinh nhiều hoa trái là chính hồng ân cứu độ.
- Hình ảnh “tòa nhà của Thiên Chúa”: Chính Chúa Kitô là viên đá góc tường làm nên nền móng vững chắc cho tòa nhà Giáo Hội luôn vững bền.
- Hình ảnh “Đền thánh” nơi Giáo Hội, Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị.
- Hình ảnh “hiền thê” của Chúa Kitô: ý muốn diễn tả sự gắn bó, gắn kết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội một cách chặt chẽ, mật thiết như phu thê, như vợ chồng. Nếu Chúa Kitô đã Phục Sinh và hằng sống, thì Giáo Hội được gắn kết với Chúa Kitô và những mong chính bản thân cũng được tràn đầy sự sống của Chúa Kitô ngay khi còn ở dưới thế.
- Và còn nhiều hình ảnh khác nữa mà chúng ta không thể liệt kê hết ở đây.

127. Thưa cha, con cũng hay được nghe câu này: “Giáo Hội là thân thể Đức Kitô”. Vậy câu ấy được hiểu như thế nào ạ?

Các bạn đều biết, thân thể con người đều phải có đầu và phần thân thể bao gồm các bộ phận. Thiếu hay hư hỏng bộ phận nào thì người ta gọi là khuyết hay tật. Vậy khi nói “Giáo Hội là thân thể Đức Kitô” ý muốn diễn tả Chúa Kitô là đầu và Giáo Hội là thân thể được gắn kết với đầu. Chúa Kitô sống và hoạt động, toàn thân là Giáo Hội cũng được sống và hoạt động. Tất cả các tín hữu làm nên Giáo Hội, làm nên thân mình của Chúa Kitô. Các bạn cũng thuộc về Giáo Hội, là chi thể của thân mình ấy. Giả sử có bạn nào đó tách mình ra khỏi đầu là Chúa Kitô hay thân mình là Giáo Hội thì không thể tiếp nhận sức sống, sự sống của Chúa Kitô nơi thân mình của Ngài. Ngược lại, tất cả chúng ta luôn gắn kết với Chúa Kitô trong Giáo Hội, chắc chắn chúng ta sẽ tràn đầy sự sống của Chúa và ân huệ của Ngài, đồng thời làm cho Giáo Hội không ngừng mạnh mẽ và phát triển, nhất là giới trẻ như các bạn. Các bạn nên nhớ “tất cả sự sung mãn về bản tính Thiên Chúa ở trong Chúa Kitô cách hữu hình, nên Người đổ tràn ơn thiêng trên Giáo Hội, là thân thể, là sự sung mãn của Người, để Giáo Hội cố gắng đạt tới sự viên mãn hoàn toàn của Thiên Chúa” (các bạn xem trong thư của thánh Phaolo gửi cho tín hữu Corinto đoạn 2 và Epheso đoạn 1 và 3 nhé!).

128. Vâng, con cám ơn cha nhiều! Bây giờ chúng con mới hiểu rõ hơn! Lại một vấn đề khác nữa, chúng con muốn đặt ra: khi nói về Giáo Hội, chúng con thấy Giáo Hội cụ thể, rõ ràng đấy nhưng cũng có cái gì đó rất thiêng liêng cao cả. Vậy xin cha cho chúng con biết về vấn đề này nhé?!

Được chứ! Phần trước, chúng ta đã nói về Giáo Hội là một mầu nhiệm. Giáo Hội gồm những con người tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Kitô, đang sống giữa trần gian cách cụ thể, rõ ràng, hữu hình. Đồng thời, Giáo Hội vì được Chúa Kitô thiết lập, Chúa Kitô là đầu, nên Giáo Hội vừa mang yếu tố nhân loại, vừa mang yếu tố thần linh; vừa mang yếu tố thực tại, vừa mang yếu tố siêu nhiên; vừa mang yếu tố thực tại hữu hình, nhân loại, vừa mang yếu tố thần linh kết thành. Giáo Hội Công Giáo chính là Giáo Hội độc nhất của Chúa Kitô, do Chúa Kitô thiết lập, mang tính duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.

Giáo Hội có tổ chức, có phẩm trật như một xã hội (bao gồm Chúa Kitô là đầu, kế đến là thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng kế vị, các Giám Mục hiệp thông với ngài, các linh mục, tu sĩ, giáo dân), và còn hơn thế nữa, Giáo Hội mang trong mình kho tàng chân lý và ơn cứu độ của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô, của Chúa Thánh Thần.

129. Thưa cha, thế giới này mang tính mong manh, hữu hạn và cũng đến ngày chấm dứt của nó; còn Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, vĩnh cửu. Hội Thánh đang sống trong thế giới hữu hạn mong manh đó. Con nghĩ Giáo Hội cũng phải kết thúc cùng với thế giới đó chứ ạ?

Bạn đưa ra vấn đề quá hay! Thật vậy, Chúa Kitô đã vâng lời Thiên Chúa Cha, đi vào trần gian đầy mong manh, tội lỗi nhằm cứu rỗi tất cả mọi người trong trần gian ngang qua và nhờ Giáo Hội Công Giáo. Thế nên, Giáo Hội luôn gắn bó với Chúa Kitô, luôn đồng hành cùng với Chúa Kitô và Chúa Kitô luôn ở cùng Giáo Hội.

Chúa Kitô đi vào con đường nghèo khổ, Giáo Hội cũng vậy. Chúa Kitô đi trên con đường hy sinh, thập giá, chịu bách hại, Giáo Hội cũng thế. Chúa Kitô hăng hái đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Tin Mừng Nước Trời, kêu gọi người ta sám hối, từ bỏ tội lỗi, sống công chính thánh thiện, Giáo Hội cũng như thế. Các bạn thân mến! Giáo Hội đang trên đường lữ hành trên trần thế giữa bao khó khăn thử thách, bách hại trăm bề của thế gian, nhưng luôn trong niềm an ủi của Thiên Chúa. Giáo Hội rao truyền cái chết và thập giá của Chúa Kitô cho đến khi Người lại đến. Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa Phục Sinh để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương với sự kiên trì và lòng trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa Kitô còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết. Vậy ngày kết thúc của Giáo Hội phải là ngày chiến thắng trong Chúa Kitô, tức là ngày Giáo Hội và tất cả những ai đồng hành cùng Giáo Hội, tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Kitô và thực thi lời Ngài dạy sẽ được đi vào trong sự sống đời đời, đi vào trong ánh vinh quang bất diệt của Chúa Kitô Phục Sinh. Ngày đó phải là ngày Giáo Hội hoàn tất sứ mệnh của mình trong Chúa Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chắc chắn tôi và các bạn đều mong ước điều đó xảy ra với chính mình, miễn sao mỗi người đều trung thành, trung tín, yêu thương và quyết một lòng kiên vững trong Giáo Hội của Chúa Kitô.