Trong suốt 10 ngày qua, theo các con số báo cáo chính thức của Bắc Kinh, con số thương vong vì coronavirus tại Trung Quốc đã giảm rất đáng kể. Ngay tại tâm chấn của dịch bệnh là thành phố Vũ Hán, trung bình số người bị thiệt mạng hàng ngày là 9 người, và 12 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Hôm 17 tháng Ba, Lý Hồng Trung (Li Hongzhong - 李红中), bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc tuyên bố tỉnh này đã chiến thắng coronavirus và cho biết các biện pháp cô lập Vũ Hán đang được nới lỏng. Tuy nhiên, một linh mục từ Vũ Hán cho biết ngài lo ngại rằng các nhà thờ Công Giáo tại Trung Quốc dù là của cộng đoàn công khai được bọn cầm quyền cho phép cũng sẽ không thể cử hành thánh lễ trong một thời gian rất dài. Vị linh mục này cũng tiết lộ với Trung tâm Nghiên cứu Thánh Linh của Hương Cảng rằng ưu tiên hiện nay của Trung Quốc là tăng cường hệ thống giám sát qua các camera an ninh, và ca tụng Tập Cận Bình như một đấng “cứu nhân độ thế”. Hai công tác này tuy khác nhau nhưng phản ảnh cùng một mục đích trấn áp những bất mãn của dân chúng Trung Quốc trước các thiệt hại về nhân mạng và kinh tế do dịch bệnh coronavirus gây ra.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi hai báo cáo sau đây về hệ thống giám sát qua các camera an ninh qua lời dịch sang Việt Ngữ của Lan Vy.

Báo cáo thứ nhất là của tờ The Economist có tựa đề: Nhà nước độc tài công nghệ cao. Báo cáo thứ hai của thông tấn xã Reuters: Trung Quốc ráo riết cải tiến các camera an ninh để nhận diện ngay cả khi người ta đeo khẩu trang y tế.

Tăng cường phẩm chất cuộc sống, và gia tăng các kết nối trên toàn thế giới, đó là lời hứa tuyệt vời được cung cấp bởi công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu. Nhưng ở Trung Quốc công nghệ này cũng hứa hẹn cho bọn cầm quyền khả năng kiểm soát dân chúng cao hơn, cũng như khả năng lạm dụng quyền lực tàn bạo hơn.

Bước ngoặt mang tính đột phá tiếp theo trong việc phát triển công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu là khả năng nhận dạng khuôn mặt.

Tại Trung Quốc, bạn đã có thể rút tiền mặt tại các máy rút tiền, check-in tại các sân bay và trả tiền mua sắm chỉ bằng khuôn mặt của mình. Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới trong việc sử dụng này công nghệ mới này và nhiều công ty của Trung Quốc về trí thông minh nhân tạo đã xác định công nghệ mới này như một hướng đi trong tương lai. Các công ty như Yitu, đang đi tiên phong trong lãnh vực nghiên cứu và áp dụng trí tuệ nhân tạo với hy vọng tạo ra một thế giới an toàn hơn, và nhanh hơn. Không dừng lại trong việc nhận diện khuôn mặt, công ty này cho rằng thậm chí nó có thể mở rộng để phát hiện những gì mọi người đang nghĩ trong đầu. “Kỹ thuật nhận diện nét mặt có thể đọc cảm xúc của người dân và chúng tôi đang thực sự hiện đang làm việc trên những thí nghiệm và các giải thuật công nghệ,” đại diện công ty nói.

Tuy nhiên, bọn cầm quyền Trung Quốc đã có kế hoạch sử dụng công nghệ sinh học mới này để củng cố sự cai trị độc tài. Trung Quốc có một kế hoạch đầy tham vọng là phát triển một hệ thống giám sát rộng lớn trên toàn quốc dựa trên kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt. Bọn cầm quyền sử dụng kỹ thuật này để theo dõi 1.4 tỷ công dân theo những cách thế chưa từng có với khả năng theo dõi mọi thứ từ hành vi đến cảm xúc của họ. Phương tiện chủ yếu để thực hiện điều này là một mạng lưới rộng lớn các camera CCTV. 170 triệu camera đã được lắp đặt và ước tính 400 triệu cái mới sẽ được cài đặt trong ba năm tới. Bọn cầm quyền khẳng định chương trình này sẽ cho phép họ cải thiện an ninh cho công dân và nếu bạn không có gì để che giấu thì bạn không có gì phải sợ.

Nhưng không phải ai cũng cảm thấy cái luận lý ấy có tính thuyết phục. “Những camera giám sát ở khắp mọi nơi, chỗ nào cũng có”. Hồng Sơn Khôi ( Hồng Sơn Qui - 红山魁) là một cựu biên tập viên của một tạp chí đã bị bọn cầm quyền khai trừ nói anh cảm thấy như mình bị giám sát liên tục.

Tại tỉnh Kham Đại Cáp ( Kandahar - 坎大哈) một quyết định đã được thực hiện. Các cơ quan chức năng tại tỉnh này đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt này để nêu tên và làm nhục các công dân ngay cả đối với vi phạm nhỏ như lái xe phạm luật giao thông. Thậm chí, Trung Quốc đang sử dụng công nghệ này để ngăn chặn những người ăn cắp những cuộn giấy vệ sinh từ các nhà vệ sinh công cộng. Cảnh sát Trung Quốc hiện đang thử nghiệm một loại kính râm có gắn máy máy ảnh được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt và cử chỉ. Khi cảnh sát nhìn vào khuôn mặt ai thì các chi tiết ấy được gởi về một trung tâm của Bộ Công an. Nếu người ấy có trong danh sách bị tầm nã, cảnh sát nhận ra họ ngay.

Lo ngại của người dân Trung Quốc là khi công nghệ phát triển quá mức như vậy, nó chắc chắn bị lạm dụng. Những người có nguy cơ cao nhất trong khả năng siêu giám sát này là các dân tộc thiểu số ở tỉnh Tân Cương. Lo ngại những người Hồi Giáo này sẽ ly khai đã dẫn đến các hành vi tàn bạo của cộng sản Trung Quốc. Theo các tổ chức phi chính phủ, ước tính khoảng 1 triệu người Hồi Giáo đang bị giam giữ vô thời hạn trong các trại tập trung bí mật, nơi một số người đang bị lạm dụng. Đây là các trại tập trung hàng loạt lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Nhóm thứ hai là các tín hữu Kitô. Sau pháp lệnh về tôn giáo có hiệu lực từ tháng Hai năm 2018, nhà thờ bị giám sát chặt chẽ bởi hàng loạt các camera giám sát để theo dõi các tín hữu và các hoạt động tôn giáo. Nhiều linh mục Trung Quốc cho Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, biết trẻ em không thể nào đến nhà thờ mà cha mẹ chúng không bị bắt.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Báo cáo thứ hai của thông tấn xã Reuters cho biết Trung Quốc đang ráo riết cải tiến các camera an ninh để nhận diện ngay cả khi người ta đeo khẩu trang y tế.

Một công ty Trung Quốc nói với Reuters rằng họ đang phát triển công nghệ để nhận diện ngay cả khi người ta đang đeo khẩu trang y tế trong bối cảnh bùng nổ corona virus. Sự lây lan của virus đã gây ra một vấn đề cho Trung Quốc, nơi sử dụng một số hệ thống giám sát tinh vi nhất thế giới trong việc nhận dạng khuôn mặt. Công ty công nghệ Hàn Vương (Han Wang - 韩王 ) cho biết họ có thể đã tìm thấy một giải pháp. Phó chủ tịch Hoàng Lợi (Wong Lee - 黄利 ) nói với Reuters rằng trong bối cảnh hiện nay khi các công nhân viên chức Trung Quốc quay trở lại làm việc và sản xuất, người ta phải đeo khẩu trang y tế tại nơi làm việc cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng và ở các khu vực công cộng khác. Trong quá khứ người ta buộc phải tháo kính mát để nhận dạng khuôn mặt khi đi qua lối vào tại nơi làm việc, qua hải quan hoặc các địa điểm khác. Nhưng trong tình hình hiện nay, lấy khẩu trang y tế ra khỏi mặt làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Chính vì thế, công ty của ông đã làm việc cật lực để có thể xác định tất cả mọi người trong một đám đông lên tới 30 người trong vòng một giây, ngay cả khi họ đeo khẩu trang y tế. Công ty này có khoảng 200 khách hàng ở Bắc Kinh bao gồm cả Bộ Công an và đã nhận được đơn đặt hàng của công an trên khắp 20 tỉnh.