Tính cho đến chiều thứ Ba 17 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 7,174 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 182,723 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 648 người thiệt mạng vì coronavirus, và 12,486‬ trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Hoa Lục vẫn đang dẫn đầu con số thương vong với 3,226 người chết, và 80,881 trường hợp nhiễm bệnh. Như thế, trong vòng 24 giờ qua, Trung Quốc chỉ có 13 người thiệt mạng, và 21 trường hợp nhiễm bệnh. Trong cuộc họp báo vào sáng thứ Ba 17 tháng Ba, Lý Hồng Trung (Li Hongzhong - 李红中), bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc tuyên bố tỉnh này đã oanh liệt chiến thắng coronavirus và cho biết các biện pháp cô lập Vũ Hán đang được nới lỏng

Thiệt hại nhân mạng tại Ý ngày càng trở nên rất nghiêm trọng. Chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Hai, số trường hợp tử vong tại Ý là 349 người. Tính đến chiều thứ Ba 17 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 2,158 người, và 27,980 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ diễn tiến ở mức này, chỉ trong một tuần nữa thôi, con số tử vong tại Ý sẽ vượt qua con số tử vong trên toàn cõi Hoa Lục.

Tiếp theo là Iran với 853 người chết, tăng 129 người trong vòng 24 giờ; và 14,991 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,053 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tại Pháp, Tổng thống Pháp hôm thứ Hai cho biết ông đã ra lệnh cho người dân ở nước này ở nhà tới 15 ngày vì sự bùng phát của coronavirus.

Tổng thống Emmanuel Macron nói mọi người chỉ nên rời khỏi nhà vì những nhiệm vụ thiết yếu, bắt đầu từ giữa trưa thứ Ba.

Macron cho biết ông đang thực hiện bước đi quyết liệt này để giảm nguy cơ lây nhiễm coronavirus.

Trong khi đó, giáo phận Angers, đã báo cáo rằng Đức Cha Emmanuel Delmas, 65 tuổi, đã thử nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi đi dự ad limina tại Vatican vào tuần trước.

Tin này gây âu lo vì ngài đã đến Rôma vào đầu tháng Ba cùng với 28 giám mục khác trong chuyến viếng thăm “ad limina” viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Các vị đã gặp nhau trong hai tiếng rưỡi với Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 9 tháng Ba trong một cuộc họp kín.

Các vị đã cẩn thận ngồi cách nhau ít nhất 1m, theo hướng dẫn an toàn sức khỏe vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tin này vẫn gây âu lo. 28 Giám Mục Pháp đi cùng đã bị cách ly.

Giáo phận nói thêm trong thông cáo rằng khi còn ở Rôma, Đức Cha Delmas đã cảm thấy những triệu chứng đầu tiên, sau đó, tiếp tục ở mức độ nhẹ.

Giáo phận nói rằng cho đến nay, các triệu chứng của Đức Giám Mục là nhẹ và “tình trạng của ngài hiện không đáng lo ngại.”

Tại Ý, 24 nữ tu thuộc dòng Tiểu muội thừa sai bác ái ở Tortona, tỉnh Alessandria, Bắc Italia, được đưa vào nhà thương vì bị tình nghi nhiễm Corovanvirus.

Một số nữ tu bị sốt và khó thở, và tình trạng này được báo với các giới chức y tế địa phương. Chính ông Mario Ravioli, trưởng ban đặc trách các vụ nguy cấp của miền Piemonte đã đi trực thăng của hiến binh Italia trực tiếp đến nơi để can thiệp và đưa các nữ tu vào nhà thương.

Nhà dòng có 41 nữ tu, các chị khác, tuy không có triệu chứng bị Coronavirus nhưng phải qua thời kỳ cách ly. Năm giáo dân nhân viên của dòng bị cách ly tại gia. Nhà mẹ của các nữ tu được khử trùng.

Đầu tháng Hai, Nam Hàn đã viện trợ 900,000 khẩu trang y tế cho Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán. Tuy nhiên, chỉ 3 tuần sau đó khi dịch bệnh bùng phát tại Daegu, các khẩu trang y tế biến mất nhanh chóng trên thị trường.

Căng thẳng ngoại giao đã xảy ra giữa hai bên vì Trung Quốc đòi bán cho Nam Hàn với giá cắt cổ. Sau các cuộc thương lượng Nam Hàn đành phải nhập một số khẩu trang y tế của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của dân chúng. Tuy nhiên, khi câu chuyện này rò rỉ ra trên các phương tiện truyền thông, khẩu trang y tế made in China, có nhập về cũng để tồn kho không bán được.

Sáng thứ Ba, thông tấn xã Yonhap của Nam Hàn cho biết các nhà khoa học ở nước này đã thành công trong việc chế tạo ra một loại khẩu trang y tế có thể giặt được để dùng đi dùng lại nhiều lần.

Theo Yonhap, các khoa học gia Nam Hàn đã thành công trong việc chế tạo một khẩu trang y tế giữ lại các đặc tính bảo vệ của nó ngay cả sau khi được giặt hơn 20 lần.

Phát minh này được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu do Kim Il-doo đứng đầu tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nam Hàn.

KAIST cho biết hiện tại, nhóm của Kim có thể sản xuất 1,500 khẩu trang y tế mỗi ngày và nếu được Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm chấp thuận, khả năng sản xuất có thể được nâng lên nhiều lần.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 7 sáng Thứ Ba 17 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Mở đầu Thánh lễ sáng thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô xin mọi người cầu nguyện cho người già, là những người đang đau khổ một cách đặc biệt vì sự cô đơn nội tâm.

Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay tôi muốn chúng ta cầu nguyện cho người già. Họ đang đau khổ một cách đặc biệt tại thời điểm này: với một sự cô độc nội tâm rất lớn, và thường khi đi kèm cả với rất nhiều nỗi sợ hãi. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa gần gũi các bậc ông bà và tất cả những người già, xin Chúa ban thêm sức mạnh cho những người đã cho chúng ta sự khôn ngoan, cuộc sống, và câu chuyện đời của chúng ta. Cầu xin cho chúng ta cũng gần gũi họ với lời cầu nguyện của chúng ta trong hoàn cảnh thử thách này.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã tập trung những suy tư của ngài liên quan đến giáo huấn về sự tha thứ của Chúa Giêsu từ Phúc âm Thánh Matthêu trong ngày (18: 21-35).

PHÚC ÂM: Mt 18, 21-35

“Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một giáo lý quan yếu về sự hiệp nhất huynh đệ. “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (x. Mt 18:19).

Sự đoàn kết, tình bạn, hòa bình giữa các anh em thu hút các ơn lành của Thiên Chúa.

Đối với câu hỏi của Phêrô về việc tha thứ cho ai đó bảy lần là đủ hay chưa, câu trả lời của Chúa Giêsu có nghĩa là chúng ta luôn cần phải tha thứ.

Thật không dễ tha thứ vì trái tim tự trọng của chúng ta luôn gắn liền với hận thù, trả đũa, và oán giận. Chúng ta đều đã thấy những gia đình bị phá hủy bởi sự thù hận. Nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Có những anh chị em ruột, đứng trước quan tài cha mẹ, thậm chí không chào hỏi lẫn nhau vì họ đang mang trong mình những oán giận. Dường như dính bén với thù hận mạnh hơn lòng gắn bó với tình yêu.

Đức Thánh Cha cảnh giác: Đó là “kho báu” của ma quỷ. Nó kích động lòng thù hận của chúng ta để phá hủy mọi thứ. Nó kích động lòng ganh ghét ngay cả vì những điều nhỏ nhặt.

Nó phá phách công trình của Thiên Chúa, Đấng đến không phải để lên án mà là để tha thứ. Thiên Chúa đầy lòng yêu thương của chúng ta có thể thết tiệc cho một tội nhân đến gần Ngài và quên đi mọi tội lỗi của người ấy. Khi Chúa tha thứ cho chúng ta, Ngài quên đi tất cả những điều xấu xa mà chúng ta đã làm. Có ai đó đã nói rằng đó là căn bệnh hay quên của Thiên Chúa. Ngài không có ký ức. Ngài có thể mất trí nhớ trong những trường hợp này. Chúa mất trí nhớ về câu chuyện xấu xa của rất nhiều tội nhân, về tội lỗi của chúng ta. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta cũng hãy làm như vậy, hãy học cách tha thứ.

Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta về một đoạn Tin Mừng khác, trong đó chúng ta được yêu cầu hòa giải chính mình với một người nào đó có điều này điều kia chống lại chúng ta (Mt 5:24). Một lần nữa, Chúa nói: Hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Nghĩa là, Chúa nói với chúng ta rằng đừng đến với Ta bằng tình yêu dành cho Ta và sự căm ghét dành cho anh chị em của ngươi.

Tha thứ là một điều kiện để lên thiên đàng: dụ ngôn mà Chúa Giêsu nói với chúng ta rất rõ ràng. Chúa đang dạy chúng ta sự khôn ngoan khi tha thứ “Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Khi chúng ta đón nhận Bí tích Hòa giải, trước tiên, hãy tự hỏi: Tôi có tha thứ không? Nếu tôi cảm thấy mình không thể tha thứ, thì tôi có thể tin rằng khi tôi kêu cầu sự tha thứ tôi sẽ không được tha thứ. Xin tha thứ có nghĩa là thứ tha. Cả hai đi cùng nhau, không thể tách rời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giảng của ngài bằng lời cầu nguyện:

Xin Chúa giúp chúng ta hiểu điều này, chúng ta phải biết hạ thấp đầu xuống để không tự hào nhưng hào phóng trong việc tha thứ.

Vào cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha và các vị có mặt đã ở lại chầu Thánh Thể cầu xin bình an cho Giáo Hội và thế giới trước tình hình dịch bệnh kinh hoàng.


Source:Vatican News