Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A 2020

Cộng đoàn dân Chúa đang tiến vào trung tâm điểm của Mùa Chay và các anh chị em Dự Tòng trên khắp thế giới đang có những ngày chuẩn bị gấp rút để tiến vào cuộc Tái Sinh thiêng liêng vĩ đại trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô qua các Bí tích Gia nhập Kitô giáo mà họ được nhận lãnh trong đêm Vọng Phục Sinh.

Chính với ý nghĩa nầy, phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Chay- chu kỳ năm A, với sứ điệp Lời Chúa mang trọng tâm “Nước Hằng Sống”, đang khơi gợi chúng ta hãy biến cuộc hành trình đức tin thành một cuộc “hội ngộ” với chính Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, thành một cuộc “gặp gỡ Đức Kitô” là “Nguồn Nước sống” đích thật.

Theo chỉ dẫn của Lời Chúa, chúng ta cùng nhau suy niệm về chính cuộc “hội ngộ đặc biệt” nầy.

Những ngày nầy bà con các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long đang vật lộn với cơn hạn hán và thiếu nước trầm trọng, chẳng khác nào cơn khát vì thiếu nước giữa hoang mạc của dân Israel xưa như tường thuật của sách Xuất Hành được công bố nơi Bài đọc 1.

Từ những cơn khát nước vật chất đó, Lời Chúa muốn nhắc nhở chúng ta về những “cơn khát của thời đại hôm nay” và thái độ ứng xử của đức tin trước những cơn khát nầy.

Thật vậy, ngày hôm nay nhân loại cũng đang bị dày vò bởi nhiều cơn khát cháy bỏng: khát tiền, khát tình, khát hưởng thụ, khát tự do, khát cơm no áo ấm, khát danh vọng chức quyền...; và trong những ngày này, với sự đe dọa của con virus Corona, cả thế giới đang khát sống, khát bình yên, khát sức khỏe…

Ngày xưa, dân Ít-ra-en khi phải đối diện với cơn khát nước điên cuồng nơi hoang mạc, đã liều quay lưng chống đối Mô-sê, nghi ngờ sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa, quên hết bao nhiêu ơn lành và kỳ công Chúa đã thực hiện trong biến cố Vượt Qua khai mạc cuộc Xuất Hành. Họ quên cả “chiếc gậy của Mô-sê” đã từng dương ra trên biển Đỏ để họ tiến bước ráo chân giữa hai bờ tường nước dựng. Quên cả manna, quên luôn chim cút, quên cột mây che mát, cột lửa dẫn đường, quên hết Thập điều trên núi Sinai…

Thế giới của thời hiện đại cũng đã có những cơn khát của vật chất và hưởng thụ, tiện nghi và giàu có, thành công và quyền lực…để rồi chối bỏ, bất cần Thiên Chúa:

- Ca sĩ nổi tiếng John Lennon: “Đạo Chúa Giêsu đã tàn…chúng ta nổi tiếng hơn Ngài nhiều”.

- Tổng thống Brasil: “Nếu có 500 phiếu bầu thì cả Đức Chúa Trời muốn xóa bỏ chức tổng thống cũng không được…”

- Người xây dựng tàu Titanic: “Nó an toàn đến nổi Đức Chúa Trời cũng không thể nhấn chìm…”

- Diễn viên Marylyn Monroe: “Tôi không cần Chúa Giêsu của ông…”…

Là những người mang danh Kitô hữu…, chúng ta cũng đã bao lần quên mình là Kitô hữu, quên dòng nước rửa tội, quên Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, quên các giới răn và các thực hành luân lý Kitô giáo, quên hết những lời dạy của Tin mừng…

Nhưng Thiên Chúa lại chứng tỏ quyền năng bằng lòng tha thứ; Ngài lại một lần nữa ra tay. Chiếc gậy của Mô-sê có dịp được dương ra để đập vào tảng đá cho mạch nước tuôn trào. Và một sự tuôn trào, không phải chỉ là dòng nước lạnh để làm giản cơn khát nước vật chất, mà là dòng nước hàng sống mang lại sự sống vĩnh hằng, đúng như lời Đức Kitô đã nới với người thiếu phụ Samari trong Tin mừng hôm nay : “và nước tôi cho sẽ sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Như vậy điều quan trọng còn lại hôm nay chính là hãy mở lòng ra, hãy đến và hãy gặp. Chính người thiếu phụ Samaria hôm nay đã chịu mở lòng ra đối thoại với Chúa, đã chấp nhận để Chúa truy vấn và đã để Lời Chúa xuyên thấu cõi lòng. Và từ đó lại một mạch nước hằng sống đã tuôn trào nơi trái tim tưởng đâu đã cằn khô nơi chị, biến chị trở thành chứng nhân, thành tông đồ để rao giảng đơn sơ chỉ một tin Mừng: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”. Đằng sau bóng hình của người thiếu phụ Samari may mắn đó, chúng ta còn hấy thấp thoáng bao nhiêu con người khác, một khi đón gặp Đức Kitô, cuộc đời họ cũng tuôn trào một “Dòng Nước Sống”, để biến đổi thành một con người mới: Lê-vi, Gia-kê, Mađalêna…, Phanxico Assisi, F.X, Anrê Phú Yên, Têrêsa CaLcutta…

Quả thật, đức tin luôn là một cuộc khao khát vươn tới, là một sự khó nghèo để được lấp đầy. Điều quan trọng là hãy đến, hãy tiếp cận, hãy gặp gỡ. Điều còn lại là công trình của Chúa Thánh Thần, như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma: “Vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta” (Bđ 2)

Việc “mở lòng và khao khát gặp gỡ Chúa của người thiếu phụ Samari” làm ta liên tưởng tới bức tranh mang tên “ÁNH SÁNG THẾ GIAN” tại nhà thờ Chính Tòa Luân Đôn. Bức hoạ có hình Chúa Giêsu đứng ngoài một cánh cửa với cây lá trường xuân che phủ kín mặt tường quanh cửa, trên cánh cửa không có ổ khóa, cũng không có quả nắm ở ngoài. Nhìn bức hoạ, chúng ta có thể hiểu ngay là Chúa đứng ngoài cửa, Ngài gõ cửa và đứng chờ cho tới khi có ai ra mở cửa cho Chúa vào, ngoài ra không còn cách nào khác có thể đẩy cửa bước vào. Quan trọng là bên dưới bức tranh có một câu của người họa sĩ đã ghi lại: “Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho con, vì con đã bắt Chúa phải đứng chờ quá lâu”

Hôm nay, Mùa Chay nầy, cũng thế đối với tôi: “đừng bắt Chúa đợi chờ quá lâu.”

Lm. Trương Đình HIền