Chúa Nhật 3 MÙA CHAY. A
(Ga 4:5-42)
NƯỚC TRƯỜNG SINH.


Nước chính là nguồn sống. Tất cả mọi thụ tạo cần nước để sinh sống và phát triển. Từ những thực vật nhỏ li ti đến những loài động vật to lớn đều cần có nguồn nước để tiếp tục sinh xôi nẩy nở. Vì nước là một trong những nguyên tố chính để nuôi sống vạn vật. Đối với dân du mục ngày xưa, họ thường quây quần bên suối nước hoặc nơi có giếng nước. Đây cũng là nơi mọi người trong xóm làng tụ họp, gặp gỡ và truyện trò thông tin.

Câu truyện dài của người phụ nữ Samaritanô gặp gỡ Chúa Giêsu nơi giếng nước giúp chúng ta hiểu được sự quan trọng của nguồn nước. Chúa Giêsu có cơ hội trò truyện với người phụ nữ bên giếng nước. Chúa rất tế nhị trong đối thoại. Chúa gợi truyện xin cô ta cho nước uống và từ đó Chúa tìm cách dẫn cô ta ra khỏi con đường lầm lạc. Chúa cho cô ta nguồn nước trường sinh. Uống vào sẽ không bao giờ khát. Đó là nhận biết lòng nhân hậu của Chúa và sống trong ngồn chân lý đích thực.

Cuộc sống có biết bao khát khao. Người thì khao khát chân lý, kẻ thì khao khát tự do, công bình, người thì khao khát yêu thương và hạnh phúc. Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng thâm sâu. Khao khát về chân, thiện và mỹ.

Từ khát nước bên bờ giếng, Chúa đã dẫn dắt người phụ nữ khát khao chân lý. Chúa giúp cô ta nhìn được con người thật của mình. Những khoái lạc trong cuộc sống bon chen càng làm cô khát. Khát khao một cuộc sống chân thật và an bình. Cô đã tìm thấy đường về để tôn thờ một Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Chúa đã khơi dạy tâm hồn cô ta như khơi dạy một mảnh đất khô cằn. Có xới, có đau và có xót xa, nhưng nguồn nước mới có thể thấm nhuần và trổ sinh bông trái tươi tốt.

Mùa chay tiếp tục kêu gọi chúng ta tìm về nguồn. Nguồn của lòng từ bi thương xót. Nguồn của sự bình an. Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ: “Nếu cô nhận biết ân huệ của Thiên Chúa... Chúa sẽ ban cho cô nước hằng sống”. Cô đã nhận biết ân huệ và cô đã đáp trả ân huệ. Cô bắt đầu ra đi loan tin vui cho mọi người. Chúng ta đã lãnh nhận biết bao ân huệ Chúa ban, chúng ta hãy tiếp tục ra đi loan tin vui ơn cứu độ cho mọi người.

THỨ HAI
Luca 4: 24-30


Chúa Giêsu trở về quê Nazarét, Ngài vào hội đường giảng dạy dân chúng. Ngài nói rằng: Không có một tiên tri nào được đón nhận nơi quê hương mình. Chúa Giêsu buồn lòng vì dân làng thiếu lòng tin nơi Chúa. Tâm hồn của họ bị khép kín và họ đã không nhận ra Đấng Cứu Thế đang hiện diện giữa họ. Dân chúng chỉ dựa vào những quan sát thường ngày và suy nghĩ thiển cận để chứng tỏ sự hiểu biết của họ.

Dân làng cũng học biết Kinh Thánh và mong chờ Đấng Cứu Thế. Họ nghĩ rằng Đấng Cứu Thế phải là người hùng mạnh và có uy quyền đến từ cung điện nhà vua. Coi thường người cùng quê, dân chúng đã không tiếp nhận Chúa Giêsu là tiên tri của họ. Dù rằng Chúa đã làm nhiều phép lạ nhưng họ không nhận ra dấu chỉ của Đấng được Xức Dầu.

Chúa Giêsu cảm thấy bức xúc vì sự cứng đầu của họ. Chúa đã kể lại những sự kiện xảy ra trong thời Cựu Ước về tiên tri Êlia và Êlisêo. Thời tiên tri Êlisêo, cũng có rất nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng chẳng có ai được chữa lành mà chỉ có Naaman, người Syria. Họ nghe Chúa Giêsu nói thế, họ càng phẫn nộ.

Chúa Giêsu đến giữa họ mà họ không biết. Biết rằng Chúa ban ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho người Do Thái nhưng cho hết mọi người.

THỨ BA
Mt. 18: 21-35


Chúa Giêsu nói rằng: Thầy không bảo con tha bảy lần nhưng đến bảy mươi lần bảy. Tha thứ là một an huệ. Tha thứ và được tha là liều thuốc tâm linh chữa lành nhiều bệnh trong tâm hồn. Tha thứ thì không dễ. Người ta thường nói: Quá tam ba bận. Tha thứ ba lần thôi là quá lắm rồi. Thánh Phêrô nghĩ rằng tha thứ cho anh em đến bảy lần là hết cỡ rồi. Chúa Giêsu vượt qua tỉ số tha thứ là bảy mươi lần bảy. Như vậy, Chúa sẽ tha và tha thứ tất cả nếu con người biết hối lỗi quay về.

Đúng thế, Chúa tha thứ cho chúng ta nhiều lắm. Bao nhiêu lần chúng ta phạm nhiều thứ tội, chúng ta chạy đến với tòa hòa giải, chúng ta đều được Chúa thương tha thứ. Cho dù tội lỗi của chúng ta có ngập tràn, Chúa vẫn tha. Mỗi khi chúng ta cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa tha tội cho chúng ta và chúng ta cũng hứa sẽ tha thứ cho anh em.

Kinh nghiệm trong cuộc sống chúng ta thấy tha thứ thật khó. Không phải vì chúng ta không muốn tha. Chúng ta muốn tha cho anh em nhiều lắm nhưng chúng ta đòi điều kiện là phải xin lỗi, phải đền bù và phải đính chính. Đôi khi chúng ta tha nhưng chúng ta chẳng thể nào quên đi được.

Không thể tha thứ là chúng ta tự làm khổ chính mình. Chúng ta cứ đeo đẳng những sự khổ đau mà không buông xuống được.Tha thứ giúp chúng ta cho tâm hồn thanh thản và yêu mến. Xin Chúa thương tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

THỨ TƯ
Mt. 5: 17-19


Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Thầy không đến để bãi bỏ lề luật nhưng để kiện toàn. Chúa Giêsu đã làm thay đổi các thế giữ các luật lệ. Chúa đưa tinh thần vào luật. Luật lệ không phải là những điều bó buộc phải làm nhưng là luật giúp con người sống trong tình Chúa và tình người. Luật lệ không có tình yêu là luật què quặt.

Các nhà luật sĩ và biệt phái chấn vấn Chúa Giêsu về luật giữ ngày Sabát, luật ăn chay, luật yêu thương, luật tha thứ, luật công bằng và nhiều điều khoản liên quan đến cầu nguyện và bác ái. Chúa Giêsu đã đưa tinh thần yêu thương vào luật. Luật lệ được lập ra vì loài người chứ không phải loài người vì luật. Luật lệ như hàng rào giữ con người khỏi xa lạc.

Chúa Giêsu gạt bỏ những hình thức của luật. Nhiều người giữ luật vì luật buộc. Họ không có thiếu đi tinh thần của luật. Chúa đã kiện toàn tất cả các giới luật và thi hành cách tích cực. Giữ luật và yêu mến luật. Đối với Chúa Giêsu, giữ ngày Sabát, không có nghĩa là cấm không được làm điều này điều nọ mà hãy thực hiện các điều lành và việc bác ái. Giới luật yêu thương tỏa khắp, yêu cả kẻ thù. Luật tha thứ, tha đến tận cùng, không có giới hạn.

Chúa đã kiện toàn các khoản luật và cống hiến cho luật một tinh thần mới đầy ắp yêu thương và bao dung.

THỨ NĂM
Luca 11: 14-23


Đám đông thấy Chúa trừ qủy câm thì kinh ngạc, nhưng lại cho rằng Chúa dựa vào quyền qủy vương mà trừ, vì họ không tin vào Chúa. Tại sao họ không nhận ra bàn tay Thiên Chúa đã đang thực hiện những việc lạ lùng giữa họ? Có phải họ ganh tị hay thù ghét Chúa vì Chúa đã làm những dấu lạ.

Chúa Giêsu luôn có những nhóm đối nghịch đi theo để rỉ tai và gây rối trong dân. Họ không muốn lắng nghe sự thật về ơn Cứu Độ. Các phe nhóm vào hùa với nhau để chất vấn, bắt bẻ và tìm cách hạ bệ Chúa. Vì họ thấy có nhiều người đi theo, lắng nghe và tin vào Chúa. Họ bị mất dần ảnh hưởng. Chúa đã thách thức cách giữ đạo và sống đạo của họ. Họ hiểu rõ Kinh Thánh và các luật đạo từ các tiên tri nhưng họ không thực hành. Chúa dùng miệng tiên tri mà phán: Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng thì xa Ta.

Chữa lành các bệnh tật và trừ qủy là dấu hiệu xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Các nhóm đối nghịch họ biết chứ nhưng họ không muốn chấp nhận con người của Chúa Giêsu. Những người kiêu căng thì chẳng chịu thua ai bao giờ. Họ nghĩ rằng chính họ mới là những người hiểu biết Kinh Thánh.

Lạy Chúa, Chúa chấp nhận mọi sự thách thức, dị nghị và dèm pha chỉ vì Chúa muốn đem yêu thương vào nơi oán thù và đem ơn chữa lành vào nơi khổ đau bệnh hoạn. Xin Chúa xua đuổi bóng tối qủy ma ra khỏi tâm hồn chúng con.

THỨ SÁU
Mc. 12: 28-34


Dân Do Thái có cả một Bộ Nhị Luật. Ngoài Mười Điều Răn, Thiên Chúa đã truyển cho Môisen trên núi Sinai, họ còn vô số các luật lệ. Có một luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: Trong mọi điều răn, điều nào trọng nhất? Luật sĩ có thể hỏi để chất vấn Chúa hoặc có thể ông cũng không rõ. Luật sĩ mà không biết luật nào là trọng nhất thì thật là lạ.

Chúa Giêsu trả lời một cách rõ ràng: Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu anh em như chính mình. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó. Yêu Thiên Chúa và thờ kính Ngài đó là bổn phận của mọi loài thụ tạo. Muôn loài thờ kính Thiên Chúa qua chính những khả năng Chúa ban. Chim chóc trên trời ca hát tôn vinh Thiên Chúa. Thú vật đồng hoang có những bản hòa ca nơi núi rừng ngợi khen Thiên Chúa. Hoa cỏ đồng nội vươn mình khoe sắc tạ ơn Thiên Chúa. Mây mưa và gió tuyết ngợi ca tình Chúa.

Con người có hai bổn phận mến Chúa yêu người. Hai điều răn liên kết chặt chẽ không thể tách rời. Vì Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa phú ban cho con người có hồn thiêng và trí khôn để nhận biết và yêu mến Ngài và yêu thương anh em.

Yêu Chúa và yêu người, hai giới răn trọng nhất là cốt lõi của đạo, Đạo của tình thương. Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi đã ban chính Con Một của mình để cứu độ nhân loại.

THỨ BẢY
Luca 18: 9-14


Câu truyện hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái và một người thu thuế. Theo cái nhìn chung của các nhà lãnh đạo và dân chúng thời Chúa Giêsu, họ phân biệt: Biệt phái là những người tốt lành và thánh thiện và người thu thuế là những người làm tay sai cho ngoại bang và là người tội lỗi.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để đưa ra vấn đề liên quan đến tư cách cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta đến với Thiên Chúa trong tâm tình con thảo và cần giúp. Cầu nguyện không phải là khoe khoang, so sánh hay kết tội người khác. Cầu nguyện phải khiêm tốn, nhận thân phận hèn yếu, tội lỗi và bất toàn của mình, rồi xin ơn trợ giúp.

Hoàn cảnh hai người biệt phái và luật sĩ rất khác nhau. Ông biệt phái mon men đến gần cung thánh, đứng thẳng thân thưa với Chúa tất cả những việc lành ông đã thực hiện. Ông còn tự so sánh mình với người khác và công chính hóa chính mình trước mặt Chúa. Còn người thu thuế đứng xa xa khúm núm biết lỗi mình, ông ta không dám ngửa mặt lên cầu khấn. Ông đấm ngực thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Trước nhan Thiên Chúa, ông biết mình là ai và ông biết ông cần sự gì nơi lòng nhân hậu của Chúa.

Người thu thuế ra về được tha tội và ông trở nên công chính. Ông biệt phái tự nghĩ mình công chính trước mặt Chúa, ông ra về lòng nặng trĩu những vấn vương cuộc đời.