Còn nhớ nhân dịp qua Rôma tham dự hai hội nghị quan trọng, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, nhân nói tới con đường đồng nghị trong bối cảnh Úc, đã tường trình rằng thoạt đầu, Công đồng này có những ý kiến khiến người ta có cảm tưởng điều gì cũng có thể đem ra bàn, tranh luận, đòi được lưu ý.



Đọc qua Phúc Trình Sau Cùng của giai đoạn Lắng Nghe và Đối Thoại tựa là Hãy Lắng Nghe Điều Chúa Thánh Thần Đang Nói (dài hơn 300 trang), người ta thấy nhận định của Đức Tổng Giám Mục Fisher không sai. Chúng tôi xin trích dịch một số đoạn trong Phúc Trình trên để ta nắm được phần nào tâm tư người Công Giáo Úc trước bầu khí có thể nói được là nhiều hàm hồ của xã hội hậu Kitô giáo hiện nay. Tính hàm hồ này gần như đưa tới mâu thuẫn. Thí dụ nhiều người cho rằng Thánh Thể nên cho càng nhiều người lãnh nhận càng hay, ta không phải là người phán đoán ai được lãnh nhận ai không được lãnh, tùy ở lương tâm người muốn lãnh nhận, dù người ấy là đồng tính, là ly dị tái hôn, không phải là người Công Giáo. Nhưng ngay sau phần ấy, Phúc Trình thuật lại nguyện vọng của rất nhiều người muốn khôi phục sự thánh thiêng, không biến thánh đường thành nơi tương tác xã hội, phải làm sao để làm nổi bật sự tôn kính Phép Thánh Thể... Hy vọng rằng trong giai đoạn gọi là Lắng Nghe và Biện Phân hiện đang được tiến hành, các ý kiến trong giai đoạn đầu sẽ được gạn lọc để trở thành các chủ đề thích đáng cho hai phiên họp tháng 10, năm 2020 tại Brisbane và tháng 5 năm 2021 tại Sydney. Việc gạn lọc này là điều cần thiết vì dưới ánh sáng Tông Huấn Querida Amazonia, phạm vi quyết định của một công đồng dù là toàn thể của một Giáo Hội đặc thù như Amazon hay Úc hay Đức không thể vượt quá tầm mức địa phương để có tác dụng trên toàn thể Giáo Hội hoàn vũ
.

Bao gồm các người ly dị và tái hôn

Sự cần thiết phải bao gồm những người đã ly dị và tái hôn là một trong những chủ đề trung tâm được thảo luận trong chủ đề “Thánh Lễ”. Hàng trăm người tham gia bày tỏ quan ngại và mất tinh thần về vấn đề này. Có một mong ước mạnh mẽ muốn Giáo hội có được sự hiểu biết nhiều hơn về các tình huống sống của người ta, đặc biệt là những người đã ly dị:

Nhiều cặp vợ chồng đã bị chia rẽ vì bạo lực, lạm dụng ma túy, bạo lực tình dục, thể xác và tinh thần. Sống trong thế kỷ 21 mang theo những khó khăn trong đó Giáo hội nên có khả năng được nhìn như một nguồn ẩn náu và an ủi. Hôn nhân là một định chế dân sự đã được Giáo hội biến thành bí tích. Giống như nhiều quy tắc được Giáo hội thiết lập, cần phải xem lại chúng và nhìn chúng dưới ánh sáng của cuộc sống hiện đại.

Một số người tham gia đã rất tức giận về sự bất công được tri nhận trong các quy tắc của Giáo hội:

Khi một mối liên hệ hôn nhân đã tan vỡ không thể cứu vãn được, khi không còn mối liên hệ thân mật nào nữa giữa hai vợ chồng, làm thế nào có thể nói được rằng cuộc hôn nhân vẫn tồn tại, và do đó, một cuộc hôn nhân khác không thể được bước vào một cách hợp lệ? Nói rằng các cuộc hôn nhân không kết thúc là tát vào mặt thực tại. Yêu cầu một người mà mối liên hệ trước đó đã tan vỡ không bao giờ được bước vào một mối liên hệ khác mà không có sự chúc phúc của cộng đồng đức tin là cột những gánh nặng bất khả và đặt chúng lên vai người ta... Yêu cầu những người đã dấn thân vào một mối liên hệ mới một là phải ra khỏi mối liên hệ đó, hoặc tiếp tục ở lại đó nhưng không có sự thân mật tình dục, hai là bị loại trừ khỏi việc tham dự đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể, đều vừa không thực tế vừa bất công.

Thành thật mà nói, lập luận rằng các cuộc hôn nhân phải bị coi một cách hồi tố (retrospectively) như không phải là hôn nhân là một ngụy biện ít ai chấp nhận được. Chúng ta cần nhìn nhận rằng các cuộc hôn nhân được đảm nhận một cách yêu thương và thành thực bởi cả hai bên có thể trở nên bế tắc và không nên kết án họ phải chịu sống một cuộc sống đau khổ và cô độc.


Mặc dù giáo huấn của Giáo hội không loại trừ những người ly dị hoặc ly thân mà không tái hôn, khỏi việc nhận lãnh Bí tích Thánh Thể, điều rõ ràng từ các câu trả lời là nhiều người tham gia không biết trường hợp này. Những người tham gia cảm thấy việc loại người ta khỏi việc rước lễ là một thực hành bất công, đặc biệt đối với những người không tự quyết định điều đó cho mình.

Quy định rằng các người Công Giáo ly dị không được phép rước lễ là bất công đối với những người ly dị Công Giáo không muốn ly dị và tác phong của họ không cung cấp cơ sở để ly dị.

Ly dị không bao giờ được muốn hoặc lên kế hoạch và trong một số trường hợp, cần thiết cho sự an toàn và phúc lợi của các cá nhân có liên quan. Giáo hội không nên quay lưng lại với họ vì điều này phủ nhận phẩm giá của họ và khiến họ trở nên kém bình đẳng so với các đồng bạn của họ.


Có nhiều yêu cầu được đưa ra muốn Giáo hội duyệt lại các giáo huấn và quy tắc chính thức của mình về việc ly dị, tái hôn và được rước lễ. Những người tham gia đã yêu cầu Giáo hội “tăng cường niềm hy vọng” và “tha thứ”, “tôn trọng”, “cảm thương”, “bao gồm” và “cởi mở” nhiều hơn. Có những lời kêu gọi được đưa ra để “nghinh đón trở lại những người đã bị quay lưng và cảm thấy bị bỏ rơi”. Một số người tham gia muốn hàng giáo phẩm của Giáo hội trở nên giống Chúa Kitô hơn trong đáp ứng của các ngài đối với người ly dị và tái hôn bằng cách tự hỏi “Chúa Giêsu sẽ làm gì?”

Chúng ta cần cho phép các cặp ly dị và tái hôn trở lại hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội trong tư cách người nhận lãnh Bí tích Thánh Thể mà không nhất thiết phải chu toàn các yêu cầu tuyên bố vô hiệu.... Chúng ta cần nhìn nhận rằng các cuộc hôn nhân được đảm nhận một cách yêu thương và thành thực bởi cả hai bên có thể trở nên bế tắc và không nên kết án họ phải chịu sống một cuộc sống đau khổ và cô độc.

Chúa Giêsu không lên án, nhưng tha thứ và nói với tội nhân ‘đừng phạm tội nữa’. Có ai dám nói rằng họ không phạm tội nữa không? Việc từ chối cho lãnh nhận Bí tích Thánh Thể cũng có thể được coi là vạ tuyệt thông vì mục đích của Thánh lễ đã bị lấy mất
.

Một vài người tham gia cũng tin rằng các viên chức Giáo hội cần phải xin lỗi về chấn thương, tổn thương và đau đớn gây ra trong quá khứ đối với các bà mẹ không cheo cưới.

................................

Mọi người được rước lễ

Nói tới chủ đề rước lễ, có một số người tham gia tin rằng việc loại bỏ một số cá nhân khỏi việc lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô là một thực hành bất công. Những người lên tiếng phản đối về vấn đề này muốn bí tích được mở cho tất cả mọi người, kể cả người đồng tính, vợ / chồng không Công Giáo và những người từ các truyền thống Kitô giáo hoặc tín ngưỡng khác.

Điều quan trọng là chúng ta chào đón mọi người đến bàn Thánh Thể, kể cả những người từ các truyền thống đức tin khác, người ly dị và đồng tính nam / đồng tính nữ. Là một Giáo Hội, chúng ta phải yêu mến, phán xét không phải là vai trò của chúng ta.

Đã có những lời kêu gọi phải có sự bao gồm nhiều hơn và thay đổi các quy tắc về phương diện này. Nhiều người cũng tin rằng việc rước lễ cần phải là sự lựa chọn duy nhất của mỗi cá nhân chỉ dựa trên lương tâm của họ mà thôi:

Những người Công Giáo từng bị coi là bị đẩy qua bên lề phải được tự do quyết định liệu có nhận lãnh Bí tích Thánh Thể và tham gia vào các nghi lễ Công Giáo và đời sống giáo xứ hay không.

Để chấp nhận tất cả mọi người được rước lễ, điều ngớ ngẩn là yêu cầu người ta phải hoàn hảo trước khi họ đến rước lễ, vì việc này vốn thực sự dành cho những người cần tình yêu của Thiên Chúa.


Cũng có một số người tham gia mắc chứng Coeliac cảm thấy bị loại khỏi việc Rước lễ vì không có sẵn bánh thánh không chứa gluten. Họ yêu cầu những bánh thánh này được cung cấp dư thừa ở tất cả các giáo xứ.

Tập chú vào tính thánh thiêng

Các tham dự viên nói đến việc cần có những việc cử hành tôn kính và thánh thiện hơn Thánh Lễ hy tế. Nhiều người cảm thấy Giáo Hội cần khuyến khích sự im lặng và việc cầu nguyện nhiều hơn, tập chú vào “các ơn tôn thờ và kính sợ” và tạo ra bầu khí thích đáng để người ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa cách mạnh mẽ hơn.

Chúng ta cần mang sự thánh thiện trở lại Giáo hội. Giáo hội đã trở thành một nơi để tương tác xã hội, thay vì là một nơi mầu nhiệm và cuộc gặp gỡ Thiên Chúa... [Giữ] những câu chuyện cười đùa, âm nhạc không phù hợp, vỗ tay, hát chúc mừng sinh nhật cho giáo dân, v.v. ở bên ngoài Thánh Lễ, vì chúng lấy mất tập chú của chúng ta vào sự hy sinh thánh thiện của Chúa Kitô đang diễn ra.

Một số người tham gia tin rằng các linh mục cần thực hành sự tôn kính nhiều hơn trước nhất để mọi người noi gương của các ngài. Ngoài ra, có những lời yêu cầu được đưa ra để khuyến khích giáo dân lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trên lưỡi thay vì trên bàn tay của họ, khuyến khích một quy tắc ăn mặc nhã nhặn trong Thánh lễ và không khuyến khích việc nói chuyện không cần thiết trong nhà thờ trước và sau Thánh lễ. Một số người trẻ cũng lên tiếng mong muốn tương tự. Một nhóm lưu ý rằng nhiều người trẻ muốn âm nhạc thánh thiêng, sự tôn kính nhiều hơn, đôi khi sử dụng tiếng Latinh trong Thánh lễ và các linh mục thánh thiện, tỏ lòng tôn kính. Tất cả những điều này giúp làm cho trải nghiệm của họ về các bí tích khác biệt so với trải nghiệm ở câu lạc bộ hoặc buổi hòa nhạc bình dân. Một vài người tham gia cũng nói đến việc cần có phẩm chất cao hơn trong nghệ thuật Giáo hội như kiến trúc, âm nhạc, hương và biểu tượng để tăng cảm thức thánh thiêng của nơi thờ phượng. Cũng có những người đề cập đến việc các nhà thờ không nên tổ chức các biến cố có tính phạm thánh trong khu vực của mình.

Nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể

Cùng với nhu cầu phụng vụ phải có tính thánh thiêng nhiều hơn, đó là mong ước của những người tham gia muốn xây dựng mối liên hệ sâu sắc hơn với Chúa Kitô. Điều này bắt đầu với việc thừa nhận sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể và một lòng tôn kính đối vsự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể:

Tôi tin rằng Thiên Chúa yêu cầu chúng ta thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu, đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, vốn là nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Mọi cố gắng nên được thực hiện để cử hành bí tích này một cách long trọng nhất. Mọi cố gắng tốt nhất của chúng ta nên được dành cho việc làm cho hy tế Thánh lễ thực sự được cảm nhận như thiên đàng trên mặt đất.

Nhiều người tham gia phản ảnh rằng những người trẻ tuổi đang chuẩn bị cho các bí tích trong trường học và giáo xứ đã không được dạy về thực tế này và do đó, nhu cầu về giáo lý về vấn đề này là cấp bách hơn bao giờ hết. Như một người tham gia đã nhận xét:

Sẽ không có sự đổi mới trong Giáo hội cho đến khi chúng ta bắt đầu thể hiện sự tôn kính đối với Chúa của chúng ta, người thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh nhất của Bàn thờ. Làm thế nào mà tôi đã trải qua việc học Công Giáo trong 12 năm và không bao giờ được dạy điều này? Nó được đối xử như thể nó là một mẩu bánh mì được truyền từ tay này sang tay khác. Nếu mọi người thực sự biết / được học đúng cách về giáo lý của Giáo Hội về sự hiện diện thực sự, bạn có nghĩ cuộc sống của chúng ta sẽ tốt hơn nhiều không?

Nhìn chung, một số gợi ý nhằm giảm bớt tình trạng này bao gồm dạy cho mọi người về sự kỳ diệu của việc biến thể (transubstatiation), trở lại với truyền thống rước lễ trên lưỡi và nhấn mạnh đến việc cộng đoàn quỳ gối khi mở cửa Nhà Tạm. Ngoài ra còn có các yêu phải đào tạo nhiều hơn cho các thừa tác viên Thánh Thể về việc chăm sóc và xử lý thích đáng dối với cácnbánh thánh và tăng cơ hội Chầu Thánh Thể.

Kỳ sau: Truyền Chức Thánh