Một bà nhà giàu Trung Quốc bị sốt nhưng đã chạy thoát khỏi vùng bị cô lập của Trung Quốc để uống rượu và ăn tối ở Pháp. Tờ New York Post cho biết, bà thím này đã gây âu lo cho thế giới sau khi bà phát tán trên mạng xã hội chiêu thức bà đã áp dụng để thoát được các máy dò thân nhiệt ở tất cả các phi trường từ Vũ Hán (Wuhan - 武汉) sang Paris.

Người phụ nữ này khoe rằng nhờ uống một thứ cao đờn hoàn tán bà đã thành công vượt qua được các hàng rào y tế tại các sân bay.

Bà viết trên trang mạng xã hội WeChat rằng bà sợ rằng mình sẽ phải bỏ lỡ chuyến đi xa hoa, trong đó có một cuộc phiêu lưu đến một nhà hàng Michelin mà bà rất ưa thích.

“Ngay trước khi đi, tôi bị sốt và ho. Tôi sợ đến chết được và vội vàng nốc các viên thuốc hạ sốt. Tôi vẫn tiếp tục kiểm tra nhiệt độ của mình. May mắn thay, nhờ các viên thuốc này tôi đã xoay sở để hạ thân nhiệt và chuyến đi của tôi rất suôn sẻ.”

Sau đó, bà đăng tải bằng chứng về sự trốn thoát của mình là những hình ảnh về một bữa ăn ngon miệng tại một nhà hàng hàng đầu ở Lyon.

“Cuối cùng tôi đã có thể có một bữa ăn ngon, tôi cảm thấy như mình đã đói rã rời trong hai ngày. Khi bạn đến một thành phố toàn những món ngon vật lạ, tất nhiên bạn phải ăn tại Michelin”.

BBC cho biết Đại sứ quán Trung Quốc ở Paris nhìn nhận rằng tin tức về việc bà thím này thoát khỏi vùng bị cô lập dễ dàng đã lan truyền nhanh trên mạng.

Nhiều người Việt Nam trở về Úc sau khi về quê ăn Tết cho biết họ bị giữ lại tại phi trường để kiểm tra y tế. Bất kể có bị sốt hay không, bất kể mang hộ chiếu nước nào, hễ có khuôn mặt Á châu là có nhiều khả năng phải trải qua hết kiểm tra này đến kiểm tra khác.

Khoảng 5 triệu cư dân được ước tính đã chạy trốn khỏi Vũ Hán trước khi lệnh cấm vận được áp đặt. Có bao nhiêu người tại thành phố này đã bị nhiễm vi khuẩn corona, và bao nhiêu người đã chết là một bí mật quốc gia của Trung Quốc. Không ai biết rõ sự thật.

Hương Cảng, Đài Loan và Thái Lan là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Hoa lục. Giáo phận Hương Cảng đã ban hành các hướng dẫn bao gồm tất cả các linh mục và các thừa tác viên Thánh Thể phải đeo mặt nạ phẫu thuật trong khi trao Mình Thánh Chúa.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 23 tháng Giêng, giáo phận lưu ý rằng “Dịch bệnh này hiện được coi là ‘nghiêm trọng’. Trong trường hợp dịch bệnh được nâng lên hàng khẩn cấp, thì các hướng dẫn mục vụ của chúng tôi sẽ được sửa đổi cho phù hợp.”

Giáo phận lưu ý rằng các bệnh viện đã đình chỉ việc khám bệnh tổng quát hàng ngày và cho biết các thừa tác viên và du khách nên tránh việc viếng thăm hoặc cho những bệnh nhân trong bệnh viện rước lễ. Nếu một linh mục cần phải ban bí tích cho bệnh nhân, thì vị linh mục ấy nên tuân thủ các hướng dẫn của bệnh viện, tham khảo ý kiến của khoa trưởng bệnh viện, và đeo mặt nạ phẫu thuật. Trước khi rời khỏi phòng bệnh, ngài phải rửa tay cẩn thận.

Các hướng dẫn của giáo phận cũng bao gồm việc làm sạch cả các micrô được sử dụng bởi những người đọc sách trong các thánh lễ và hướng dẫn mọi người cúi đầu thay vì bắt tay trong khi trao bình an.

Tại Phi Luật Tân, Bệnh viện Đại học Santo Tomas của tổng giáo phận Manila hôm thứ Ba 28 tháng Giêng đã phủ nhận tin đồn cho rằng họ đang điều trị một bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn corona.

“Chúng tôi muốn thông báo cho công chúng rằng không có chút sự thật nào trong tin tức đang được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng chúng tôi đang điều trị một bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn corona”.

Thông cáo nhắc nhở công chúng xác minh thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như Bộ Y tế và đừng loan truyền các tin giả gây thêm hoang mang trong xã hội.

Bộ Y tế Phi Luật Tân trước đó đã nhắc lại rằng không có trường hợp nào được xác nhận bị nhiễm vi khuẩn corona ở nước này nhưng họ đang theo dõi 24 cá nhân bị nghi ngờ.


Source:New York Post