Tôi có ba cuốn sách lễ Chúa Nhật lần lượt cho các năm A, B, C bắt đầu từ năm 2013. Trước đó, tôi dùng cuốn sách lễ Chúa Nhật chung cho cả 3 năm. Có lẽ vì năm 2013 đánh dấu sự thay đổi mới về Sách Lễ Rôma, với những lời cầu nguyện mới, tuy các bài đọc vẫn như sũ. Sự thay đổi trong Phần Lời Nguyện Thánh Thể rõ rệt nhất là có tên Thánh Giuse được thêm vào liền sau tên Đức Mẹ.

Năm cuối cùng của ba cuốn sách lễ trên là năm 2015. Đến năm 2016, tôi dùng lại cuốn sách lễ của năm 2013 và cứ như thế cho các năm sau với các cuốn sách lễ của các năm 2014 và 2015. Năm nay là năm 2020, tôi dùng lại cuốn của năm 2014.

Sở dĩ dài dòng nhắc lại như thế là vì cứ sự thường các ngày Chúa Nhật rơi vào các ngày khác nhau trong các năm khác nhau. Nhưng năm nay, Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên rơi vào đúng ngày 26 tháng Giêng như năm 2014. Chúa Nhật này cũng trùng với Chúa Nhật Lời Chúa đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo, Ngày Mồng Hai Tết Canh Tý và ngày Quốc Khánh Nước Úc.



Mồng Hai Tết Canh Tý

Ngày Mồng Hai Tết Canh Tý, lẽ dĩ nhiên, chỉ có ý nghĩa thực chất đối với khối người Hoa và người Việt tại Úc mà theo số thống kê chính thức (năm 2016) lên đến khoảng 1,508,701 người (294,798 người Việt, 1,213,903 người Hoa), nghĩa là vào khoảng 6.4% (0.8% Việt, 5.6% Hoa) tổng số dân Úc. Khỏi nói, năm nay khối người này mừng đón Năm Mới một cách rầm rộ, bởi 3 ngày tết rơi vào các ngày cuối tuần (thứ Bẩy, Chúa Nhật) và ngày nghỉ bù (thứ Hai nghỉ bù Ngày Quốc Khánh rơi vào Chúa Nhật). Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại tổng giáo phận Sydney đã hân hoan cử hành Lễ Giao Thừa vào tối Thứ Sáu 24 tháng Giêng tại Công Viên Paul Keating, Bankstown, giữa tiếng trống chiêng và hoa mai truyền thống với sự tham dự của khoảng 3,000 người và sự đồng tế của 13 linh mục. Có lẽ vì gặp mùa hoả hoạn đại nạn nên sau cử hành hân hoan này không có việc bắn pháo bông như mọi năm.

Trước cảnh rộn ràng ấy, quảng đại người Úc khó lòng tránh khỏi nghe nói tới Năm Con Chuột. Từ hơn tuần nay, các phương tiện truyền thông nhắc nhiều đến nó. Cha Sở Giáo Xứ Regina Coeli của tôi, trước lúc kết thúc Thánh Lễ, cũng đã ngỏ lời chúc tết các giáo dân nào ăn tết âm lịch.



Chúa Nhật Lời Chúa

Nhớ Tết của người Hoa và người Việt, nhưng cha quên Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật Lời Chúa đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo, được Đức Phanxicô chính thức thiết lập bằng Tông Thư Aperuit illis, ngày 30 Tháng Chín năm 2019. Trong bài giảng lễ cũng như trong bài viết ở trang đầu Bản Tin Giáo Xứ, cha không hề nhắc gì tới việc cử hành mà Đức Phanxicô vốn khuyến khích trong Tông Thư vừa kể.

Theo Thư của Đức Cha Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch Ủy Ban Kinh Thánh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thì “Đức Thánh Cha đề nghị chúng ta sống Chúa Nhật này một cách trọng thể. Ngài viết: ‘Cách đặc biệt, trong Chúa Nhật này, cần nhấn mạnh đến việc công bố Lời Chúa và thích ứng bài giảng để làm cho việc phục vụ Lời Chúa trở nên rõ ràng hơn’ (số 3).

“Ngài cũng đề nghị cách thực hành tại mỗi giáo xứ: ‘Các linh mục ở giáo xứ có thể tìm ra hình thức tương xứng nhất để đặt cuốn Kinh Thánh, hay một trong các sách của bộ Kinh Thánh, cho toàn thế cộng đoàn, để làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục đọc bản văn trong đời sống hàng ngày, để đào sâu bản văn và để cầu nguyện với Kinh Thánh, trong khi tham chiếu bằng cách thế đặc biệt cho Lectio Divina’” (số 3)...

Theo Thư của Các Giám Mục Ái Nhĩ Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị các phương thức cử hành Chúa Nhât Lời Chúa như sau:

• Tôn vinh bản văn thánh
• Đề cao việc công bố Lời Chúa
• Nhấn mạnh đến vinh dự phải có đối với Lời Chúa trong bài giảng
• Cử hành Nghi thức Thiết lập các tác viên đọc Lời Chúa (lectors) hay ủy nhiệm các người đọc Các Bài Đọc (readers)
• Cung cấp việc huấn luyên các người đọc
• Phát Sách Thánh, hay một trong các Sách thánh cho mọi người
• Khuyến khích người ta đọc và cầu nguyện với Sách Thánh hàng ngày, nhất là qua phương thức lectio divina.

Hình như có sự dị biệt trong lối hiểu tông thư của Đức Phanxicô vì theo Đức Cha Bản “Các linh mục ở giáo xứ có thể tìm ra hình thức tương xứng nhất để đặt cuốn Kinh Thánh, hay một trong các sách của bộ Kinh Thánh, cho toàn thế cộng đoàn”, trong khi theo các Giám Mục Ái Nhĩ Lan, nên “phát Sách Thánh, hay một trong các Sách thánh, cho mọi người”.



Quốc Khánh Úc

Nhưng dù là “đặt” hay “phát”, Cha xứ tôi đều không làm mảy may. Ngài cũng không nhắc một lời tới việc cử hành Chúa Nhật Lời Chúa. Thay vào đó, trên gian cung thánh, người ta thấy trưng bày hai lá cờ Úc và một lá cờ Hoa Kỳ.

Hai lá cờ Úc thì dễ hiểu rồi vì hôm nay là Ngày Quốc Khánh của Nước Úc. Nhưng sao lại có lá cờ Hoa Kỳ? Có liên hệ gì tới nước mẹ của cha xứ không? Thưa không, vì cha xứ tôi vốn người Đại Hàn. Số là thế này: Nhà thờ Regina Coeli được xây dựng vào tiền bán thế kỷ 20, liền sau Trận Chiến Coral Sea ở Nam Thái Bình Dương, trong Thế Chiến II. Đây là trận chiến vừa có tính chiến thuật vừa có tính chiến lược giữa lực lượng hải quân Nhật và liên Hải Quân Úc và Hoa Kỳ. Một trận chiến mà về chiến thuật, Nhật thắng, nhưng về chiến lược, liên quân Úc Hoa Kỳ thắng thế, chặn đứng bước tiến của quân phiệt Nhật, đưa họ đến chiến bại ở Midway và dọn đường cho thất bại cuối cùng của họ trên toàn bộ chiến trường Á Châu Thái Bình Dương. Trong trận đại hải chiến này, Liên quân Úc Hoa Kỳ đem vào 2 hàng không mẫu hạm, 2 tuần dương hạm, 14 diệt lôi hạm, 2 tầu dầu, 128 máy bay. Trong khi Nhật đem vào 2 hàng không mẫu hạm, 1 mẫu hạm nhẹ, 9 tuần dương hạm, 15 diệt lôi hạm, 5 tầu quét mìn, 2 tầu đặt mìn, 2 tầu săn tầu ngầm, 3 pháo hạm, 1 tầu dầu, 1 tầu tiếp liệu, 12 tầu chuyên chở và 127 máy bay. Tổn thất chiến cụ rất nặng cho cả hai bên, nhưng nặng nhất vẫn là nhân mạng: phía Úc Hoa Kỳ, 656 người thiệt mạng, phía Nhật, 966 người thiệt mạng.

Để kỷ niệm biến cố ấy, Linh mục William Evans, vốn là tuyên úy cho chiến hạm HMAS ‘Canberra’ tham gia trận đánh, bị đánh chìm và được cứu bởi chiến hạm USS ‘Paterson’, đã xây ngôi thánh được này và đặt tên cho nó là Regina Coeli Memorial Church (Nhà Thờ Tưởng Niệm Regina Coeli) mang hai lá cờ Úc và Hoa Kỳ ở phía ngoài nhà thờ và phía trong Nhà thờ ở bàn thờ cạnh dâng kính Đức Mẹ.

Tuy nhiên, vào lúc gần kết thúc Thánh Lễ, cộng đoàn Regina Coeli chỉ hát bài quốc ca “Advance Australia Fair” (1) mà thôi, một cách hết sức nghiêm chỉnh.

Bài quốc ca ấy cũng đã được Cha Peter Kwak, Cha xứ, nhắc đến trong bài chia sẻ đăng trên tờ Thông Tin của Giáo Xứ. Có điều không hẳn Cha Peter bình giải hay bình luận chi về bài quốc ca này cho bằng về nỗi đau buồn, cực kỳ đau buồn, đã và đang diễn ra cho mảnh đất thân yêu này. Đó là Nạn Cháy Rừng khủng khiếp và đang tạo ra điều cha gọi là Tribulation (đau buồn), với chữ T viết hoa! Nhưng cả về phạm trù này, cha cũng không nói nhiều bằng “vấn đề liên hệ” do “sức nóng” của Nạn Cháy Rừng gây ra đó là “vấn đề thay đổi khí hậu”.

Cha Peter hẳn muốn nói đến cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra nhắm vào Thủ Tướng Scott Morrison, coi ông như một thứ tội phạm môi trường, không chịu làm gì để giảm thiểu khí thải khiến tạo ra môi trường thuận lợi cho trận hỏa hoạn lớn nhất trong lịch sử không phải chỉ của Úc mà là của cả loài người.

Đối với Cha Peter, “chắc chắn, một số người đã quan tâm một cách chân thành và nhiệt tình tới việc biến đổi khí hậu và mối liên kết tiềm tàng của nó với cuộc khủng hoảng cháy rừng hiện nay, trong khi nhiều người khác hầu như có lẽ có một hoặc hai động cơ thầm kín ở phía sau, thí dụ, chính trị đảng phái hay thậm chí mong tạo ra một kế nghi bình (diversion). [Vì lý do này và hơn thế nữa, cá nhân tôi cho rằng một ủy ban hoàng gia điều tra cuộc khủng hoảng cháy rừng có thể hữu ích hơn là không]. Nhưng tại sao bất cứ điều nào trong số này phải được bao gồm trong một bầu khí chính trị nóng bỏng như vậy? Do kinh nghiệm bản thân, chúng ta biết rằng tổ chức một cuộc thảo luận quan trọng khi chúng ta đang bối rối hiếm khi là một ý tưởng tốt, vì, lúc đó, có khả năng cao là chúng ta sẽ mắc sai lầm về nó. Cảm xúc dâng cao, các cố gằng phối hợp được đưa ra để gây áp lực ghê gớm cho người khác hoặc kích động họ, tự do bày tỏ một quan điểm khác trở nên vô cùng khó khăn vì sợ bị tấn công ('Bạn đang ở phía sai lầm của lịch sử!'), một cơn cám dỗ thích sự mau chóng triệt để hơn là một diễn trình phải có, v.v... Tất cả đều là những điều kiện tạo nên bầu không khí chính trị bị hun nóng và chắc chắn, chúng không hợp với người Úc, đặc biệt vì một trong những giá trị cốt lõi của người Úc là sự công bằng (fairness). Tôi hy vọng rằng bức tranh về phong cảnh ẩn dụ nước Úc đang bùng cháy và hỗn loạn giận dữ, như đôi khi được các phương tiện truyền thông chính giòng mô tả, không chính xác cho lắm và trong thực tế, điều thích đáng hơn là xin cho Nước Úc Tiến nhanh (advance Australia fair)!”

Cha Peter Kwak không phải chỉ lo bàn chuyện “lý thuyết” nhân mùa Cháy Rừng. Ngài kêu gọi giáo dân đóng góp trong cuộc lạc quyên lần thứ ba của Thánh Lễ Cộng Đồng hôm nay. Tôi thấy phần lớn những tờ giấy bạc cho vào đĩa xin tiền có mầu hồng hồng của tờ 20 dollars Úc Kim. Một số tờ có mầu vàng vàng của tờ 50 dollars Úc Kim. Không thấy các tờ 5 dollars hoặc 10 dollars Úc Kim, đừng nói đến tiền cắc 1 và 2 dollars Úc Kim. Đây là một phần của cuộc lạc quyên toàn quốc do Hội Đồng Giám Mục Úc phát động. Tiền lạc quyên này sẽ được Hội Vincent de Paul trực tiếp phân phối tới các nạn nhân trận hỏa hoạn lớn nhất lich sử, trong khi, giới truyền thông Úc đang đặt nhiều nghi vấn đối với số tiền lạc quyên toàn quốc hiện lên đến hơn 500 triệu dollars Úc Kim. Nhiều cơ quan từ thiện, như Red Cross, bị tố cáo là chỉ phân phối 7 triệu trong số 115 triệu quyên được trong dịp này, chặn số còn lại cho các thiên tai có thể có trong tương lai!



Nước Úc là của mọi người

Cha Peter Kwak, khi bàn đến vấn đề thay đổi khí hậu trong Ngày Quốc Khanh Úc, hình như hơi lạc đề. Nhưng chắc hẳn không lạc đề dữ như các Thổ Dân Úc, mà con số hiện nay là 798,365 người, chiếm 3.3% tổng dân số. Họ muốn gọi ngày này, 26 tháng Giêng, là ngày đất nước của tổ tiên họ bị người da trắng xâm lăng. Nghĩa là một ngày nhục nhã, một ngày đau thương, chẳng có chi đáng cử hành. Đài Số Hai (ABC) trình chiếu cả một buổi lễ của họ vào sáng nay tại Barangaroo, Sydney, trong đó, không lá cờ Úc nào được phép bay, thay vào đó là 250 lá cờ Thổ Dân, mỗi lá cờ đánh dấu một năm ngày Đại Úy James Cook đổ bộ lên bán đảo Kurnell.

Thực ra Ngày Nước Úc (Australia Day) không đánh dấu cuộc đổ bộ của Đại Úy James Cook năm 1770, mà đánh dấu ngày đến Port Jackson, Sydney, của đoàn tầu Anh đầu tiên và việc Toàn Quyền Arthur Phillip kéo cờ Đại Anh lên tại Sydney Cove năm 1788. Cả hai là đại biểu của một lực lượng thực dân, chứ không hẳn khai phá như họ nói. Người Da Trắng, trước con mắt người Thổ Dân, không những chiếm đất đai của họ mà còn chiếm luôn cả con cái họ (Stolen Generations) nữa.

Sau rất nhiều vận động và đấu tranh, ngày 13 tháng Hai năm 2008, Kevin Rudd, Thủ Tướng Chính Phủ, tại Diễn Đàn Quốc Hội Liên Bang, đã chính thức xin lỗi người Thổ Dân vì “những sai lầm các chính phủ đã gây ra cho các dân tộc Thổ Dân khắp Nước Úc”.
Điều đáng lưu ý là Kevin Rudd chỉ đại diện các chính phủ xin lỗi người Thổ Dân chứ không hẳn đại diện toàn dân Úc, vì toàn dân này chẳng có lỗi lầm chi để phải xin lỗi. Và đo đó, ngày 26 tháng Giêng vẫn là ngày của mọi người dân sống ở Úc mừng vui vì từ đó, Úc được mở cửa cho mọi người thiện chí vào phai phá biến Úc thành một trong các cường quốc kinh tế của thế giới như hiện nay.

Chính vì vậy, Ngày Nước Úc không hề có duyệt binh, biểu dương lực lượng như ngày 14 tháng 7 của Pháp. Ngày Nước Úc được dành để tuyên dương các đóng góp của các cư dân và cử hành việc nhập quốc tịch của một số cư dân khác. Tất cả nói lên: Nước Úc, không hề là Đất Không Có Chủ (Terra nullius) như mấy cụ thực dân Anh ngày xưa chủ trương, mà là mảnh đất sẵn sàng đón nhận mọi người đến để biến đất nước này thành một quốc gia xinh đẹp, thịnh vượng và an tòan. Advance Australia Fair!

___________________________________________________________________________________
(1) Advance Australia Fair!

Australians all let us rejoice,
For we are young and free;
We've golden soil and wealth for toil,
Our home is girt by sea;
Our land abounds in Nature's gifts
Of beauty rich and rare;
In history's page, let every stage
Advance Australia fair!
In joyful strains then let us sing,
"Advance Australia fair!"


Tất cả người Úc chúng ta hãy cùng nhau mừng vui
Vì chúng ta trẻ trung và tự do;
Chúng ta có đất đai màu mỡ và tài nguyên giàu có chờ sức người lao động
Tổ quốc ta được bao bọc bởi biển cả;
Xứ sở ta tràn trề những món quà của thiên nhiên
Với vẻ đẹp trù phú mà quý hiếm;
Trên trang sách lịch sử, hãy để mỗi bước
Làm tiến lên nước Úc đẹp giàu.
Trong giai điệu vui tươi chúng ta cùng hát
"Tiến lên nước Úc đẹp giàu!"



Beneath our radiant southern Cross,
We'll toil with hearts and hands;
To make this Commonwealth of ours
Renowned of all the lands;
For those who've come across the seas
We've boundless plains to share;
With courage let us all combine
To advance Australia fair.
In joyful strains then let us sing
"Advance Australia fair!"


Dưới chòm sao Chữ Thập phương Nam rực rỡ của chúng ta
Chúng ta sẽ lao động với cả trái tim và bàn tay;
Để làm cho khối Thịnh vượng chung của chúng ta
Vang danh tới mọi miền đất khác;
Với những ai đã băng qua đại dương đến đây
Chúng ta sẽ cùng sẻ chia những cánh đồng mênh mông;
Chúng ta sẽ đồng lòng dũng cảm
Làm tiến lên nước Úc đẹp giàu.
Trong giai điệu vui tươi chúng ta cùng hát
"Tiến lên nước Úc đẹp giàu!"

(Lời Việt của từ điển mở Wikipedia)