CHUYỆN CUỐI NĂM TA

Trà Lũ

Chúng ta đã bước vào năm mới 2020. Tôi yêu con số 20 này quá. Ngày xưa đi học, trước 1975, bài vở được chấm điểm theo con số 20. Bài toán mà được 20/20 thì mừng hết lớn. Bài văn mà được 15/20 thì vui hết biết. Đó là điểm 20 trong trường học. Thế còn điểm 20 ở trường đời, ngoài xã hội, thì sao? À, chuyện cho điểm này rất khác biệt và thường gây tranh cãi. Chẳng hạn bạn cho điểm cụ Donald Trump bao nhiêu ? Phe liền ông trong làng tôi đều cho cụ 20/20, còn ngoài làng thì hoặc 5/20, hoặc 10/20, hoặc Đảng Dân Chủ bên Mỹ thì cho cụ 0/20 !

Nhân nói tới Cụ Trump, tôi xin bàn đến các chuyện lớn trên thế giới trong năm qua. Nổi cộm nhất vẫn là chuyện đấu đá về thương mại giữa vua Trump và Vua Tập Cận Bình, chuyện Quốc Hội Hoa Kỳ luận tội tổng thống, chuyện chú Út Bình Nhưỡng với vũ khí hạt nhân. chuyện Biển Đông vẫn nổi sóng do Vua Tập gây hấn và Vua Trọng cùng phe nhóm vẫn cúi mặt, chuyện dân Hong Kong vẫn còn xuống đường đòi tự do, chuyện Anh Quốc bỏ phiếu ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, chuyện môi trường khí hậu thế giới càng ngày càng nguy hiểm khiến phong trào phản đối đang bùng lên khắp nơi do cô bé Greta Blunberg lãnh đạo. Tôi đọc trên mạng thì thấy nhiều nhà khí hậu học cho biết: chỉ trong vòng 50 năm nữa, cả nước Việt Nam sẽ ngập nước biển. Ông H.O. bảo nếu thế thì ta còn 50 năm nữa mới bị ngập nước, chứ về mặt con người thì hiện nay những điểm buôn bán và chiến lược quan trọng ở VN thì đã ngập dân Tàu rồi, và mặt quốc gia thì nước Việt mình sẽ bị Tầu Cộng đồng hóa ngay từ năm nay 2020 theo hiệp ước ngầm Thành Đô mà bọn chóp bu VC đã ký với TC năm 1990. Đảng CSVN đã nói từ lâu: thà mất nước còn hơn mất đảng, còn đảng thì còn mình.

Cụ Chánh nghe tôi kể các chuyện tuy là năm qua nhưng vẫn sẽ còn kéo dài sang năm nay thì tỏ vẻ buồn. Cụ xin nghe một chuyện VN nào không liên hệ tới quốc tế mà chỉ là chuyện nội bộ VN. Tức thì ông H.O. giơ tay xin kể chuyện Linh Mục Alexandre de Rhôdes của thế kỷ 17 nay vừa bị Thượng tọa Thích Nhật Từ của thế kỷ 21 luận tội. Thày Nhật Từ kể tội ở Chùa Giác Ngộ Saigon. Ông H.O. bảo ông biết việc này qua mạng. Chuyện khởi đầu ở Đà Nẵng khi tỉnh này định đặt tên 1 con đường là Alexandre de Rhôdes, người có công đầu trong việc sáng lập chữ quốc ngữ ABC. Tức thì có phe ủng hộ và phe chống đối. Hai bên cãi nhau um xùm. Riêng bên chống đối thì mấy tháng cuối năm vừa qua Thượng Tọa Thích Nhật Từ tại Chùa Giác Ngộ, từng du học Ấn Độ, nói to nhất, mạnh miệng nhất. Ông ODP nghe đến đây thì gạt câu chuyện này đi, ông bảo: Thày Thích Nhật Từ là ‘sư quốc doanh’. Đã là quốc doanh thì ta nên hết ý...

Cụ B.95 bèn giơ tay xin ngưng chuyện vì nhức đầu qúa. Ai cũng đồng ý xin chuyển đề vì nó làm không khí trong làng đang vui bỗng nhiên khựng lại và trở nên nặng nề. Thấy không ai mang lại được không khí vui tươi, chị Ba Biên Hòa bèn bật máy hát. Bỗng lời nhạc Giáng sinh tuần qua vang lên bài ‘Petit Papa Noel’ với tiếng hát thần thoại Toni Rossi. Các cụ biết bài này chứ, thời 1960 và 1970 ai ở Miền Nam cũng biết bài này mà. Theo thống kê thì bài ca Giáng sinh này đã được bán tới 30 triệu đĩa nhựa, tôi lập lại 30 triệu. Tino Rossi trước sau đã ghi băng gần 1200 bài hát và bài Petit Papa Noel là nổi tiếng nhất. Ý bài hát là lời một em bé bên Pháp, em gọi ông già Noel là cha/papa. Em không xin quà bánh mà em xin cho bố em đang bị Đức Quốc Xã cầm tù được thoát tù mà về với em. Toni Rossi vừa là ca sĩ vừa là diễn viên điện ảnh. Nhắc tới Rossi là ta nhớ tới bài Petit Papa Noel, bài J’attendrai, bài Ave Maria. Cả làng tôi đã hát theo Chị Ba Biên Hoà. Sau bài này, được hứng Chi Ba cho mở bài Diana của Paul Anka. Tức thì cả làng cũng cất tiếng hát theo bài ca ngợi tình yêu nổi tiếng này.

Thấy cả làng hát trừ cụ B.95, Chị Ba không nỡ dể cụ già lẻ loi cô đơn nên sau bài hát Chị lên tiếng nói về ý nghĩa bài hát và về ca sĩ Paul Anka. Chị bảo ca sĩ này vừa là ca sĩ vừa là diễn viên điện ảnh như Toni Rossi trên đây, và gốc của anh là gốc Canada. Chị kể như sau: Paul Anka gốc người Trung Đông. Nhà anh nghèo lắm. Gia đình anh đã di cư sang Canada và làm việc rất cực nhọc. Mãi rồi cha mẹ anh nới đủ tiền mua được một tiệm chạp phô nhỏ ở ngoại ô thủ đô Ottawa. Vừa dọn vào cửa tiệm thì anh chợt trông thấy cô hàng xóm tóc vàng mắt xanh đẹp hết sức, vừa thấy cô là anh mê liền. Cô hàng xóm tên là Diana. Anh ít tuổi hơn Diana nhưng khi yêu thì không kể tuổi. Suốt ngày đêm anh chỉ mơ tưởng tới cô. Nhờ tài âm nhạc thiên phú nên anh đã viết ra bài ca lấy tên người yêu làm đề bài. Và bài hát đã thành bất hủ ngay lập tức. Khắp năm châu, chỗ nào cũng hát Oh, stay by me, Diana... Tôi nhớ hồi 1960, 61 gì đó, đài phát thanh Saigon có chương trình nhạc yêu cầu, bài Diana này bao giờ cũng đứng đầu danh sách. Tuần nào cũng nghe, mà không ai chán cả. Càng nghe càng mê. Paul Anka bỗng chốc trở thành thần tượng của âm nhạc. Đưọc hứng khởi, Paul Anka làm thêm những bài Crazy Love, Put your head on my shoulder, You are my destiny... Bài nào cũng được giới trẻ và giới sồn sồn vui mừng đón nhận. Bài nổi tiếng cuối cùng là bài My Way. Bài này nguyên thủy là của nhạc sĩ Jacques Brel người Bỉ, lời tiếng Pháp, Paul Anka đã đặt lời tiếng Anh dựa trên cuộc đời thăng trầm của Frank Sinatra. Paul Anka chỉ có đặt lời tiếng Anh mà tên của anh đã thành bất hủ. Người ta tự hỏi nếu không có tiếng sét ái tình Diana đầu đời thì liệu Paul Anka có đủ hứng khởi đi vào cõi âm nhạc không.

Anh John phụ họa với vợ: và nếu không có đất thiên đàng Canada thì liệu có nàng tiên Diana và có tiếng sét ái tình ấy không. Nói xong thì anh John nhìn cả làng đang cười rồi kết: Paul Anka về sau đã sang Hoa Kỳ để hòa tiếng hát vào điện ảnh, tức là Canada đã cho Hoa Kỳ mượn Paul Anka đấy nha. Các cụ bên Hoa Kỳ nghĩ sao về việc này cơ?

Ai trong làng cũng thắc mắc tại sao Chị Ba Biên Hoà lại thuộc chuyện Paul Anka và Tino Rossi quá vậy, chị bẽn lẽn trả lời, má đỏ lên hây hây, rằng thời đó Paul Anka và Tino Rosssi là thần tượng của chị.

Vừa nghe xong, bà cụ B.95 quay ngay vào anh John: Thế lúc đó thần tượng của anh là ai, có phải Chị Ba không? Anh John hơi lúng túng một chút rồi đáp: thời đó ở VN thần tượng của tôi là Trung Tướng Vĩnh Lộc, tôi gọi ông là ‘Từ Hoè Việt Nam’. À, chuyện này dài, nhân ngày làng ta nghỉ ngơi đón tết con Chuột, tôi xin kể hết cho Cụ và cả làng nghe nha.

Từ Hoè là tên một nhân vật bên Tàu, trong truyện Thủy Hử. Tôi rất khoái nhân vật này. Xưa nay tôi nghĩ trên thế giới chắc chỉ có một ông Từ Hoè bên Tàu mà thôi, ai dè VNCH cũng có một ông Từ Hòe đảm lược và anh hùng y chang, tên là Vĩnh Lộc, trung tướng, dòng dõi hoàng tộc, chắt của Vua Thiệu Trị. Sử chép: năm 1965 thời nội các Nguyễn Cao Kỳ, lực lượng người Thượng Fulro nổi dậy đánh phá tỉnh Quảng Đức. Bị đánh thua, họ kéo nhau vào rừng và lâu lâu đánh du kích. Họ đòi đất và đòi tự trị. Mãi năm 1967 mới xong. Người có công tháo ngòi bom Fulro là Trung tướng Vĩnh Lộc, lúc đó là tư lệnh quân đoàn II và vùng II chiến thuật. Ông Vĩnh Lộc, giống y như ông Từ Hoè trong chuyện Tàu, đã một mình vào rừng gặp bộ chỉ huy Fulro. Ông đi tay không, không cận vệ. Ông nói chuyện chính tà với Fulro và hứa sẽ thoả mãn các đòi hỏi chính đáng. Ngày 2.5.1967 Vĩnh Lộc và Fulro đã ký thông cáo chung về hòa bình. Fulro xác nhận long trọng sẽ về hợp tác với chính quyền VNCH vì các nguyện vọng của đồng bào Thượng đã được thoả mãn. Vĩng Lộc anh hùng và hào hùng quá. Đó là thần tượng của tôi lúc đó. Làm trai thời loạn thì phải như thế chứ.

Anh John xin hết chuyện thần tượng, rồi anh xin Ông ODP kể chuyện ông Từ Hoè trong làng. Ông ODP kể ngay: người bạn được chúng ta đặt tên Từ Hoè là vì ông cũng y chang chuyện tướng Vĩnh Lộc. Rằng trong một cuộc hành quân ông bắt được một chính ủy VC. Thấy tên này có học nên ông đem về trại và cho anh ta tự do tranh luận chính tà với ông. Sau mấy ngày tranh cãi, thấy anh này đuối lý thì ông cho thả anh ta vào rừng, vì ông biết tên này có học nên biết suy nghĩ, sẽ phản tỉnh. Quả đúng như vậy, sau 1975, lúc ông bạn chúng ta đang bị tù cải tạo thì được anh chính uỷ lúc đó đang làm lớn đứng ra can thiệp và ông được thả ra. Rồi anh chính ủy này nóí nhỏ với ông: anh đã sáng mắt, anh xin ông tổ chức vượt biên chung. Hai người đã tới bến Thái lan, ông Từ Hòe được nhận vào Canada trước nên đi trước, chú chính uỷ mở mắt cũng được nhận vào Canada và chú tới sau. Chú được chính phủ cho định cư ở miền tây. Ông Từ Hoè vì lời thề sống chết có nhau nên đã bỏ làng sang sống với chú. Trước khi đi miền tây thì ông hứa hàng năm sẽ về ăn tết với làng, và bây giờ làng ta đang chuẩn bị đón ông Từ Hoè là thế.

Tôi quên chưa nói bữa nay làng tôi họp ở nhà Anh John và Chi Ba Biên Hoà. Biết cả làng ai cũng thích âm nhạc nên sau khi nghe nhạc Tino Rossi và Paul Anka, lại cũng còn không khí Giáng Sinh nên chị mở máy cho cả làng xem video về xuất ca nhạc của André Rieu. Nhà anh chị có cái máy màn hình cực lớn, mùa hè thì các đấng quân tử chúng tôi thường tụ họp nơi đây để xem đá banh, mùa lạnh thì các bà họp nhau xem phim ca nhạc. Bữa nay chị cho làng xem cuốn World Tour 2020-Home for Xmas của André Rieu, Các cụ còn nhớ cái ông sồn sồn đẹp trai này chứ. Ông vừa là nhạc sĩ chơi đàn vĩ cầm, vừa là nhạc trưởng, vừa là MC, ông giữ 3 vai trò một lúc mà vai nào ông cũng diễn rất xuất sắc. Làng tôi, nhất là phe các bà, ai cũng mê ông này. Bữa nay ông về sinh quán ăn mừng lễ Giáng Sinh. Ông quê vùng Madrid của Hoà Lan. Đây là một tác phẩm ca nhạc tuyệt vời. Phần đầu diễn ở hội trường, phần sau diễn trong nhà thờ. Tôi thích nhất phần này. Ban nhạc của ông chiếm hết cả gian cung thánh. Trên cùng là một ban ca sĩ gồm chừng 100 ông ăn mặc rất trịnh trọng, ai cũng mặc đồ đại lễ mầu trắng, cổ quàng giây mầu đỏ, ỡ giữa là ban nhạc cũng khoảng 100 vị. Bản nhạc mở đầu là bài White Christmas... Rồi các ca sĩ tiến ra, 3 nam ca sĩ rồi đến 3 nữ ca sĩ, rồi đến solo... Tôi là bác nhà quê ra tỉnh, chỉ xem chỉ nghe và thấy khán giả vỗ tay thì mình vỗ tay theo. Mà khán gỉa Âu Châu có khác, toàn da trắng, ai cũng y phục chỉnh tề, mặt mũi ai cũng sáng sủa đẹp tốt. Phim còn cho thấy nhiều cận cảnh, nhiều bà nhiều cô rơm rớm nước mắt khi nghe các ca sĩ hát, nhiều cặp tình nhân âu yếm gục vào vai nhau khi nghe nhạc. Toàn cảnh là một thế giới thanh bình và hạnh phúc. Âm thanh và ánh sáng thật là tuyệt hảo. Xem phim này làm tôi nhớ tới băng nhạc Thuý Nga 129 Dynesty gần đây. Cũng hay cũng đẹp gần như vậy, rất gần André Rieu.

Sau cuộn phim ca nhạc này là bữa ăn Bún Chả Hà Nội được Chị Ba đặt hàng theo lời chỉ dẫn của Cụ B.95, cũng ngon quá chừng. Những lá thơm tía tô kinh giới và rau ngò làm cho đĩa bún chả đã ngon lại được ngon thêm. Xin tạ ơn Trời Phật đã cho nhóm già chúng tôi cuối đời ở xứ người được hạnh phúc như thế này.

Sau phần bún chả là phần ăn tráng miệng. Rồi các bà thì uống trà, các nhà quân tử chúng tôi thì uống cà phê. Phe liền ông trong làng ai cũng uống được cà phê buổi tối. Bữa nay nổi hứng, ông bồ chữ ODP vừa nhâm nhi vừa luận về cà phê hay quá chừng. Ông luận như sau.

Hương cà phê thơm, vị cà phê đắng và đậm, và ta thấy chút ngọt nhẹ nhàng cuống lưỡi, ta thấy cả con người như sảng khoái hẳn ra.

Ngày xưa cha ông mình đâu có uống cà phê mà là uống trà, mà trà thì phải là trà bên Tàu mới có giá. Mà uống trà thì phải nhâm nhi từng giọt mới thấy thấm. Ai mà uống trà ừng ực là không biết uống trà. Rồi người Pháp đem cà phê sang Việt Nam, nhưng dân mình chưa biết cách uống. Trước 1954 dân Saigon uống cà phê bí tất từ các xe hủ tíu của chú thím Tàu. Mãi về sau, không biết nhờ ai mà dân Saigon mới biết uống cà phê phin, theo lối cái nồi ngồi trên cái cốc. Và bây giờ sống trên đất bắc Mỹ này, đi tiệm ăn, ta uống cà phê theo lối Mỹ, như ở các tiệm McDonalds, Tim Hortons, Stabucks. Tuy pha theo lối đại lô nhưng ly cà phê cũng ngon và thơm quá chừng.

Ta thấy rõ ràng cà phê đã đánh bại trà. Ban đầu Trà thống trị nước Mỹ do mẫu quốc Anh áp đặt. Nhưng rồi năm 1773, tuy lệ thuộc Anh nhưng dân quân cách mạng đã vùng lên. Họ đã tấn công 3 tàu của Anh chở đầy trà, đã đổ 342 thùng trà của Anh xuống biển ở Boston, họ quyết định không uống trà nữa mà chọn cà phê. Tổng thống Jefferson tuyên bố: cà phê mới là thức uống của thế giới văn minh, và dân Mỹ bắt đầu dùng cà phê thay trà.

Anh John xin góp ý: Tuy cà phê đắnh bại trà nhưng trong tiếng Anh thì nhiều chữ có chữ cà phê nhưng không còn mang ý nghĩa cà phê nữa, như cafeteria là phòng ăn chứ không phải phòng cà phê, như coffee break là nghỉ giải lao chứ không phải nghỉ để uống cà phê, trong tiếng VN ‘đi uống cà phê’ là đến chỗ gặp nhau để bàn chuyện chứ không nhất thiết là để uống cà phê...

Viết đến đây thì tôi giật mình. Tôi đã miên man về trà và cà phê mà xém quên việc tết con chuột đang tới gần. May qúa, còn kịp. Xin kính chúc các cụ một năm mới an khang hạnh phúc, cả thân xác cả tâm hồn.

Trân trọng.

TRÀ LŨ