Lễ Thánh Gia Thất Năm A 2019

Đúng như trong Tông thư “Dấu Chỉ Lạ Lùng” (Admirabile Signum) của Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào dịp Giáng Sinh năm nay (2019), Hang đá-Máng cỏ chính là điểm nhấn thu hút nhiều người quan tâm và thích thú nhất trong dịp mừng lễ Giáng Sinh.

Đức Thánh Cha viết: “Dấu chỉ lạ lùng của hang đá máng cỏ, rất được các tín hữu Kitô quý chuộng, luôn gợi lên sự ngưỡng mộ và ngạc nhiên. Diễn tả biến cố Chúa Giêsu giáng sinh cũng có nghĩa là loan báo mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa một cách đơn sơ và vui mừng.” (AS số 1)

Có cái gì lạ lùng, bắt mắt hay sinh động đến độ hấp dẫn bao nhiêu con người tập chú vào Hang đá-Máng cỏ đến thế ? Đơn giản. Chỉ là một gia đình nghèo. Tạm trú nơi hang súc vật...mà Phụng vụ hôm nay gọi chung là Thánh Gia.

Vâng, Chúa Nhật Thánh Gia hôm nay, Phụng vụ mời gọi chúng ta cùng hướng về Hang đá-Máng cỏ để chiêm ngưỡng và suy tư cách đặc biệt về mầu nhiệm Thánh Gia nầy: Chúa Giêsu-Đức Mẹ-Thánh Giuse. Quả thật, khi chiêm ngưỡng Thánh Gia nơi hang lừa máng cỏ, chúng ta mới thấy hiện lên cách rõ nét ý nghĩa của mầu nhiệm: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” – Emmanuel, như cách cắt nghĩa trong tông thư Admirabile Signum: “Thực vậy, hang đá máng cỏ, giống như một Tin Mừng sống động, trào ra từ những trang Kinh Thánh. Trong khi chúng ta chiêm ngắm cảnh tượng Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi lên đường trong tâm trí, bị thu hút vì lòng khiêm tốn của Đấng đã nhập thể làm người để gặp gỡ mỗi người. Và chúng ta khám phá thấy Chúa yêu thương chúng ta đến độ kết hiệp với chúng ta để chúng ta cũng có thể kết hiệp với Chúa.” (AS số 1).

Và “Bàn tiệc Lời Chúa” hôm nay sẽ thuyết minh rõ hơn cho chúng ta nội dung chân lý sâu xa nầy.

Trước hết, Thiên Chúa ở cùng chúng ta cũng có nghĩa Thiên Chúa chấp nhận làm người trong thân phận của một em bé được sinh ra từ lòng mẹ cùng khóc oa oa như bao nhiêu tiếng khóc chào đời khác; đồng thời cũng chấp nhận thân phận yếu đuối, mỏng manh, bị đe doạ, bị săn đuổi, phải lao đao lận đận trong kiếp phận lưu đày, trốn chạy, di cư…như tường thuật của Tin Mừng Matthêô chúng ta vừa nghe.

Thiên Chúa làm người cũng có nghĩa là Thiên Chúa chấp nhận làm một người con hiếu thảo trong một gia đình để lớn lên từng ngày trong sự học biết và thấm nhuần những trang Cựu ước, như lời dạy của sách Huấn Ca: “của dâng cho Cha sẽ không rơi vào quên lảng, của biếu cho mẹ sẽ đền bù được tội lỗi”, hay “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu…Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng”.

Chắc chắn, những lời giảng dạy sau nầy trong cuộc đời công khai của Đấng Emmanuel sẽ ghi đậm dấu ấn những lời nhủ khuyên sâu lắng, khiêm hạ của thánh Giuse, những chuyện kể dạt dào tình thương của Mẹ Maria. Hình ảnh những dụ ngôn Tin Mừng như “vải mới không vá vào áo cũ”, “Men trong bột”, “đồng bạc đánh mất”... phải chăng là những kỷ niệm không phai trong ký ức của Chúa Giêsu nhớ về hình ảnh của Mẹ dấu yêu Maria đã từng ngồi vá áo cho con, từng vào men nhồi bột để cho trẻ Giêsu có được tấm bánh thơm no dạ thỏa lòng. Và những dụ ngôn thâm thúy, cao xa về tình yêu Thiên Chúa như “Người cha nhân hậu”, “người mục tử tìm con chiên lạc”, “nhà phú hộ và tên La-gia-rô nghèo khó” biết đâu đó là những chuyện kể ngày xưa của Thánh Giuse thỏ thẻ chuyện trò cùng bé Giêsu khi đang cùng nhau đục đẻo cưa bào... và cùng suy tư những trang dài của lịch sử dân Chúa thời Cựu ước.

Vị “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta” đó, Đấng Emmanuel đó không chỉ “cắm lều ở giữa nhân loại” nội trong một ngày, một tháng, một năm...mà là 33 năm tròn, trong đó 30 năm trường chấp nhận làm một kẻ vô danh tiểu tốt hiện diện trong mái ấm gia đình Na-da-rét. Sống mầu nhiệm Thánh Gia hôm nay phải chăng là cùng với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse lên đường “Trở về Na-da-rét” để sống mầu nhiệm gia đình cách trọn hảo, như lời dạy của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Tông huấn về Gia Đình:

“Nơi gia đình ấy, do ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã sống ẩn dật mấy chục năm trời. Thế nên, Gia đình ấy là nguyên mẫu và là tấm gương cho mọi gia đình Kitô hữu. Chúng ta hãy nhìn Gia đình ấy, Gia đình có một không ai trong thế giới, Gia đình đã sống âm thầm lặng lẽ trong một thị trấn nhỏ ở Palestina, Gia đình đã bị thử thách vì nghèo khổ, bắt bớ, lưu đày, Gia đình đã tôn vinh Thiên Chúa một cách trỗi vượt và tinh khiết vô song : Gia đình ấy sẽ không quên cứu giúp các gia đình Kitô hữu và cứu giúp cả mọi gia đình trên thế giới, để họ trung thành với các bổn phận hằng ngày của họ, để họ biết cách chịu đựng những âu lo và xáo trộn trong cuộc sống, để họ quảng đại mở lòng ra trước những nhu cầu của người khác, để họ vui vẻ hoàn tất chương trình của Thiên Chúa đã định cho họ” (TH Gia đình của ĐGH G.P.II, số 86-Kết luận)

Cuộc đời cứu thế của Chúa Giêsu cần thiết biết bao vai trò của cha mẹ trong một gia đình: Mẹ Maria và Thánh Giuse.

Chúng ta thấy đó: nếu không có Giuse tỉnh táo, biết lắng nghe và thực thi ý Chúa làm sao hài nhi bé bỏng đó có thể thoát khỏi nanh vuốt của bạo chúa Hêrôđê !

Và trong cuộc trường hành xuyên sa mạc từ Bêlem đến Ai Cập, một đoạn đường vào hạng khắc nghiệt nhất thế giới, đã từng chôn sống cả một đoàn quân tinh nhuệ của Rôma, quả thật, nếu không có cha Giuse và mẹ Maria bao bọc, che chở, ấp ủ…thì làm sao hài nhi bé bỏng Giêsu có thể an yên, “đi đến nơi về đến chốn”, vượt qua và chịu đựng nổi cái giá lạnh của mùa đông, cái nóng rát của mùa hè trên hàng trăm dặm đường dài hoang mạc!

Và sau nầy, khi thánh gia đã lập cư tại làng quê Na-da-ret, nếu không có cha, không có mẹ, không có mái ấm gia đình thân thương, thánh thiện, thì làm sao em bé Giêsu có thể “lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Chính vì thế, thế giới hôm nay đang rất cần những mái ấm gia đình, đang cần những người cha trách nhiệm, liêm chính, những người mẹ đảm đang đức hạnh. Có biết bao nhiêu cuộc đời “không lớn nổi thành người” vì ngay từ thuở ấu thơ đã đánh mất mái ấm gia đình, đã không có được một người mẹ để dấu yêu săn sóc, một người cha để dạy dỗ bảo ban.…

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông thư “Dấu chỉ Lạ lùng” đã phát hiện bao nhiêu dấu chỉ sống động mà Hang đá-Máng cỏ khơi gợi dân Chúa cầu nguyện và khám phá những bài học đức tin sâu sắc, nhất là xuyên qua 3 nhân vật chính làm nên Thánh Gia:

- “Đức Maria là một người mẹ đang chiêm ngắm hài nhi của Mẹ và tỏ hài nhi cho những người đến thăm. (…). Với lời thưa “Xin vâng” ấy, Maria trở thành mẹ của Con Thiên Chúa mà không mất sự đồng trinh, hay đúng hơn là thánh hóa sự đồng trinh ấy, nhờ Chúa. Chúng ta thấy Mẹ Thiên Chúa không giữ Con cho bản thân mình, nhưng Mẹ mời gọi tất cả hãy vâng theo lời Chúa và mang ra thực hành (Xc. Ga2,5). (AS Số 7).

- Cạnh Mẹ Maria, có thánh Giuse trong thái độ bảo vệ Hài Nhi và Mẹ Người. Người ta thường diễn tả thánh nhân tay đang cầm gậy và nhiều khi Người cũng đang cầm đèn. Thánh Giuse giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thánh nhân là người canh giữ không bao giờ mệt mỏi trong việc bảo vệ gia đình Người. Khi Thiên Chúa báo tin cho Người về sự đe dọa của Hêrôđê, Người không do dự lên đường và di tản sang Ai Cập (Xc. Mt 2,13-15). Và sau khi nguy hiểm qua đi, Người mang gia đình về Nazareth, tại đây Người sẽ là nhà giáo dục đầu tiên đối với Chúa Giêsu như thiếu nhi và thiếu niên. (…) (AS số 7)

- Con tim của hang đá máng cỏ bắt đầu đập mạnh khi chúng ta đặt tượng Chúa Hài Đồng Giêsu trong đó vào lễ giáng Sinh. Thiên Chúa xuất hiện như thế, trong một hài nhi, để chúng ta bồng bế Ngài. Trong sự yếu đuối mong manh ấy có tiềm ẩn quyền năng sáng tạo và biến đổi mọi sự của Ngài. Dường như đó là điều không thể xảy ra được, nhưng thực tế là như vậy: nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa là một hài nhi và trong thân phận ấy, Chúa muốn biểu lộ tình thương cao cả của Ngài, được diễn tả lộ qua một nụ cười, qua sự giơ đôi tay Ngài với bất kỳ ai. (AS số 8).

Trong bối cảnh một Đất Nước, một quê hương Việt nam càng ngày càng gia tăng các tệ nạn trong đời sống gia đình: nào là nạn ly dị, phá thai, buôn bán trẻ em và phụ nữ, nạn bạo hành trong gia đình, sự buông thả luân lý của giới trẻ, đồi trụy và bạo lực gia tăng nơi học đường..., thì con đường duy nhất để chữa trị những căn bệnh hiểm nguy nầy đó chính là tìm về học lại nơi mái trường “Thánh Gia”. Vã lại “học đường” nầy sẽ không bao giờ đóng cửa cho những ai khát khao thụ huấn. Cùng với toàn thể GHVN, chúng ta bước vào năm 2019 nầy là năm đầu tiên hướng về mục vụ giới trẻ, một đối tượng mục vụ mà gia đình luôn đóng một vai trò quyết định, như tông huấn về Gia đình của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II:

“Gia đình phải đào tạo cho con cái bước vào đời sống, giúp cho mỗi người con biết chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình tùy theo ơn gọi đã nhận được từ Thiên Chúa. Quả thế, nhờ rộng mở đến các giá trị siêu việt, vui vẻ phục vụ tha nhân, chu toàn các nghĩa vụ của mình một cách quảng đại và trung thành, cũng như luôn luôn ý thức về sự tham dự vào mầu nhiệm thập giá vinh quang của Đức Ki-tô, gia đình trở thành chủng viện đầu tiên và tuyệt hảo cho ơn gọi sống đời tận hiến vì Nước Thiên Chúa. Thừa tác vụ Tin mừng hoá và dạy giáo lý của cha mẹ, phải theo sát con cái suốt đời chúng, cả trong tuổi thiếu niên và tuổi thanh niên, là tuổi mà thường thường con cái hay đứng lên phản kháng hoặc thẳng thừng từ chối đức tin Ki-tô giáo mà chúng đã nhận trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Cũng như trong Hội Thánh, công việc Tin mừng hoá không bao giờ được thực hiện mà không gây đau khổ cho vị tông đồ, thì cũng thế trong gia đình Ki-tô hữu, cha mẹ phải rất can đảm và hết sức đương đầu với những khó khăn mà đôi khi thừa tác vụ Tin mừng hoá gặp phải nơi chính con cái của họ.” (Familiaris Consortio 53)

Trong ngày lễ Thánh Gia hôm nay, chúng ta cùng hiêp lời cầu xin Thánh Gia Thất đoái thương nguyện giúp cầu thay cho các gia đình Kitô hữu biết hướng cuộc sống về mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất trong đời sống cầu nguyện, yêu thương và phục vụ; xin cho các gia đình luôn biết không ngừng “trở về Na-da-rét” để thụ huấn với Thánh Gia những bài học chưa bao giờ lỗi thời, những bài học căn bản để làm người và làm con Thiên Chúa mà Thánh Phaolô đã ân cần nhắn gởi giáo đoàn Côlôsê trong thuở đầu của kỷ nguyên Kitô giáo: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau….Trên hết mọi đức tính, phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” Amen.

LM. Trương Đình Hiền