Dân biểu Loudermilk của đảng Cộng Hòa, đơn vị Georgia, đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi tại Hoa Kỳ khi tuyên bố hôm thứ Tư 18 tháng 12 rằng Chúa Giêsu Kitô đã được Philatô cho nhiều quyền hơn trong phiên tòa dẫn đến việc Ngài bị đóng đinh so với trường hợp Tổng thống Donald Trump bị đảng Dân Chủ luận tội.

“Trước khi các bạn bỏ phiếu trong ngày lịch sử, hôm nay, một tuần trước lễ Giáng sinh, tôi muốn các bạn ghi nhớ điều này: Khi Chúa Giêsu bị vu cáo là xúi dân làm loạn, Quan Phongxiô Philatô đã cho Chúa Giêsu có cơ hội đối mặt với những người tố cáo của Ngài”. Dân biểu Barry Loudermilk đưa ra nhận xét trên hôm thứ Tư tại diễn đàn Hạ Viện, khi Hạ Viện Hoa Kỳ tranh luận về một đề nghị buộc tội tổng thống Trump.

“Trong suốt phiên toà giả trá ấy, Quan Phongxiô Philatô đã dành cho Chúa Giêsu nhiều quyền hơn, so với đảng Dân chủ đã dành cho vị tổng thống của chúng ta trong tiến trình này,” ông nói thêm trước khi hết thời gian dành cho mình.

Brandon Cockerham, giám đốc truyền thông của Dân biểu Loudermilk, thanh minh với thông tấn xã Catholic News Agency như sau:

“Dân biểu Loudermilk chỉ đơn thuần muốn làm một so sánh về tiến trình này. Ông muốn nói là Quan Phongxiô Philatô để Chúa Giêsu được đối mặt với những kẻ tố cáo của Ngài, còn đảng Dân chủ đã từ chối cho phép tổng thống hay đảng Cộng hòa biết ai là người tố cáo là, đó là chưa kể đến quyền chất vấn các tố cáo này”

Chương thứ 23 của Phúc Âm Thánh Luca kể lại rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã bắt Chúa Giêsu, khi Ngài đang cầu nguyện ở Vườn Gethsemane ở Giêrusalem, và sau đó điệu đến nhà của Quan Phongxiô Philatô, lúc đó là tổng trấn xứ Giuđêa trong Đế quốc La Mã.

Các thượng tế nói với Quan Phongxiô Philatô rằng:

“Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa.”

Ông Philatô hỏi Người: “Ông là Vua dân Do thái sao? “ Người trả lời: “Chính ngài nói đó.” Ông Philatô nói với các thượng tế và đám đông: “Ta xét thấy người này không có tội gì.” Nhưng họ cứ khăng khăng nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđêa, bắt đầu từ Galilê cho đến đây.”

Trong bài phát biểu hôm 18 tháng 12 dân biểu Loudermilk cũng đã chất vấn Phát ngôn viên Hạ Viện Nancy Pelosi, là người đã nói vào tháng trước rằng nếu Trump có bằng chứng mình vô tội, thì “ông nên công khai hóa các bằng chứng ấy.” Theo dân biểu Loudermilk, tổng thống Trump đã nhiều lần bị từ chối quyền hiến định của mình trong suốt quá trình luận tội.

Ông Loudermilk nói:

“Hiến pháp bảo đảm rằng người bị cáo buộc có quyền yêu cầu các nhân chứng ra làm chứng cho họ. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa và tổng thống đã liên tục bị phủ nhận quyền này trong suốt tiến trình”

Hồi đầu năm nay, một người đã cáo buộc tổng thống lạm quyền của mình bằng cách thúc bách tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở một cuộc điều tra cựu phó chủ tịch Joe Biden và con trai ông là Hunter, nếu không viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ bị giữ lại.

Người “tố cáo” này chưa được xác định, và vì thế, tổng thống Trump không thể chất vấn người ấy. Điều này, theo dân biểu Loudermilk, là vi phạm Tu Chính Án thứ sáu, trong đó tuyên bố rằng mọi người có quyền được xét xử công bằng và được đối diện với người tố cáo.

Quá trình luận tội chính thức bắt đầu ngày 24 tháng 9. Hai cáo buộc được đưa ra là tổng thống Trump “lạm dụng quyền lực” và “cản trở của Quốc hội”

Trong cuộc bỏ phiếu tối thứ Tư, Hạ viện do đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua việc buộc tội tổng thống. Tuy nhiên, việc thông qua này hầu chắc là không đi tới đâu. Tại Thượng viện, do đảng Cộng Hòa kiểm soát phán quyết gần như chắc chắn sẽ bị đảo ngược.


Source:Catholic News Agency