Theo nữ ký giả Inés San Martín của tạp chí Crux (https://cruxnow.com/vatican/2019/12/pope-calls-idea-of-declaring-mary-co-redemptrix-foolishness/), Đức Phanxicô đã thẳng thừng bác bỏ các đề nghị của một số giới thần học muốn thêm tước hiệu “đồng công cứu chuộc” vào danh sách các tước hiệu của Trinh Nữ Maria. Ngài nói rằng Mẹ Chúa Kitô không bao giờ lấy bất cứ điều gì vốn thuộc Con của ngài, và gọi việc sáng chế ra các tước hiệu và tín điều mới là “chuyện ngớ ngẩn” (foolishness).



Đức Phanxicô nói, “Đức Mẹ không bao giờ muốn cho mình điều vốn thuộc Con của ngài”. Đức Giáo Hoàng cho hay “Ngài không bao giờ tự giới thiệu mình là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc cả. Không, là môn đệ thôi”, nghĩa là Đức Maria coi mình như là môn đệ của Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, "Đức Maria không bao giờ đánh cắp cho mình bất cứ điều gì vốn là của Con mình”, thay vào đó là “phục vụ Người. Vì ngài là bà mẹ. Ngài chỉ biết cho đi sự sống”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh “Khi họ đến với chúng ta với câu chuyện tuyên bố cho Đức Mẹ điều này điều nọ hoặc đưa ra tín điều này tín điều nọ, chúng ta đừng sa vào sự ngớ ngẩn đó”.

Lời lẽ trên của Đức Phanxicô, phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha, đã diễn ra trong khi cử hành Thánh lễ tối thứ Năm tại Rôma nhân Lễ Đức Mẹ Guadalupe.

Tước hiệu của Đức Maria như là “Đấng Đồng Công Cứu Chuộc” đã có từ thời Trung cổ, và ý tưởng tuyên bố nó như một tín điều của Giáo Hội đã được thảo luận, dù không được chấp nhận, tại Công đồng Vatican II. Vào những năm 1990, nhà thần học Công Giáo người Mỹ Mark Miravalle (1) đã đưa ra một bản kiến nghị yêu cầu Đức Giáo Hoàng thực hiện một tuyên bố như thế, và ngày nay, lòng tôn sùng “Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc” có xu hướng mạnh nhất nơi các người Công Giáo bảo thủ hơn.

Điều Đức Phanxicô nói hôm thứ Năm phù hợp với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người đứng đầu Bộ giáo lý đức tin của Vatican trong hầu hết thời giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II, và bây giờ là Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI.

Nói chuyện với Peter Seewald trong cuộc phỏng vấn dài sau ấn hành thành sách tựa là “Thiên Chúa và Thế giới: Một Cuộc Đàm Thoại”, vị Giáo Hoàng hưu trí, lúc đó là Hồng Y, đã nói rằng: “Công thức 'co-redemptrix' [đồng công cứu chuộc] đi quá xa khỏi ngôn ngữ Kinh thánh và các Giáo phụ, và do đó làm nảy sinh nhiều hiểu lầm”.

Đức Hồng Y Ratzinger nhấn mạnh “Như Thư gửi tín hữu Êphêsô và nhất là Thư gửi tín hữu Côlôxê cho chúng ta biết, mọi sự đều xuất phát từ Người; Đức Maria, cũng vậy, mọi sự Đức Mẹ là đều thông qua Người”. Từ ngữ ‘co-redemptrix’, sẽ che khuất nguồn gốc này. Một ý định đúng đắn được phát biểu cách sai lầm”.

Trong các nhận xét khác của ngài, Đức Phanxicô cho biết cuộc cử hành được tổ chức tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, đoạn Tin Mừng được đọc và bức ảnh La Morenita [Đức Mẹ (2)] đứng cao trước mặt và ở bên cạnh bàn thờ khiến ngài nghĩ đến ba tĩnh từ dành cho Đức Maria: người đàn bà – Đức Bà – bà mẹ và mestiza (3).

Đức Giáo Hoàng nói, “Đức Maria tự giới thiệu ngài là một người đàn bà. Và ngài tự giới thiệu ngài với thông điệp của một người khác. Có nghĩa, ngài là người đàn bà và ngài là môn đệ”.

Đức Phanxicô nói, “Lòng đạo đức Kitô giáo, trong suốt các thời đại, luôn tìm cách ca ngợi ngài bằng các tước hiệu mới. Tất cả đều là những tước hiệu hiếu thảo” nhằm nói lên “tình yêu của dân Thiên Chúa, nhưng không hề đụng đến tư cách người đàn bà làm môn đệ của ngài”.

Đức Phanxicô nói, Thánh Inhaxiô thích gọi Đức Trinh Nữ là “Đức Bà”. Theo vị giáo hoàng người Argentina, “thì đơn giản là như thế. Ngài không mong đợi bất cứ điều gì khác. Ngài là đàn bà, ngài là đệ tử”.

Đức Giáo Hoàng cũng dẫn lời Thánh Bernard nói rằng không có lời khen ngợi nào đủ để nói về Đức Maria, nhưng cuối cùng, không có gì đại diện cho “tư cách môn đệ khiêm nhường” của ngài hơn là việc “trung thành với thầy của ngài, tức con trai của ngài, là đấng cứu chuộc duy nhất”.

Các lời lẽ trên của Đức Phanxicô đã được nói ra khi ngài cử hành Thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha cho hàng ngàn người tụ tập tại Nhà thờ Thánh Phêrô để đánh dấu ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe, Quan thầy của Châu Mỹ và của Phi Luật Tân. Thánh lễ này là một truyền thống mà ngài đã bắt đầu trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của ngài.

Sau đó, vị giáo hoàng chuyển sang tĩnh từ tiếp theo, đó là “bà mẹ”. Đức Maria là mẹ của mọi dân tộc, “đối với mọi người chúng ta”, “của trái tim chúng ta, của linh hồn chúng ta”, và cũng là mẹ của Giáo hội. Và ngài cũng là “một nhân vật trong Giáo Hội”.

Đức Giáo Hoàng nói, “Chúng ta không thể nghĩ đến Giáo hội mà không có nguyên tắc Thánh Mẫu này. Khi chúng ta tìm kiếm vai trò của người đàn bà trong Giáo hội, chúng ta có thể đi qua ngả chức năng tính, bởi vì người đàn bà quả có chức năng để hoàn thành trong Giáo hội, nhưng điều đó chỉ giúp chúng ta nửa chừng”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh, “Đức Maria đàn bà, Đức Maria bà mẹ, không có bất cứ tước hiệu thiết yếu nào khác”. Ngay trong các Kinh Cầu (litanies), được đọc vào cuối chuỗi Mân côi, là các tước hiệu được dâng lên ngài bởi những đứa con yêu mến ngài và hát cho bà mẹ của họ nghe, nhưng cuối cùng, họ không thay đổi “yếu tính” của điều “Đức Maria, người đàn bà và là bà mẹ” của ngài.

Đức Giáo Hoàng nói, tĩnh từ thứ ba, có nghĩa Đức Maria trở thành “Mestiza” để là mẹ của mọi người. “Ngài trở thành mestiza với nhân loại. Bởi vì ngài đã làm cho Thiên Chúa trở thành mestizo. Và đây là mầu nhiệm cao cả: Đức Maria làm cho Thiên Chúa trở thành một mestizo, Thiên Chúa thực sự nhưng cũng là con người thực sự”.

“Đức Maria là đàn bà, là Đức Bà của chúng ta; Đức Maria là mẹ của Con ngài và của Giáo hội phẩm trật thánh thiện, người đàn bà của các dân tộc chúng ta nhưng là người đã biến Thiên Chúa thành một mestizo”.

Ghi chú

(1). Chúng tôi có loạt bài về chủ đề này trên VietCatholic News các ngày 7 tới 12 tháng 5, 2008, xin xem http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/54612

(2) La Morenita, một hạn từ Tây Ban Nha chỉ người đàn bà nói tiếng Tây Ban Nha da ngăm ngăm, một hạn từ trìu mến.

(3) Mestizo (giống cái mestiza) một hạn từ xưa nay được dùng ở Tây Ban Nha, Châu Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha và cả Phi Luật Tân để chỉ một người thuộc dòng máu lai Âu Châu và thổ dân Châu Mỹ, bất kể họ sinh ra ở đâu.