Trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô, hôm Thứ Tư, 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng ngài sẽ gởi một lá thư cho các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới để giải thích ý nghĩa máng cỏ Giáng Sinh.

Trước hết, Đức Thánh Cha cho biết ngài sẽ đến Greccio vào ngày Chúa Nhật 1 tháng 12, nhân dịp Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng, chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.

Thị trấn Umbria, thuộc tỉnh Rieti, phía đông bắc Rôma, là nơi đầu tiên máng cỏ Giáng Sinh được thực hiện bởi thánh Phanxicô thành Assisi, vào năm 1223, tức là ba năm trước khi ngài qua đời.

“Tôi sẽ đến Greccio, để cầu nguyện nơi máng cỏ đầu tiên của Thánh Phanxicô thành Assisi,” Đức Thánh Cha nói.

Sau đó, Đức Thánh Cha công bố rằng một lá thư sẽ được gởi cho tất cả các tín hữu Công Giáo nhằm làm rõ ý nghĩa của máng cỏ Giáng Sinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Greccio vào tháng Giêng năm 2016. Ngài đã cầu nguyện trước bức bích họa mô tả máng cỏ Giáng Sinh đầu tiên được thực hiện tại Greccio bởi Thánh Phanxicô thành Assisi, là vị Thánh Quan Thầy của Greccio. Ngài cũng dành thời gian để trao đổi với cộng đồng các tu sĩ Phanxicô quản thủ Đền thờ.

Sau sáng kiến thực hiện máng cỏ Giáng Sinh của Thánh Phanxicô thành Assisi, đến nay, các nghệ nhân Italia đã đóng góp rất nhiều và đã tạo ra nhiều kiệt tác về mặt nghệ thuật. Máng Cỏ không chỉ diễn tả biến cố Giáng Sinh ở Bê Lem, mà còn cho thấy cuộc sống thường nhật của người dân, với trang phục, nhà cửa, công việc và niềm vui sống. Nhìn vào những Máng Cỏ của Italia, người ta đọc thấy lịch sử và văn hoá của nhiều khu vực qua nhiều thời đại. Italia có 40 tổng giáo phận và 187 giáo phận. Tờ Corriere Della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết năm ngoái, hơn một nửa trong số 227 tổng giáo phận và giáo phận có các hội thi làm máng cỏ Giáng Sinh.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có sáng kiến thiết lập cây thông Giáng Sinh và hang đá ở Quảng trường Thánh Phêrô vào năm 1982. Vị kế nhiệm ngài là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ủng hộ nồng nhiệt sáng kiến này và giải thích thêm rằng: “hang đá không chỉ là một yếu tố linh đạo, nhưng còn là một yếu tố văn hóa và nghệ thuật.”


Source:Zenit