Theo tin Vatican News, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sáng thứ Hai, 25 tháng 11, đã có buổi gặp gỡ với các nạn nhân của động đất, sóng thần và tai nạn hạch nhân đã tàn phá Fukushima năm 2011.



Các nạn nhân sống sót đã chia sẻ các trải nghiệm của họ. Giáo viên mẫu giáo Toshito Kato, người mà thị trấn của bà bị cuốn đi bởi trận sóng thần, nói rằng bất chấp tai họa, “tôi đã nhận được nhiều điều hơn là mất mát”. Bà nói đến ‘tầm quan trọng của việc dạy các em sự qúy giá của sự sống”.

Tokuun Tanaka, một tu sĩ Phật Giáo, người mà ngôi chùa của ngài không xa nhà máy điện lực nguyên tử Fukushima bao nhiêu, hỏi rằng chúng ta có thể đáp ứng ra sao trước các thiên tai; ngài bảo “suy niệm trung thực và khiêm nhu, hiểu biết sâu sắc, và các quyết định về những gì phải làm đều cần thiết”. Ngài nhấn mạnh “Điều quan trọng hơn cả là lắng nghe tiếng nói của trái đất”.

Matsuki Kamoshita 8 tuổi khi em và gia đình di tản vào Tokyo sau tai nạn hạch nhân ở Fukushima. Em nói người lớn nên nói sự thật về các hậu quả của ô nhiễm phóng xạ.

Em yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng cầu nguyện “để chúng ta đánh giá cao nỗi đau của nhau và yêu thương người lân cận của chúng ta”. Em yêu cầu “xin vui lòng cầu nguyện với chúng tôi để người khắp thế giới chịu làm việc để tận diệt cơn đe dọa phải hứng chịu phóng xạ trong tương lai”.

Hy vọng một tương lai đẹp đẽ hơn

Sau khi nghe chứng từ của các nạn nhân sống sót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cám ơn họ đã phát biểu “đau buồn”, nhưng cũng cả “hy vọng của họ nữa về một tương lai đẹp đẽ hơn”.

Ngài yêu cầu dành một phút im lặng lúc bắt đầu bài diễn văn của ngài “để những lời nói đầu tiên của chúng ta là lời cầu nguyện” cho những người đã chết, cho gia đình họ và cho những người vẫn còn mất tích. “Xin cho lời cầu nguyện này kết hợp chúng ta và đem lại cho chúng ta lòng can đảm để nhìn tới một cách đầy hy vọng”.

Biết ơn sự trợ giúp

Đức Thánh Cha cám ơn những người đã đáp ứng một cách quảng đại để trợ giúp các nạn nhân, cả bằng lời cầu nguyện lẫn các trợ giúp vật chất và tài chánh.

Ngài nói “Chúng ta đừng nên để cho hành động này bị mất hút với thời gian hay biến mất sau cơn sốc buổi đầu, đúng hơn, chúng ta nên tiếp tục nâng đỡ”. Ngài kêu gọi “mọi người thiện chí để các nạn nhân của các thảm họa này tiếp tục nhận được sự trợ giúp rất cần”.



“Không ai tự mình tái thiết được”

Ngài nhấn mạnh nhu cầu phải có những nhu yếu phẩm căn bản nhất trong đó có thực phẩm, áo quần và chỗ ở. Ngài nói việc này “đòi cảm nhận được tình liên đới và sự trợ giúp của cả cộng đồng. Không ai ‘tái thiết’tự mình được; không ai một mình có thể bắt đầu lại được”.

Sau khi ca ngợi Nhật Bản đã chứng tỏ “một dân tộc có thể đoàn kết ra sao trong tình liên đới, kiên nhẫn, kiên trì, và mềm dẻo”, ngài mời cử tọa “tiến từng bước, mỗi ngày, đề xây dựng một tương lai dựa trên tình liên đới và cam kết lẫn nhau”.

Một nền văn hóa có khả năng chống lại sự dửng dưng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời một câu hỏi của Tokuun về việc phải đáp ứng ra sao các vấn đề lớn như chiến tranh, tỵ nạn, thực phẩm, bất bình đẳng kinh tế, và các thách đố môi trường, nói rằng chúng ta không thể đối đầu với các vấn đề này cách tách biệt được.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng các thách đố này liên hệ qua lại chặt chẽ với nhau. Nhưng, ngài nói “điều quan trọng hơn cả ... là tiến triển trong việc xây dựng một tương lai có khả năng đánh phá được sự dửng dưng”. Theo ngài, “chúng ta phả làm việc với nhau để phát huy ý thức này: nếu một thành viên trong gia đình chúng ta đau, mọi người chúng ta đều đau. Hiện tượng liên kết qua lại với nhau sẽ không diễn ra trừ khi chúng ta vun sới đức khôn ngoan của việc ở cùng nhau”.

Bãi bỏ năng lực nguyên tử

Suy tư cách đặc biệt về tai nạn của nhà máy năng lực nguyên tử ở Fukushima, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngoài các quan tâm về khoa học và y khoa, “cũng còn thách thức to lớn về việc phục hồi cơ cấu xã hội”. Ngài nói, việc này nêu lên vấn đề đáng lo ngại về việc tiếp tục sử dụng năng lực nguyên tử; và ngài nhận định rằng các Giám Mục Nhật Bản kêu gọi bãi bỏ các nhà máy năng lực nguyên tử.

Ngài nói rằng trong một thời đại “người ta bị cám dỗ biến tiến bộ kỹ thuật thành thước đo tiến bộ nhân bản”, điều quan trọng là dừng lại và suy tư về điều “chúng ta là ai... và chúng ta muốn trở nên loại người nào”.

Nẻo đường mới cho tương lai

Khi nghĩ tới “tương lai ngôi nhà chung của chúng ta”, ngài nói, “chúng ta cần hiểu ra rằng chúng ta không thể đưa ra các quyết định hoàn toàn vị kỷ, và chúng ta có trách nhiệm lớn đối với tương lai”. Ngài nói rằng các chứng từ của các nạn nhân sống sót nhắc nhở chúng ta việc cần phải tìm ra một nẻo đường mới dẫn tới tương lai, một nẻo đường bắt nguồn từ việc tôn trọng mỗi người và thế giới tự nhiên”.

Nắm tay nhau, hợp nhất trong lòng

Kết thúc bài diễn văn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “trong công trình phục hồi và tái thiết liên tục sau tai họa ba mặt, nhiều bàn tay phải nắm lấy nhau và nhiều cõi lòng phải hợp nhất như một” để các nạn nhân của thảm họa “được trợ giúp và biết họ không bị lãng quên”.

Một lần nữa, khi cám ơn mọi người “đã cố gắng làm nhẹ gánh nặng cho các nạn nhân”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ niềm hy vọng của ngài là “lòng cảm thương sẽ là nèo đường giúp mọi người tìm thấy hy vọng, ổn định, và an toàn cho tương lai”. Và ngài cầu nguyện “Xin Thiên Chúa ban cho mọi người qúy vị và mọi người thân yêu của qúy vị các phúc lành khôn ngoan, sức mạnh và hòa bình của Người”.