Tin của Vatican News ngày 21 tháng 11 cho hay: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đọc bài diễn văn chính thức đầu tiên tại Thái Lan trước các thành viên chính phủ, các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo, và ngoại giao đoàn. Trong nhiều vấn đề, ngài nhắc nhở họ rằng phục vụ ích chung là nhiệm vụ cao qúy nhất của chúng ta.



Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Bangkok vào thứ Tư trong chặng đầu tiên của chuyến Tông du kéo dài bảy ngày của ngài đến Châu Á. Nhưng buổi lễ nghinh đón chính thức diễn ra vào sáng thứ Năm tại Tòa nhà Chính phủ, nơi ngài gặp Thủ tướng Thái Lan, các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo, và các thành viên của ngoại giao đoàn.

Trong bài diễn văn của ngài, Đức Giáo Hoàng đã mô tả Thái Lan như là “người bảo vệ các truyền thống văn hóa và tâm linh lâu đời”, một quốc gia đa sắc tộc và đa dạng, từ lâu vốn “biết tầm quan trọng của việc xây dựng hòa hợp và chung sống hòa bình giữa nhiều nhóm sắc tộc của mình".

Hoàn cầu hóa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng hoàn cầu hóa thường bị xem xét theo các khía cạnh kinh tế hẹp hòi, và điều này có xu hướng “xóa nhòa các đặc điểm nổi bật vốn tạo nên vẻ đẹp và linh hồn các dân tộc chúng ta”. Ngài nói tiếp, kinh nghiệm thống nhất, một kinh nghiệm biết tôn trọng và dành chỗ cho đa dạng “đã được dùng làm gợi hứng và kích thích cho những ai biết quan tâm tới loại thế giới chúng ta muốn để lại cho con cái của chúng ta”.

Đối thoại liên tôn

Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài mong chờ được gặp vị Tăng Thống Phật giáo “như một dấu chỉ tầm quan trọng và cấp bách của việc cổ vũ tình hữu nghị và đối thoại liên tôn. Ngài khẳng định cam kết của cộng đồng Công Giáo Thái Lan, tuy nhỏ nhưng sinh động, đối đầu với “tất cả những gì dẫn chúng ta đến chỗ trở nên vô cảm trước tiếng kêu than của nhiều anh chị em khao khát được giải thoát khỏi ách thống trị của nghèo đói, bạo lực và bất công”.

Tự do

Tên Thái Lan có nghĩa chiểu tự là “Đất của người Tự Do”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến sự kiện này, và nói rằng chúng ta biết tự do chỉ khả hữu “khi chúng ta có khả năng cảm thấy cùng chịu trách nhiệm lẫn nhau và loại bỏ mọi hình thức bất bình đẳng”. Do đó, ngài cho hay cần phải “bảo đảm rằng các cá nhân và cộng đồng có thể có giáo dục, lao công xứng đáng và chăm sóc sức khỏe”, để đạt được “mức độ tối thiểu lâu bền có thể giúp phát triển con người một cách toàn diện”.

Di dân

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau đó đã lưu ý đến vấn đề di dân, gọi nó là “một trong những dấu chỉ thời đại của chúng ta”, và là “một trong những vấn đề đạo đức chính mà thế hệ chúng ta phải đối diện”. Nhìn nhận Thái Lan vì sự nghinh đón nó đã dành cho người di cư và người tị nạn, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài hy vọng “cộng đồng quốc tế sẽ hành động một cách trách nhiệm và có tầm nhìn xa” để giải quyết các vấn đề từng dẫn đến cuộc di cư bi thảm này, “và sẽ cổ vũ một cuộc di dân an toàn, có trật tự và có quy định”.

Khai thác

Đức Giáo Hoàng tiếp tục lên tiếng thay cho tất cả các phụ nữ và trẻ em “đang bị thương tổn, vi phạm và chịu đủ hình thức bóc lột, nô lệ, bạo lực và lạm dụng”. Một lần nữa, ngài bày tỏ lòng biết ơn của ngài đối với các nỗ lực của chính phủ Thái Lan nhằm “tận diệt tai họa này” và “đối với những người đang cố gắng nhổ tận rễ tội ác này”. Nhắc lại rằng năm nay đánh dấu năm thứ ba mươi của Công ước Quyền Trẻ em và Vị thành niên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “Tương lai các dân tộc chúng ta được liên kết rất nhiều vào cách thức chúng ta bảo đảm một tương lai xứng đáng cho con cái chúng ta”.

Lòng hiếu khách

Đức Giáo Hoàng kết luận bài diễn văn của ngài với chính quyền Thái Lan và các thành viên của ngoại giao đoàn, bằng cách nhấn mạnh các xã hội của chúng ta cần điều ngài gọi là “các nghệ nhân của lòng hiếu khách”: những người đàn ông và đàn bà tận tụy với “việc phát triển toàn diện mọi con người trong một gia đình nhân loại cam kết sống trong công lý, liên đới và hòa hợp huynh đệ”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng việc làm cho việc phục vụ ích chung đến với mọi ngõ ngách của đất nước này “là một trong những nhiệm vụ cao quý nhất mà một ai đó có thể thực hiện”.