KINH KÍNH MỪNG VÀ “D N TỘC CỦA TÁM MỐI PHÚC”

Khi nói và nhìn về Hội Thánh – Tức – Giáo Hội của Chúa Kitô, hình ảnh và ý nghĩ đầu tiên của nhiều người đó là “cộng đoàn của những tín hữu tin vào Chúa Kitô và quy tụ trong các “tổ chức Giáo Hội” như Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo và Anh giáo”.

Và với cái nhìn nầy – “các tổ chức” – Giáo Hội cũng chẳng qua là một “tổ chức xã hội”, một “cộng đoàn người” như bao nhiêu tổ chức và cộng đồng khác đã đang và sẽ hiện hữu trong thế giới.

Mà đã là một “tổ chức xã hội”, một “cộng đồng người”, thì trải qua thăng trầm của lịch sử và mang thân phận giới hạn tất yếu của con người, các Giáo Hội Kitô nói chung, hay Giáo Hội Công Giáo nói riêng, không tránh khỏi những “vết nhơ”, những “đồi truỵ”, những “biến chất”, những “suy thoái”... Và người ta đã có hàng lô những chứng cứ rõ ràng và thuyết phục về sự thật đáng buồn đó trong nhiều giai đoạn lịch sử suốt 2000 năm nay và ngay cả chính nơi thời đại hôm nay.

Nếu nhìn Hội Thánh Chúa Kitô chỉ với một “góc nhìn” mang tính trần tục và tự nhiên đó, thì quả thật, như cách ví von đầy ý nghĩa và thuyết phục của cố mục sư Tin Lành Lutheran người Rumani, thì Hội Thánh chỉ là một “nhà thương bốc mùi tanh tưởi của máu mủ”; đơn giản, vì đó là nơi “cưu mang những bệnh nhân” để mang đến sự chữa lành.

Thế nhưng, trong chính ngày đầu tiên của tháng 11, Phụng vụ của Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta một “góc nhìn về Hội Thánh” khác, đúng hơn, “một thành phần” không thể thiếu trong 3 thành phần làm nên một “Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền”, thành phần đó, cộng đoàn đông đảo đó được gọi là “Các Thánh Nam Nữ ở trên trời”, hay còn được gọi là “Giáo Hội chiến thắng”, “Hội thánh khải hoàn”, luôn gắn kết mật thiết với “Hội Thánh đau khổ” (các linh hồn nơi luyện ngục) và “Hội Thánh chiến đấu hay lữ hành” (Giáo Hội đang hiện diện trên trần thế).

Theo định nghĩa của chính sách Khải huyền được công bố qua Bài đọc 1 hôm nay thì Hội Thánh đó, cộng đoàn các Thánh Nam nữ đó là “những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”…; họ là “đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiêng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”.

Trong khi đó, Thánh Gioan trong thư thứ 1, lại định nghĩa cách đơn giản hơn: Các Thánh chính là những người nhờ tình yêu được gọi là “con Thiên Chúa” và “khi được tỏ ra” thì “sẽ giống như Người”.

Qua hai cách định nghĩa đó, chúng ta có thể nhận ra hai chiều kích cơ bản của sự “thánh thiện Kitô giáo: Thập giá và tình yêu. Không thể là “Thánh” nếu không “giặt áo mình trong máu Con Chiên”; và cũng không thể “Thánh”, nếu không “yêu thương” để nên giống Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, trong kho tàng đời sống đức tin của Giáo Hội, còn có rất nhiều những định nghĩa khác về các Thánh Nam Nữ, về Hội Thánh khải hoàn, có khi mang hình ảnh rất biểu tượng. Chẳng hạn như:

- Nhà giảng thuyết R.A. Knox thì cho rằng: Các Thánh là “những vì sao lấp lánh trên bầu trời”: “Khi nhìn lên bầu trời vào đêm tháng Mười Một và nhìn thấy một khoảng trời đầy sao lấp lánh, bạn hãy nghĩ đến vô số các Thánh trên thiên đàng đang sẵn lòng giúp đỡ bạn” (R.A. Knox, Bài giảng 1.11.1950). Có lẽ, cũng đồng cảm với ý niệm nầy, mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu trong một đêm sao, khi nhìn thấy chòm sao có hình chữ T, đã hân hoan thốt lên: “Kìa tên con đã được viết trên trời”.

- Trong khi đó, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, lại định nghĩa Các Thánh là những “người thợ khiêm tốn nhưng vĩ đại”: “những con người nam nữ qua việc không mệt mỏi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho Chúa. Sau khi đã sống cuộc đời âm thầm chẳng được ai biết đến, và có thể còn bị những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các Ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các Ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại, đối với công cuộc phát triển Nước Chúa trong lịch sử” (ĐGH G.P. II, Tông Huấn “Kitô hữu giáo dân”, 30.12.1988).

Phải chăng, đó là định nghĩa rất gần, hay đúng hơn, là cách cắt nghĩa đầy hiện sinh chân dung của các Thánh Nam nữ được Chúa Kitô gọi chung là những người được “Phúc”, mà chúng ta vừa nghe trong trích đoạn Tin Mừng “Tám Mối phúc thật”:

- Thánh vì được Nước Trời nhờ sống tinh thần nghèo khó.

- Thánh vì được cơ nghiệp Nước Trời vì sống hiền lành.

- Thánh vì được Thiên Chúa an ủi khi đón nhận khổ đau.

- Thánh vì được Thiên Chúa ban tràn đầy khi khát khao công chính.

- Thánh vì được Thiên Chúa xót thương khi biết thương người.

- Thánh vì được trực diện Thiên Chúa khi mang trái tim trong sạch.

- Thánh vì được làm con cái Thiên Chúa khi sống thuận hoà, hiệp nhất.

- Thánh vì được vào Nước Trời khi chấp nhận thương đau bách hại.

Nhưng, họ có là gì chăng nữa, thì liệu có ích gì cho chúng ta hôm nay? Vâng, đây lại là một chiều kích mà Phụng vụ lễ Các Thánh nam nữ hôm nay nhắm đến. Mầu nhiệm các Thánh cùng hiệp thông – Thông công.

Thật vậy, như Sách Huấn Ca mà chúng ta thường nghe đọc trong các Thánh lễ An Táng: “Đối với mắt người không hiểu, thì các ngài đã chết và việc các ngài ra đi bị coi là bất hạnh, việc các ngài lìa xa chúng ta là rơi vào cảnh diệt vong.”

Còn với chúng ta, những kẻ tin rằng, chết và sống vẫn còn hiệp thông, thông công, như sách Khôn Ngoan đã dạy: “Nhưng thật ra các ngài đang hưởng bình an…Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời.”

Trong khi đó, Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô, trong tông huấn bàn về sự nên thánh của dân Chúa, Gaudete et Exsultate, đã xác quyết về mối tương quan giữa “Thánh nhân” và “phàm nhân”, giữa Các Thánh nam nữ trên trời và chúng ta đang còn ở dưới thế:

“Giờ đây trước nhan Chúa, các thánh vẫn giữ mối ràng buộc yêu thương và hiệp thông với chúng ta. … Mỗi người chúng ta có thế nói: “Được vây quanh bởi các bạn hữu Chúa, dìu dắt và hướng dẫn... tôi không phải mang vác điều mà một mình tôi không thế mang vác nổi. Tất cả các thánh của Thiên Chúa bảo vệ, nâng đỡ và dẫn đưa tôi” (GE Số 4).

Nhưng còn hơn một sự chuyển cầu hay nêu gương thánh thiện, sứ điệp ngày lễ Các Thánh hôm nay còn gọi mời chúng ta dấn thân làm thánh.

Thật vậy, cái con đường “Tám Mối phúc thật” mà các Thánh đã thể hiện như chúng ta vừa đề cập đó lại được đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông huấn Gaudete et Exsultate, phát hiện ngay chính nơi cuộc đời của rất nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta; và ngài không ngần ngại gọi họ chính là “những vị thánh” ở giữa đời thường:

“Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là những người thuộc “tầng lớp giữa của con đường nên thánh” (GE số 7).

Hoá ra, cuộc cử hành lễ các Thánh Nam Nữ hôm nay lại là cuộc “cử hành của chính niềm hy vọng, cùng đích và cuộc chiến đấu mỗi ngày” của mỗi cuộc đời người Kitô hữu chúng ta hôm nay. Vì đó chính là ơn gọi và căn tính của chúng ta, như trong những lời mở đầu của tông huấn gọi mời nên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Vì Chúa đã chọn mỗi người chúng ta “để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (Ep 1,4) (GE số 2).

Sau hết, ở giữa cộng đoàn đông đảo các Thánh Nam Nữ, chúng ta thấy hiện lên dung nhan của một vị “Nữ vương toàn thể các thánh”, người Mẹ thánh đó là Đức Trinh Nữ Maria, mà Đức Giáo Hoàng đã nêu bật như một điểm quy chiếu của hành trình nên thánh của dân Chúa:

“Mẹ Maria là vị thánh giữa các thánh, có phúc hơn mọi người khác, Mẹ chỉ bảo cho chúng ta nẻo đường thánh thiện và luôn đồng hành với chúng ta. Mẹ không bỏ rơi chúng ta trong tình trạng sa ngã và có những lúc Mẹ dang tay ôm lấy chúng ta mà không phán xét. Trò chuyện với Mẹ chúng ta được an ủi, được giải thoát và được thánh hóa. Mẹ không cần chúng ta nhiều lời, Mẹ không cần chúng ta cố gắng quá nhiều để giải thích cho Mẹ những gì đang xảy ra trong cuộc sống mình. Chúng ta chỉ cần thầm thì lặp đi lặp lại: “Kính mừng Maria...”.

Vâng, để “cầm cành vạn tuế và mặc áo trắng”, để làm thánh, để “làm dân tộc của Tám Mối phúc”, để trở nên những vj thánh giữa đời thường…điều đơn giản trước tiên, là bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày, chúng ta hãy đọc kinh Kính Mừng. Amen.

LM. Trương Đình Hiền