LITTLE SAIGON, California - Một sự kiện đặc biệt vừa diễn ra tại Little Saigon, thủ đô tinh thần của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản. Đó là Lễ Truy Điệu và An Táng 81 Hài Cốt Tử Sĩ thuộc Đại đội 72, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, Quân Lực VNCH sau hơn 33 năm được cất giữ tại cơ sở quân đội Hoa Kỳ tại Hawaii, và nay buổi lễ được tổ chức nhờ công của ông Jim Webb, cựu Bộ Trưởng Hải Quân dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan, cựu Nghị Sĩ Dân Chủ tiểu bang Virginia. Phu nhân của ông Webb là người Việt Nam.

Cựu Nghị Sĩ Jim Webb và phu nhân, vị đại ân nhân Gia Đình Mũ Đỏ VNCH. (Thanh Phong/Viễn Đông)
Ông và Đại Tá Castagnetti, hai người là bạn thân khi còn chiến đấu tại Việt Nam trong cùng một binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Khi được Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chuẩn thuận cho cựu Nghị Sĩ Jim Webb được làm người Giám Hộ để nhận 81 hài cốt tử sĩ Nhảy Dù VNCH từ Cơ Quan Tìm Kiếm Người Tù Binh, Mất Tích ở Hawaii, hai ông đã thành lập hội bất vụ lợi Lost Soldiers Foundation vào tháng 6, 2019 và hai ông đã liên lạc với bác sĩ Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ Tịch Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam và giao cho luật sư McFadden lo thủ tục hành chánh.

Các ông đã có công đem được hài cốt 81 tử sĩ Nhảy Dù đến Little Saigon, Nam California để làm lễ truy điệu tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở thành phố Westminster, và an táng tại khu Tượng Đài Thuyền Nhân trong nghĩa trang Peek Funeral Home, Westminster vào sáng ngày thứ Bảy 26 tháng 10, 2019.

Ngoài Lễ Truy Điệu, và sau khi an táng, vào lúc 5 giờ 30 chiều cùng ngày còn có chương trình Lễ Tưởng Niệm, Thắp Nến, Cầu Nguyện và Hát cho những người nằm xuống do Gia Đình Mũ Đỏ phụ trách theo lễ nghi quân cách và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Trước khi tường trình buổi lễ, chúng tôi ghi lại đôi nét về sự hy sinh của bốn quân nhân Hoa Kỳ và 81 chiến sĩ Nhảy Dù VNCH:

Vào ngày 11 tháng 12, 1965, chiếc vận tải cơ C123 của Không Lực Hoa Kỳ có số đuôi 64376 do Thiếu Tá Robert M. Horsky lái, phi công này từng lái pháo đài bay B52 trước khi lái vận tải cơ C123. Chiếc máy bay có phi hành đoàn gồm bốn quân nhân Hòa Kỳ và 81 lính Dù thuộc Đại Đội 72 Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù được không vận từ Pleiku về Tuy Hòa.

Phi cơ cất cánh lúc 10 giờ 18 phút sáng. Sau đó mọi điện đàm bị mất và màn hình radar cũng không còn dấu vết chiếc vận tải cơ C 123. Ngay sau đó, Hoa Kỳ đã cho máy bay trinh sát để tìm dấu vết phi cơ lâm nạn. Sau ba ngày 11, 12, 13 tháng 12, 1965 liên tiếp tìm kiếm nhưng không kết quả vì sương mù dầy đặc nên phải tạm ngưng tìm kiếm. Bảy ngày sau, trên phi cơ trinh sát, toán tìm kiếm đã phát hiện chiếc phi cơ lâm nạn bị gẫy nát chỉ còn khoảng 20 bộ nằm trên đỉnh núi về phía Tây Nam Tuy Hòa khoảng 20 dặm.

Phi cơ rớt nằm trên độ cao khỏang 4,000 bộ, toán trên phi cơ trinh sát không thấy có sự sống của phi hành đoàn và những người trên phi cơ lâm nạn. Sáu tháng sau đó, cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục nhưng không ai đặt chân vào được vì khu vực do lực lượng Việt Cộng kiểm soát. Phải 8 năm rưỡi sau, vào ngày 16 tháng 6, 1974, một toán tìm kiếm khác gồm hai cựu quân nhân VNCH và 8 người thợ rừng tiến vào khu vực phi cơ lâm nạn để quan sát tình hình trước.

Bảy ngày sau tức là 30 tháng 6, 1971 toán tìm kiếm trên lại vào và thu gom được 17 bao tải của những hiện vật rải rác phía ngoài chiếc vận tải cơ. Toán tìm kiếm không vào trong phi cơ được vì còn nhiều lựu đạn và đạn M79 chưa nổ.

Ngày 28 tháng 6, 1974 Hoa Kỳ đưa 17 bao tải hiện vật thu được qua Thái Lan để xác định và phân tích. Hài cốt bốn người Hoa Kỳ trong phi hành đoàn đã được đưa về Hawaii nhận dạng, sau đó đưa về an táng tại nghĩa trang Quốc Gia Arlington Hoa Kỳ.

Riêng 81 quân nhân Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù chuyển quân trên chiếc phi cơ đó, vì không có danh sách nên mãi đến hôm nay, qua sự thông báo của Gia Đình Mũ Đỏ trên các cơ quan truyền thông Việt Ngữ, và căn cứ trên các thẻ bài hay căn cước quân nhân, mới chỉ có 19 thân nhân của các tử sĩ xác nhận người thân của mình đã vĩnh viễn ra đi.

Số còn lại, đúng như lời ông Jim Webb nói với chính phủ và người dân Hoa Kỳ, “Chúng ta có thể không bao giờ biết những hài cốt này là ai, chỉ biết họ là những đồng minh của chúng ta. Sau buổi lễ, những người bị lãng quên này sẽ được yên nghỉ trong một nghĩa trang của người Mỹ gốc Việt lớn nhất trên đất nước chúng ta.”

Phát biểu trong dịp này, NS Jim Webb nói, “Tôi mới biết được trường hợp này hai năm trước đây. Sau nhiều tháng thương lượng khó khăn vế mặt ngoại giao và mặt luật pháp, giờ đây sự kiện này mới có thể xảy ra.

Những mảng xương và những món đồ cá nhân của họ đã được thu thập, tất cả hài cốt đã trộn lẫn vào nhau để có thể đưa vào trong một quan tài và được chuyển đến Bankok, Thái Lan. Những quân nhân Mỹ đã được xác định danh tính bằng phương pháp thử nghiệm DNA và được chôn cất chu đáo.

“Thế nhưng đối với những người lính VNCH vì họ không có bản kê khai trên chuyến bay nên vào năm 1986 hài cốt của họ được gửi tới phòng thí nghiệm POW/MIA ở Hawaii và đã được cất giữ tại đó trong suốt 33 năm qua.

“ Đã hai lần nhà cầm quyền Hà Nội từ chối nhận những hài cốt này để an táng tại Việt Nam, và vì họ cũng không phải là công dân hay quân nhân Hoa Kỳ nên cũng không có cách nào khác để vinh danh và chôn cất họ tại Hoa Kỳ.

“Họ là những người lính vô danh và thực sự là những người vô tổ quốc sau khi họ đã chiến đấu và hy sinh cho một đất nước mà hiện nay đã không còn
.”

21 phát súng tiễn đưa 81 tử sĩ về miền miên viễn. (Thanh Phong/Viễn Đông)
Ông Jim Webb cũng phát biểu ca ngợi sự hy sinh của 81 tử sĩ Nhảy Dù và sự can trường của người Việt trong cuộc trốn chạy chế độ Cộng Sản vào cuối tháng Tư 1975.

Ông Jim Webb nói, “Đây sẽ là nơi an nghỉ cuối cùng của cuộc hành trình phức tạp dài 54 năm, bắt đầu trong một cuộc chiến ác liệt, xé nát đất nước chúng ta để lại 58,000 quân nhân Hoa Kỳ và hàng triệu người dân Việt Nam phải bỏ mạng. Những người lính này sẽ được an táng tại một nơi ghi nhớ sự can đảm và sự đóng góp của hàng trăm ngàn người tỵ nạn Việt Nam. Những người đã liều mạng ra khơi trong giai đoạn nguy hiểm nhất, hy sinh tất cả để có thể đến được đất nước Hoa Kỳ này.”

Chương trình Lễ Truy Điệu được bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng thứ Bảy, ngày 26 tháng 10, 2019 (trùng vào ngày Quốc Khánh thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa) với nghi thức tiếp rước linh cữu mang hài cốt 81 tử sĩ Nhảy Dù một cách long trọng và trang nghiêm.

Cựu Nghị Sĩ Jim Webb, các cựu quân nhân Hoa Kỳ và cựu quân nhân QL/VNCH trong quân phục chỉnh tề làm hàng rào danh dự đón chào quan tài mang 81 hài cốt tử sĩ Nhảy Dù VNCH được rước vào lễ đài đặt trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Sau đó, toán rước Quốc, Quân Kỳ Mỹ do đơn vị U.S. Marine Corps Band phụ trách và toán rước Quốc, quân kỳ VNCH do toán hầu kỳ danh dự của QL/ VNCH phụ trách tiến vào vị trí ấn định. Mọi người nghiêm chỉnh chào cờ và hát vang hai bài Quốc Ca Hoa Kỳ và Quốc Gia Việt Nam cùng với Ban Tù Ca Xuân Điềm.

LM Đặng Văn Chín, Trung tá Hải Quân Hoa Kỳ làm phép huyệt mộ. (Thanh Phong/Viễn Đông)
Sau đó, Linh Mục Đặng Văn Chín, cựu Tuyên Úy Quân Lực Hoa Kỳ dâng lời cầu nguyện:

Lạy Thượng Đế Chí Tôn cực Thánh, Hôm nay chúng con quây quần nơi đây để truy điệu và cầu nguyện cho 81 Tử Sĩ Nhảy Dù, thịt nát xương tan đã trải qua 9 năm nằm trên sườn núi, rừng sâu và 45 năm lưu đày!

“Họ là những Anh Hùng Vô Danh mà Đằng Phương đã ca ngợi: Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách / Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên / Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên / Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật / Nhưng máu họ đã loang vào mạch đất / Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông / Và anh hồn chung với tấm trinh trung / Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

“Nguyện xin Chúa Tể Trời Đất đón nhận linh hồn 81 anh hùng mũ đỏ can trường vào an hưởng hạnh phúc ngàn thu trên Thiên Đàng cực lạc
.”

Linh Mục Đặng Văn Chín cũng dâng lời cầu nguyện cho tất cả những tử sĩ vẫn còn đang mất tích trong những cuộc giao tranh, trong rừng sâu núi thẳm, ngoài biển khơi trong trận hải chiến Hoàng Sa, trong các mồ chôn tập thể thời Tết Mậu Thân và trên đồng ruộng, ven sông ở các trại tù cải tạo.

Nguyện xin anh linh, hương hồn cùng gương dũng cảm, hào chí quật cường bất khuất của các tử sĩ thúc đẩy và phù hộ chúng con và giới trẻ, Gia Đình Mũ Đỏ cùng đồng bào trong nước cũng như hải ngoại, can đảm vùng lên đoàn kết đấu tranh cho tự Do, Nhân quyền, Chủ Quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quê hương Việt Nam.

“Cúi xin Ơn Trên chúc lành, an ủi và phù hộ các thân nhân, gia đình bạn hữu 81 tử sĩ Nhảy Dù đã nằm xuống không một lời trối trăn, không một giây giã từ. Khẩn cầu cho linh hồn 81 tử sĩ Nhảy Dù cuối cùng rồi cũng trở thành những Thiên Thần Mũ Đỏ trên vương quốc vĩnh hằng. Tạ ơn Anh / Người anh hùng mũ đỏ / Tận hiến trọn đời cho Tổ Quốc Ghi Ơn. Amen
.”

Sau lời cầu nguyện, Cựu Nghị Sĩ Jim Webb, bác sĩ Nguyễn Quốc Hiệp (Chủ Tịch Trung Ương Gia Đình Mũ Đỏ); cựu Đại Úy Nhảy Dù Hoàng Tấn Kỳ (Hội Trưởng Gia Đình Mũ Đỏ Orange County và vùng phụ cận), mỗi vị lần lượt mang một Vòng Hoa Tưởng Niệm lên đặt trước linh cữu 81 hài cốt tử sĩ Nhảy Dù.

Sau nghi thức Tưởng Niệm, ban tổ chức mời Thị Trưởng Westminster ông Tạ Đức Trí, trong vai trò chủ nhà, phát biểu trước. Sau lời phát biểu, ông và Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ trao tặng cựu Nghị Sĩ Jim Webb, Bộ Trưởng Hải Quân Richard Spencer và ông McFadden mỗi người một tấm Bằng Tri Ân.

Sau đó đến ông Richard Spencer, Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, ông Fred Smith, Chủ Tịch Federal Express, nhà văn quân đội Phan Nhật Nam, cựu sĩ quan Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù và sau cùng là lời phát biểu của bác sĩ Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ Tịch Trung Ương Gia Đình Mũ Đỏ VNCH.

Trong lời phát biểu, các vị trên đều lên tiếng ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự hy sinh cao cả của các tử sĩ Nhảy Dù VNCH. Bác sĩ Nguyễn Quốc Hiệp đã trao tặng Đại Tá Castagnetti, ông Jim Webb, ông McFadden mỗi vị một tấm Placque Tri Ân.

Trong lời phát biểu, Đại tá Castagnetti nói, “Chúng ta không chỉ vinh danh 81 tử sĩ Nhảy Dù này mà chúng ta vinh danh tất cả những chiến sĩ QL/VNCH, những người đã chiến đấu cho tổ quốc Việt Nam và nay con cháu họ, thế hệ tiếp nối cũng đang cầm súng bảo vệ nước Mỹ và đóng góp vào xã hội này.”

Niên trưởng Chủ Tịch Gia Đình Mũ Đỏ Trung Ương, bác sĩ Hiệp cũng như cựu sĩ quan Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, anh Phan Nhật Nam đều kể lại đầu đuôi câu chuyện giống như những gì chúng tôi vừa nêu.

Sau các lời phát biểu, mọi người đều đứng lên cử hành nghi thức Tưởng Niệm, cựu Nghị Sĩ Jim Webb, Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ Richard Spencer, Đại Tá Castagnetti, Thị Trưởng Trí Tạ, BS Hiệp Nguyễn và ông Phan Nhật Nam lên trước linh cữu cúi đầu, trong khi tiếng kèn truy điệu do một người Ái Nhĩ Lan trổi lên nghe ai oán não nùng.

Cùng lúc đó, đội lính 1 St Marine Division Bank với 7 quân nhân mặc quân phục bắn 21 phát súng tiễn đưa, và Linh Mục Đặng Văn Chín một lần nữa đươc mời dâng lời cầu nguyễn tiễn biệt 81 tử sĩ Nhảy Dù.

Sau tất cả các nghi thức trên, linh cữu đựng hài cốt 81 tử sĩ Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù VNCH được di quan ra nghĩa trang Feek Funerald Home. Từ Tượng Đài ra đến ngoài đường All American Way, hai hàng quân danh dự gồm Hải, Lục, Không Quân và CSQG/VNCH mặc quân phục chỉnh tề giơ tay chào kính, trong lúc hàng ngàn người thinh lặng cúi đầu.

Bà Lê Thị Sẻ cầm tấm ảnh chồng bùi ngùi thương nhớ. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Đoàn xe tang với chín xe Môtô Cảnh Sát dẫn đường, theo sau là một chiếc Limousine màu trắng chở quan tài trong đó có 81 hài cốt tử sĩ Nhảy Dù. Sau xe tang có 7, 8 xe Jeep quân đội thời VNCH gắn phù hiệu Nhảy Dù rồi đến xe của cựu NS Jim Webb và Chủ Tịch Trung Ương Gia Đình Mũ Đỏ VNCH, các vị khách người Hoa Kỳ, xe chở các binh chủng Mũ Đỏ, các Hội Đoàn Quân Đội bạn, các Hội Đoàn Dân Sự, sau cùng là đồng hương VN.

Đoàn xe vào tới nghĩa trang lúc 10 giờ 15. Tại đây có sự hiện diện của đại lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Viện Chủ chùa Liên Hoa cùng tất cả thành viên Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, thân nhân các tử sĩ, trong đó có bà Lê Thị Sẻ có chồng là tử sĩ Nguyễn Thảo, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù tử nạn trong chuyến bay C123 và nay được an táng.

Bà Lê Thị Sẻ cho Viễn Đông biết, lúc chồng mất, bà mới có hơn hai mươi tuổi và sanh con mới 11 tháng.

Chiếc quan tài được phủ quốc kỳ VNCH và đặt trên huyệt mộ. Một toán lính mũ đỏ làm nghi thức thâu cờ, và trao cờ cho cựu NS Jim Webb, ông nhận lá cờ và trao lại cho bác sĩ Nguyễn Hiệp, Chủ Tịch Gia Đình Mũ Đỏ.

BS Hiệp nhận cờ và nói, “Đây là báu vật, là bằng chứng sự hy sinh của 81 tử sĩ Nhảy Dù, xin trao lại cho chiến hữu Hoàng Tấn Kỳ, Hội Trưởng Gia Đình Mũ Đỏ Nam Cali cất giữ để tôn thờ mãi mãi.”

Sau đó, Linh Mục Đặng Văn Chín dâng lời cầu nguyện, làm phép huyệt mộ rẩy nước thánh trên quan tài, và ban phục vụ của nghĩa trang bắt đầu hạ huyệt. Khi quan tài đang hạ huyệt, tiếng kèn chiêu hồn tử sĩ lại vang lên, các toán quân danh dự của Mỹ và Việt bồng súng chào, 21 phát súng lại được bắn lên trời tiễn đưa 81 tử sĩ vào lòng đất.

Cựu Nghị Sĩ Jim Webb là người đầu tiên lấy một bông hoa màu đỏ trao cho phu nhân bỏ xuống huyệt. Sau đó phần mộ 81 tử sĩ được lấp đất bằng phẳng. Trước phần mộ đã có làm sẵn tấm bia đứng rất đẹp bằng đá hoa cương đen. Buổi lễ truy điệu và an táng 81 hài cốt tử sĩ Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù VNCH theo lễ nghi quân cách của quân đội Hoa Kỳ kết thúc tốt đẹp tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ vào lúc 10 giờ 30 và tại Nghĩa Trang Feek Funerald Home vào lúc 11 giờ 45.

Hàng ngàn người tham dự, khuôn viên trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ không đủ chỗ đứng, nhiều người phải lên lầu 2 của Police Parking đối diện để theo dõi diễn tiến buổi lễ.

Niên Trưởng Bùi Đức Lạc, sĩ quan Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù trong trận Hạ Lào (1971), trên ngực áo đầy ắp huy chương, ông cho Viễn Đông biết cảm tưởng của mình, “Tôi rất vừa lòng vì các anh em đã được chôn xuống, như tôi thấy các anh em bị vất vưởng lâu quá, tôi rất đau lòng. Thực ra bây giờ tôi không biết tôi vui hay tôi buồn nữa, nhưng tôi rất hài lòng về chuyện chôn cất ngày hôm nay. Người nằm xuống cũng được ấm lòng mà thân nhân còn sống cũng đỡ tủi thân.”

Niên trưởng Bùi Đức Lạc, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù cho Viễn Đông biết cảm tưởng của ông về buổi lễ. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Chiến hữu Hoàng Tấn Kỳ, Hội Trưởng Gia Đình Mũ Đỏ vùng Orange County và vùng phụ cận ngỏ lời cám ơn quý niên trưởng, chiến hữu và các cơ quan truyền thông cũng như đồng hương và kính mời tiếp tục tham dự lễ Tưởng Niệm, Thắp Nến Cầu Nguyện, Hát Cho Người Nằm Xuống được tổ chức vào lúc 5 giờ 30 chiều cùng ngày tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ theo Lễ Nghi Quân Cách và Văn Hóa Việt Nam.

(Nguồn: Viễn Đông Daily)