Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong ‘Bảng ghi ngày Phụng vụ’, lễ thánh bổn mạng chính của một địa điểm, thành phố hoặc quốc gia được xem là một lễ trọng. Con cư ngụ trong một ngôi làng với một nhà nguyện, hay Nhà nguyện Cộng đồng Giáo hội cơ bản, với thánh bổn mạng là Thánh Giuse Thợ (ngày 1-5). Giáo xứ địa phương có thánh bổn mạng là Thánh Lorenzo Ruiz (28-9), trong khi thánh bổn mạng của thành phố là thánh San Pedro (thánh Phêrô), Ngài cũng là thánh bổn mạng của giáo xứ đầu tiên trong thành phố từ nhiều thế kỷ trước. Thành phố có giáo xứ đầu tiên với lễ thánh bổn mạng cử hành ngày 22-2, lễ Ngai Tòa thánh Phêrô. Liệu điều này có nghĩa là các ngày được đề cập ở trên đều được coi là lễ trọng riêng không? Ngày 28-9 là lễ thánh bổn mạng giáo xứ, là lễ trọng trong lãnh thổ giáo xứ. Và ngày 1-5 thì sao? Liệu ngày này có được xem là ngày lễ trọng trong ngôi làng, nơi có nhà nguyện vốn cử hành lễ này vì là lễ thánh bổn mạng của khu vực không? Cuối cùng, lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô có là lễ trọng không, vì là lễ bổn mạng của thành phố, ngay cả khi con không thuộc về giáo xứ ấy? Thưa cha, con là khá tò mò, vì điều này cũng sẽ ngụ ý một cách thức riêng để đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ tùy vào bậc lễ phụng vụ nữa. - H. C., San Pedro, Laguna, Philippines.


Đáp: Hội Thánh đã công bố quy định nhiều lần về việc sử dụng các lịch riêng, đặc biệt với các tài liệu ‘Các quy luật tổng quát về năm phụng vụ và lịch chung Rôma’ năm 1969, và Lịch Riêng năm 1970. Một thông báo được ban hành năm 1997 đã làm sáng tỏ một vài tài liệu trước đó. Nhìn rộng ra, các luật này trao ưu tiên cho lịch chung, nhưng cũng tạo ra các phép riêng cho việc sử dụng lịch của giáo phận, miền, quốc gia và dòng tu.

Theo ‘Các quy luật tổng quát về năm phụng vụ và lịch chung Rôma’ năm 1969

“51. Mặc dầu thuận tiện để mỗi giáo phận có lịch riêng và phần riêng về Các Giờ Kinh Phụng Vụ và thánh lễ. Tuy nhiên vẫn không có gì ngăn trở, nếu dùng lịch và phần riêng đã được các người liên hệ cộng tác biên soạn chung cho toàn giáo tỉnh, hoặc một miền quốc gia hay một địa hạt rộng lớn hơn.

“Cũng thế, có thể giữ nguyên tắc trên đây trong các niên lịch của các hội dòng dùng cho nhiều tỉnh thuộc cùng một địa hạt dân sự.

“52. Niên lịch riêng được soạn thảo bằng cách đưa xen vào những lễ riêng: lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ, nghĩa là:

“a) Trong niên lịch giáo phận, đưa xen vào: lễ Bổn Mạng, lễ Cung hiến nhà thờ chính tòa, lễ các Thánh và Chân phúc có liên hệ đặc biệt với giáo phận, ví dụ liên hệ về nguồn gốc vì cư trú lâu ngày hay qua đời tại đó.

“b) Trong niên lịch hội dòng, đưa xen vào: lễ Tước hiệu, lễ Đấng sáng lập, lễ Bổn Mạng, lễ các Thánh và Chân phúc đã là thành phần hay có liên hệ đặc biệt với hội dòng ấy.

“c) Trong niên lịch mỗi nhà thờ, đưa vào: các lễ riêng của giáo phận hay của hội dòng, lễ riêng của chính nhà thờ được kê khai trong bảng ghi các ngày phụng vụ, lễ các Thánh có xác được giữ trong nhà thờ. Thành phần các hội dòng hợp với cộng đoàn Hội Thánh địa phương, để cử hành lễ giáp năm cung hiến nhà thờ chính tòa, và lễ các Thánh Bổn Mạng chính của địa phương và của địa hạt rộng lớn hơn nơi các ngài cư trú”. (Bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Phụng vụ, thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

‘Bảng ghi ngày phụng vụ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên’ nói như sau về các lễ trọng riêng:

“4.Các lễ trọng riêng, tức là :

“a) Lễ trọng thánh bổn mạng chính của địa phương, thành phố hay quốc gia;

“b) Lễ trọng Cung hiến thánh đường, hay ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường đó.

“c) Lễ trọng mừng tước hiệu của nhà thờ.

“d) Lễ trọng của dòng tu hay tu hội mừng tước hiệu, hoặc thánh sáng lập dòng, hay bổn mạng chính của dòng.”

Một thông báo năm 1997 về Lịch riêng, do Thánh Bộ Phụng tự công bố, đã nêu:

"Số 25. Cần phải nhớ rằng việc đưa một số lượng quá nhiều các lễ kỷ niệm vào các niên lịch khác nhau có thể tạo ra bất trắc (các Quy luật Tổng quát, số 53; Lịch Riêng, số 17). Nó sẽ làm quá tải cho niên lịch của một giáo phận hoặc một Dòng tu, cũng như của một quốc gia, của một giáo miền, hoặc của một Tình Dòng, v.v. Biện pháp khắc phục có thể là góp nhóm các thánh và chân phước vào một lễ kỷ niệm chung duy nhất (các Quy luật Tổng quát, số 53a; Lịch Riêng, số 17a); việc áp dụng nguyên tắc phụ đới của các lễ kỷ niệm, đưa vào cấp địa phương, nhấn mạnh đến việc dành cho các địa phương nhỏ mừng kính các thánh và chân phước, khi các vị này không có sự sùng kính phổ biến rộng rãi (các Quy luật Tổng quát, số 53b, 53c; Lịch Riêng, số 17b).”

Tài liệu này thừa nhận rằng luật liên quan đến lịch liên giáo phận trong miền là ít được phát triển hơn, mặc dù một số chỉ dẫn cơ bản được đưa ra trong Lịch Riêng, các số 8, 10 và 11:

"8.Trong chu kỳ một năm, khi họp mừng mầu nhiệm Chúa Kitô, Hội Thánh cũng mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, với lòng yêu mến đặc biệt, và cũng thúc giục các tín hữu sốt sắng kính nhớ các thánh Tử Đạo và các Thánh khác.

“10. Tùy theo tầm quan trọng, các lễ cử hành sẽ được phân biệt với nhau và phân chia thành: lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ.

“11. Lễ trọng là những ngày đặc biệt, được cử hành từ Kinh Chiều I ngày hôm trước. Có vài lễ trọng có lễ vọng riêng cử hành chiều ngày hôm trước, nếu cử hành thánh lễ ban chiều.

“Có hai lễ trọng đặc biệt là lễ Phục sinh và lễ Giáng sinh. Hai lễ này kéo dài trong tám ngày liên tục. Cả hai tuần Bát nhật đều được tổ chức theo những quy luật riêng.” (Bản dịch, như trên)

Trong ánh sáng của các điều trên, chúng tôi có thể cố gắng trả lời câu hỏi chính xác của người đọc.

Mặc dù ‘Bảng các ngày phụng vụ’ nói rằng lễ thánh bổn mạng của một địa điểm hoặc thành phố là một lễ trọng riêng, có thể cho rằng lễ này đã được đưa vào lịch phụng vụ quốc gia, giáo phận hoặc miền. Trong nhiều trường hợp, điều này đòi hỏi phải có sự chấp thuận trước của Tòa thánh.

Ở nhiều quốc gia, lịch phụng vụ quốc gia hoặc lịch phụng vụ miền đều tính đến các lễ riêng của đất nước, miền và từng giáo phận. Do đó, bạn đọc của chúng tôi nên được hướng dẫn bởi bất kỳ lịch chính thức nào, được công bố bởi giáo quyền địa phương có thẩm quyền.

Chẳng hạn, một số thành phố lớn hiện được chia thành nhiều giáo phận nhỏ. Nếu thành phố có một lễ thánh bổn mạng truyền thống, mỗi giáo phận sẽ đưa lễ này vào trong lịch của mình. Ngoài ra, các Giám mục cũng có thể thành lập như một Hội đồng Giám mục miền, vốn xem lể thánh bổn mạng này như một lễ trọng riêng của miền.

Lễ trọng riêng của thánh bổn mạng một nhà thờ cụ thể được gắn liền với tòa nhà này. Nghĩa là, lễ trọng được tổ chức trong chính nhà thờ chứ không phải trong lãnh thổ giáo xứ. Điều này áp dụng cho cả Thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Các nhà thờ và nhà nguyện trong lãnh thổ giáo xứ sẽ không cử hành lễ thánh bổn mạng giáo xứ như một lễ trọng, mặc dù rõ ràng các tín hữu sẽ được khuyến khích tham dự thánh lễ tại chính giáo xứ.

Trong một số trường hợp, một quy tắc khác được áp dụng cho các nhà thờ chánh tòa, mà ở đó lễ thánh bổn mạng hoặc lễ cung hiến nhà thờ được cử hành như một lễ trọng trong nhà thờ chính tòa, và như một lễ kính hay lễ nhớ trong các nhà thờ khác của giáo phận.

Người ta cũng nói rằng nhà thờ là đã được cung hiến hợp lệ và được Giám mục giao một tước hiệu thánh bổn mạng chính thức. Một nhà nguyện (chapel) hoặc nguyện đường (oratory) đơn giản, vốn không được cung hiến, không mừng lễ trọng riêng của nó, cho dù giáo dân thường cho rằng nó được dâng hiến cho cho thánh này hay thánh nọ.

Sau khi tôi trả lời ngày 1-10-2019 về vị trí của cây nến Phục sinh, một bạn đọc ở Dallas, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, đã hỏi: “Những năm gần đây, một cây nến Phục sinh thứ hai đã được chuẩn bị. Cây nến thứ nhất được sử dụng trong đêm vọng Phục Sinh và trong suốt Mùa Phục sinh. Cây nến thứ hai được sử dụng trong các Thánh lễ ngày thường Mùa Phục sinh, gồm một lễ trong nhà thờ, và một lễ trong nhà thi đấu. Trong bài viết gần đây của cha, cha nói rằng chỉ có một cây nến Phục sinh. Vậy liệu sự thực hành của chúng con là hợp lệ không? Cảm ơn cha nhiều."

Tôi xin bạn đọc này xem một bài của tôi trước đó về việc sử dụng cây nến Phục Sinh thứ hai, đăng ngày 2-5-2017. (Zenit.org 22-10-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/patrons-solemnities/