Chúa Nhật XVIII Thường Niên năm C

“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới,
sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.
Ta sẽ bỏ đi quả tim chai đá khỏi thân mình các ngươi,
và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26).

Vì sao Chúa lại muốn vứt bỏ quả tim chai đá của chúng ta và ban tặng quả tim mới? Vì sao Chúa lại muốn thay đổi lòng dạ chúng ta bằng cách đặt vào trong tâm hồn chúng ta thần khí của Người?

Loài người, kể cả những người tu hành nói chung, thậm chí các linh mục, các tu sĩ, các bề trên dòng tu của Hội Thánh Chúa Kitô nói riêng, dù vẫn còn đó những giờ cầu nguyện, những lần trò chuyện về tình yêu, về đức bác ái… nhưng dường như tất cả đều có chung một mối bận tâm: vật chất và cuộc sống ngay trên dương thế này.

Người ta chạy theo tiền của, chạy theo việc phát triển cơ sở vật chất. Người ta suy nghĩ nhiều về việc xây dựng, sửa chữa nhà thờ, tháp chuông, nhà xứ, hội trường giáo xứ... Nhiều lúc cảm thấy lo đau đáu về cơm ăn, áo mặc, xe cộ, nhà ở, sức khoẻ, việc làm…

Trong tất cả những bận tâm xem ra cấp thiết và hợp lý ấy, coi chừng chúng ta đã không dành cho Chúa Giêsu bất cứ một chỗ nào trong lòng mình. Coi chừng ta biến Người thành kẻ ngoại cuộc đối với cuộc đời ta. Coi chừng Người vẫn là một người khách lạ đứng bên lề mọi ưu tư, mọi suy nghĩ, thậm chí mọi ưu ttiên của ta.

Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu".

Đâu phải tham tiền mới là tham. Tham công tiếc việc, tham sự nổi nang, ham muốn có được những công trình vật chất mới, quan tâm quá nhiều đến sửa chữa hay xây dựng nhà cửa..., tất cả cũng phải bị coi là tham lam. Phải chăng vì thế mà Chúa chỉ tên, vạch mặt, gọi chúng là: "mọi thứ tham lam".

Vì thế, việc cấp bách phải làm ngay là, từng người hãy để Chúa "tặng một quả tim mới". Hãy để cho Chúa "đặt thần khí mới vào lòng". Hãy cố gắng mà uốn mình từng chút, từng chút một theo kiểu mẫu của Trái Tim Chúa Giêsu là: sống tận tụy cho người khác; chọn lối sống thanh bần; dù sống hay chết, chỉ một lòng tuân phục thánh ý Thiên Chúa; biết bằng lòng với hiện tại, với những gì Chúa ban mà ta đang có...

Hay chúng ta cho rằng: Trái Tim Chúa Giêsu cao trọng, phải được đặt trên bàn thờ, phải tôn thờ nơi cung thánh của nhà thờ… cho xứng hợp? Nếu nghĩ như thế, thì không bao giờ Trái Tim Chúa có thể ở gần ta. Và chính Người cũng sẽ mãi mãi là người khách xa lạ với cuộc đời ta.

Nhưng trớ trêu thay, điều Thiên Chúa muốn là người ta phải tôn thờ Người trong lòng họ. Người phải được đặt để ở vị trí trung tâm cuộc đời con người. Từ ngàn xưa, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều chứng minh, Thiên Chúa yêu thích ở giữa loài người. Người muốn cùng đồng hành, cùng sớt chia thân phận lữ khách của loài người.

Vì thế, Người đồng cam cộng khổ với dân riêng hàng trăm năm trời trong cảnh bị áp bức vì phải làm tôi cho người Aicập. Khi Thiên Chúa quyết định giải phóng họ, thì 40 năm ròng rã, Thiên Chúa đã lang thang với họ rày đây mai đó giữa sa mạc hoang vu.

Bằng chứng lớn lao nhất, cho thấy Thiên Chúa “cắm lều” ở giữa loài người là cuộc nhập thể và nhập thế ngoạn mục của Chúa Giêsu. Từ đó, cho đến muôn đời sau, nhờ Thánh Thần của Người, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn hiện diện giữa loài người để thi ân giáng phúc, để đồng hành, để sớt chia phận người, để cứu độ từng con người…

Chính Chúa Giêsu đã từng trích lời của sách tiên tri Isaia để trách móc: “Dân này kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Is 29, 13. Mc 7, 6-7). Ngay lời tựa Tin Mừng Gioan, mạc khải của Chúa đã cho thấy: “Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 10-11).

Không một lời nào của Kinh Thánh cho thấy, Thiên Chúa chỉ đứng xa xa để yêu con người. Ngược lại, Thiên Chúa là tình yêu. Càng yêu thương, càng bày tỏ tình yêu, Thiên Chúa càng trở nên gần gũi, càng trở nên một với con người cách diệu kỳ. Người là Thiên Chúa vui nỗi vui của chúng ta, đau nỗi đau của chúng ta.

Thiên Chúa ước ao ở giữa chúng ta. Người mong muốn cư ngụ trong chính nội tâm và linh hồn của từng con người. Mãi mãi vẫn thế. Thiên Chúa không bao giờ chấm dứt ước mơ hiện diện với con người.

Trái Tim Chúa Giêsu là biểu tượng của tình yêu mà Thiên Chúa đã và vẫn yêu loài người. Chúa Giêsu đã để lộ bên ngoài lồng ngực Trái Tim mình như một lời chứng hùng hồn về tình yêu thổn thức, tình yêu day dứt, tình yêu tha thiết của một vì Thiên Chúa đã yêu đến cạn lòng mình. Trái Tim Chúa Giêsu là biểu lộ và minh chứng tình yêu có một không hai, tình yêu đến vô cùng, thứ tình yêu mà lên non không thể gặp, đào bới dưới biển không thể thấy. Bởi không đơn thuần là tình yêu, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Đấng là chính Tình Yêu.

Vì thế mà Chúa muốn vứt bỏ quả tim chai đá của chúng ta và ban tặng quả tim mới. Vì thế mà Chúa muốn thay đổi lòng dạ chúng ta bằng cách đặt vào trong tâm hồn chúng ta thần khí của Người. BỞi chỉ có như thế, lòng ta mới thực sự hướng về Ch1ua như trung tâm của đời mình. Chỉ có như thế, ta mới tách mới có thể tách mình khỏi mọi thứ tham lam.

Vậy chúng ta đừng cứng lòng nữa. Hãy thay đổi chính mình để biết yêu Chúa hơn. Hãy để Chúa uốn nắn. Hãy ra sức bắt chước Trái Tim Chúa mà yêu chính Chúa, yêu con người như Chúa muốn và xa tránh ngày một hơn về mọi bận tâm vật chất, bận tâm trong cuộc đời. Nhờ đó, ta mới thực sự sống bằng “trái tim mới” sống bằng “thần khí” do Chúa tặng ban.

Đừng để Chúa chỉ là người lủi thủi đi bên cạnh cuộc đời ta, nhưng hãy để Chúa sống trong ta, và để tình yêu của Người chiếm ngự tâm hồn ta, như thánh Phaolô đã từng nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Chúng ta tin tưởng đặt tất cả vận mạng của mình, của Hội Thánh, của thế giới vào trong bàn tay của một Con Người. Con Người ấy đã chết, đã phục sinh, vẫn sống giữa chúng ta.

Chỉ có một Con Người ấy mới thực sự là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống cho chúng ta.

Con Người ấy là Chúa Giêsu, Đấng là chính Thiên Chúa lại có trái tim thể lý như mọi người, nhưng yêu mọi người bằng chính tình yêu của Thiên Chúa.