Bãi Tư Chính là địa danh riêng của nước ta. Bãi này rộng 33,88 km², từ trước 1975 đến nay được đặt trực thuộc tỉnh Bà Rịa. Bản đồ của Tầu ghi là 万安滩 (Vạn An than -> than: bãi). Trong năm 1994, Việt Nam thiết trí hai đặt giàn khoan DK1/11, DK1/12. Năm 1995 thêm giàn khoan DK1/14. Ngoài ra, còn hai ngọn hải đăng cao 22 m, có độ chiếu 2 hải lý.

Tuy Bắc Kinh tự ý đặt tên cho bãi cạn này là Vạn An nhưng lại luôn khuấy động, gây bất ổn. Theo trang twitter ngày 10/07/2019 của giáo sư Ryan Martinson, Học viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại Học Hải chiến Hoa Kỳ tại Newport, Rhode Island, tầu Hải dương Địa chất Bát Hào (Hai Yang Di Zhi Ha Hao) đã thực hiện hoạt động thăm dò địa chất ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở phía tây quần đảo Trường Sa, có các tầu chiến hộ tống, theo công lệnh của Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc (China Geological Survey).

Ngày 19/07, tuyên bố của bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: ‘‘Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên’’.

Ta nghĩ gì về những sự việc vừa kể ? Các suy nghĩ này phải chăng gợi ý một số hành động cần thiết để đối phó với tình thế ?

I - Bãi Tư Chính: nghĩ gì ?

Trong tháng 07/2019, trong vụ bãi Tư Chính, người ta chỉ đề cập đến yếu tố quân sự (tầu chiến Hoa Kỳ) mà bỏ qua khía cạnh chính trị. Thời sự ‘‘Bãi Tư Chính’’ hiện nay có khác gì bối cảnh lịch sử nước ta vào năm 1284: đại quân nhà Nguyên 50 vạn binh lính từ phương Bắc, kết hợp với 10 vạn quân của Toa Đô từ Chiêm Thành, hai mặt giáp công thôn tính nước ta. Năm 1284, thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập hội nghị Diên Hồng tại kinh thành Thăng Long để trưng cầu dân ý. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, quyển 5, trong hội nghi, các vị phụ lão đồng thanh hô vang ‘‘Đánh’’.

Địa danh ‘‘Tư Chính’’ của miền Nam từ trước 1975 mang các ý nghĩa như sau:

- chữ TƯ (諮) có nghĩa là tư tuân dân ý (諮詢民意), cũng giống như là trưng cầu dân ý trong lịch sử nước ta, thể hiện qua hội nghị Diên Hồng.

- chữ CHÍNH (政) vừa có nghĩa là chính trị: muốn giải quyết các tranh chấp ở bãi Tư Chính, yếu tố quân sự không đủ, cần có cả yếu tố chính trị. Chữ CHÍNH còn có nghĩa là chính đạo (正道).

Xuyên suốt lịch sử nước ta từ thời lập quốc đến nay, việc gìn giữ bờ cõi là nhiệm vụ thiêng liêng, bất thành văn của toàn dân, sau này được ghi trong hiến pháp:

- Hiến pháp VNCH năm 1967, điều 5, khoản 2 định rằng: ‘‘Việt Nam Cộng Hòa cương quyết chống lại mọi hình thức xâm lược và nỗ lực góp phần xây dựng nền an ninh và hòa bình thế giới.’’

- Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều 64 ghi rằng: ‘‘Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân.’’

Trong thực tế, nhiều sự kiện chứng minh rằng chính quyền hiện nay đã vi phạm quy định này của hiến pháp:

1) Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đã gửi Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai công hàm ngày 14/09/1958, nguyên văn như sau:

‘‘Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.’’

Chính quyền Trung Quốc cho rằng công hàm của Phạm Văn Đồng là bằng chứng cho thấy chính quyền Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nội dung văn kiện kể trên đã quá rõ ràng. Có hai điểm sau đây cần lưu ý về hình thức:

- Công hàm (公函: Correspondance diplomatique) là yếu tố cấu thành hiệp ước, có khả năng phát sinh những quyền lợi và nghĩa vụ trong luật quốc tế.

- Cách xưng hô (appellation): ‘‘Thưa Đồng chí Đổng lý’’ chứng minh quan hệ mật thiết giữa hai đảng cộng sản Tầu và Việt (trước đây gọi là đảng Lao động Việt Nam). Mao Trạch Đông đã gọi quan hệ này là ‘‘môi hở răng lạnh’’. Công hàm chứng minh đảng cộng sản Việt Nam thần phục đảng cộng sản Tầu. Chừng nào còn đảng cộng sản Việt Nam, mối quan hệ bất bình đẳng này vẫn không thay đổi.

2) Ba văn kiện ký tại Bắc Kinh ngày 18/11/2009:

- Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;

- Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;

- Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Các văn bản nói trên đưa đến việc Hữu Nghị Quan hiện nay không còn giữ nguyên trạng Ải Nam Quan trước đây, mà lấn sâu về lãnh thổ Việt Nam.

Cổng Hữu Nghị Quan xây năm 1957 có khắc ba chữ Hữu Nghị Quan (友誼關) là của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Nghị. Tại sao phía Việt Nam lại không có bút tự quốc ngữ nào trên công trình này ?

3) Dự thảo luật (sau đây gọi tắt là dự luật) đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là đặc khu) gồm 6 chương 85 điều. Điều 58 quy định:

– đặc khu Vân Đồn trực thuộc tỉnh Quảng Ninh;

– đặc khu Bắc Vân Phong trực thuộc tỉnh Khánh Hòa;

– đặc khu Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Ba đặc khu ở ba miền đất nước mở đường cho Bắc Kinh từng bước thôn tính Bắc, Trung, Nam. Về mặt địa lý chiến lược, việc thiết lập ba đặc khu còn cho phép Bắc Kinh xâm nhập vùng lãnh hải, chiều rộng 12 hải lý của nước ta, theo quy định của công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, công bố ngày 10/12/1982.

4) Việc người Hoa mua nhà đất, biến nhiều thành phố Việt Nam thành ‘‘China Town’’ cuỉa Tầu. Các sự kiện trên đây khiến những ai ưu tư đến vận mệnh đất nước có ý nghĩ phải làm gì ?

II - Bãi Tư Chính: làm gì ?

Chỉ với tên gọi Tư Chính, biến cố đang diễn ra tại bãi Tư Chính gợi ý một giải pháp chính trị. Vào thế kỷ XIII, nước ta chiến thắng quân Nguyên là nhờ yếu tố toàn dân. Trong bối cảnh hiện nay, thật là thiếu sót nếu chỉ trông cậy vào sự can thiệp của hải quân Hoa Kỳ mà không đếm xỉa gì tới yếu tố toàn dân.

Toàn dân nói đây là 97,5 triệu đồng bào ruột thịt trong nước, sát cánh cùng 1,8 triệu người gốc Việt sinh sống tại Hoa Kỳ, 180 ngàn người tại Canada, 150 ngàn người tại Úc, 250 ngàn tại Pháp, 90 ngàn tại Đức và cộng đồng người Việt ở rải rác trên khăp năm châu. Ngày nay, họ là các cử tri, tác động lên chính sách ngoại giao của nước sở tại.

Toàn dân không phải chỉ là 24 ủy viên bộ chính trị, không do dân cử, mà chỉ đại diện cho đảng cộng sản, ‘‘đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.’’ (điều 4 Hiến pháp 2013). Trong thực tế, bộ chính trị đảng cộng sản hiện nay gồm toàn là thành phần tư sản mại bản, làm giàu phi pháp trên giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã khiến đất nước chìm đắm suốt nửa thế kỷ trong ‘‘chuyên chính vô sản’’, từ 1945 đến 1994 là năm Mỹ bỏ cấm vận. Biến cố Tư Chính gợi ý một giải pháp triệt để cho đất nước: tu chính Hiến pháp.

2.1. Từ TƯ CHÍNH đến TU CHÍNH (修正):

Trị liệu pháp chính trị cũng giống như trị liệu pháp áp dụng trong y khoa: cắt bỏ phần thối nát trong một bộ phận (ablation d’une partie d’un organe). Những người có lương tri đều nhận thấy trong hiện tình đất nước, điều 4 hiến pháp không còn lý do tồn tại nữa. Đảng cộng sản Việt Nam tỏ ra khiếp nhươc trước sự uy hiếp thường xuyên của đảng cộng sản Tầu. Chỉ có thế toàn dân với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khu vực mới làm cho nước Tầu phải chùn bước.

Nếu bỏ điều 4, ta sẽ thay bằng quy định mới nào ?

Ngày 27/01/1973, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tiền thân của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ký tại Paris hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Điều 11 của hiệp định quy định việc

- ‘‘thực hiệp hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thủ hận, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xứ với những cá nhân hoặc tồ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;

- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự di đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.’’

Hà Nội đã ký mà không tôn trọng bất cứ một quy định nào ghi trên. Nếu điều 11 của hiệp định thay thế điều 4 hiến pháp hiện nay, cái lợi trước mắt là tạo được thế toàn dân, làm sống lại tinh thần của hội nghị Diên Hồng năm 1284. Ngoài ra, với những biến chuyển hiện nay, làm sao tránh được việc chế độ cộng sản sụp đổ. Điều khoản mới sẽ là lá chắn pháp lý, bảo đảm để các thành viên của chế độ cũ (cộng sản) không phải vùi thân trong tù ngục cải tạo như trường hợp các cựu viên chức VNCH bị cộng sản đầy ải, bức tử sau năm 1975.

Về thủ tục tu chính, điều 120 hiến pháp quy định quy định như sau:

‘‘Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.’’

Quốc hội hiện nay có 494 đại biểu. Như vậy cần có hai phần ba số đại biểu, tức 333 vị, bỏ phiếu tán thành. Ba con số 3: ‘‘Tam Tam Tam’’ thật là có có nghĩa. Người dân kêu gọi lương tri của quý vị đại biếu để Quốc hội có các hành động kịp thời, thích hợp; đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của thời cuộc.

Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách. Huống hồ là các vị đại biểu quốc hội ?

Lê Đình Thông