Chương III: Cử hành đức tin, một phụng vụ hội nhập văn hóa

“Việc truyền giảng Tin Mừng trong niềm vui trở thành vẻ đẹp trong phụng vụ, như một phần trong quan tâm hàng ngày của chúng ta muốn truyền bá sự tốt lành” (Evangelii Gaudium, 24).



124. Hiến chế Sacrosanctum Concilium (37-40, 65, 77, 81) đề nghị rằng phụng vụ nên được hội nhập văn hóa nơi các dân tộc bản địa. Tính đa dạng văn hóa chắc chắn không đe dọa tính hợp nhất của Giáo Hội; đúng hơn, Giáo Hội phát biểu tính Công Giáo chân thực của mình bằng cách trưng bày “vẻ đẹp trên khuôn mặt đa dạng của mình” (Evangelii Gaudium 116). Đó là lý do tại sao “chúng ta phải bạo dạn đủ để khám phá ra các dấu chỉ mới và các biểu tượng mới, các xương thịt mới để hiện thân và thông truyền lời Chúa, và các hình thức khác của vẻ đẹp vốn được trân qúy trong các khung cảnh văn hóa khác...” (Evangelii Gaudium 167). Không có sự hội nhập văn hóa này, phụng vụ có thể bị giản lược thành “món đồ ở viện bảo tàng” hay “tài sản của một ít người ưu tuyển” (Evangelii Gaudium 95).

125. Việc cử hành đức tin phải được tiến hành một cách hội nhập văn hóa để nó trở thành một biểu thức cho kinh nghiệm tôn giáo của riêng người ta và trở thành sợi dây hiệp thông trong cộng đoàn cử hành. Một nền phụng vụ hội nhập văn hóa cũng sẽ là một bảng thăm dò đối với các tranh đấu và hoài vọng của các cộng đồng và là một lực đẩy có tính biến đổi hướng tới một “lãnh thổ không có sự ác”.

Các Gợi Ý

126. Nên lưu ý các điều sau đây:

a) Một diễn trình biện phân là điều cần thiết liên quan đến các nghi lễ, biểu tượng, và phong thái cử hành các nền văn hóa bản địa khi tiếp xúc với thiên nhiên, những điều cần được tích nhập vào các nghi thức phụng vụ và bí tích. Điều cần là chú ý để nắm bắt ý nghĩa đích thực của các biểu tượng, một ý nghĩa vượt lên trên thẩm mỹ và văn hóa dân gian, đặc biệt trong bí tích khai tâm Kitô Giáo và Hôn Phối. Có gợi ý cho rằng các cử hành nên có tính lễ hội, với âm nhạc và điệu múa của riêng họ, sử dụng ngôn ngữ và trang phục bản địa, trong hiệp thông với thiên nhiên và cộng đồng. Một phụng vụ biết đáp ứng nần văn hóa riêng của họ để trở thành nguồn cội và đỉnh cao đời sống Kitô hữu của họ (xem Sacrosanctum Concilium 10) và liên kết với các tranh đấu, đau khổ và niềm vui của họ.

b) Các bí tích nên là nguồn sống và thuốc chữa ai cũng với tới được (xem Evangelii Gaudium 47), nhất là người nghèo (xem Evangelii Gaudium 200). Chúng ta được yêu cầu vượt quá các cứng ngắc về kỷ luật vốn có tính loại trừ và tha hóa, và thực hành một nhậy cảm mục vụ biết đồng hành và tích nhập (Amoris Laetitia 297, 312).

c) Các cộng đồng thấy khó có thể cử hành bí tích Thánh Thể vì thiếu linh mục. “Giáo Hội rút tỉa sự sống của mình từ Thánh Thể” và Thánh Thể xây dựng Giáo Hội (60). Do đó, thay vì để các cộng đồng không có Thánh Thể, cần phải có sự thay đổi trong các tiêu chuẩn lựa chọn và chuẩn bị các thừa tác viên được phép cử hành bí tích Thánh Thể.

d) Phù hợp với việc “tản quyền lành mạnh” trong Giáo Hội (Evangelii Gaudium 16), các cộng đồng yêu cầu các Hội Đồng Giám Mục thích ứng các nghi thức của bí tích Thánh Thể theo nền văn hóa của họ.

e) Các cộng đồng yêu cầu đánh giá cao hơn, đồng hành và cổ vũ lòng đạo đức mà người nghèo và những người đơn sơ vốn dùng để phát biểu đức tin của họ qua hình ảnh, biểu tượng, truyền thống, nghi lễ và các á bí tích khác. Tất cả các điều này diễn ra nhờ các hiệp hội của cộng đồng biết tổ chức các biến cố như cầu nguyện, hành hương, thăm viếng các đền thánh, và rước kiệu cũng như các lễ hội mừng thánh quan thầy. Đây là bằng chứng của túi khôn và nền linh đạo từng tạo nên một nguồn cứ liệu thần học (theological locus) thực sự có tiềm năng truyền giảng Tin Mừng (xem Evangelii Gaudium 122-126).

Chương IV: Tổ chức các cộng đồng

“Việc đúng là phải thừa nhận sự hiện hữu của các sáng kiến đầy hứa hẹn phát xuất từ các cộng đồng và tổ chức của riêng anh chị em” (Fr.PM).

Thế giới quan của người bản địa

127. Giáo hội phải được nhập thể vào các nền văn hóa Amazon vốn có cảm thức cộng đồng, bình đẳng và liên đới rõ rệt - và đó là lý do tại sao chủ nghĩa giáo sĩ trị không được chấp nhận dưới mọi chiêu bài của nó. Các dân tộc bản địa có một truyền thống tổ chức xã hội phong phú, nơi thẩm quyền có tính luân phiên và có cảm thức phục vụ sâu sắc. Vì kinh nghiệm tổ chức này, điều thích hợp là xem xét lại ý niệm cho rằng việc thực thi quyền tài phán (quyền cai trị) phải được liên kết trong mọi lĩnh vực (bí tích, tư pháp, hành chính) và theo cách vĩnh viễn với Bí tích Truyền Chức Thánh.

Các khoảng cách địa dư và mục vụ

128. Ngoài tính đa nguyên văn hóa tại Amazon, các khoảng cách cũng tạo ra một thách thức mục vụ nghiêm trọng không thể giải quyết bằng các phương thế máy móc và kỹ thuật mà thôi. Các khoảng cách địa dư làm xuất hiện cả các khoảng cách văn hóa và mục vụ nữa; thành thử “thừa tác mục vụ thăm viếng” cần nhường bước cho “thừa tác mục vụ hiện diện”. Điều này đòi giáo hội địa phương tái cấu hình mọi chiều kích của nó: các thừa tác vụ, các bí tích, thần học và các dịch vụ xã hội.

Các Gợi Ý

129. Các gợi ý sau đây từ các cộng đồng gợi nhớ các khía cạnh của Giáo Hội sơ khai khi đáp ứng các nhu cầu của mình bằng cách tạo ra các thừa tác vụ thích đáng (Cv 6:1-7; 1 Tm 3:1-13):

a) Các thừa tác vụ mới để đáp ứng hữu hiệu hơn các nhu cầu của các dân tộc vùng Amazon:

1. Cổ vũ các ơn gọi nơi các đàn ông và đàn bà bản địa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc mục vụ và bí tích. Việc đóng góp chủ yếu của họ nằm trong phong trào hướng tới một việc truyền giảng Tin Mừng chân chính theo quan điểm bản địa phù hợp với các thói quen và phong tục của họ. Đây sẽ là việc người bản địa truyền giảng cho người bản địa theo một nhận thức sâu sắc nền văn hóa và ngôn ngữ của họ, có khả năng thông đạt sứ điệp Tin Mừng bằng sức mạnh và sự hữu hiệu của những người có chung một bối cảnh văn hóa với họ. Điều cần là chuyển dịch từ một “Giáo Hội thăm viếng” sang một “Giáo Hội hiện diện”, một Giáo Hội biết đồng hành và hiện diện qua các thừa tác viên xuất phát từ chính các cộng đồng của họ.

2. Trong khi quả quyết rằng sống độc thân là một hồng phúc đối với Giáo Hội, có yêu cầu cho rằng, đối với các khu vực xa xôi hẻo lánh nhất trong vùng, nên nghiên cứu khả thể truyền chức linh mục cho các người cao niên, ưu tiên là người bản địa, được cộng đồng của họ kính trọng và chấp nhận, dù họ đang có một gia đình vững ổn, để bào đảm có sẵn các bí tích để đồng hành và nâng đỡ đời sống Kitô hữu.

3. Nhận diện loại thừa tác vụ chính thức có thể trao cho phụ nữ, lưu ý đến vai trò trung tâm mà ngày nay họ đang đóng trong Giáo hội ở Amazon.

b) Vai trò của giáo dân:

1. Các cộng đồng bản địa có tính tham gia với một cảm thức đồng trách nhiệm cao. Với suy nghĩ này, có yêu cầu đặt giá trị đúng đắn vào vai trò chủ động của những người đàn ông và đàn bà Kitô hữu và nhìn nhận vị trí của họ như các chủ thể trong Giáo hội biết vươn tay ra.

2. Cung cấp các giải pháp đào tạo toàn diện để đảm nhận vai trò của họ như những người cổ vũ đáng tin cậy và đồng trách nhiệm của các cộng đồng.

3. Tạo ra các hành trình đào tạo dưới ánh sáng của Học thuyết xã hội của Giáo hội với tập chú Amazon cho các người nam nữ làm việc trong các lãnh thổ của Amazon, đặc biệt là trong các lĩnh vực công dân và chính trị.

4. Mở các kênh mới của các diễn trình đồng nghị, với sự tham gia của mọi tín hữu, nhằm hướng tới việc tổ chức cộng đồng Kitô giáo để thông truyền đức tin.

c) Vai trò của phụ nữ:

1. Trong lĩnh vực giáo hội, sự hiện diện của phụ nữ trong các cộng đồng không phải lúc nào cũng được coi trọng. Việc công nhận phụ nữ được tìm kiếm vì các đặc sủng và tài năng của họ. Họ yêu cầu lấy lại vị trí mà Chúa Giêsu đã ban cho phụ nữ, “trong đó tất cả chúng ta, đàn ông và đàn bà, tất cả chúng ta đều thích đáng” [61].

2. Cũng có đề nghị cho rằng phụ nữ được bảo đảm có cơ hội lãnh đạo, cũng như phạm vi ngày càng rộng và thích hợp trong lĩnh vực đào tạo: thần học, giáo lý, phụng vụ và các trường phái đức tin và chính trị.

3. Cũng có lời yêu cầu phải lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, họ được tham khảo và tham gia vào việc ra quyết định, và do đó có thể đóng góp với sự nhạy cảm của họ vào tính đồng nghị trong Giáo hội.

4. Mong sao Giáo hội đón nhận ngày càng nhiều phong cách nữ trong hành động và hiểu các biến cố.

d) Vai trò của đời sống thánh hiến:

1. “Các dân tộc Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê rất mong đợi nơi đời sống thánh hiến [...một đời sống cho thấy] khuôn mặt mẫu thân của Giáo Hội. Lòng khao khát lắng nghe, chào đón và phục vụ của họ, và chứng tá của họ đối với các giá trị thay thế của Nước Chúa, cho ta thấy rằng một xã hội Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê mới, được đặt nền tảng trên Chúa Kitô, là điều khả hữu” (DAp. 224). Do đó, có đề nghị phải cổ vũ một đời sống thánh hiến thay thế và có tính tiên tri, liên hội dòng và liên định chế, chuyên để hiện diện ở những nơi không ai muốn hiện diện và với những người không ai muốn trở thành.

2. Hỗ trợ những người đàn ông và đàn bà thánh hiến trong việc họ đi tới và hiện diện với những người nghèo khổ và bị loại trừ nhất, và vào việc vận động chính trị, để biến đổi thực tại.

3. Khuyến khích các tu sĩ nam nữ đến từ nước ngoài sẵn lòng chia sẻ cuộc sống địa phương với hết trái tim, đầu óc và tay chân của họ để học bỏ các mô hình, công thức, kế sách và cơ cấu đã thiết lập trước; và để học hỏi các ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống khôn ngoan, vũ trụ học và thần thoại học của các dân tộc bản địa.

4. Vì các cấp bách mục vụ và cơn cám dỗ muốn làm việc ngay tức khắc, nên có khuyến cáo phải dành thời gian để học ngôn ngữ và văn hóa nhằm tạo ra các dây nối kết và phát triển một thừa tác mục vụ toàn diện.

5. Có khuyến cáo nên bao gồm vào việc đào tạo đời sống tu trì các diễn trình đào tạo tập chú vào tính liên văn hóa, hội nhập văn hóa và đối thoại giữa các nền linh đạo và thế giới quan của Amazon.

6. Có gợi ý phải dành ưu tiên cho các nhu cầu của người dân địa phương hơn là các hội dòng.

e) Vai trò của người trẻ:

1. Có một nhu cầu cấp thiết là đối thoại với những người trẻ để lắng nghe các nhu cầu của họ.

2. Cần phải đồng hành với các diễn trình trong gia đình để truyền tải và tiếp nhận di sản văn hóa và ngôn ngữ [62] để vượt qua các khó khăn trong thông đạt liên thế hệ.

3. Những người trẻ tuổi thấy mình ở giữa hai thế giới, giữa não trạng bản địa và sự lôi cuốn của não trạng hiện đại, đặc biệt khi họ di cư đến các thành phố. Một mặt, cần có các chương trình để củng cố bản sắc văn hóa của họ trước sự mất mát các giá trị, ngôn ngữ và mối liên hệ với thiên nhiên; mặt khác, các chương trình giúp họ bước vào cuộc đối thoại với văn hóa đô thị hiện đại.

4. Việc giải quyết vấn đề di cư của người trẻ đến các thành phố là điều rất cấp bách [63].

5. Cần nhấn mạnh hơn vào việc bảo vệ và phục hồi các nạn nhân của các mạng lưới buôn bán ma túy và buôn người, cũng như nghiện ma túy và rượu.

f) Các giáo phận ở khu vực biên giới:

1. Biên giới là một nhân tố căn bản trong cuộc sống của các dân tộc Amazon. Đây là vị trí rất tốt cho các xung đột và bạo lực trở nên tồi tệ hơn; và là nơi luật pháp không được tôn trọng và tham nhũng làm suy yếu việc kiểm soát của Nhà nước, khiến nhiều công ty tự do khai thác bừa bãi. Vì tất cả những lý do này, cần phải làm việc để biến Amazon thành ngôi nhà cho mọi người và đáng được sự chăm sóc của mọi người. Các Giáo hội biên giới nên tham gia với nhau vào hành động mục vụ để đối phó với các vấn đề chung như khai thác lãnh thổ, phạm pháp, buôn bán ma túy, buôn bán người, mại dâm, v.v.

2. Các mạng lưới mục vụ tại các khu vực biên giới nên được khuyến khích và củng cố như một nẻo đường dẫn đến hành động mục vụ xã hội và sinh thái hữu hiệu hơn, tiếp tục dịch vụ của Mạng Lưới Giáo Hội Toàn Amazon (REPAM).

3. Vì các đặc điểm chuyên biệt của lãnh thổ Amazon, nên phải xem xét cơ cấu giám mục của Amazon để thực thi Thượng Hội Đồng.

4. Có lời yêu cầu phải tạo ra một quỹ kinh tế để hỗ trợ việc truyền giảng Tin Mừng, cổ vũ nhân bản và sinh thái toàn vẹn, nhất là việc thi hành các đề nghị của Thượng Hội Đồng.

Kỳ tới: Phần III, các chương 5-6