Một trong những dấu chỉ ấn tượng nhất của ngày lễ kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô-Phaolô, theo tôi, đó chính là sự “HIỆP NHẤT”.

Trước hết, chính trong ngày lễ hôm nay, tại hầm mộ của Thánh Phêrô, hai vị mục tử tối cao của hai Giáo Hội Công Giáo (ĐGH Phanxicô) và Chính Thống Giáo (Tổng giám mục Telmissos Job, đại diện Ðức Thượng Phụ Constantinople tại Hội đồng Ðại kết các Giáo Hội) cùng cầu nguyện bên nhau và sau đó cùng tham dự Thánh lễ[1]. Đây chính là “dấu chỉ sống động” của cuộc hành trình Đại Kết” đầy nhiêu khê để “chữa lành vết thương chia rẽ hơn 900 năm” mà cuộc đại ly giáo vào thế kỷ 11 (1054) đã gây ra cho “Thân Mình Hội Thánh”.

Sở dĩ Giáo Hội Công Giáo Rôma chọn ngày lễ kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô-Phaolô để bày tỏ “dấu chỉ Đại Kết” chắc chắn không ngoài những lý do sau :

Hai Thánh Tông Đồ Phêrô-Phaolô chính là “Quan Thầy” của Giáo Hội Công Giáo Rôma và là cột trụ của toà nhà đức tin Kitô giáo, cùng chung tay xây dựng “gia đình duy nhất của Đức Kitô” chính là Giáo Hội, như những “lời kinh Phụng vụ” mà Hội Thánh đọc lên hôm nay : “Chính nhờ các ngài mà Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin…” (Lời nguyện nhập lễ), “các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất của Đức Kitô…” (Kinh Tiền Tụng).

Phải chăng cũng chính trong ý nghĩa “hiệp nhất” đó mà phụng vụ Lời Chúa trong chính ngày lễ kính Hai Thánh Tông Đồ hôm nay đã chọn đọc các trích đoạn Lời Chúa liên quan đến “nỗi khốn khó tù ngục” mà cả hai thánh nhân đều trải qua trong cuộc hành trình loan báo Tin Mừng.

- Bài đọc 1, sách Công Vụ Tông đồ tường thuật việc Thánh Phêrô bị tống ngục và toàn thể Hội Thánh cầu nguyện, để sau đó ngài được Chúa sai thiên thần đến giải thoát.

- Bài đọc 2 : trích thư thứ hai của thánh Phaolô gởi cho đồ đệ Timôthê. Đây chính là 1 trong những bức thư ngài viết từ nơi chốn ngục tù, một chứng từ sống động về tình yêu và sự trung thành của ngài dành cho Chúa Kitô, cho Hội Thánh và cho công cuộc loan báo Tin Mừng :

“Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện… Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời.” (2 Tm 4,7-8.17-18).

Nhưng có lẽ cái điểm chung độc đáo nhất của hai thánh Phêrô và Phaolô mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn chuyển tải, đồng thời mời gọi chúng ta cùng nỗ lực thực thi, đó chính là niềm tin trọn hảo, duy nhất, thuỷ chung vào Đức Kitô. Vâng, cả hai vị Tông Đồ vĩ đại nầy, mặc dù có những khác biệt thật rõ nét (Xuất phát điểm ơn gọi, khuynh hướng, trình độ tri thức lẫn phương cách hoạt động…) nhưng đều có chung một tiêu đích và tâm điểm cho cuộc đời : ĐỨC KITÔ LÀ TẤT CẢ, được phản ảnh qua chính lời tuyên xưng của Phêrô mà cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm đều xác nhận : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16,16), hoặc qua nhiều lời tuyên xưng khác mà cả hai đã đã để lại như những chứng từ sống động :

- Đức Kitô là chọn lựa duy nhất : “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai…” (Phêrô), “Đối với tôi, sống là Đức Kitô…”, “Tôi sống đây không phải tôi nhưng chính Đức Kitô sống trong tôi” (Phaolô)

- Đức Kitô là tình yêu duy nhất : “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Phêrô), “Không có gì tách tôi khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô” (Phaolô).

- Đức Kitô là niềm tin duy nhất : “Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Phêrô), “Tôi đã chạy đến cùng đường và giữ vững niềm tin” (Phaolô)

- Đức Kitô là mệnh lệnh duy nất : “Vâng lời Thầy con xin buông lưới” (Phêrô), “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Phaolô)

- Đức Kitô là Hội Thánh duy nhất : “Anh em là Dân tộc thánh…là những viên đá sống xây dựng đền thờ Thiên Chúa” (Phêrô), “Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (Phaolô)…

Nhưng, nếu những chứng từ trên chỉ dừng lại ở nơi miệng lưỡi các ngài và cũng chỉ là những lời “khí khái” mang tính tuyên truyền, cổ động mà không được chứng nghiệm qua chính cuộc sống…thì chắc chắn, chúng ta không có đại lễ mừng hôm nay, không có hai vị Đại Thánh tiêu biểu của Kitô giáo. Tạ ơn Chúa ! Cả hai đều thực hiện “lời chứng về Đức Kitô” cách trọn hảo qua cuộc tử đạo tại cùng một thời và một nơi, để từ đó “toà nhà Giáo Hội” được dựng xây vững bền như lời Ca Nhập Lễ hôm nay Hội Thánh đã hát lên :

“Đây hai vị Tông Đồ đều anh dũng

Dang máu đào xây Giáo Hội ngàn thu,

Chén đắng Thầy trao, uống cạn chẳng từ;

Chúa ưu đãi, nâng lên hàng tâm phúc” (Ca Nhập lễ).

Theo truyền thuyết, Phêrô đã từng bị cám dỗ tìm “giải pháp an toàn” cho cộng đoàn Giáo Hội non trẻ, đã trốn chạy khỏi Rôma trong cuộc bách hại dữ dội của bạo chúa Nêrô. Tuy nhiên, trên con đường “Apia” huyền thoại, Đức Kitô đã nhắc khéo khi trả lời câu hỏi của Phêrô : “Domine Quo Vadis ?” (Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?). “Vì người đã bỏ đàn chiên mà đi, nên ta lại phải quay lại Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa chứ đi đâu” ! Phêrô đã quay về Rôma. Và rồi, bị đóng đing ngược đầu xuống đất khoảng năm 64; riêng Phaolô, vì là công dân mang quốc tịch Rôma, nên bị chém đầu cũng trên đồi Vatican sau đó mấy năm (khoảng năm 67).

Mừng lễ các ngài hôm nay chúng ta được gọi mời trở về với bài học hiệp nhất : hiệp nhất trong niềm tin và tình yêu dành cho Chúa Kitô và Hội Thánh. Hơn lúc nào hết, Hội Thánh hoàn vũ, Hội Thánh Việt Nam, giáo phận, giáo xứ, mỗi cộng đoàn… cần thiết có được tinh thần hiệp nhất nầy. Chỉ cần một yếu tố căn bản đó thôi, mỗi người sẽ vượt qua mọi đố kỵ, tỵ hiềm, chia rẽ, ích kỷ, tham vọng…để chung tay đắp xây ngôi nhà Hội Thánh.

Chúa Thánh Thần nào dập tắt sự đa dạng, phong phú, sáng tạo, đặc thù…của mỗi chi thể trong thân mình; nhưng Ngài là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất, để tất cả, như những cành nho khác nhau, đều tháp nhập vào một Thân Nho duy nhất và cùng chịu cắt tỉa để trổ sinh hoa trái.

Trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội vào thế kỷ 16,17 đã cho thấy Dòng Tên đã thành công vượt bực tại Mỹ Châu cũng như Á Châu. Nhưng cuối cùng, để duy trì sự hiệp nhất, đành chấp nhận bị giải thể một thời gian khá lâu. Nếu mà lúc đó, cả Dòng Tên đồng thanh bất tuân ĐGH, đoạn tuyệt với Giáo Hội Mẹ, chắc bây giờ chúng ta lại có một ly giáo thứ 4 với tên gọi “Kitô giáo Dòng Tên” !

Tại Giáo Hội Việt Nam hôm nay cũng thế, một “Giáo điểm Tin Mừng” có thành công vang dội đến mấy trong công cuộc “đem nhiều người trở lại”, thì cũng hãy noi gương thánh Phaolô, trở về Giêrusalem để lắng nghe “công nghị các Tông Đồ”, cho dẫu vị thủ lãnh Giáo Hội có là một anh “dân chài dốt nát ! (Cv 15,7-29). Nếu ai đó muốn “một mình một cõi”, “đường ta ta cứ đi”, thì quả thật, đã chọn con đường hoàn toàn khác biệt với con đường hai thánh Phêrô-Phaolô đã chọn, đã thiết dựng và đã xây đắp bằng chính máu của mình.

Vâng, sứ điệp của ngày đại lễ hôm nay, cũng là sứ điệp cho muôn thế hệ Kitô hữu trong mái nhà Hội Thánh được dựng xây bởi hai đại Tông Đồ Phêrô-Phaolô, đó chính là ĐỨC KITÔ LÀ TẤT CẢ.

Trương Đình Hiền (29.6.2019)

[1] Xem bản tin đầy đủ trên trang mạng vietcatholic : http://www.vietcatholic.org/News/Html/251083.htm